Nổi bật “thực” qua thủ pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 94 - 96)

CHƯƠNG 3 NHỮNG ĐỔI MỚI TRONG NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN

3.2. “Thực” trong nghệ thuật tự sự

3.2.2.2. Nổi bật “thực” qua thủ pháp

Người chứng kiến, mượn lời người khác, khảo cứu sách vở, mồ mả… đều là những thủ pháp nghệ thuật làm nổi bật giá trị thực trong tác phẩm. Mà trước tiên, có thể thấy rõ nhất sự xuất hiện và phổ biến của kiểu sao phỏng, tục biên (nhiều tác phẩm viết lại những truyện truyền kì giai đoạn trước), và nhiều tác phẩm thể hiện có tra cứu, tìm tòi trong thư tịch, sách vở xưa, hoặc điều tra từ thực tế.

Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tậpTân đính Lĩnh Nam chích quái là hai tác phẩm còn chưa khẳng định được cụ thể tác giả và thời gian sáng tác. Nhưng dựa vào tên sách, lời dẫn, có thể khẳng định những tác phẩm này xuất hiện sau và đều dựa trên cơ sở của những tác phẩm truyền kì truyền thống đầu tiên (như Việt điện u linh tập của Lí Tế Xuyên và Lĩnh Nam chích quái – được cho là của Trần Thế Pháp) mà viết lại, có gia công, thêm thắt. Ở các truyện kì ảo hiện đại, khó có thể tìm ra kiểu sao chép, mô phỏng như vậy, chỉ thấy sự xuất hiện của những yếu tố kì ảo đã có nguồn gốc từ truyền kì: Báo oán hình dung Thần hổ là một cụ già râu tóc bạc phơ, nắm trong tay sổ sinh mệnh con người (gặp trong Chuột đậy mặt, biết điềm lành dữ của Vũ Phương Đề); Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya của Tchya lại có chi tiết về những con ma nữ, đã xuất hiện rất nhiều trong truyền kì truyền thống. Rõ ràng nghệ thuật mô phỏng của kì ảo hiện đại đã tiến bộ hơn rất nhiều so với truyền kì. Nhưng sự mô phỏng, sao chép lại các tác phẩm cũ lại là một cách minh chứng giúp tác giả khẳng định tính chân thực của nội dung truyền tải.

Những tên đất, tên người có thật, thời gian xảy ra câu chuyện cũng rất cụ thể, và ở một thời điểm không quá xa xôi, những nhân chứng và dấu vết còn lại, đã gây được độ tin cậy nhất định đối với người đọc. Như vậy, dường như tác giả ngầm thông báo rằng người đọc có thể tin vào những gì mà tác giả ghi chép được. Đây chính là nét riêng độc đáo trong bút pháp của truyền kì giai đoạn này.

Bút pháp sử truyện được sử dụng nhiều để tăng cường tính thực cho tác phẩm. Trước đây, tác phẩm Thiền uyển tập anh (chưa khẳng định rõ tác giả) ra đời vào khoảng giữa thế kỉ XIV kể về tiểu sử các nhà sư sắp xếp theo thế hệ đã rất tôn trọng nguyên tắc chép sử, bằng cách xây dựng nhân vật, cấu trúc thường theo môtip: sinh hạ, tu tập và qui tịch, tất cả đều mang màu sắc huyền thoại. Tuy nhiên, tác phẩm này còn thiên nặng về ghi chép tiểu sử, giá trị văn học chưa cao. Tính chất phả kí cũng rất đậm trong các truyện truyền kì giai đoạn thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, đặc biệt trong Truyền kì tân phả, Công dư tiệp kí. Có truyện dường như hòa mình vào cả dòng truyện kể dân gian, truyền thuyết và sử sách, do vậy nhiều lúc khiến người đọc có cảm giác như đang được nghe kể lịch sử. Việc ghi chép truyền thuyết về nhân vật và sự kiện lúc này có tác dụng và ý nghĩa giống như việc bổ sung dữ liệu cho kho sử của nước nhà, kéo văn học quay gần trở lại với thời kì “văn - sử - triết bất phân” ngày trước. Tác giả hầu như giữ nguyên dạng sự việc, nhân vật và thậm chí cả các tình tiết, khiến tác phẩm như một hình hài mà cái cốt được lấy y nguyên từ thực tế. Tất nhiên chúng cũng được trải qua quá trình tái tạo nên lời văn thanh nhã hơn, ngắn gọn hơn mà ý nghĩa lại được nâng cao hơn.

Lĩnh Nam chích quái ra đời khoảng thế kỉ XIV-XV chép lại chuyện về thời kì lịch sử xa xưa của dân tộc với những phong tục, tập quán lâu đời. So với các tác phẩm cùng loại ra đời trước đó, Lĩnh Nam chích quái phong phú hơn về nội dung thể loại. Tác phẩm đánh dấu bước ngoặt của truyện truyện kì cũng như của văn xuôi, với xu hướng tách dần văn học ra khỏi sử học, đặt tiền đề cho các

tác phẩm truyền kì về sau. Đến Lan Trì kiến văn lục, chất sử đã mờ nhạt hơn. Xu hướng lịch sử hóa các truyện dã sử rõ hơn xu hướng truyền kì hóa, kéo truyền kì về gần cuộc sống thực. Theo GS Nguyễn Đăng Na, xu hướng lịch sử “sưu tầm, ghi chép về nhân kiệt địa linh đất Việt, bao gồm các nhân vật lịch sử (người, thần) và các sự kiện lịch sử”, các truyện dân gian thường được lịch sử hóa để tỏ ra nó có thật.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đặc điểm truyện truyền kì Việt Nam thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (Trang 94 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)