Khái quát về thanh niên thủ đô Hà Nội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết hợp truyền thống và hiện đại trong giáo dục đạo đức cho thanh niên thủ đô hà nội (Trang 28 - 31)

8. Kết cấu của luận văn

2.1. Khái quát về thanh niên Thủ đô Hà Nội và tình hình đạo đức, giáo dục

2.1.1. Khái quát về thanh niên thủ đô Hà Nội

* Khái niệm thanh niên

Luật Thanh niên được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 8, khóa XI nêu rõ: “Thanh niên quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”. Đây là thời kỳ sung sức nhất của mỗi con người về thể chất, có sự phát triển mạnh về trí tuệ, nhạy bén, năng động, sáng tạo, có nhiều ước mơ, hoài bão.

Từ góc độ tâm lý học, thanh niên là một độ tuổi, ở giữa lứa tuổi trẻ em và tuổi trưởng thành. Ở giai đoạn này, sự phát triển về thể chất đạt đến đỉnh cao, tuy nhiên, các yếu tố tâm lý mới được định hình và ổn định một cách tương đối. Thanh niên có sự khác biệt lớn về nhiều mặt (tuổi, nơi sinh sống, nghề nghiệp…), do đó, các đặc điểm tâm lý của thanh niên rất phong phú, đa dạng, tuy nhiên, có một tính chất chung, đó là tính trẻ. Tính trẻ được thể hiện ở sự năng động, nhiệt huyết, chấp nhận mạo hiểm, giàu mơ ước và hoài bão lớn, thích cái mới, thích giao lưu, học hỏi và mong muốn có những đóng góp cho xã hội để khẳng định bản thân.

Về mặt sinh học, các nhà nghiên cứu coi thanh niên là một giai đoạn xác định trong quá trình tiến hóa của cơ thể. Các nhà tâm lý học thường nhìn nhận thanh niên là một giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thơ phụ thuộc sang hoạt động độc lập với tư cách là một công dân có trách nhiệm.

Dưới góc độ kinh tế học, thanh niên được xem là một lực lượng lao động xã hội, nguồn bổ sung cho đội ngũ lao động trên tất cả các lĩnh vực.

Từ góc độ xã hội học, thanh niên được xem là một nhóm xã hội của những người mới lớn, đây là một nhóm động, không ổn định, như một dòng chảy, thường xuyên đón nhận những thành viên mới và chia tay với những người đã trưởng thành, vượt quá phạm vi lứa tuổi của nhóm.

Với các triết gia, văn nghệ sĩ, thanh niên lại được định nghĩa bằng cách so sánh hình tượng: “thanh niên là mùa xuân của xã hội”, là “bình minh của cuộc đời”.

* Thanh niên Thủ đô Hà Nội

Tại buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện pháp luật, chính sách thanh niên và công tác thanh niên năm 2014 vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, hiện Hà Nội có khoảng 2,7 triệu thanh niên (từ 16 - 30 tuổi), chiếm trên 33% tổng dân số của Thủ đô.

Đây là thế hệ thanh niên thời kỳ mới, tiếp nối truyền thống hào hùng của Thủ đô và dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; không ngại khó khăn, gian khổ, tình nguyện vì cộng đồng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, có trình độ học vấn khá cao; quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đưa đất nước phát triển, xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mong muốn được tin tưởng, được cống hiến, có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh phong phú, môi trường sống an toàn.

Thanh niên Thủ đô nhìn chung có nguyện vọng được tham gia các tổ chức đoàn, hội. Công tác Đoàn và phong trào thanh niên Thủ đô tiếp tục được cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị cũng như đoàn cấp trên quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện tổ chức hoạt động. Nhiều phong trào, cuộc vận động, mô hình mới được triển khai từ nhiệm kỳ XIII sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ trong nhiệm kỳ mới.

Tuy nhiên, trong các lĩnh vực của đời sống, giữa các đối tượng thanh niên của Thủ đô có sự phân hoá ngày càng rõ nét về học vấn, mức sống, điều kiện tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hoá. Một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm tới tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội

trong thanh niên Thủ đô đang gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Vấn đề thiếu việc làm, việc làm không ổn định, cạnh tranh lao động và thu nhập thấp vẫn là bức xúc của thanh niên. Xã hội thông tin, môi trường mạng internet đã có những tác động ngày càng sâu rộng đến tư tưởng, tâm lý, thói quen và hành động của thanh thiếu niên; sự kết nối thanh niên qua mạng xã hội, hình thành các nhóm tự phát theo sở thích, cạnh tranh ảnh hưởng và tác động chi phối thanh niên là những thách thức đặt ra đối với công tác Đoàn trong thời kỳ mới. Cùng với đó, nhu cầu của đoàn viên thanh niên và đòi hỏi đối với tổ chức đoàn ngày càng cao. Mô hình tổ chức của Đoàn các cấp tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề mới. Công tác thu hút tập hợp thanh niên và duy trì nề nếp sinh hoạt chi đoàn là việc khó trong tổ chức và hoạt động của Đoàn. Công tác giáo dục của Đoàn đứng trước những đòi hỏi và yêu cầu mới.

Với vị trí là trái tim của cả nước, phong trào của thanh niên Hà Nội vừa phải đáp ứng những yêu cầu của tuổi trẻ Thủ đô, vừa có trách nhiệm đóng góp tích cực cho phong trào chung của thanh niên cả nước. Trong khi đó, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ đoàn chuyên trách còn nhiều khó khăn, bất cập, bệnh thành tích, hành chính hoá trong tổ chức Đoàn vẫn chưa được khắc phục; trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ đoàn có nguy cơ tụt hậu so với thanh niên. Những thời cơ, thách thức mới đòi hỏi Đoàn thanh niên Thành phố phải đổi mới một cách sâu sắc về nhận thức, tư tưởng, tổ chức và hành động để có thể thích ứng được với tình hình thực tiễn, khẳng định và phát huy chức năng là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, là đội dự bị tin cậy của Đảng.

Là lực lượng đáng kể trong dân số thành phố, nhìn chung thanh niên Hà Nội có trình độ văn hoá cao, năng động, thích ứng nhanh với cơ chế mới, đặc biệt là việc tiếp thu khoa học, công nghệ mới, có ý chí vươn lên để lập thân và lập nghiệp, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu.

Về tình hình tư tưởng thanh niên, nhìn chung được giữ ổn định, có bước chuyển biến mới trong nhận thức và ý thức chính trị. Đại bộ phận thanh niên tiếp tục thể hiện sự tin tưởng vào đường lối và sự lãnh đạo của Đản bằng những việc

làm thiết thực thông qua phong trào thanh niên tình nguyện, thông qua đó, vai trò và uy tín của người đoàn viên thanh niên được nâng lên.

Tuy nhiên, tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý trong thanh niên vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Tính đến hết ngày 30/9/2011, Hà Nội có 20.600 người nghiện ma túy có hộ khẩu ở Hà Nội, trong đó có khoảng 73% trong độ tuổi thanh niên (theo báo cáo hình hình dịch HIV/AIDS giai đoạn 2006 – 2011 của Trung tâm phòng chống AIDS Hà Nội). Số vụ thanh niên phạm pháp vẫn còn ở mức cao. Các thế lực thù địch tiếp tục phá hoại tư tưởng, đạo đức, lối sống của thanh niên thông qua các tổ chức tôn giáo để lôi kéo, lợi dụng thanh niên, đặc biệt là học sinh – sinh viên. Yêu cầu việc làm cho thanh niên vẫn còn đang đặt ra hết sức bức xúc bởi tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động (đa phần là thanh niên) vẫn còn ở mức cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kết hợp truyền thống và hiện đại trong giáo dục đạo đức cho thanh niên thủ đô hà nội (Trang 28 - 31)