Đặc điểm tâm lý của cha mẹ có con mắc hội chứng tự kỷ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu sự thích ứng với hoàn cảnh có con tự kỷ của cha mẹ ở hà nội (Trang 34 - 36)

Chƣơng 1 : CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI

1.2. Một số khái niệm cơ bản của đề tài

1.2.7. Đặc điểm tâm lý của cha mẹ có con mắc hội chứng tự kỷ

Trên trái đất, có một nơi được gọi là gia đình, là tổ ấm nếu ở đó có cha, có mẹ và có con. Đứa con chính là một loại keo đặc biệt kết dính các thành viên trong gia đình. Sự ra đời của bất kì đứa trẻ nào cũng dẫn đến sự thay đổi cơ cấu, động cơ, chức năng, vai trò của gia đình và cả cuộc sống của các thành viên trong gia đình đó. Cha mẹ thường mơ ước và đặt nhiều hi vọng vào thành viên mới này. Đó là mơ ước về một đứa trẻ khoẻ mạnh, thông minh, xinh đẹp… nhưng không phải mơ ước nào cũng thành hiện thực khi nhiều đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật. Không ai mong muốn điều đó và họ không chuẩn bị cho mình tâm lý để đón nhận điều đó.

Nếu như một số loại khuyết tật có thể dự báo trước (Down, khuyết tật vận động) thì hội chứng tự kỉ lại không thể chẩn đoán trước được. Chính vì thế một đứa trẻ khi được cơ sở chẩn đoán là mắc hội chứng tự kỷ thì cha mẹ của chúng sẽ phải trải qua rất nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Nhìn chung, phản ứng ban đầu của cha mẹ là sốc, không tin vào tình trạng của con và phủ nhận sự thật đó. Cú sốc và sự không tin này có thể song hành cùng cảm giác xấu hổ, hối hận. Họ tự trách mình hoặc trách vợ hoặc chồng trong việc này. Dần dần, họ có thể phủ nhận sự tồn tại của vấn đề, họ cố gắng tìm ra ai sẽ nói rằng con họ không sao cả. Vì lí do này, một số cha mẹ đã đến gặp hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, từ bệnh viện này đến bệnh viện khác để tìm ra người bác sĩ nói con họ không sao cả hoặc tìm ra bác sĩ có thể “cứu” được con mình. Họ sẵn sàng làm tất cả để có thể tìm ra một chút hi vọng làm sao có thể cứu được con mình. Cũng có những gia đình không tin vào những chẩn đoán của bác sĩ đối với con mình, một vài cha mẹ khác

thì lại từ chối bất cứ sự hướng dẫn nào, một số cha mẹ khác lại có thể nghe hướng dẫn từ họ hàng hoặc những người xung quanh.

Sau một thời gian sốc, không tin, phủ nhận khuyết tật của con mình, cha mẹ biết chấp nhận khuyết tật của con mình, họ cảm thấy bực tức, thịnh nộ, phật ý, ghen tức và giận dữ. Qua đó họ có thể chấp nhận vấn đề của trẻ theo lí trí nhưng về tình cảm thì họ lại rất bối rối, sự xúc động của họ có thể lên cao tới nỗi họ không chú tâm vào những lo lắng của mình nữa. Họ có thể tức giận với cả các nhà chuyên môn, những người đang cố gắng giúp họ ở mức độ cao nhất. Sự nghi ngờ về khả năng của các nhà chuyên môn có thể làm nổ tung những lời buộc tội và sự giận dữ. Các cha mẹ thì cố gắng đưa ra rằng các nhà chuyên môn đã sai lầm.

Sau một thời gian cố gắng trì hoãn chấp nhận khuyết tật ở trẻ, họ buộc phải nhận ra rằng khuyết tật này là vĩnh viễn. Họ buồn bã, chán nản khi thấy rằng những loại thuốc hay nhưng liệu pháp mà họ đang theo đuổi mang lại rất ít hiệu quả. Với một vài cha mẹ thì cảm giác vô vọng, đơn độc có thể làm họ trở nên nghi ngờ sự giúp đỡ. Họ có thể đau khổ hoặc mất mát như thể con họ không còn trên cõi đời này nữa. Những đứa trẻ mà họ mong muốn với tương lai như họ tưởng đã không được sinh ra mà thay vào đó là một đứa trẻ khác với một tương lai khác mà họ không hề mong đợi. Họ mệt mỏi và hoang mang khi phải giải quyết những tình huống thực tế.

Các cha mẹ bắt đầu lo lắng về tương lai của trẻ xem liệu con mình có thể sống độc lập được không? Có thể làm được việc gì không và có thể có một vị trí nào đó trong xã hội không? Điều đó có nghĩa là họ đã nhận ra rằng có thể làm việc gì đó cho đứa trẻ. Đây không có nghĩa là tình trạng khuyết tật được chấp nhận như không thể thay đổi được mà cha mẹ chấp nhận sự cần thiết phải học cách để sửa chữa những ảnh hưởng không tốt

đến tình trạng của trẻ. Họ phải có niềm tin chắc chắn là mỗi con người đều có giá trị.

Quá trình chấp nhận khuyết tật tự kỷ của một đứa con thường là rất dài đối với hầu hết các bậc cha mẹ. Điều này rất dễ hiểu xong chính những tâm lý này đã làm cho gia đình trẻ khuyết tật có những đối xử sai lầm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, không giúp đỡ hoặc tận dụng khả năng để giúp đỡ trẻ. Vì vậy để công tác chăm sóc, giáo dục trẻ đạt hiệu quả tốt hơn, trước tiên chúng ta cần tìm ra những mức độ thích ứng và những khó khăn trong việc thích ứng mà cha mẹ thường gặp phải khi con mắc chứng tự kỷ, từ đó đề xuất các biện pháp hữu hiệu giúp cha mẹ giảm bớt khó khăn tâm lý, thích ứng tốt hơn với hoàn cảnh của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu sự thích ứng với hoàn cảnh có con tự kỷ của cha mẹ ở hà nội (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)