CHƯƠNG 3 NHỮNG ĐỔI MỚI TRONG NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN
3.2. “Thực” trong nghệ thuật tự sự
3.2.1. Vị trí của người trần thuật
“Lời trần thuật của tác giả được phân làm hai: Lời trần thuật miêu tả câu chuyện và lời bàn (bình) với hai tư cách khác nhau. Một người làm người kể chuyện khách quan “biết hết”, “biết trước” và một người bình luận về mặt đạo đức hoặc nghệ thuật có quan điểm xác định” – (Trần Đình Sử). Đây chính là điểm làm cho các truyện truyền kì giống nhau và đều cho thấy ảnh hưởng của bút pháp viết sử và sử bình vào văn học.
Mở đầu và kết thúc nhiều truyện thường có một câu hoặc một cụm từ, đại loại “chuyện này do… kể lại”. Đây là một thủ pháp nhằm tạo ra tính tin cậy cho sự việc được kể, đồng thời cũng thể hiện phương pháp sáng tác của tác giả chỉ là ghi chép lại, ý định của tác giả là giữ nguyên vẹn những tình huống được truyền đạt. Tác giả do vậy mà đã đóng thành công vai trò “người kể chuyện”. Đây là một đặc điểm tương đối mới trong truyện truyền kì giai đoạn thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, tạo nên một giọng điệu trần thuật khách quan, bình dị, khác với giọng điệu tự sự, hào hoa, truyền cảm trong Thánh Tông di thảo và Truyền kì mạn lục ngày xưa.
Người kể chuyện thường mượn một cái tên có thật để kể: “Lúc bấy giờ, chú dượng ta là Trần Đương làm tướng cai quản ở đồn, xử vụ án này” (Cá thần
– Lan Trì kiến văn lục); “Bấy giờ ta làm quan huyện Quốc Oai được nghe quan Huấn đạo huyện Lâm Thao là Nguyễn Quyền kể lại chuyện ấy. Ông lại nói: “Đã từng thấy đứa bé con của rắn khi nó được ba bốn tuổi” (Con lai rắn – Lan Trì kiến văn lục).
Người trần thuật thường là người trực tiếp tham gia – một nhân vật trong câu chuyện, hoặc được chứng kiến tận mắt câu chuyện, hoặc trực tiếp được nghe người trong cuộc kể lại. Chính vị trí này dẫn tới đặc điểm thứ hai.