B. NỘI DUNG
1.1. Khái quát về giai cấp công nhân và công nghiệp hóa,hiện đại hóa
1.1.2. Quan niệm về công nghiệp hóa,hiện đại hóa
Có nhiều quan niệm khác nhau về công nghiệp hóa nhưng chủ yếu là hai quan niệm sau:
Một là, theo nghĩa hẹp, công nghiệp hóa là quá trình phát triển công nghiệp trong một thời kỳ nhất định, trong đó nền sản xuất xã hội được tổ chức theo lối công nghiệp dựa trên cơ sở thay thế lao động thủ công bằng máy móc và máy móc chiếm ưu thế.
Hai là, theo nghĩa rộng, công nghiệp hóa là quá trình công nghiệp liên tục, cải tổ thường xuyên cơ cấu kinh tế theo hướng ngày càng hiện đại, ngày càng đa dạng. Đối với nước ta, một nước có nền kinh tế kém phát triển - tiểu nông lạc hậu quá độ lên chủ nghĩa xã hội “bỏ qua” chế độ tư bản chủ nghĩa thì vấn đề đặt ra là phải xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, đảm bảo cho “CNXH có thể phát triển trên cơ sở của chính mình”. Chính vì
vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đó được Đảng ta xác định là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Ngay từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), Đảng ta đó xác định nhưng nội dung cơ bản của công nghiệp hóa là: Thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa bằng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng đồng thời phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.
Đại hội IV, V, VI của Đảng đó tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa từng bước nội dung Công nghiệp hóa; trong đó đáng lưu ý là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đó đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược về công nghiệp hóa từ chỗ “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng” sang “lấy nông nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu làm trọng tâm”. Từ đó đến nay, việc nhận thức và cách thức thực hiện công nghiệp hóa từng bước phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII đã xác định một bước cơ bản nội dung công nghiệp hóa ở nước ta hiện nay: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao[13, tr. 65].
Trong bối cảnh hiện nay, công nghiệp hóa phải gắn liền với hiện đại hóa. Bởi lẽ, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ chỗ theo những quy trình công nghệ thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến những quy trình công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tạo ra năng suất lao động, hiệu quả và trình độ văn minh kinh tế - xã hội cao. Điều này cũng lý giải tại sao nếu Công nghiệp hóa không gắn liền với hiện đại hoá thì Việt Nam khó tránh khỏi tình trạng sẽ là bãi rác thải công nghiệp của các quốc gia công nghiệp phát triển, và việc tụt hậu ngày càng xa so với các quốc gia phát triển sẽ là điều hiện thực.
Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ tạo ra tiền đề, điều kiện, mở ra triển vọng và đặt ra yêu cầu cho việc xây dựng giai cấp công
nhân phát triển toàn diện về mọi mặt, cả về số lượng và chất lượng bởi vì giai cấp công nhân không chỉ là sản phẩm và thành quả mà cũng là lực lượng chính của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá.
Như vậy, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh toàn diện không có con đường nào khác ngoài việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi lẽ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cơ sở, điều kiện, và là môi trường để phát triển công nhân; ngược lại, sự phát triển lớn mạnh của giai cấp công nhân lại làm cho quá trình công nghiệp hoá diễn ra mạnh mẽ hơn. Không có sự lớn mạnh của giai cấp công nhân thì không có thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này không chỉ đúng trên bình diện quốc gia dân tộc mà ngay từng tỉnh, từng địa phương, trong đó có tỉnh Nam Định cũng vậy.
1.1.3. Mối quan hệ giữa giai cấp công nhân với sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ nhất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo điều kiện và môi trường khách quan cho sự phát triển của giai cấp công nhân
Công nghiệp hóa là một giai đoạn tất yếu của mỗi quốc gia. Đối với nước ta, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, muốn tiến lên CNXH, nhất thiết phải trải qua Công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa giúp phát triển lực lượng sản xuất, làm thay đổi căn bản công nghệ sản xuất, tăng năng suất lao động. Đây là thời kỳ tạo tiền đề vật chất để không ngừng củng cố và tăng cường vai trò của kinh tế nhà nước trong điều tiết sản xuất và dẫn dắt thị trường. Đồng thời, Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện tăng cường củng cố an ninh, quốc phòng và là tiền đề cho việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức tham gia một cách có hiệu quả vào sự phân công và hợp tác quốc tế.
Trong quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nước ta có thuận lợi cơ bản là nước đi sau, có thể học hỏi được kinh nghiệm thành công của những nước đi trước và có cơ hội rút ngắn thời gian thực hiện quá trình này. Trước
đây, nước Anh thực hiện Công nghiệp hóa đầu tiên, phải mất 120 năm; nước Mỹ đi sau, chỉ mất 90 năm; sau nữa là Nhật Bản xuống còn 70 năm; và các nước công nghiệp mới (NICs) có hơn 30 năm. Việt Nam thực thực hiện quá trình này trong bối cảnh loài người đang bắt đầu chuyển sang phát triển kinh tế tri thức, với sự bùng nổ của tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ gen, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới... đúng như tiên đoán của C.Mác và Ph. Ăng-ghen từ giữa thế kỷ XIX: ''Tri thức sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp''. Đây chính là cơ hội lịch sử hiếm hoi mà thời đại tạo ra để các nước đi sau như Việt Nam rút ngắn khoảng cách và đuổi kịp các nước đi trước. Việc chuyển nền kinh nước ta sang hướng phát triển dựa vào tri thức trở thành yêu cầu cấp thiết không thể trì hoãn.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và từng bước vững chắc chuyển sang nền kinh tế tri thức là có căn cứ khoa học và phù hợp với xu thế chung của thời đại. Thể hiện nhất quán tư tưởng đó, Đại hội X khẳng định: “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với sự phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [16, tr.95]. Như vậy, công nghiệp hóa,hiện đại hóa đặt ra yêu cầu khách quan phải phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, mà đặc biệt là về chất lượng của giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay. Tính đến đầu năm 2007, tổng số công nhân nước ta có khoảng 9,5 triệu người (chiếm tỷ lệ 11% dân số và 21% lực lượng lao động xã hội), bao gồm: số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tư nhân và tập thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; số công nhân làm việc trong các hộ sản xuất kinh doanh cá thể (trong lĩnh vực công nghiệp hoặc có tính chất công nghiệp); số lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng
ở nước ngoài (chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp); số lao động chân tay trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước, đoàn thể.
Thứ hai, sự phát triển của giai cấp công nhân là yếu tố có ý nghĩa quyết định và là chủ thể trực tiếp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, đang tiếp tục phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng; đóng góp trực tiếp to lớn vào sự phát triển của đất nước.
Giai cấp công nhân nước ta đang tăng nhanh về số lượng và có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế. So với cuối năm 2003 đến đầu năm 2007, số công nhân trong các doanh nghiệp tăng 30,5%; trong đó, công nhân doanh nghiệp của tư nhân và tập thể tăng 63%, công nhân doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 68%, công nhân doanh nghiệp nhà nước giảm 15%.
Ðội ngũ công nhân nước ta ngày càng đa dạng về cơ cấu ngành nghề, với trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp được nâng lên đáng kể. Ðội ngũ công nhân đang tăng nhanh trong một số ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế (điện lực, dầu khí, điện tử, tin học, viễn thông...); đồng thời cũng đang phát triển mạnh ở một số ngành sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu (dệt may, giày da, chế biến thủy sản...). Ðã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức (có trình độ cao đẳng, đại học trở lên) làm công tác quản lý sản xuất kinh doanh, nghiên cứu và quản lý khoa học kỹ thuật gắn với sản xuất kinh doanh hoặc trực tiếp sản xuất. Hàng chục vạn cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, công nhân bậc cao và thợ giỏi đã năng động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến có giá trị cao được áp dụng.
Giai cấp công nhân nước ta đang là một lực lượng sản xuất cơ bản, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế quốc dân theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp công nhân đã đóng góp trực tiếp to lớn vào sự nghiệp phát triển của đất nước, đưa nền kinh tế vượt qua thời kỳ suy giảm, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và phát triển tương đối toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh, tăng cường tiềm lực và cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nước ta từ nay đến năm 2020 và thời gian tiếp theo là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển. Để thực hiện được nhiệm vụ này phải phát triển tối đa các nguồn lực, trong đó nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Trong nguồn nhân lực của đất nước, giai cấp công nhân là lực lượng cơ bản, chủ yếu và tham gia trực tiếp nhất vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử quan trọng và vĩ đại này, tất yếu giai cấp công nhân phải không ngừng tăng nhanh về số lượng, phát triển về chất lượng, vững vàng về lập trường, tư tưởng và kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng phải thực sự là lực lượng đi tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.