1.1.3 .Khái niệm lối sống
2.1. Các yếu tố xã hội ảnh hƣởng đến lối sống của thanh niên Việt Nam
2.1.2. Nhà trường và giáo dục học đường
Nhà trường và giáo dục học đường là một trong những yếu tố tác động quan trọng nhất đối với quá trình phát triển nhân cách và định hướng lối sống của thanh niên. Bởi trong cuộc đời mỗi người thì thời gian đi học chiếm phần lớn tuổi thanh niên. Ngay từ khi sinh ra cho đến khi kết thúc tuổi thanh niên, nhà trường và giáo dục học đường là nơi con người dành nhiều thời gian, thậm chí tương đương với thời gian mà họ dành cho gia đình mình. Nhà trường chính là một môi trường xã hội đặc biệt, với hai mối quan hệ xã hội đặc thù là mối quan hệ thầy trò và mối quan hệ giữa học sinh hay sinh viên với nhau. Hơn nữa, chính tại nhà trường và nhờ giáo dục học đường, thanh niên tiếp thu được nhiều tri thức về tự nhiên và xã hội, các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng sống, những bài học về đạo đức, pháp luật, tôn giáo, chính trị và văn hóa… Đây là những hành trang giúp cho họ vững bước vào đời. Những nội dung giáo dục trong nhà trường cũng có tác động quan trọng và trực tiếp đối với sự định hướng lối sống của thanh niên, đồng thời để lại dấu ấn trong suốt cuộc đời họ.
Theo kết quả của cuộc điều tra SAVY2 thì tỷ lệ thanh niên Việt Nam từng đi học đã tăng lên đáng kể: 99% đối với nam và 98% đối với nữ. [Xem 17] Theo đó, đa số thanh niên Việt Nam đều có một khoảng thời gian gắn bó với nhà trường và với giáo dục học đường. Theo SAVY 2, có 91% vị thành niên và thanh niên có sự gắn kết tốt với nhà trường. Số có sự gắn kết với nhà trường yếu chỉ có 9%. [Xem 7]
Các chuyên gia khẳng định, người có sự gắn kết tốt với nhà trường sẽ có thái độ học tập tích cực, cầu tiến và thường có kết quả học tập tốt. Người không có sự gắn kết tốt với nhà trường sẽ ít bị ảnh hưởng bởi sự giáo dục chính thống và sẽ có nhiều nguy cơ lựa chọn hành vi có nhiều rủi ro cho bản thân, gia đình và xã hội. Theo báo cáo chuyên đề về Giáo dục nhà trường của
SAVY2 thì những hành vi được coi là nguy cơ của vị thành niên và thanh niên là thử tự tử, hút thuốc lá,thuốc lào; uống rượu, bia; sử dụng ma tuý; quan hệ tình dục trước hôn nhân; gây rối; quan hệ tình dục với người mua bán dâm; đánh bạc; có thai, phá thai. [Xem 18] Trong những người có hành vi nguy cơ cao thì nhóm vị thành niên và thanh niên đã nghỉ học chiếm đa số, như vậy các vị thành niên và thanh niên đang học trong nhà trường đã được tác động tích cực hơn.
Nhà trường ngoài việc cung cấp các kiến thức khoa học còn là giữ vai trò trung tâm trong giảng dạy kỹ năng sống, kiến thức về sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên. Có 61% những người đã từng đi học cho biết họ có được học chính khóa hay ngoại khóa về sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS. [Xem 7] Kiến thức về HIV tăng lên theo tuổi tác và trình độ học vấn, từ 9,9% đối với những người không đi học lên đến 77,6% với những người trong trường cao đẳng/đại học. [Xem 18]
Mặc dù, khoảng thời đó với mỗi người không giống nhau nhưng giáo dục nhà trường vẫn là một trong những nhân tố đã để lại dấu ấn sâu đậm trong quá trình phát triển nhân cách và lựa chọn lối sống của họ.
Ở đây, chúng tôi không có tham vọng đánh giá về nền giáo dục Việt Nam, mà chỉ muốn làm rõ sự tác động của nhà trường và giáo dục nhà trường đối với quá trình phát triển nhân cách và định hướng lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay. Nền giáo dục Việt Nam hiện đại, ra đời từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cho đến nay đã có đóng góp vô cùng to lớn đối với việc xây dựng những thế hệ người Việt Nam mới với nền tảng tri thức, kỹ năng, với những giá trị tinh thần, đạo đức ưu việt. Đồng thời, chính nền giáo dục đó là nhân tố đã tạo nên cơ sở quan trọng nhất để hình thành nên trong các thế hệ thanh niên Việt Nam những phẩm chất, năng lực và lối sống tích cực.
Mặt khác, những khuyết tật hay những bất cập của nền giáo dục Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu của xu hướng lối sống tiêu cực, không lành mạnh của giới trẻ hiện nay.
Một là, vấn đề áp lực học tập đối với thanh niên. Nó có ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến đời sống tâm lý và định hướng lối sống của những thanh niên đi học. Theo SAVY, có tới 90,8% thanh niên cho biết họ đã cố gắng trong học tập, 73% cho rằng chương trình học tập phù hợp, không quá tải. Trong khi đó, tỷ lệ thanh niên cho rằng chương trình học tập quá tải là 16,2% (15% ở tuổi 14-17, 25,2% ở nhóm tuổi 22-25). Trong cuộc điều tra SAVY2 thì chỉ có chưa đầy 10% số thanh niên được hỏi cho biết là chương trình học tập quá tải đối với họ, 23% trong số đó có cảm giác buồn chán vì điều này. [Xem 2]. Như vậy, chương trình học tập đối với thanh niên Việt Nam là phù hợp, vừa sức. Cái gọi là “áp lực học tập” không đến từ chương trình học tập nói chung mà nó đến từ những yếu tố khác, có cả những yếu tố ngoài nhà trường.
Một thực tế của xã hội nước ta hiện nay là tất cả mọi ngả đường giáo dục đều hướng đến cổng trường đại học. Theo cuộc điều tra SAVY thì 90% thanh niên đang đi học ở bậc phổ thông cho biết họ thực sự muốn vào đại học, trong khi thực tế chỉ có khoảng 10% số học sinh tốt nghiệp phổ thông có cơ hội này. Trong những năm gần đây, những kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và thi tuyển sinh đại học đã có những hiện tượng đau lòng: một số thanh niên đã tự tử vì bị thi trượt. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho tác động tiêu cực của áp lực học đường đối với lối sống của một bộ phận thanh niên nước ta hiện nay.
Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những nguyên nhân bắt nguồn từ phương thức tổ chức đào tạo và thi cử. Có những nguyên nhân bắt nguồn từ phương thức tuyển dụng lao động. Song cũng có những nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ truyền thống trọng học, trọng khoa
cử, háo danh đã tồn tại từ lâu trong lịch sử dân tộc ta. Chúng tạo nên một áp lực ghê gớm đối với toàn hệ thống giáo dục, với cha mẹ học sinh và đối với học sinh. Đó chính là nguyên nhân gây ra nhiều vấn nạn như nạn “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy điểm”, học thêm…
Phải thừa nhận rằng áp lực học đường cũng có tác động tích cực, góp phần giúp cho cả học sinh và gia đình, thầy cô giáo nỗ lực trong dạy và học. Song, nó cũng gây ra nhiều hậu quả, làm đầu độc bầu không khí học đường, góp phần gây ra bệnh thành tích, làm suy giảm chất lượng, tha hóa đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên, đặc biệt có những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách và định hướng lối sống của giới trẻ nước ta như hiện tượng học sinh hành hung thầy, cô giáo, học sinh đánh nhau, bỏ học, lập băng nhóm giang hồ đi bụi…
Vấn đề thứ hai là, trạng thái tâm lý căng thẳng do áp lực học đường sẽ càng gia tăng khi học sinh, sinh viên cảm thấy hoặc cho rằng mình bị nhà trường hoặc thầy, cô giáo đối xử không công bằng hay bị phân biệt đối xử. Trong môi trường học đường có sự phân biệt giữa các nhóm học sinh con nhà giàu với các nhóm học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sự phân hóa giàu nghèo trong nội bộ học sinh đã có tác động tiêu cực không nhỏ tới quá trình phát triển nhân cách và định hướng lối sống của các nhóm học sinh. Nhóm học sinh con nhà giàu có xu hướng khoe khoang sự giàu có của gia đình: khoe các đồ dùng đắt tiền, khoe và tiêu tiền thoải mái…; sớm sa vào xu hướng sống buông thả, đua đòi, thậm chí lao theo những kiểu thác loạn. Trong khi đó, những nhóm học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn rất dễ phát sinh tâm lý tự ti, chán nản, buồn rầu, bất mãn. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ của giáo dục nhà trường là phải tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, đối xử công bằng, giàu chất nhân văn với học sinh để qua đó giáo dục
đạo đức, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển nhân cách của học sinh, góp phần hướng học sinh tới lối sống lành mạnh.
Trong cuộc điều tra SAVY, đánh giá về môi trường giáo dục, 90% thanh niên đồng ý với nhận định rằng các thầy, cô giáo đối xử công bằng với tất cả học sinh, sinh viên. Đáng chú ý là tỷ lệ nam thanh niên đồng ý với nhận định này cao hơn (92%) so với tỷ lệ nữ thanh niên(87%). Trong nhóm nữ thanh niên trong độ tuổi từ 22-25, tỷ lệ không đồng ý với nhận định trên lên đến 25%. Hơn 5 năm sau, cuộc điều tra SAVY2 cho biết nhìn chung những người đi học đánh giá tích cực về nhà trường, hơn 90% nói rằng họ được đối xử công bằng trong nhà trường, không có phân biệt trong cư xử giữa học sinh nam và nữ, được giúp đỡ và khuyến khích trong học tập và nhận được những lời khen ngợi từ các giáo viên của. [Xem 18] Như vậy, môi trường học tập có ảnh hưởng khá nhiều đến trạng thái tinh thần của nhóm dân số này.
Vấn đề thứ ba là hiện tượng tha hóa, biến chất, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên, làm vẩn đục môi trường giáo dục nhà trường. Điển hình nhất như vụ một thầy giáo bị tố cáo gạ gẫm nữ sinh đổi “tình” lấy điểm [Xem 53]; cuộc “săn” trinh nữ của hiệu trưởng Sầm Đức Xương [Xem 1]. Khi đọc những dòng tin này thì bất kỳ ai có lương tâm đều cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm và hết sức phẫn nộ. Chính sự tha hóa đạo đức của một bộ phận thầy, cô và cán bộ quản lý giáo dục đã ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của học sinh đối với đội ngũ thầy cô giáo nói chung. Đây là một nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện và lây lan những xu hướng lối sống tiêu cực trong thanh niên học sinh, sinh viên.
Một hiện tượng khác cũng gây ra nhiều bức xúc trong công luận gần đây là hiện tượng tham nhũng trong giáo dục, mà điển hình là nạn “chạy điểm”. GS. TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân, đã chỉ ra 9 hình thức tham nhũng trong hệ thống giáo dục
phổ thông gồm: chạy trường (năm 2006, muốn vào học trường PTTH Lê Quý Đôn, TP. Hồ Chí Minh mất 2000 USD); chạy điểm (vụ chạy điểm 553 triệu đồng ở Bạc Liêu); tham nhũng qua chạy thêm; lạm thu phí giáo dục; độc quyền xuất bản sách giáo khoa; tham nhũng trong tuyển dụng, đề bạt và luân chuyển giáo viên; rút ruột các công trình xây dựng (kiên cố hóa trường học phát hiện 14% phòng học thất thoát hơn 27 tỷ đồng); xà xẻo khi mua thiết bị dạy học; xà xẻo kinh phí dự án giáo dục. [Xem 41]
Bên cạnh những hiện tượng tiêu cực nói trên, sự bất cập của chương trình giáo dục và trong nội dung của một số môn học cũng góp phần tạo nên những khuyết tật và thất vọng của học sinh, sinh viên. Đó chính là sự thiếu vắng hay hết sức sơ sài của các môn học kỹ năng sống. Dường như hệ thống giáo dục ở Việt Nam mới chỉ chú trọng vào việc trang bị kiến thức chứ rất ít quan tâm đến dạy các kỹ năng sống, nhất là các kỹ năng ứng xử, tự điều chỉnh bản thân trước sự biến đổi mau lẹ, trước tình huống xung đột và khẩn cấp. Vì thiếu những kỹ năng này nên khi phải đương đầu với những tình huống trên, thanh niên dễ bị cuốn theo, sa vào các loại tội phạm, tệ nạn, buông trôi bản thân… Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh và lây lan các xu hướng lối sống tiêu cực trong thanh niên Việt Nam hiện nay.