1.2 Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo
1.2.2 Hồ Chí Minh và Phật giáo
Hồ Chí Minh và Phật giáo có những sợi dây liên hệ rất chặt chẽ. Tư tưởng “Từ bi hỷ xả” của Phật giáo ảnh hưởng sâu đậm đến nhân cách Hồ Chí Minh. Ở Người mang dáng dấp Đức Phật, những giá trị nhân văn và những nét tinh túy của đạo Phật tồn tại trong con người Hồ Chí Minh một cách tự nhiên, như nó vốn có.
Không khó để chúng ta nhận ra sự gần gũi, gặp nhau về tư tưởng ở Hồ Chí Minh và Phật giáo. Cũng giống như Đức Phật Thích Ca, vì thương xót (Bi) quần chúng nhân dân lao động, muốn giải thoát (cứu khổ, cứu nạn) cho nhân dân khỏi khiếp lầm than (Từ), Người đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba nơi xứ người. Gặp nhau ở lý tưởng, Đức Phật Thích Ca từng nói: “Cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn, học thuyết của ta chỉ có một vị là cứu vớt” [48, tr 108], Hồ Chủ Tịch khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[9, tr. 4]. Khát vọng công bằng xã hội, khát vọng vươn đến hạnh phúc cho loài người, cách đây hơn 2500 năm, Đức Phật dạy rằng: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn. Mỗi người khi mới sanh không phải có sẵn dấu tin-ca (tilca) trên trán, không đeo sẵn dây chuyền trên cổ”[9, tr. 4]. Còn với Hồ Chí Minh thì “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ quyền không ai có thể xâm phạm, trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” [9,
tr. 4]. Hồ Chí Minh, theo như Thích Nghiệp Đức nhận xét, là “một biểu tượng nhân bản Việt Nam, trong đạo Phật Việt Nam” [21, tr30]. Người nhận thấy Phật giáo có tư tưởng vị tha, từ bi, cứu khổ, cứu nạn, thương người như thể thương thân; tinh thần bình đẳng, dân chủ; khuyên mọi người gạt bỏ tham lam, thù hận, u mê (Tham - Sân - Si); để cho tâm hồn yên tĩnh, trí tuệ sáng suốt, hành vi chân chính ngay thẳng. Vì vậy, sinh thời Người thường bày tỏ tấm lòng kính mộ sâu sắc đối với Đức Phật, cũng như trân trọng giá trị của Phật giáo.
Trong suốt thời kỳ lãnh đạo cách mạng, mặc dù bộn bề nhưng Người vẫn luôn dành thời gian và sự quan tâm đối với tăng ni, phật tử. Sinh thời, Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên gặp gỡ trực tiếp, thăm hỏi động viên các tăng ni, phật tử và tín đồ Phật giáo, thăm viếng chùa chiền. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đến thăm chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, nói chuyện với các tăng ni, tín đồ phật tử ở đây: “Nhà nước chúng tôi luôn luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, Tăng ni và Phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” [9, tr. 5]. Khi đến thăm chùa Hương, Người đã chỉ thị cho chính quyền địa phương sửa sang lại thuyền, bắc thêm cầu phao và làm thêm đường mới để tăng ni, phật tử đi lại dễ dàng và an toàn.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Người có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với các đại biểu Phật giáo. Trong “Biên niên sự kiện về Hồ Chí Minh” đã ghi lại nhiều cuộc gặp gỡ của Người với các đại biểu Phật giáo, các cuộc thăm viếng của Người tới các chùa. Trong những dịp gặp gỡ đó, Hồ Chí Minh luôn để lại ấn tượng sâu đậm, tình cảm tốt đẹp trong lòng các hòa thượng, tăng ni, phật tử.
Ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo, cấm treo cờ Phật giáo, đốt phá chùa chiền, đàn áp phong trào đấu tranh yêu nước mang màu sắc tôn giáo, Người kêu gọi: “Hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ - Diệm và bọn
tay sai chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất” [9, tr. 6] và ra Lời tuyên bố, nghiêm khắc lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man Tăng ni, phật tử, khủng bố đồng bào miền Nam: “Bọn Ngô Đình Diệm đốt phá chùa chiền, khủng bố sư sãi và đồng bào theo đạo Phật… Tội ác của chúng, nhân dân ta đều căm giận. Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình”[9, tr. 6]. Người thường xuyên theo dõi cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đặc biệt là tới phong trào Phật giáo. Trước hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, năm 1963, nhằm phản đối chính quyền phát xít Ngô Đình Diệm, Người rất xúc động trước tấm gương hi sinh anh dũng và đã viết bài đăng báo tố cáo tội ác của Mỹ - Ngụy, ca ngợi tinh thần “Phụng đạo - yêu nước” của Hòa thượng Thích Quảng Đức: “Mỹ - Diệm càng hung ác, các vị sư sãi và đồng bào theo đạo Phật càng kiên quyết đấu tranh. Ngọn lửa tự đốt mình của Hòa thượng Thích Quảng Đức đang góp phần vào đám lửa đốt cháy cơ đồ phát xít của Mỹ - Diệm. Miền Nam, khắp cả nước và khắp thế giới đều khâm phục sự hi sinh cao vì nước, vì đạo của Hòa thượng Thích Quảng Đức” [74, tr. 25].
Hồ Chí Minh luôn ghi nhận và trân trọng những đóng góp của Phật giáo đối với dân tộc: “Trong cuộc khánh chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều, tôi cảm ơn đồng bào và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi cho đến ngày trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” [74, tr. 23]. Vào dịp Lễ Phật Đản, các kỳ Đại hội Phật giáo, Người thường viết thư thăm hỏi, chúc mừng. Tại Đại hội Phật giáo lần thứ III, ngày 28 tháng 9 năm 1964, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng, trong thư viết: “Các vị tăng ni, tín đồ phật tử trước đây có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà” [91, tr. 5]. Hay Lễ Phật Đản, Người cũng gửi thư “Nhân dịp lễ Đức Phật Thích Ca thành đạo, tôi thân ái gửi tới các vị tăng ni, và đồng bào tín đồ lời chào đại hào hợp” [74, tr. 25].
Đánh giá đúng vai trò của Phật giáo trong lịch sử cũng như trong quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh chủ trương giúp đỡ tôn giáo thành lập các tổ chức yêu nước, ngày 15 tháng 3 năm 1946, Hồ Chủ Tịch đã
ký sắc lệnh thành lập Việt Nam Phật giáo Hội tại trụ sở 73 Quán Sứ. Năm 1951, tổ chức Phật giáo cứu quốc ra đời trong Mặt trận Việt Minh. Hồ Chí Minh cũng chủ trương đưa thành phần Phật giáo yêu nước tham gia vào Mặt trận Liên - Việt và sau là Mặt trận Tổ quốc. Một số tín đồ phật tử được bầu làm đại biểu Quốc hội. Điều này đã làm tăng sức mạnh của Phật giáo.
Từ đó cho thấy, Hồ Chí Minh gắn bó sâu sắc với Phật giáo. Ở Người hội đủ những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Luôn đề cao những lý tưởng cao đẹp của đạo Phật, khẳng định những lý tưởng đó phù hợp với mục tiêu đấu tranh của nhân dân, cũng tức là: “Hồ Chí Minh coi giới Phật giáo là lực lượng to lớn và tích cực của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ và trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh như Người hằng mong ước”[74, tr. 32]. Thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn trọng tự do tín ngưỡng đạo Phật nói riêng, Hồ Chủ Tịch đã kết nối được tinh thần của đạo Phật trong tinh thần của dân tộc, kết nối được một bộ phận đông đảo Tăng ni, phật tử và quần chúng tín đồ Phật giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, mà điển hình là trong mối quan hệ của Người với Phật giáo, thể hiện sự sáng tạo và tầm trí tuệ trong nhận thức tôn giáo mácxít. Người có công đầu đặt nền móng, hình thành tư duy nhận thức tôn giáo mácxít trong Đảng Cộng Sản Việt Nam và cũng chính Người
mở đầu cho mô hình Nhà nước thế tục đầu tiên ở Việt Nam qua Sắc lệnh 234 năm 1955. Người đã “Vượt qua lối nhìn tả khuynh phổ biến trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc đó” [34, tr. 521], vượt lên những cái nhìn định kiến về tôn giáo trong thời điểm đầu thế kỷ XX, để dung hòa mối quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc. Nhờ tìm được mẫu số chung đó, Hồ Chí Minh đã tập hợp được lực lượng đông đảo quần chúng có tín ngưỡng cùng tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng. Người đã khắc phục được tư tưởng “tả khuynh” sai lầm mà một số Đảng đã mắc phải và có những định hướng đúng đắn trong nhận thức và trong thực tiễn cho Đảng ta trong quá trình lãnh đạo
cách mạng. Cùng với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Hồ Chí Minh đã ghi lại dấu ấn sâu đậm trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo, cho đến ngày nay. Nó trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho Đảng và Nhà nước ta trong công tác quản lý tôn giáo.