Nhiệm vụ của kháng chiến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về kháng chiến toàn diện giai đoạn 1945 1954 (Trang 56 - 63)

2.1 Mục đích, tính chất, nhiệm vụ và đối tƣợng của cách mạng Việt Nam

2.1.2 Nhiệm vụ của kháng chiến

Sau Cách mạng tháng Tám, nước nhà mới được tự chủ, nhưng còn chưa được hoàn toàn độc lập, chế độ dân chủ cộng hòa tuy đã thành lập nhưng cũng chưa hoàn chỉnh. Do đó, Hồ Chí Minh xác định cuộc đấu tranh vũ trang tự vệ của chúng ta vẫn phải tiếp tục; và đồng thời với nó, công việc kiến thiết cũng phải được xúc tiến, để cho nước nhà được mau giàu mạnh, nhân dân

được no ấm, đất nước thoát khỏi điêu tàn. Kháng chiến và kiến quốc trở thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước là: phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để chống giặc đói; giặc dốt; sớm tổ chức Tổng tuyển cử; giáo dục cần, kiệm, liêm, chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò và tuyên bố tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết. Có thể coi đây là những nhiệm vụ cơ bản đầu tiên mà công cuộc kiến thiết lại nước nhà đã đặt ra cho Đảng, Chính phủ và nhân dân ta.

Ngày 23-9-1945, khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, toàn Đảng, toàn dân ta hướng về cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ và chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh trên toàn quốc mà Đảng ta biết là không thể tránh khỏi. Lúc này, nhiệm vụ trọng tâm là cần phải tập trung hết thảy mọi lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam, đẩy mạnh công cuộc kiến thiết ở

miền Bắc để chuẩn bị tiến hành kháng chiến. Cụ thể là củng cố chính quyền,

mở rộng Mặt trận Việt Minh và Mặt trận thống nhất Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân…

Trong những nhiệm vụ nêu trên, Hồ Chí Minh xác định, để sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc giành được thắng lợi, thì nhiệm vụ trung tâm lúc này là củng cố chính quyền nhân dân. Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đã thành công, đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xác lập quyền làm chủ của nhân dân đối với tự bản thân mình và đối với đất nước. Thắng lợi của Tổng tuyển cử bầu các đại biểu Quốc hội khóa I tháng 1-1946, sau đó là cuộc bầu cử chính quyền các cấp là những thắng lợi chính trị to lớn của nhân dân ta. Nó đánh dấu sự hoàn chỉnh của hệ thống

chính trị từ trung ương xuống địa phương do Đảng lãnh đạo. Hệ thống này sẽ có vai trò và tác dụng to lớn trong công tác xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng hậu phương, ổn định tình hình văn hóa - xã hội ở các địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển.

Đầu tháng 11 năm 1946, thực dân Pháp vẫn tiếp tục tăng cường mở rộng chiến tranh xâm lược, đi ngược lại với những cam kết đã ký với Chính phủ ta. Ngày 5-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm quan trọng “Công việc khẩn cấp bây giờ” nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể và cấp thiết của cuộc kháng chiến. Trong đó, nổi bật lên là đường lối chỉ đạo của toàn Đảng, toàn dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến toàn diện mà trên mỗi mặt đều phải bao hàm công tác phá hoại và kiến thiết - “phá hoại để ngăn địch, kiến thiết để đánh địch” [57, tr. 432]. Chương trình và những hành động cụ thể để thực hiện hai nhiệm vụ phá hoại và kiến thiết nêu trên cũng được Hồ Chí Minh nêu rất rõ trong tác phẩm này như về quân sự phải tổ chức bộ đội (tự vệ, dân quân); chỉ huy bộ đội (tự vệ, dân quân); làm khí giới; cung cấp lương thực. Về kinh tế, phải tăng gia sản xuất (gạo, muối); mua bán; thủ công nghệ (vải, giấy,vv…); vận tải. Về chính trị, phải tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, động viên dân chúng. [57, tr. 432]. Nói một cách khác, nhiệm vụ khẩn cấp lúc này của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là phải: động viên nhân lực, vật lực, tài lực, thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến; đánh Pháp, tiễu phỉ, trừ gian; giành quyền độc lập, bảo toàn lãnh thổ, thống nhất Trung, Nam, Bắc; củng cố chế độ cộng hòa dân chủ; bảo vệ sinh mệnh và tài sản cho toàn dân và ngoại kiều; tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự túc; hết sức sản xuất vũ khí; mặt trận dân tộc thống nhất có nhiệm vụ phải hiệu triệu nhân dân tham gia kháng chiến, cổ vũ binh sĩ và làm cho cuộc kháng chiến thật sự là của toàn dân và là cuộc kháng chiến toàn diện.

Với những nội dung quan trọng trên, tác phẩm “Công việc khẩn cấp bây giờ” đã phản ánh cụ thể, rõ nét nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc của cuộc kháng chiến toàn dân - toàn diện của Hồ Chí Minh trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến.

Như thế, có thể nói rằng, sau Cách mạng tháng Tám, do tính chất của cách mạng nước ta là cách mạng dân tộc giải phóng, cho nên nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cách mạng lúc bấy giờ là đấu tranh giải phóng dân tộc. Song, điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ tiến hành một cuộc kháng chiến với nhiệm vụ đánh giặc một cách đơn thuần mà trong hoàn cảnh của đất nước lúc bấy giờ đòi hỏi ta phải vừa chiến đấu vừa xây dựng, vừa chiến đấu vừa bồi dưỡng lực lượng để tiếp tục kháng chiến lâu dài và giành lấy thắng lợi cuối cùng. Công cuộc kháng chiến, do vậy, phải đi đôi với công cuộc kiến thiết đất nước, bởi vì có kiến thiết thì mới có đủ lực lượng để kháng chiến, kiến quốc là để kháng chiến mau đi đến thắng lợi.

Kháng chiến và kiến quốc trở thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám và đó cũng là quy luật của cuộc kháng chiến toàn diện do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Nước ta vốn là một nước thuộc địa. Cho nên, trong cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân ở nước ta, nhân tố dân tộc có một vị trí quan trọng bậc nhất. Đảng ta xác định, cần tập trung mọi lực lượng để đánh đổ đế quốc và tay sai của chúng để hoàn thành nhiệm vụ dân tộc. Nhưng mặt khác, cuộc chiến tranh nhân dân ở nước ta cũng là chiến tranh nhân dân ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, một nước nông nghiệp lạc hậu, trong đó, đại đa số nhân dân là quần chúng nông dân và nông dân chính là lực lượng chủ yếu của cách mạng và kháng chiến. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta hết sức

chú trọng đến việc giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề nông dân, giữa nhiệm vụ phản đế với nhiệm vụ phản phong.

Trong quá trình lãnh đạo kháng chiến thực hiện nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, xuất phát từ hoàn cảnh thực tiễn của đất nước và bằng tư duy khoa học biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết các mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ một cách sáng suốt, đúng đắn.

Xác định cuộc kháng chiến này là một cuộc chiến tranh cách mạng có tính chất dân tộc và dân chủ. Cho nên, trong khi hướng mũi nhọn của cách mạng chủ yếu vào bọn đế quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai, Hồ Chí Minh chủ trương từng bước thực hiện và thực hiện ở một mức độ nhất định nhiệm vụ cách mạng dân chủ, thực hiện giảm tô, tịch thu ruộng đất của thực dân, tay sai bán nước chia cho dân nghèo, rồi tiến lên thực hiện một cuộc cách mạng khác trong nông nghiệp, đó là thực hiện chính sách “cải cách ruộng đất” - thực hiện khẩu hiệu chiến lược của kháng chiến, đem lại “ruộng đất cho dân cày”.

Trong nhiều tác phẩm được viết sau này, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Cách mạng Việt Nam là cách mạng dân chủ mới. Trong điều kiện lịch sử của Việt Nam lúc này, hai nhiệm vụ chống thực dân Pháp (nhiệm vụ dân tộc) và xóa bỏ tàn tích phong kiến lạc hậu, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân (nhiệm vụ dân chủ) phải đi đôi với nhau. Trong đó, phải tập trung mọi lực lượng làm cho xong nhiệm vụ phản đế, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Còn nhiệm vụ dân chủ (bài trừ những tàn tích bóc lột phong kiến và cải cách ruộng đất, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân…) phải được thực hiện một cách tuần tự, có lộ trình cụ thể chứ không phải hoàn toàn gác lại, để sau khi đã làm xong nhiệm vụ phản đế rồi mới tính đến. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đảng ta tiếp tục chủ trương dùng phương pháp cải cách mà dần dần thu hẹp phạm vi bóc lột của địa chủ phong

kiến bản xứ lại (ví dụ giảm tô, giảm thuế…) đồng thời sửa đổi chế độ ruộng đất (trong phạm vi không có hại cho mặt trận thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược). Đây được coi cũng là một cách chúng ta thực hiện cách mạng thổ địa bằng một đường lối riêng biệt. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh được

Đảng ta cụ thể hóa bằng các chính sách cụ thể để “có cải cách ruộng đất, dần

dần thủ tiêu những tàn tích bóc lột phong kiến mới mong cải thiện đời sống cho quần chúng nhân dân đông đảo, làm cho số rất đông nhân dân càng ngày càng tha thiết ủng hộ chế độ cộng hòa dân chủ và tích cực tham gia kháng chiến chống đế quốc Pháp và bọn Việt gian” [25, tr. 199].

Tháng 2-1951, với thắng lợi của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam nói chung, tư tưởng kháng chiến toàn diện của Hồ Chí Minh nói riêng đã được định hình rõ nét, trở thành một hệ thống hoàn chỉnh. Về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc

này, được thể hiện rõ trong “Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam”.

Chính cương ghi rõ:

“Nhiệm vụ cơ bản hiện nay của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thực sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội.

Ba nhiệm vụ đó khăng khít với nhau. Song nhiệm vụ chính trước mắt là hoàn thành giải phóng dân tộc. Cho nên lúc này phải tập trung lực lượng vào việc kháng chiến để quyết thắng quân xâm lược”. [28, tr. 433-434]

Điều đó khẳng định cách mạng Việt Nam không thể đi con đường nào khác ngoài con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một con đường đấu tranh lâu dài, đại thể trải qua ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc; giai đoạn thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu là xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người

cày có ruộng, phát triển kĩ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; gia đoạn thứ ba, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội. Ba giai đoạn đó không tách rời nhau, mà mật thiết liên hệ xen kẽ với nhau và mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ trung tâm, phải nắm vững nhiệm vụ trung tâm đó để tập trung lực lượng vào đó mà thực hiện.

Chính cương xác định trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn thứ nhất, mũi nhọn của cách mạng chĩa vào đế quốc xâm lược. Cho nên, Đảng “phải tập hợp mọi lực lượng dân tộc, lập Mặt trận dân tộc thống nhất, kháng chiến chống bọn đế quốc xâm lược và các hàng Việt gian. Đồng thời phải cải thiện đời sống cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân lao động, để cho nhân dân hăng hái tham gia kháng chiến” [28, tr. 435].

Nhiệm vụ trung tâm của cuộc kháng chiến được Chính cương xác định là phải hoàn thành việc chuẩn bị tổng phân công và tổng phản công thắng lợi. Muốn vậy, “phải tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực vào việc kháng chiến theo khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Đồng thời phải luôn luôn bồi dưỡng lực lượng kháng chiến về mọi mặt” [28, tr. 436].

Tại Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội nghị toàn quốc của Đảng, tháng 11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh ruộng đất và quyết định thực hiện cải cách ruộng đất ở vùng tự do nhằm: xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân, thực hiện người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất để phát triển mạnh mẽ kinh tế, cải thiện đời sống, bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Tóm lại, việc Đảng ta đã giải quyết từng bước vấn đề ruộng đất để phát động quần chúng nông dân đông đảo là một trong những nhân tố chủ yếu

quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Đường lối của Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược chính là làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện kháng chiến đi đôi với kiến quốc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về kháng chiến toàn diện giai đoạn 1945 1954 (Trang 56 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)