Chƣơng 1 : Cơ sở lý luận của đề tài
1.1. Các khái niệm
1.1.6. Biến đổi tương tác xã hội
Tương tác xã hội là một phạm trù trừu tượng, khó để đo lường một cách cụ thể. Trong nghiên cứu của mình, tác giả luận văn vận dụng khái niệm Paradigma trong lý thuyết hệ thống để đưa ra một số chỉ báo đo lường biến đổi tương tác xã hội của học sinh THPT trong quá trình sử dụng ĐTTM.
Lý thuyết hệ thống chỉ ra mọi sự vật phải được đặt trong một hệ thống để xem xét và được xem xét từ góc nhìn hệ thống. Theo tác giả Vũ Cao Đàm biến đổi xã hội được đánh giá thông qua sự biến đổi Paradigma của xã hội ấy. Biến đổi toàn bộ Paradigma xã hội là giai đoạn cuối cùng, cao nhất, triệt để nhất của biến đổi xã hội. Đó là sự biến đổi sâu sắc bao gồm từ gốc là triết lý phát triển xã hội, đến hệ quan điểm phát triển xã hội, hệ chuẩn mực phát triển xã hội và cuối cùng là những hệ khái niệm được sử dụng trong xã hội.[7, tr 53]
Paradigma được hiểu là khung mẫu, bao gồm 4 thành tố: (1) Hệ triết lý; (2) hệ quan điểm; (3) hệ khái niệm; (4) hệ chuẩn mực. Cụ thể:
+ Hệ triết lý: Tư tưởng chủ đạo, được quán triệt xuyên suốt cả chuỗi hành động + Hệ quan điểm trong khuôn khổ của triết lý: Những tư tưởng riêng biệt trên từng hoạt động cụ thể trong toàn bộ chuỗi hoạt động thuộc hệ thống được xem xét.
+ Hệ khái niệm được sử dụng trong hệ thống: Các khái niệm được dùng làm ngôn ngữ trao đổi trong hệ thống hoạt động bị chi phối bởi triết lý và hệ quan điểm nói trên.
+ Hệ chuẩn mực của hệ thống: Chuẩn mực giá trị được sử dụng để điều chỉnh hành vi trong một hệ thống quản lý xác định.
Vận dụng lý thuyết này, tác giả luận văn nhận thấy, sự biến đổi của một hệ thống được thể hiện thông qua sự biến đổi khung mẫu của hệ thống ấy. Coi những tương tác của học sinh trong quá trình sử dụng ĐTTM là một khung mẫu, thì sự biến đổi tương tác của mối quan hệ ấy chính là sự biến đổi khung mẫu trong quá trình sử dụng điện thoại ấy. Để đánh giá biến đổi tương tác xã hội của việc sử dụng ĐTTM trong học sinh THPT tác giả đánh giá thông qua những biến đổi trên các mặt hệ triết lý, hệ quan điểm, hệ khái niệm, hệ chuẩn mực của học sinh THPT trong quá trình sử dụng ĐTTM.
Cụ thể, tác giả đánh giá những biến đổi hệ triết lý đó là đánh giá sự biến đổi trong tư tưởng chủ đạo của học sinh trong suốt quá trình sử dụng ĐTTM.
Những biến đổi hệ quan điểm đó là những biến đổi trong tư tưởng cụ thể về việc sử dụng ĐTTM như biến đổi trong quan điểm về thời gian sử dụng, mục đích sử dụng ĐTTM.
Những biến đổi hệ khái niệm đó là những biến đổi trong những khái niệm được sử dụng làm ngôn ngữ trao đổi trong quá trình sử dụng ĐTTM như khái niệm mạng xã hội, khái niệm giao tiếp ảo…
Những biến đổi hệ chuẩn mực đó là những biến đổi trong chuẩn mực giá trị được sử dụng để điều chỉnh hành vi sử dụng ĐTTM của học sinh THPT.