Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.3. Kinh nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo nghề kế toán trên thế giới và ở
TOÁN TRÊN THẾ GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM
2.3.1. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới
2.3.1.1. Đào tạo nghề kế toán ở Nhật Bản
Trong đào tạo Nhật Bản coi trọng trước hết là đào tạo giáo viên dạy nghề kế toán. Tuỳ theo trình độ của người học để quy định thời gian đào tạo. Đối với những người mới tốt nghiệp phổ thông trung học đòi hỏi phải học khoá đào tạo dài hạn (4 năm), đối với những giáo viên dạy nghề kế toán hoặc những người muốn học bổ sung để lấy bằng giáo viên dạy nghề đòi hỏi phải học khoá chuyên sâu với thời gian từ 6 tháng đến một năm. Như vậy, việc đào tạo giáo viên dạy nghề nói riêng và giáo viên dạy nghề kế toán nói chung ở Nhật bản được quan tâm, mở rộng linh hoạt các hình thức đào tạo cho giáo viên để họ có điều kiện nâng cao trình độ của mình, đặc biệt quy định rõ những người tốt nghiệp phổ thông trung học muốn trở thành giáo viên dạy nghề đòi hỏi phải qua đào tạo dài hạn 4 năm.
Đào tạo nghề kế toán ở Nhật bản được chia làm 3 loại hình: đào tạo thông thường, đào tạo chuyên sâu và đào tạo công nghệ cao cho các khoá ngắn hạn và khoá dài hạn. Đối với đào tạo thông thường khoá dài hạn được dành cho những người tốt nghiệp phổ thông cơ sở hoặc phổ thông trung học, trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản để trở thành công nhân, trong đó đào tạo một năm (tương ứng với 1.400 giờ học) dành cho đối tượng tốt nghiệp phổ thông trung học và 2 năm cho đối tượng tốt nghiệp phổ thông cơ sở, còn khoá ngắn hạn dành cho công nhân các công ty, người thất nghiệp, người muốn thay đổi nghề hoặc muốn nâng cao tay nghề, thời gian học tối thiểu từ 12 giờ đến 6 tháng. Đối với đào tạo chuyên sâu, khoá dài hạn dành cho những người tốt nghiệp phổ thông trung học muốn trở thành công nhân có kiến thức và kỹ năng cao về nghề của mình trong tương lai, thời gian đào tạo là 2 năm, còn khoá ngắn hạn dành cho công nhân đang làm việc muốn nâng cao kiến thức kỹ năng nghề của mình với thời lượng từ 12 giờ đến 6 tháng. Để đào tạo cao hơn có loại hình đào tạo công nghệ cao, trong đó khoá dài hạn (2 năm) dành cho người hoàn thành khoá đào tạo chuyên sâu dài hạn để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao và khoá ngắn hạn (một năm trở xuống) - khoá học quản lý dành cho công nhân.
2.3.1.2. Đào tạo nghề kế toán ở Đài Loan
Đào tạo ở Đài Loan được chia làm 2 loại: đào tạo hàn lâm (có tính chất nghiên cứu lý luận ) và đào tạo nghề kế toán ( mang nhiều tính ứng dụng, thực hành). Theo đó sau khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở hoặc tiếp tục vào phổ thông trung học học 3 năm để tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc chuyển vào trung học nghề và tốt nghiệp sau 3 năm. Để học cao đẳng hoặc là sau khi tốt nghiệp trung học nghề học thêm 2 năm hoặc sau khi tốt nghiệp phổ thông học thêm 5 năm, hoặc tốt nghiệp phổ thông trung học, học thêm 3 năm. Từ cao đẳng muốn lên đại học đòi hỏi phải học thêm 2 năm hoặc trung học nghề học thêm 4 năm. Như vậy, việc học tập đều mở rộng cho các đối tượng tuỳ theo điều kiện và khả năng của người học.
2.3.2. Kinh nghiệm ở Việt Nam
Theo Vũ Mai Phương (2017), hiện nay, việc đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học được thực hiện ở rất nhiều trường đại học kinh tế - tài chính công lập và ngoài công lập trong cả nước. Ở nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành kế toán và kiểm toán, có đủ mọi hệ đào tạo và cấp bậc đào tạo, từ trung cấp, cao đẳng, liên thông đại học, đại học chính quy, cao học và đào tạo tiến sĩ với đủ các hệ chính quy, tại chức, đào tạo từ xa. Đó là chưa kể tới hàng trăm lớp dạy nghề kế toán và kiểm toán do các trường lớp, các trung tâm, các doanh nghiệp tổ chức dưới mọi hình thức.
Do vậy, xét về mặt số lượng, kết quả đào tạo của các trường đã phần nào đáp ứng khá tốt nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán cho giai đoạn vừa qua cũng như trong giai đoạn tới. Chẳng hạn như Đại học Kinh tế quốc dân - trường đại học đầu tiên đào tạo cử nhân Chuyên ngành Kiểm toán ở Việt Nam từ cuối những năm 1990, trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 180 cử nhân chuyên ngành Kiểm toán, khoảng hơn 100 thạc sỹ chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán và Phân tích phục vụ cho nhu cầu về nguồn nhân lực Kiểm toán của ngành Kiểm toán Việt Nam.
Các sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường đều được các cơ quan và doanh nghiệp kiểm toán đánh giá cao, có sự phát triển nghề nghiệp tốt, thích ứng với môi trường hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Không chỉ cố gắng đáp ứng nhu cầu xã hội về số lượng, Đại học Kinh tế quốc dân luôn chú trọng vấn đề chất lượng, trình độ chuyên môn của cử nhân kiểm toán được đào tạo...
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của nhiều trường hiện cũng được xây dựng theo cách hướng đến tính liên thông với các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như ACCA, CPA Australia nhằm giúp sinh viên có khả năng học tiếp, phát triển nghề nghiệp một cách thuận tiện.
Việc không ít trường giảng dạy các môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh đã giúp khắc phục rào cản ngôn ngữ, phát triển khả năng tiếng Anh trong công việc của sinh viên, hỗ trợ cho sinh viên có khả năng công tác tốt trong môi trường quốc tế khi tốt nghiệp.
Thực tế cho thấy, kế toán và kiểm toán vẫn là chuyên ngành hấp dẫn thu hút nhiều thí sinh dự thi hàng năm nhờ sức hấp dẫn về thu nhập cao, dễ kiếm việc làm ở nhiều lĩnh vực. Đây là lí do hàng năm có hàng nghìn sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán đăng kí thi vào hoặc tốt nghiệp ra trường.
Tuy nhiên, nếu xem xét về khía cạnh chất lượng đào tạo thì còn có độ lệch khá lớn giữa các trường và chất lượng nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với tình hình phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta trong dài hạn.
Thực tế cho thấy, số lượng nhân sự ngành kế toán, kiểm toán được đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo là rất lớn nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác của đối tượng này chưa cao, chưa đạt được đến mặt bằng chung của khu vực. Hiện tại, số lượng kế toán, kiểm toán viên nắm vững các thông lệ và nguyên tắc kế toán quốc tế chưa nhiều.
Tư duy tích lũy am hiểu các vấn đề toàn cầu còn hạn chế, khó hội nhập sâu rộng với kế toán, kiểm toán quốc tế. Không ít trường lại dạy quá nhiều lý thuyết trong khi sinh viên cần hơn một nền tảng kế toán, tài chính vững chắc và những kỹ năng thực hành hiệu quả. Nhiều sinh viên ra trường chưa thể nắm bắt được công việc kế toán hay kiểm toán ngay khi được giao mà phải mất thời gian đào tạo lại.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên đảm nhận giảng dạy các học phần về kế toán, kiểm toán phần lớn còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng công việc thực tế. Nhiều nhà giáo dục đại học hiện nay vẫn cho rằng đào tạo kế toán, kiểm toán ra để làm việc tại doanh nghiệp Việt Nam, theo kế toán Việt Nam, cũng phần nào ảnh hưởng đến định hướng và kế hoạch đào tạo trong tương lai.
Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 đã chỉ rõ, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp dịch vụ kế toán - kiểm toán và số lượng kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề; Mở rộng thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán trong và ngoài nước.