Đào tạo toàn diệ n chuyên sâu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về đào tạo cán bộ và vận dụng vào điều kiện hiện nay (Trang 46 - 50)

1.2. Những quan điểm đào tạo cán bộ

1.2.4. Đào tạo toàn diệ n chuyên sâu

Hồ Chí Minh chủ trương đào tạo đội ngũ cán bộ có kiến thức toàn diện gắn với chuyên sâu. Điều đó xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Cán bộ là những người tiếp thu và truyền bá lý luận tiên tiến (chủ nghĩa Mác-Lênin), lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh, là đội quân tiên phong trong mọi phong trào thi đua. Muốn thực hiện được nhiệm vụ của mình, họ phải được đào tạo ở một trình độ hiểu biết, trình độ văn hóa nhất định, phải có những kiến thức cơ bản, nền tảng về các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là những kiến thức toàn diện. Nó đòi hỏi chúng ta phải tiến hành đào tạo toàn diện cho mỗi cán bộ. Trình độ cán bộ của Việt Nam chúng ta còn thấp, do đó, công tác đào tạo, huấn luyện toàn diện cho cán bộ hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có thời gian để thực hiện. Nhưng dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải làm bởi nếu không được trang bị kiến thức nền tảng, thì đội ngũ cán bộ không thể tiếp thu lý luận, không thể lãnh đạo được nhân dân. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cán bộ phải lấy trình độ văn hóa làm gốc”, “không thể tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin nếu không biết chữ, không có sự hiểu biết nhất định”.

Nội dung của đào tạo toàn diện ấy khi thì được Hồ Chí Minh nói cụ thể là kiến thức phổ thông về lịch sử, địa lý, văn hóa, toán học, vật lý, địa lý... Nhưng cũng có khi được Người khái quát thành các lĩnh vực của hoạt động

cách mạng: huấn luyện (cũng chính là đào tạo) chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận. Điều đó dựa trên quan niệm biện chứng: mọi khoa học không tách rời nhau mà chúng luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau, cùng giúp cho đối tượng tiếp thu (người được đào tạo) phát triển, tức là giúp cho người cán bộ đảng viên phát triển hoàn thiện hơn. Huấn luyện chính trị là cung cấp thông tin thời sự, báo cáo thời sự cho cán bộ học tập, nghiên cứu và thảo luận các nghị quyết, chính sách, chỉ thị, tuyên ngôn của Đảng và Chính phủ. Huấn luyện về văn hóa là trước hết dạy cho cán bộ kiến thức thông thường về lịch sử, địa lý, làm tính, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, chính trị, cách viết báo cáo, nghĩa vụ và quyền lợi người công dân. Hồ Chí Minh cho rằng huấn luyện văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng vì phần lớn cán bộ đảng viên của ta xuất thân từ nông dân và công nhân, trình độ văn hóa còn hạn chế. Huấn luyện lý luận thực chất là đạo tạo ở một trình độ cao hơn. Người học lý luận rồi có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị để làm những công việc thực tế, có thể trở thành người tổ chức và lãnh đạo. Đó là lý luận thiết thực có ích.

Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ được giữ những cương vị, trọng trách khác nhau trên các lĩnh vực khác nhau. Vì thế bên cạnh việc được trang bị những lí luận chung, hiểu biết chung (toàn diện) thì cần phải được đào tạo chuyên sâu. Đào tạo chuyên sâu tức là đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ lý luận, khả năng thực hành sát hợp với công việc của mình để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mục đích của đào tạo chuyên sâu chính là để đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Đào tạo chuyên sâu cũng chính là tạo tiền đề cho sự phân công lao động, phân công sản xuất chuyên môn hóa nâng cao năng suất lao động - điều kiện tiên quyết không thể thiếu khi xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Riêng về cán bộ ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn về ngành ấy” [43; tr.47]. Sự thuần thục về chuyên môn (chuyên sâu) không phải chỉ có “biết” qua kinh nghiệm, qua nghe nói mà sự chuyên sâu ấy phải xuất phát từ việc học, từ việc được đào tạo cơ bản qua trường lớp, qua tổ chức : “Phải thực hành khẩu hiệu:

làm việc gì học việc ấy. Vô luận ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tổ chức, tuyên truyền, công an... cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy. Những cơ quan lãnh đạo và những người phụ trách phải có kế hoạch dạy cho cán bộ trong môn của mình, do các cấp đảng ủy giúp vào” [42; tr.270]. Đào tạo chuyên sâu theo Hồ Chí Minh cũng chính là tạo điều kiện để con người phát huy hết năng lực vốn có của mình, phục vụ tích cực vào sự nghiệp cách mạng. Người lấy ví dụ: cán bộ về tài chính phải có nghiệp vụ về tài chính, hiểu rõ chính sách tài chính và những nghị quyết về tài chính của Chính phủ; cán bộ quân sự thì phải nghiên cứu rõ về khoa học quân sự; cán bộ y tế phải nghiên cứu về y học... “Cán bộ môn nào thì nghiên cứu lý luận môn ấy. Các cơ quan lãnh đạo của mỗi môn phải gom góp tài liệu, sắp xếp cách dạy và học kiểm tra kết quả sao cho cán bộ trong môn minh dần dần đi đến thạo công việc” [42; tr.270].

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, đào tạo toàn diện và đào tạo chuyên sâu không tách rời nhau mà luôn gắn bó mật thiết với nhau, hòa quyện vào nhau để hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Đào tạo toàn diện gắn liền với chuyên sâu không được hiểu một cách khô khan, cứng nhắc, tức là đào tạo toàn diện trước, đào tạo toàn diện xong rồi mới đi vào đào tạo chuyên sâu. Trong đào tạo toàn diện đã có đào tạo chuyên sâu và trong đào tạo chuyên sâu cũng đã mang tính đào tạo toàn diện. Đây là một nét đặc sắc nữa của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác đào tạo cán bộ. Theo quan điểm của Người, trong đào tạo toàn diện (huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận) cũng có sự khác nhau với mỗi người học. Ví dụ, Người nói rằng đào tạo toàn diện phải có đào tạo chính trị (huấn luyện chính trị) nhưng không phải ai cũng được huấn luyện như nhau mà tùy theo đối tượng mà huấn luyện chính trị cho phù hợp: cùng là huấn luyện chính trị nhưng cán bộ làm công tác tuyên truyền, tổ chức sẽ học tập huấn luyện chính trị nhiều hơn những cán bộ phụ trách về y tế, văn nghệ... Hay là cùng huấn luyện về lý luận thì chương trình giành cho đối tượng học cao cấp sẽ phải sâu sắc hơn, đòi hỏi cao hơn những

đối tượng học sơ cấp và trung cấp. Điều đó có nghĩa là có sự đào tạo chuyên sâu với các đối tượng trong đào tạo toàn diện. Ngược lại, nhờ quá trình đào tạo - tự đào tạo diễn ra thường xuyên, liên tục nên người cán bộ công tác trong bất cứ một lĩnh vực nào muốn đi vào chuyên sâu, đều cần phải tiếp thu, học hỏi sự hiểu biết trên các lĩnh vực khác, góp phần làm cho bản thân hoàn thiện hơn, toàn diện hơn. Trong Bài nói tại hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu nghị quyết hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh nói một trong những nhiệm vụ cấp bách là: “Phải tích cực đào tạo, sử dụng cán bộ chuyên môn trong tất cả các ngành, các cấp. Cán bộ chính trị phải chú trọng học tập kinh tế, kỹ thuật để lãnh đạo sản xuất được tốt. Cán bộ chính trị phải biết kỹ thuật, không biết, chỉ chính trị suông, không lãnh đạo được” [49; tr22]. Với cán bộ quân đội, Hồ Chí Minh căn dặn: bên cạnh lấy giáo dục chính trị làm nền tảng thì cán bộ quân đội phải ra sức học tập quân sự và kỹ thuật, nhất là khi quân đội tiến lên chính quy, hiện đại. Người nói: “Các chú phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu... tóm lại là học để nâng cao trình độ người chỉ huy” [42; tr.684]. Việc đó chính là để đào tạo người cán bộ chỉ huy đi vào chuyên sâu. Nhưng rõ ràng, muốn học tốt chuyên sâu về chiến lược, chiến thuật, cách đánh thì người chỉ huy phải hiểu biết về địa hình, địa vật, thời tiết, khí hậu (tức là có kiến thức về địa lý), phải biết rút kinh nghiệm từ những trận đánh diễn ra trước đó (phải biết về lịch sử), phải biết so sánh tương quan hỏa lực, quân lực, hậu cần (phải hiểu biết về khoa học tự nhiên)... tức là trước hết người đó phải được trang bị kiến thức toàn diện, được đào tạo toàn diện khi đi vào đào tạo chuyên sâu.

Nhờ có quan niệm đào tạo toàn diện gắn với chuyên sâu mà trong công tác sắp xếp cán bộ, sử dụng cán bộ, Hồ Chí Minh đã có những thành công xuất sắc. Trong quá trình hoạt động, đấu tranh cách mạng, sự tổn thất hy sinh là không thể tránh khỏi. Hơn nữa, thực tiễn đấu tranh diễn ra vô cùng phong phú, phức tạp, một người cán bộ có thể phải hoạt động trong nhiều lĩnh vực

khác nhau, được giao các nhiệm vụ khác nhau. Đào tạo toàn diện gắn liền với đào tạo chuyên sâu theo quan niệm của Hồ Chí Minh giúp người cán bộ có sự thích ứng nhanh với hoàn cảnh, với yêu cầu nhiệm vụ mới. Trường hợp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một ví dụ điển hình. Do được Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt, đào tạo toàn diện, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có sự hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau: quân sự, chính trị, kinh tế... Năm 1957, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh chuyển từ cán bộ dân sự sang cán bộ quân sự, được phong quân hàm Đại tướng - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là một vị tướng tài ba nhưng được phân công phụ trách phát triển nông nghiệp, đồng chí cũng đến nhiều nông trường, lội xuống nhiều thửa ruộng để nắm bắt tình hình thực tế và đưa ra nhiều kiến nghị phát triển nông nghiệp cho Chính phủ, rất được Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu mến. Khi đế quốc Mỹ tiến hành “chiến trang cục bộ”, đưa quân viễn chinh và quân đồng minh xâm lược Việt Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại được phân công vào lãnh đạo, chỉ huy cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam. Trong bất cứ nhiệm vụ nào, hoạt động trên lĩnh vực nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Rõ ràng, nếu không được đào tạo toàn diện gắn với đào tạo chuyên sâu, đồng chí không thể thực hiện những nhiệm vụ như thế. Và còn biết bao nhiêu tấm gương khác nữa. Đào tạo toàn diện gắn với đào tạo chuyên sâu sẽ mãi là một quan điểm đúng đắn, mang phong cách Hồ Chí Minh còn được thế hệ đi sau tiếp thu và phát triển trong hoàn cảnh mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về đào tạo cán bộ và vận dụng vào điều kiện hiện nay (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)