CHƢƠNG 2 : XUNG ĐỘT GIỮA CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI
2.1. Hành trình đi tìm cái "Tôi" đích thực
Chủ nghĩa hiện sinh chối bỏ quan điểm về khuôn mẫu lý tưởng của Con Người, hoặc của nhân loại, trong đó mỗi người chỉ là một hình ảnh của con người phổ quát. Nó cũng khước từ câu hỏi của triết học Hy Lạp “Nhân loại là gì?”, một câu hỏi hàm ý rằng con người có thể được định nghĩa, nếu như anh ta được đặt vào một vị trí thích hợp trong trật tự vạn vật; thay vào đó, nó hỏi cái câu hỏi của Job và thánh Augustine “Tôi là ai?” với sự gợi ý về tính độc đáo và kỳ bí của mỗi thân phận và sự nhấn mạnh đến chủ thể tính, tức nhân vị, hơn là đến khách thể tính, tức sự vật. Nhìn bên ngoài, con người chỉ là một sinh linh như mọi sinh linh khác; nhưng nhìn từ bên trong, anh ta là cả một vũ trụ, là trung tâm của cái vô cùng. Chính vì thế, họ luôn đi tìm cái Tôi, khám phá bản ngã. Đó cũng chính là điều F.Dostoevsky luôn băn khoăn và thể hiện trong các tác phẩm của mình. Từ khi còn lưu đày ở Sibir, F.Dostoevsky vốn đã nung nấu ý đồ viết về một nhân cách mạnh mẽ tìm cách vượt qua ý thức đạo đức để đi tìm cái "Tôi" đích thực.
Theo quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh, mỗi con người là một hiện hữu đúng như thân xác mình có, không ai sống dùm cho thân xác của tôi, không ai thay tôi lựa chọn, quyết định đời sống của riêng tôi, chỉ có tôi mới là sự lựa chọn duy nhất cho đời sống cá nhân tôi. Để làm được điều đó, con người phải vượt ra khỏi giới hạn của mình, phải vượt lên trên tồn tại hiện có của mình. Con người có tự do trong một hoàn cảnh cụ thể nhưng con người phải tự quyết định, tự do trong sự lựa chọn cái "Tôi" của mình. Con người là một giá trị tự thân, con người không tạo ra mình theo các thước đo chung. Con người là một cá nhân độc đáo không thể thay thế bằng bất cứ ai hay bất cứ cái gì. Hành trình con người đi tìm và sống với cái "Tôi" đích thực của mình là một hành trình con người phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn trong tâm hồn.
Trong Bút ký từ ngôi nhà chết qua nhân vật người tù khổ sai Orlov, ta đã có thể thấy phảng phất bóng dáng của một nhân vật như vậy. Đến Bút ký dưới hầm thì phần nào hệ tư tưởng nổi loạn cá nhân chủ nghĩa của nhân vật đã được định hình. F.Dostoevsky để cho nhân vật của mình tự phân tích chính mình trong chừng mực có thể, hơn là viết thay họ. Sự đa thanh trong đối thoại đã củng cố vững chắc đặc điểm tính chủ quan của nhân vật. Trong cuốn sổ ghi chép khi nhắc đến nguyên lý mà ông đã thừa nhận, F.Dostoevsky viết: “Nguyên lý mà tôi đang theo đuổi hiện nay là khám phá Con người trong toàn bộ mối quan hệ thuộc về con người bằng cách tiến hành một chủ nghĩa hiện thực triệt để. Một số người đã quen coi tôi như là một nhà tâm lý học, nhưng thực tế, điều đó là sai lầm: Tôi là một nhà Hiện thực chủ nghĩa theo nghĩa cao nhất; nghĩa là, cái mà tôi muốn miêu tả là toàn bộ con người trong chiều sâu của nó”[3, tr. 36]. Ở đây, đó chính là hình tượng con người nổi loạn bao trùm, choán ngợp tác phẩm bởi khủng hoảng lý trí khi sống trong xã hội cũng đang trong khủng hoảng, chưa tìm ra lối thoát. Yêu cầu của ông là vượt thoát ra
khỏi biên giới của sự ràng buộc, chống lại những gì gọi là luật điều tự nhiên, ngay cả việc phản đối trực tiếp những gì có liên quan đến khoa học kỹ thuật và những gì có tính thực dụng trong cuộc đời. F.Dostoevsky chủ trương chối bỏ mọi dữ kiện do xã hội đưa ra; chỉ tuân phục những gì có lợi ích cho con người và cho chính bản thân ông. F.Dostoevsky từ chối luôn cả y khoa, dù rằng cha ông là một y sĩ và tranh cãi những lý luận triết học, những học thuyết đó tự nhiên làm mù quáng ở nơi ông một đôi phần. Có lẽ vì vậy, mà nhân vật người dưới hầm ngay từ phần đầu đã bộc bạch “tôi rất thán phục y khoa và các vị bác sĩ” nhưng tuyệt nhiên “tôi không đi chữa trị và cũng chưa bao giờ đi chữa trị”. Có lẽ, anh ta cho rằng qui luật tự nhiên gây ra từ ý thức, một ý thức hoàn toàn là một cơ cấu thiết yếu, một thay đổi mới không phải giải thích bởi qui luật tự nhiên.
Bởi rằng, con người hiện sinh là dám nhìn thẳng vào sự thật với nhãn quan, với khả năng của mình. Nhãn quan này không phải là nhãn quan của Thượng Đế, cũng chẳng phải là nhãn quan của thần linh, của bề trên, của vua chúa đời xưa, của lãnh đạo, lãnh tụ đời nay, của ông thầy hay của bất cứ ai ban bảo mà là nhãn quan của cá nhân mình. Vì thế, anh ta - nhân vật người dưới hầm - luôn trong tình trạng đối diện với chính bản thân mình để tìm ra cái tôi đích thực. Và để phục vụ điều này anh ta - một viên chức nhà nước hạng trung - đã xin nghỉ việc. Khoản thừa kế của gia đình đã cho phép anh ta có đủ khả năng tài chính để từ bỏ công việc mà anh ta cho rằng mình vốn thù ghét. Anh ta tầm bốn mươi tuổi, có một bà giúp việc mà anh ta coi khinh, cùng sống trong một nơi anh ta gọi là “hang chuột”. Trong lời dẫn ở đầu tác phẩm, F.Dostoevsky giải thích rằng cả nhân vật lẫn “bút ký” của anh ta đều là hư cấu, nhưng là hư cấu để đại diện cho một mẫu người Nga nhất định mà xã hội cần phải biết. Người đàn ông ở dưới hầm, sống trong một không gian khép kín, bí bức và ngột ngạt, tự đối diện với mình và không ngừng kể về
cuộc sống đã qua: những suy nghĩ, trằn trọc và những lời tự thú. Từ những cuộc đối thoại nội tâm không ngừng đó, chúng ta nhận ra được mâu thuẫn trong tư tưởng của nhân vật, đồng thời thấy được ước muốn đi tìm bản ngã của cá nhân với tự do đích thực. Khi đối diện với bản thân, anh ta luân phiên trêu chọc, xúc phạm và tự hạ mình. Việc tự tưởng tượng ra người khác tranh luận với mình, dự đoán cả tiếng nói của người khác về mình chính là một cách thức hướng tới sự không lối thoát của tranh luận. Rõ ràng, với cách tranh luận đó, người khác và tiếng nói của họ bủa vây nhân vật "Tôi", không cho "Tôi" dừng lại. "Tôi" luôn tự hỏi, tự trả lời. Thực chất, với cách đối thoại này, nhân vật tự truy mình đến tận cùng. Tưởng rằng có thể giải quyết được câu hỏi, được mâu thuẫn nhưng sự thật thì không phải như vậy. Nhân vật tự đấu tranh nội tâm, tìm ra câu trả lời, tìm ra hướng đi cho nhân cách, cho cá tính nhưng lại thể hiện một sự nhu nhược đến tột độ. Anh ta tự giới thiệu mình là một người bệnh hoạn, mắc bệnh về gan nhưng không biết mình đau ở chỗ nào, không đi khám bác sỹ vì tính độc ác. Tính độc ác ấy lại gợi cho nhân vật nhớ đến trước đây là một tên công chức độc ác. Từ công chức lại liên quan đến bàn giấy, bàn giấy lại làm anh ta nhớ đến niềm khoái lạc vô tả khi được hành hạ một ai đó, mà hầu như không bao giờ thành công, để rồi từ không thành công lại dẫn ý nghĩ đến một kết luận: ngay cả lúc cáu giận nhất, anh ta không phải là người độc ác, mà thậm chí không phải là người hay cáu giận, rồi cảm thấy được sự đớn hèn của bản thân. Chạm đến đớn hèn, anh ta ngay lập tức phủ nhận: anh ta nói dối rằng anh ta là một tên công chức độc ác, nói dối vì tức... Cứ như vậy, dòng chảy liên tục trong ý thức nhân vật cứ trôi, câu trước khơi mào cho câu sau, tranh luận tiếp nối tranh luận. Nhân vật cứ tự diễn giải tự khẳng định, rồi lại phủ nhận. Kết quả của tấn phong và hạ bệ đến chóng mặt đó là sự tự xóa sổ mình của nhân vật. Tưởng rằng, sự xóa sổ mình đi là phản vệ trước những đồi bại của cuộc đời để giữ được bản thân mình trong xã hội rối ren, đấu tranh để bảo vệ nhân cách bản thân. Nhưng không
phải vậy, trôi theo dòng ý thức của nhân vật, người đọc nhận ra rằng anh ta là một tên nhu nhược, hèn kém, nhẫn tâm, vô liêm sỉ và đã tự xổ toẹt vào cái nhân cách con người của mình.
Anh ta khủng hoảng không tìm ra lối thoát, chìm trong dòng ý thức của bản thân. Cuộc nói chuyện với các độc giả tưởng tượng, người mà anh ta gọi là “các bạn” hoặc “quý vị” - có thể là một nhóm đại diện cho những người Nga có học, chịu ảnh hưởng của phương Tây. Anh ta tin rằng họ mê đắm những tư tưởng phương Tây về sự tiến bộ - hệ tư tưởng của chủ nghĩa hữu lợi, chủ nghĩa xã hội, tiến hóa, quan điểm điều tốt đẹp nhất trước hết phải dành cho số đông… Họ cũng say mê chủ nghĩa duy tâm Đức - “cái cao thượng” và “cái đẹp” trong những trước tác đầy bay bổng của Shiller.
Liệu người đàn ông sống ở dưới hầm này có phải là chính F.Dostoevsky? Không, nhưng anh ta mang những tư tưởng của F.Dostoevsky trong quá trình nhận thức của một xã hội Nga khủng hoảng cực độ. Ngay phần đầu của cuốn tiểu thuyết đã thể hiện được điều đó. Sau khi tự giới thiệu về mình, người đàn ông dưới tầng hầm đã than phiền – theo một cung cách nói rồi ngừng, ngừng rồi lại nói đầy phấn khích – về tòa lâu đài Pha lê đẹp mắt được xây dựng ở London (đây là sự kiện diễn ra trước đó, vào năm 1851). Anh ta nguyền rủa mọi thứ đại diện cho chủ nghĩa tư bản công nghiệp, tính hợp lí khoa học, và bất kì một loại mô hình toán học nào có tính dự báo về hành vi của con người. Đó là những mối ác cảm của F.Dostoevsky và thái độ của ông với phương Tây. Nhưng nó lại thể hiện nhân vật người dưới hầm cũng như trong chính bản thân F.Dostoevsky là một con người đầy mâu thuẫn. Như Orhan Pamuk đã từng cho rằng: Nếu F.Dostoevsky tiếp tục trở thành một nhà văn, như Shakespeare, làm thay đổi nhận thức của chúng ta về con người, thì góc nhìn mới mẻ này bắt đầu trỗi dậy chính ở trong Bút ký dưới hầm, và nếu xem xét kỹ, chúng ta có thể thấy khám phá của ông vĩ đại như
thế nào. Thất bại và bất hạnh đã khiến F.Dostoevsky ở cách rất xa những người chiến thắng tự mãn và thế giới tinh thần của những kẻ kiêu hãnh, và ông bắt đầu cảm thấy giận dữ trước các trí thức phương Tây coi thường nước Nga. Nhưng dù muốn tranh cãi với khuynh hướng Tây hóa, ông vẫn là một sản phẩm của nền giáo dục và nuôi dưỡng theo kiểu phương Tây và vẫn thực hành một nghệ thuật phương Tây, nghệ thuật tiểu thuyết. Bút ký dưới hầm
được sinh ra từ khao khát muốn viết một câu chuyện trong đó nhân vật đi qua mọi trạng thái tinh thần và ý thức, hoặc sinh ra từ mong ước khẩn thiết sáng tạo ra một nhân vật và một thế giới có thể giữ mọi mâu thuẫn một cách thuyết phục”. [27, tr.78]. Nghĩa là, một mặt, ông là người theo chủ nghĩa phổ quát, đối với ông, người Nga - con người toàn thể, sứ mệnh Nga mang tính nhân loại, nước Nga không phải một thế giới khép kín, tự túc tự cấp. Mặt khác, F.Dostoevsky lại bộc lộ sự bài ngoại thực sự và thiên về chủ nghĩa dân tộc. Trong ông, có sự phản ánh tính hai mặt của dân tộc Nga, sự kết hợp các mặt đối lập. F.Dostoevsky phát biểu những lời tuyệt vời về Tây Âu mà không một ai trong số những người sùng phương Tây có thể nói được. Những lời đó của ông thể hiện chủ nghĩa phổ quát Nga. Bút ký dưới hầm thoạt đầu được thai nghén như một bài tiểu luận phê bình. Ý tưởng của F.Dostoevsky là viết bài phê bình cuốn Cần phải làm gì của Chernishevsky, được xuất bản trước đó một năm. Cuốn sách này được nhiều người trong thế hệ trẻ, hiện đại và theo lối Tây phương ưa thích; đó không phải là tiểu thuyết mà như là một cuốn sách giáo khoa cổ vũ một phiên bản màu hồng của phong trào khai minh thực chứng. Để minh chứng cho điều này, Versilov, người phát ngôn của F.Dostoevsky, đã nói: “Họ (những người châu Âu) không tự do, còn chúng ta là những người tự do. Ở châu Âu khi đó chỉ mỗi một mình tôi là tự do với nỗi buồn Nga của mình… Người Pháp nào cũng có thể phục vụ không chỉ nước Pháp của mình, mà thậm chí phục vụ cả nhân loại với duy nhất một điều kiện anh ta vẫn phải là người Pháp, cũng như vậy đối với người Anh và người
Đức. Chỉ có người Nga, thậm chí là vào thời đại chúng ta, có nghĩa là từ trước đó, sớm hơn lúc đưa ra tổng kết chung, có khả năng trở thành người Nga hơn chỉ khi anh ta là người châu Âu. Đó là một khác biệt dân tộc cơ bản của chúng ta so với các dân tộc khác… Tôi ở Pháp - tôi là người Pháp, với những người Đức - tôi là người Đức, với người Hi Lạp cổ đại - tôi là người Hi Lạp và bằng điều đó tôi lại trở thành người Nga hơn, trở thành người Nga thực sự và phục vụ nhiều hơn cho nước Nga, là bởi đưa ra được tư tưởng chính của nó”. “Đối với người Nga, châu Âu cũng quí giá như nước Nga; châu Âu cũng là Tổ quốc của chúng ta, như nước Nga. Còn hơn thế. Không ai có thể yêu nước Nga hơn tôi, nhưng tôi không bao giờ tự trách bản thân vì yêu Venise, La Mã, Paris, những kho báu khoa học, nghệ thuật của những nơi này, toàn bộ lịch sử của những miền đất đó, hơn nước Nga. Ô, thật quý giá biết bao đối với người Nga những con đường đá xa lạ ấy, những điều thần kì trong thế giới xưa cũ của Chúa, những mảnh vỡ của những kì diệu thánh thần; và thậm chí những cái đó quý báu đối với chúng ta, hơn cả tự thân chúng… Chỉ mình nước Nga là không sống cho mình, mà cho tư tưởng, và một sự thật rõ ràng rằng hầu như suốt trăm năm qua nước Nga hoàn toàn không sống cho bản thân, mà chỉ cho mình châu Âu” [28, tr.101].
Người dưới hầm khắc họa cách sử dụng “lý trí” của con người, cho rằng “Sức mạnh đầy đủ của một người chứng tỏ rằng anh không là một bánh răng cưa trong một tổ cỗ máy mà là một con người… Bởi, nếu tôi cứ sống như cái máy, ở trên bảo sao tôi làm vậy, người ta bảo sao mình làm vậy, thì tôi mới chỉ sống như một sinh vật, chưa sống cái kiếp người của tôi” [28, tr. 40]. Tự do ở đây không phải là cái tự do của thế giới tự do mà chính là sự tự do bên trong, tự do phát xuất từ bản thể - tự do lựa chọn, tự do quyết định. Tự do ở đây là dám là mình.
Vì lẽ này, người dưới hầm cho rằng, chúng ta không làm cái mà ta được trông đợi phải làm, thay vào đó chúng ta gục ngã trước phi lý trí. Anh ta thậm chí còn kháng cự thứ vũ khí mạnh mẽ nhất của tư tưởng phương Tây, đó là logic, tranh cãi ngay cả việc hai lần hai là bốn. Điều này không chỉ được thể hiện qua tư tưởng nhân vật người dưới hầm mà còn thể hiện ở một số nhân vật khác. Đó là Ivan Karamazov trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov: “Tôi muốn đi tới châu Âu, mặc dù biết rằng sẽ chỉ đi tới một nghĩa địa, nhưng mà là một nghĩa địa quý giá nhất, thế đấy. Ở đó yên nghỉ