3.1 Nhận xét quá trình Đảng bộ huyện Từ Liêm lãnh đạo thực hiện chính
3.1.2. Nhận xét về hạn chế
So với đổi mới tư duy kinh tế, việc đổi mới tư duy về các vấn đề xã hội của Đảng bộ Huyện còn chậm, vẫn nặng tư tưởng coi việc giải quyết các vấn đề xã hội là trách nhiệm của Nhà nước, chưa thu hút thật rộng rãi các thành phần kinh tế, các nguồn lực cho phát triển.
Chính sách giải quyết việc làm: việc đăng ký sử dụng lao động và thực hiện chế độ báo cáo của các doanh nghiệp trên địa bàn chưa được chấp hành nghiêm gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về lao động; tỷ lệ lao động thiếu việc làm và chưa có việc làm thường xuyên còn cao, nhất là lao động ở những vùng nông thôn khi Nhà nước thu hồi đất. Chất lượng nguồn lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu lao động trên địa bàn, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chưa cao, công tác dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng trên là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, một bộ phận người lao động mất đất sản xuất chưa kịp tìm việc làm mới, người lao động khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, nhận tiền hỗ trợ, đền bù nhưng chưa quan tâm tới công tác học nghề, tự tạo việc làm. Người lao động có xu hướng tìm việc làm nhàn nhưng có thu nhập cao nên khó tìm được việc làm, tốc độ lao động ngoại tỉnh đến địa bàn lớn gây áp lực cho vấn đề giải quyết việc làm của địa phương. Chất lượng lao động thấp do việc đầu tư cho công tác dạy nghề còn hạn chế, mức độ xã hội hóa trong đào tạo nghề chưa cao, tổ chức giới thiệu việc làm, tư vấn về việc làm hiệu quả còn thấp. Trình độ chuyên môn tay nghề thấp, tác phong làm việc chậm đổi mới, chất lượng lao động chưa theo kịp quá trình đòi hỏi của công việc. Bên cạnh đó, Huyện cũng chưa huy động được sự trợ giúp của các
tổ chức, các doanh nghiệp trên địa bàn cho các hoạt động đào tạo, hội thảo, tập huấn về việc làm cho người lao động. Sự phối hợp giữa các BCĐ giải quyết việc làm các cấp thiếu thường xuyên, chưa chặt chẽ, chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời.
Trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhận thức về trách nhiệm đối với công tác xóa đói, giảm nghèo ở một số xã còn chậm đổi mới, thiếu nhất quán, việc đánh giá, nắm bắt đối tượng nghèo chưa thường xuyên. Sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế, đầu tư trực tiếp cho chương trình hàng năm không lớn. Một số nơi chưa huy động được nội lực cho xóa đói, giảm nghèo, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương. Một số hoạt động trợ giúp người nghèo còn mang nặng tính bình quân, chưa thật sự phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của mỗi hộ nghèo mà chỉ mang ý nghĩa xã hội, chưa được các hộ nghèo tiếp nhận một cách có hiệu quả, đúng mục đích các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ, chưa thực sự giúp các hộ thoát nghèo như: chính sách cấp thẻ BHYT, vay vốn người nghèo từ Ngân hàng CSXH… Tỷ lệ giảm nghèo chưa vững chắc, một bộ phận dân cư đã thoát nghèo nhưng tính bền vững không cao rất dễ bị tái nghèo khi gặp rủi ro. Tuy có sự lồng ghép giữa các chương trình phát triển kinh tế xã hội với chương trình xóa đói, giảm nghèo nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đánh giá được hiệu quả của chương trình lồng ghép đó. Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo ở một số xã còn hạn chế vì chưa được chuyên môn hóa, công tác đào tạo, tập huấn chưa được ưu tiên đúng mức.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng của huyện còn những hạn chế. Đây cũng là tình trạng chung diễn ra trên phạm vi cả nước. Do điều kiện đất nước so với nhu cầu của các đối tượng có công, sự ưu đãi, sự giúp đỡ của cộng đồng chưa
đáp ứng được. Nổi cộm hơn cả trong chính sách ưu đãi với người có công là vấn đề việc làm, nhiều thương bệnh binh chưa tìm được việc làm phù hợp với tình trạng thương tật và sức khỏe của họ, nhiều gia đình liệt sỹ thiếu thốn. Bên cạnh đó, việc triển khai tổ chức tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách đối với người có công cho nhân dân cũng như cho các doanh nghiệp chưa thật sự được chú trọng, công tác tổ chức động viên những người có công như thương binh, bệnh binh, người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến, gia đình liệt sỹ… để họ tiếp tục phát huy tinh thần xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới còn chưa thường xuyên, chưa phát huy hết ý nghĩa các CSXH của Đảng. Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều lý do nhưng trong đó nguyên nhân chủ quan là chính: Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền cấp dưới nơi thực thi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước còn chưa đầy đủ, chưa thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa thực hiện CSXH nói chung, chính sách đối với người có công nói riêng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Công tác tuyên truyền giáo dục thực hiện chưa hiệu quả vì thiếu kinh nghiệm, thiếu phương pháp. Nguồn lực tài chính của huyện còn hạn chế, kinh phí thực hiện chính sách người có công chủ yếu phụ thuộc vào nguồn kinh phí do Trung ương cấp, do đó vừa thiếu lại vừa bị động.
Trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội: một số ban ngành, đoàn thể, BCĐ ở các xã, thị trấn chưa thực sự quan tâm đầu tư thời gian lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống ma túy, mại dâm một cách thỏa đáng. Việc triển khai thực hiện còn giao phó cho lực lượng công an, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các đoàn thể và quần chúng nhân dân. Áp dụng mô hình phòng, chống mại dâm còn máy móc, dập khuôn chưa phù hợp với thực tế địa bàn do vậy hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền nhiều nơi chỉ dừng lại ở bề nổi, các thông tin về tình hình tệ nạn mại dâm và phổ biến các chủ trương, chế độ chính sách mới về
phòng, chống mại dâm chỉ đến cán bộ, chưa đúng đối tượng cần tuyên truyền. Một số xã có tụ điểm mại dâm công cộng việc tổ chức truy quét, xử lý đối tượng bán dâm chưa thường xuyên, chưa kiên quyết, còn triển khai theo phong trào, theo đợt. Đánh mạnh ở khu vực này lại đến nơi khác hoạt động, đối tượng sau mỗi đợt truy quét quay trở lại địa bàn tiếp tục hoạt động, gây bức xúc. Công tác cai nghiện nhất là cai nghiện bắt buộc còn gặp nhiều khó khăn và bất cập nhất là việc đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện. Công tác dạy nghề tạo việc làm cho các đối tượng sau cai còn ít so với yêu cầu đặt ra, đó là một trong những nguyên nhân tỷ lệ tái nghiện còn cao.