Sự xa lạ: những nguyên nhân và hậu quả

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những motif hiện sinh trong truyện và tiểu thuyết của F. Dostoevsky (Bút kí dưới hầm, Tội ác và trừng phạt) (Trang 62)

CHƢƠNG 3 : ỨNG XỬ VỚI TỰ DO

3.1. Sự xa lạ: những nguyên nhân và hậu quả

Nước Nga thế kỷ XIX khủng hoảng đến tột độ: chính trị bất an, chiến tranh liên miên, luật pháp là những trò lừa đảo, tôn giáo không còn được kiêng nể, tâm trạng con người luôn bị xáo trộn, lo âu và bi quan. Bên cạnh sự suy đồi về văn hóa, xã hội, sự bất ổn của chính trị, thì vấn đề tư tưởng cũng hết sức phức tạp. Nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt đã diễn ra với nhiều trường phái khác nhau. Mâu thuẫn tư tưởng, mâu thuẫn giai cấp đã tạo ra cơn khủng hoảng trầm trọng. Sống trong hoàn cảnh khốn cùng, trong xã hội mà con người lo âu là con người cảm thấy đơn độc, họ người cảm thấy mình bị bỏ rơi, bơ vơ trong thế giới, không có điểm tựa. Mối liên hệ của con người với xã hội bị phá vỡ thì hậu quả của nó không chỉ là những tư tưởng phạm tội, những hành động tội ác mà còn là sự vô cảm và xa lạ. Trong xã hội ấy, con người tự làm cho mình lạc lõng, đánh mất nhân cách, cô đơn với chính mình, trở nên xa lạ và độc ác với nhau. Thế giới ấy không còn an toàn với con người nên họ trốn chạy khỏi xã hội, trở nên xa lạ với mọi người xung quanh, thậm chí xa lạ với chính bản thân mình. Họ thu mình lại, trở về với bản ngã và đi tìm cái tôi đích thực để hướng đến tự do tuyệt đối trong tâm hồn.

Trốn chạy thế giới xa lạ ấy, con người thu mình lại trong một không gian khép kín. Nhân vật người dưới hầm đã phản ứng với xã hội bằng cách khước từ xã hội bình thường, chỉ để gánh chịu một sự cô lập đau đớn mà anh ta gọi là “dưới hầm”. Vốn là một viên chức nhà nước hạng trung sau khi được hưởng khoản thừa kế của gia đình, anh ta từ bỏ công việc mà anh ta cho rằng mình vốn thù ghét nó. Anh ta tầm bốn mươi tuổi sống trong một nơi anh ta gọi là “hang chuột”, cái “xó xỉnh” của mình, một cái hầm để che giấu đi bản

thân mình, tách biệt mình với xã hội. Đó là một cái "góc" tồi tàn tại một căn nhà ở ngoại ô, với không gian khép kín. Nói theo lối ẩn dụ, nơi anh ta cư trú thì cũng giống như nơi chốn mà những nhà cách mạng chống đối thông thường trong văn chương F.Dostoevsky lưu ngụ để che giấu tư tưởng phản kháng của họ qua những bài báo in lậu. Từ vị trí trốn lánh đó mà anh ta có thể dò xét "qua những khe vách" cuộc sống và các điều kiện trí thức của xã hội đương thời. Nhân vật tôi ấy xem thường toàn bộ cuộc đời mình bằng những việc đồi phong bại tục trong xó nhà, sống nghèo khổ, thiếu thốn. Ở dưới căn hầm, anh ta trở thành một con người xa lạ mất hết những thói quen của một con người và trở nên độc ác một cách tinh tế. Anh ta là con người khép kín, cô độc, tự giam hãm mình dưới nhà hầm, đi tìm tự do trong việc xa lánh tất cả, cách ly với xã hội, với ý thức không can dự vào bất kỳ một hoạt động nào, trở thành một con người chủ trương hư vô. Phải chăng, đó là hậu quả của con người sống trong cảm giác bức bối, ngột ngạt ở những thành phố khổng lồ, nồng nặc mùi than bụi, mùi tanh nồng của mồ hôi lẫn máu. Và phải chăng, đó là phản ứng của chính tác giả với chế độ tư hữu và chủ nghĩa cá nhân tư sản?

Từ người dưới hầm đến Raskolnikov đều thu mình sống trong một không gian nhỏ hẹp, bí bách. Raskolnikov sống trong một phòng xép thuê lại ở áp mái một ngôi nhà năm tầng. Căn phòng với “độ dài sáu thước”, thấp đến nỗi người nào hơi cao một chút bước vào là thấy rờn rợn, chỉ lo cộc đầu vào trần. Chính Raskolnikov gọi căn phòng ấy là “cái tủ”, “cái chuồng chó”, “góc xó”. Người bạn của anh ta là Razumikhin thì gọi nó là “buồng tàu thủy”, đặc biệt, mẹ của Raskolnikov lên thăm con nhận thấy nó “giống như quan tài”. Căn phòng ấy là hình mẫu thu nhỏ của thành phố Perterburg hay của cả thế giới yếm khí và thiếu tính người. Nửa năm trước sự kiện của tiểu thuyết, trong xó tối và yếm khí ấy, chàng thanh niên Raskolnikov như con nhện, con rùa thu mình trong vỏ mai, cố tình xa lánh tất cả mọi người chìm vào trong thế

giới nội tâm của chính mình. Cả người dưới hầm và Raskolnikov đều trốn tránh cái thế giới nghèo khổ, thối nát, nơi chỉ tôn vinh đồng tiền và thế lực mà bỏ qua hết tình người, cái thế giới con người sống vô cảm và xa lạ với nhau để thu mình vào, tách biệt với thế giới, chìm trong thế giới nội tâm với những tư tưởng, những giằng xé riêng của bản thân. Họ mong tìm ra lối thoát, tìm ra được cái "Tôi" của bản thân để đi đến được tự do đích thực. Những nơi ở như dưới hầm, như quan tài ấy, bỗng làm người đọc nhớ tới một sự xa lạ điển hình với hình tượng người trong bao của tác giả Anton Shekhov. Phải chăng đây chính là tiền đề cho hình tượng những con người sống trong bao, và phải chăng, con người sống trong xã hội ấy, tất cả trở nên xa lạ và khép kín mình như vậy ?

Bút ký dưới hầm ra đời năm 1864 là câu chuyện trình bày sự rút lui khỏi giới trí thức lãng mạn thời bấy giờ. Truyện biểu thị cái cay đắng và đau khổ trong điều tưởng tượng rằng nhà văn "đang đi xuống lòng đất, tự rút sâu vào bên dưới bề mặt phẳng của đời sống và tâm lý xã hội loài người”. Truyện cũng thể hiện sự phân chia giữa ý thức mỉa mai trong nội tâm một con người với cảm nghĩ trách nhiệm cho đám đông đau khổ đang tràn đầy thành phố. Khi đó, tác giả đang ở vào tuổi bốn mươi, giữa những bộn bề của cuộc đời, nghề nghiệp, và chính ngay giữa những cơn khủng hoảng lớn lao của cá nhân về tri thức và tiền bạc. Một chàng F.Dostoevsky sôi nổi, khí chất bất thường, luôn luôn sạch túi, nợ nần tứ phía. Ông phải bán trước cho nhà xuất bản các tác phẩm chưa viết để lấy tiền độ nhật, lúc nào cũng bị bám riết bởi các chủ nợ và các họ hàng đang cậy nương dưới sự bảo trợ khó khăn của ông. Ông bị mật vụ theo dõi. Và vừa trải qua mười năm lưu đày vì những tư tưởng tự do hồi tuổi trẻ. Dưới sự cai trị của Nga hoàng, nước Nga vẫn còn là một xã hội phong kiến; giới quyền quý, điền chủ vẫn là những kẻ thống trị và giới nông nô bị sử dụng, ngược đãi như đối với súc vật. Lớp dân chúng, từ trí thức đến

bình dân, từ quan lại đến công chức, bị kềm kẹp dưới một hệ thống cai trị khắc nghiệt của Nga hoàng, nên đều tỏ ra nóng nảy và cực đoan. Họ tụ tập trong cảnh nghèo khó và bất mãn tại hai thành phố lớn Petersburg và Moscow; sống, giống như F.Dostoevsky, trong các nhà tập thể thuộc những khu vực ẩm ướt khó chịu, ồn ào, dơ bẩn; những kẻ sống nhờ lợi tức chu cấp nhỏ giọt của gia đình hay trên các cửa tiệm cầm đồ; những con người che giấu tư tưởng trong các bài viết và trong sự cô đơn giam hãm của ý nghĩ. Họ trở nên xa lạ với thế giới. Họ không còn nơi nào khác để đi ngoại trừ trong một góc phòng, giống như người đàn ông sống dưới hầm, với những độc thoại bản thân, nói chuyện với những độc giả mà anh ta tự tưởng tượng ra, hay nói cách khác, anh ta tự nói chuyện với chính mình. Xã hội đó không chỉ đẩy anh ta vào trong một xó, không chỉ làm anh ta thu mình nơi tối tăm của cuộc sống dưới hầm để tách biệt mình ra với xã hội, còn làm cho anh ta “ngại” giao tiếp với đồng loại của mình. Ngay cả khi bản năng nhất, anh ta tìm đến đàn bà : “Đêm đêm tôi tìm đến đàn bà một cách lén lút, vụng trộm, bẩn thỉu với một niềm xấu hổ không rời…Từ đó tôi đã mang tâm trạng một kẻ sống dưới hầm. Tôi sợ hãi kinh khủng khi bị ai bắt gặp và nhận ra, cho nên tôi thường tới những xóm lụp xụp và nhớp nhúa nhất” [12,tr. 87]. Con người ấy xa lạ với chính đồng loại, với chính xã hội mình đang sống.

Trong hoàn cảnh khốn cùng, con người đã đánh mất nhân cách và trở nên xa lạ, độc ác với nhau. Họ nhìn nhau như những người vô cảm, thậm chí còn sung sướng một cách bệnh hoạn. Với người dưới hầm, khi đi ngang qua quán cơm, tình cờ được chứng kiến một trận ẩu đả giữa đám người chơi bi- a, anh ta thấy một người bị ném văng ra ngoài cửa sổ. Thay vì sự đồng cảm, cứu giúp người gặp nạn kia, anh ta có một suy nghĩ vô cùng điên rồ. Anh ta vào quán đó và nghĩ rằng “biết đâu anh ta lại chẳng gây ra được một cuộc ẩu đả và làm cho người ta phải ném ra ngoài cửa sổ”[12, tr.35]. Có lẽ, khi sự

liên hệ giữa cá nhân và xã hội không còn, thì mối quan hệ giữa người với người cũng trở nên rạn nứt. Họ trở nên vô cảm, bệnh hoạn và xa lạ với chính đồng loại của mình.

Nhân vật từng bộc bạch về tính cách khác thường của mình: “cái làm tôi điên tiết nhất chính là ở chỗ, ngay cả những lúc cáu giận nhất, tôi luôn luôn cảm thấy xấu hổ nhận ra rằng tôi chẳng những không phải là người độc ác, mà thậm chí còn không phải là người hay cáu giận…và tôi cứ thích bày trò làm ngoáo ộp dọa con nít để tự an ủi mình thế thôi. Tôi có thể cáu sùi bọt mép, nhưng giá có ai mang cho tôi con búp bê hay mời tôi một tách trà đường là có khi tôi lại nguôi ngoai ngay. Thậm chí tôi còn mủi lòng là đằng khác. Dù rằng ngay sau đó tôi sẽ lại nghiến răng tự xỉ vả mình, và bị mất ngủ cả mấy tháng trời vì cảm giác đớn hèn. Cái tính tôi nó vậy đó!” [12, tr 2]. Người đàn ông dưới hầm bởi mất đi niềm tin nên luôn tự ngờ vực tất cả mọi thứ. Những lời ghi chú của hắn từ dưới hầm có thể không bao giờ được hoàn thành đầy đủ, bởi vì hắn không tin ngay chính những lời ấy. Bao giờ cũng có những chỗ khuyết giữa "văn chương" (có thể an ủi hắn) với "cuộc sống hiện tại" (mà hắn hay tránh né). "Tôi thường cảm thấy khó chịu trong vai trò một con người với xác thịt đích thật và máu riêng của hắn; tôi xấu hổ vì điều ấy và luôn luôn phấn đấu để trở nên là một loại nào đó chưa từng nghe thấy trong thế giới loài người". Vì vậy, hắn thú nhận trong một bài viết mỉa mai "không phải văn chương nhưng chỉ là một sự tự trừng trị" rằng: "để kể một câu chuyện dài mà phải trình bày việc tôi đã hủy hoại đời mình như thế nào qua cái tinh thần mục nát đầy hận thù dày vò trong cuộc sống tại một cái góc dưới hầm thiếu không khí, xa lìa thực tế, chắc chắn không phải là điều thích thú. Tiểu thuyết luôn luôn cần có những nhân vật. Nhưng với câu chuyện này, chỉ có dấu vết của một kiểu “phi nhân vật” và tất cả những gì liên quan đều nói lên một cảm nghĩ không vui thú. Nhưng nếu, với những điều kiện như hắn đang trải, một

kẻ hiện đại sẽ phải làm thế nào để trốn thoát sự cô đơn giam hãm của ý nghĩ? Anh ta sẽ biểu thị hành động nào? Đó là những câu hỏi mà lúc bấy giờ F.Dostoevsky đang phải nhận định và cố gắng vượt xa hơn trong sự sáng tạo một nhân vật mới kế tiếp, nổi tiếng hơn hết trong số các nhân vật của ông: chàng sinh viên trẻ tuổi Raskolnikov trong Tội ác và trừng phạt.

Con người tự mâu thuẫn trong chính bản thân mình, luôn ngờ vực mọi thứ xung quanh. Khi đó, như hậu quả điển hình của xã hội xa lạ, con người tự tách biệt mình, trở nên xa lạ với nhau và độc ác với nhau. Những hành động quá khích đã nói lên ước muốn hoang dã cho tự do đạo đức và một định mệnh tự quyết nhằm cứu rỗi bản thân và cứu rỗi xã hội. Trong quán rượu, người ta nghe đi nghe lại cái câu chuyện thương tâm của Marmeladov thay vì kêu gọi sự đồng cảm, người ta cười và chế giễu ông ta. Thấy Raskolnikov đi giữa đường bị một người đánh xe quất vào người, những người đi đường cũng chế giễu anh ta. Người ta tò mò đến xem cảnh Marmeladov hấp hối vì bị xe ngựa cán phải với cảm giác hài lòng thầm kín. Sự vô cảm và xa lạ ấy thật đáng kinh tởm. Nó còn được thể hiện ở sự đểu cáng, theo cách nói của Marmeladov, khi con người nhận lấy sự hi sinh của người khác cho mình, dù áy náy nhưng vẫn có thể quen với nó và thậm chí còn tiếp tục lợi dụng nó. Marmeladov dù đau xót vì nỗi khốn khổ của gia đình vẫn có thể uống sạch những đồng tiền cuối cùng của người vợ và của con gái (dù rằng con gái ông ta làm điếm để kiếm tiền) để sau đó lại tự sỉ vả mình là một con vật, một thằng đểu. Thật vậy, khi mất đi cảm giác, khi dần trở nên vô cảm và xa lạ với loài người, với cảm giác của loài người thì họ chẳng còn gì, họ nhốt mình lại, sống trong nỗi đau khổ nội tâm của chính mình mà vô cảm với tất cả những gì xung quanh.

Nhân vật người dưới hầm là tiền thân của Raskolnikov. Cả hai đều là những kẻ xa lạ, xa lạ với đồng loại, xa lạ với chính bản thân mình. Họ là những đại diện tiêu biểu cho thời đại họ. Người đàn ông sống dưới hầm có âm

giọng cay đắng, châm biếm, nghi ngờ chính sự xác thực riêng của hắn đã vang suốt trên những trang giấy của nhiều nhà văn hiện đại. Nếu như hắn tự xưng là "phi nhân vật" thì kẻ thừa kế hắn, Raskolnikov, lại tỏ ra cực kỳ kiêu ngạo với niềm tin rằng "mình rất đặc biệt và được quyền hành động bất cứ điều gì trong sự nhân danh của tính tự giải phóng, hay nhân danh lịch sử". F.Dostoevsky muốn trình bày những mâu thuẫn và bất hạnh cực độ của thời đại ông, những cơn thịnh nộ tiến thoái lưỡng nan và rất khó chịu của xã hội, khiến chúng trở thành một phần cơ bản điển hình mang tính chất hiện đại trong văn chương thế kỷ XX.

Con người trở nên xa lạ dần với xã hội, họ co mình lại sống trong thế giới của nội tâm và trò chuyện với chính bản thân mình. Mô tả con người trong các cuộc độc thoại nội tâm ấy là đặc điểm nghệ thuật đặc trưng của F.Dostoevsky, mà Belinsky gọi đó là “phần đa thanh”. Nó được biểu lộ trong cấu trúc hình tượng Raskolnikov, chàng không thể chịu đựng những cuộc công kích đạo đức liên miên vào hành vi của mình và cuối cùng trở thành một “ động vật” run sợ. Khi Raskolnikov cảm thấy hành động này không khác gì tự hủy diệt, mối quan hệ của chàng với những người khác trở nên xa lạ và khoảng cách giữa anh ta với những người bà con trở nên xa hơn nữa. Cái gọi là “tính phức điệu”, tức những đối thoại và những tranh cãi trong độc thoại nội tâm của các nhân vật chính là sản phẩm của những tâm hồn cực kỳ chua chát và chao đảo, nhận thức họ đầy phản kháng và thỏa hiệp, và toàn bộ trạng thái tinh thần của họ đang mất đi sự cân bằng. Nhờ đó, kết quả đã khúc xạ một cách quanh co hiện tượng đa sắc của thời gian và sự trầm tích của nhận thức lịch sử. Nhưng như một thực tế, lời nói và hành xử của Razumikhin (có thể Bakhtin đã không coi anh ta như là một nhân vật chính) đã không thể có đặc điểm này; không có sự khác nhau về miêu tả khi so sánh chúng với những

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những motif hiện sinh trong truyện và tiểu thuyết của F. Dostoevsky (Bút kí dưới hầm, Tội ác và trừng phạt) (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)