Huyện Gia Lâm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhận diện các rào cản trong hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp huyện (nghiên cứu trường hợp các quận, huyện trên địa bàn tp hà nội (Trang 50 - 54)

PHẦN 2 NỘI DUNG

2.2.2. Huyện Gia Lâm

Đặc điểm vùng

Huyện Gia Lâm được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, là địa bàn quân sự chiến lược ở phía Đông của Thủ đô Hà Nội. Huyện nằm ở cửa ngõ thủ đô, tiếp giáp nhiều huyện nên trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng: Quốc lộ 1A; Quốc lộ 1B; Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc lộ 5; Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường Hà Nội - Hưng Yên; đường 181...; đường thuỷ sông Hồng, sông Đuống, ga Yên Viên và hệ thống đường sắt ngược lên phía Bắc, Đông Bắc và xuôi cảng biển Hải phòng. Trên địa bàn Huyện có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp và các trung tâm thương mại được hình thành; nhiều làng nghề nổi tiếng, thu hút đông khách thập phương trong và ngoài nước

như làng gốm sứ Bát Tràng, dát vàng, may da Kiêu Kỵ, chế biến thuốc bắc Ninh Giang. Đây chính là những động lực và tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ giao thông, giao lưu hàng hoá hiện nay và và trong tương lai.

Hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN được huyện Gia Lâm triển khai từ 2009 đến nay chủ yếu tập trung vào các hoạt động sau13:

Công tác thông tin KH&CN:

Phòng Kinh tế của huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực KH&CN tới người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Phong trào sáng kiến, sáng tạo:

Phòng Kinh tế đã tổ chức hội nghị phát động phong trào lao động sáng tạo, sáng kiến phổ biến, lựa chọn tiến bộ KH&CN, kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, phối hợp với Liên đoàn lao động huyện, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, các xã, thị trấn và một số phòng, ban khác của huyện triển khai hoạt động này sâu rộng trên toàn địa bàn huyện.

Áp dụng tiến bộ KH&CN vào thực tế:

UBND huyện đã tổ chức các hội nghị phổ biến về thông tin KH&CN tới người dân để người dân nắm bắt và áp dụng. Năm 2013 huyện phối hợp với UBND xã Đặng Xá tổ chức Hội nghị phổ biến kỹ thuật sản xuất rau mầm cho các hội gia đình trong khu chung cư trên địa bàn huyện.

Huyện tích cực tổ chức các đợt thăm quan mô hình ứng dụng tiễn bộ KH&CN tại các đơn vị khác trong thành phố nhằm học hỏi kinh nghiệm, ví dụ như: học tập, trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình nông thôn mới ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ; học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng nhãn chín muộn tại huyện Hoài Đức.

Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng:

Về hoạt động tiêu chuẩn – chất lượng: Huyện đã phối hợp với đơn vị tư vấn ISO triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cho 09 xã gồm: Cổ Bi, Kiêu Kỵ, Kim Sơn, Đông Dư, Đình Xuyên, Dương Quang, Dương Hà, Yên Viên, Yên Thường; tổ chức đánh giá nội bộ Hệ thống quản lý chất lượng của huyện và chỉnh sửa sau đánh giá. Huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Quacert – Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đánh giá hệ

thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn này của UBND huyện. Bên cạnh đó, UBND huyện đã giao cho phòng Kinh tế phối hợp với Sở KH&CN thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách pháp luật về KH&CN. Đáng lưu ý, năm 2013, huyện đã tổ chức hội thảo quy hoạch vùng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với sự tham gia của các cơ quan ban ngành, các xã, thị trấn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.

Về hoạt động đo lường: UBND huyện phối hợp cùng Sở KH&CN thanh tra, kiểm tra đo lường trong kinh doanh xăng dầu.

Hoạt động SHTT:

Huyện đã tổ chức hội thảo xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Như vậy, có thể thấy hoạt động KH&CN của huyện Gia Lâm trong những năm qua đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó, đáng chú ý là huyện đang tập trung vào hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đặc biệt là việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trên toàn huyện; hoạt động áp dụng tiến bộ KH&CN mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức thăm quan và học tập các mô

hình tiên tiến trong thực tế. Một hạn chế lớn có thể nhận thấy trong hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN ở huyện Gia Lâm trong thời gian qua, đó là thiếu các hoạt động

hỗ trợ phát triển các làng nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Khác với các

huyện khác, như ta đã thấy đặc thù vùng của huyện Gia Lâm là huyện có tiềm năng phát triển cả về nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Vậy nhưng hoạt động KH&CN cụ thể để phát triển các hướng kinh tế mũi nhọn chưa được thể hiện rõ. Đơn cử như hoạt động hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu các làng nghề chưa được quan tâm đầu tư. Làng nghề Kiêu Kỵ có 2 nghề truyền thống là sản xuất vàng quỳ và nghề may đồ da, giả da hay làng gốm Bát Tràng đều là những làng nghề lâu đời, gây dựng được danh tiếng, uy tín trên thị trường nhưng làm thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước cũng như quốc tế hơn nữa thông qua các giải pháp về SHTT thì UBND huyện chưa có định hướng và hỗ trợ. Làng Đặng Xã vốn nổi tiếng với nghề trồng rau sạch và là xã đi đầu áp dụng tiến bộ KH&CN về nông sản an toàn của huyện Gia Lâm, là nơi cung cấp nguồn rau và sữa bò

cho Hà Nội với thế mạnh của là sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn và VietGap. Trước đây thị trường chủ yếu là các chợ đầu mối, các bếp ăn tập thể. Nay xã Đặng Xá đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ và đã đăng ký thương hiệu rau an toàn của xã. Tuy nhiên, Đặng Xá vẫn chưa có phương thức phát triển thương hiệu, nông sản của Đặng Xá vẫn được tiêu thụ một cách tự phát. Do vậy, việc cần làm là địa phương phải nhận ra thế mạnh của riêng mình để có kế hoạch phát triển thương hiệu, bảo đảm chất lượng nông sản an toàn của xã mới mong tìm được chỗ đứng bền vững trên thị trường.

Khó khăn trong quản lý nhà nước về KH&CN ở huyện hiện nay

- Khó khăn trong triển khai các hoạt động áp dụng tiến bộ KH&CN vào thực tế:

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật để tạo ra các sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt đòi hỏi phải có nguồn đầu tư rất lớn. Trong khi đó, hỗ trợ của Thành phố đối với chương trình phát triển nông nghiệp-nông thôn còn hạn chế, chưa thể thúc đẩy phổ biến và áp dụng KH&CN. Hằng năm huyện nhận một mức kinh phí cho thực hiện nhiệm vụ KH&CN dưới khoảng hơn 100 triệu đồng/năm (năm 2013 là 121 triệu đồng), trong đó chi cho chuyển giao các tiến bộ KH&CN của huyện chiếm khoảng 10% tổng số kinh phí là một mức chi quá thấp.

- Khó khăn trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể: SHTT nói chung và nhãn hiệu

tập thể nói riêng tại Việt Nam nói chung và với chính quyền cấp cơ sở là vấn đề mới. Chính vì vậy, không chỉ đội ngũ cán bộ quản lý mà cả người dân vẫn còn rất bỡ ngỡ khi tiếp cận vấn đề này. Theo đó nhận thức của người dân và cán bộ quản lý về vấn đề SHTT, nhãn hiệu tập thể còn rất hạn chế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu tập thể. - Khó khăn trong việc hỗ trợ và kiểm soát hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu

thủ công nghiệp trên địa bàn huyện: Do nguồn kinh phí cho thực hiện nhiệm vụ

quản lý nhà nước về KH&CN cấp huyện còn hạn hẹp nên huyện mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức các hội nghị, hội thảo để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các chủ thể tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Một số nguyên nhân chính dễ nhận thấy của các khó khăn này là: - Kinh phí dành cho nhiệm vụ KH&CN cấp huyện còn quá eo hẹp;

- Nhân lực triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN còn thiếu cả về chất và lượng;

- Thiếu các định hướng phát triển dài hạn/mang tính chiến lược của UBND cấp huyện cũng như cấp tỉnh để phát huy các thế mạnh của huyện.

- Chưa có chính sách phát huy vai trò của các nguồn lực trong xã hội tham gia vào hoạt động KH&CN cấp huyện, trong đó quan trọng nhất là huyện chưa thu

hút được các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển giao và áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhận diện các rào cản trong hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp huyện (nghiên cứu trường hợp các quận, huyện trên địa bàn tp hà nội (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)