Quan niệm về lẽ sống và hạnh phúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm đạo đức cơ bản trong tân ước (qua khảo cứu các sách phúc âm mathêu, máccô và lucca) luận văn ths triết học 60 22 90 (Trang 38 - 56)

2.1.1. Quan niệm về lẽ sống

Lẽ sống hay ý nghĩa cuộc sống là một trong những vấn đề trung tâm của đời sống con người, nó chi phối và liên quan mật thiết đến những định hướng sống hết sức cơ bản của con người như lý tưởng, niềm tin, thái độ sống, các quan niệm về hạnh phúc, thiện, ác… Người có lẽ sống tốt đẹp sẽ có khả năng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vươn lên trong cuộc sống. Trái lại, nếu không có quan niệm đúng đắn về lẽ sống có thể khiến con người bị đổ vỡ niềm tin, chao đảo tinh thần, lệch hướng trong cuộc sống, rối loạn trong hành động, dẫn đến những hậu quả khó lường.

Người có lẽ sống đạo đức luôn nhận thức rõ mối quan hệ giữa hạnh phúc và nghĩa vụ. Lẽ sống đạo đức khác hẳn lẽ sống tầm thường ở chỗ con người nhận ra được ý nghĩa cuộc sống của mình, luôn hướng tới những giá trị đích thực, tự giác, tự nguyện hành động vì lợi ích, vì hạnh phúc của người khác và của xã hội, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn giữ gìn nhân cách, phẩm giá của mình. Xác định lẽ sống đúng đắn sẽ mang lại hạnh phúc chân chính cho xã hội cũng như cá nhân, tạo nên tinh thần lạc quan, yêu đời.

Lẽ sống đạo đức chính là ý nghĩa cuộc sống mà con người tự nhận thức được, tự giác hành động vì một lý tưởng đạo đức cao đẹp dựa trên một quan niệm nhân sinh tiến bộ.

Vậy, phải chăng các tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng với tư cách là thế giới quan hư ảo, phủ nhận đời sống trần thế sẽ không có quan niệm đúng về lẽ sống?

Như trên đã trình bày, Phúc Âm là bộ sách có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến đời sống của người Công giáo. Một cộng đồng tôn giáo lớn như vậy ắt hẳn phải có lẽ sống riêng của mình. Vậy lẽ sống đó được thể hiện trong Phúc Âm như thế nào?

Nội dung của Phúc Âm đã cho chúng ta thấy lẽ sống của người Công giáo. Thông qua việc thuật lại cuộc đời trần thế và hành động của đức Giêsu Kitô, Phúc Âm đã nêu lên một gương sáng về sự hi sinh, cứu giúp con người của Ngài. Ý nghĩa, lẽ sống của người Công giáo chính là Chúa Giêsu Kitô, là sự tin tưởng, phó thác, yêu mến Thiên Chúa và mọi người. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của tình yêu, Thiên Chúa của sự sống. Để thực hiện được lẽ sống đó, con người phải noi gương Thiên Chúa là đấng toàn thiện và thực hiện các giới răn mà Người dạy. Hàng ngày, người Công giáo thực hành việc cầu nguyện, đọc Thánh Kinh, noi gương Chúa, cố gắng trở thành những con người tốt hơn. Lẽ sống đó không chỉ dừng lại ở lời nói, ở tâm niệm mà cần được hiện thực hoá bằng hành vi cụ thể: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách mặc (Xin xem Mt. 25, 35 – 46) … Đó chính là lẽ sống “mến Chúa, yêu người”.

Mến Chúa là giữ trọn ba nhân đức: Tin, Cậy, Mến

Người Công giáo phân biệt hai loại nhân đức là nhân đức đối thần (thần đức) và nhân đức đối nhân (nhân đức). Thần đức lấy Chúa làm đối tượng và động cơ trực tiếp. Nhân đức lấy các thụ tạo là đối tượng trực tiếp. Trong đó, thần đức là cái cơ bản, làm nền tảng cho nhân đức được thực hiện. Có ba thần đức cơ bản là đức tin, đức cậy và đức mến và bốn nhân đức cơ bản là khôn ngoan, công bằng, can đảm, tiết độ. Ba thần đức cùng với bốn nhân đức trên hình thành nên đức tính của người Công giáo. Các nhân đức bắt nguồn từ ba thần đức, giúp tín hữu hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi thực hiện các hành vi tôn giáo, các nhân đức đối thần sẽ khơi dậy tình cảm tôn giáo và định

hướng những hành vi thánh thiện trong cuộc sống hàng ngày của các tín đồ. Nếu không có các thần đức, hành vi tôn giáo chỉ là cái vỏ trống rỗng, vô hồn. Ba thần đức này được nói đến trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô của thánh Phaolô. (Xin xem 1Cr. 13, 13). Nó đã ăn sâu vào truyền thống giáo hội. Công đồng Trentô đã chấp nhận giáo lý về ba thần đức này và tuyên bố khi nào con người được thánh hoá thì sẽ nhận được ba thần đức này cùng các ơn khác.

Trước mặc khải về ơn cứu độ của Chúa Kitô, người ta phải có thái độ nào? Theo Thánh Gioan, thái độ người ta phải có là “lòng tin”. Ta gặp động từ “tin” 97 lần trong Phúc Âm Gioan, nhất là trong 12 đoạn đầu kể lại sự mặc khải của Chúa Giêsu cho nhân loại. Thánh Gioan đã viết Phúc Âm để làm phát sinh lòng tin và củng cố lòng tin nơi các Công giáo (Xin xem Ga. 20, 31). Công trình của Thiên Chúa mà người Công giáo phải thực hiện là tin vào Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến. Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan, ông đã trình bày đức tin như một điều kiện cần thiết để được hiệp thông với Thiên Chúa. (Xin xem 1Ga. 5, 1 – 12).

Theo Thánh Gioan, đức tin là sự liên kết hoàn toàn với Chúa Kitô và qua Chúa Giêsu Kitô, với chính Thiên Chúa; Chúa đòi hỏi người ta phải tin vào “Người”, “tin vào danh Người”. Tin là tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô, việc tận hiến này được diễn tả nhiều cách khác nhau như: đến với Chúa Kitô (Xin xem Ga. 5, 40; 6, 35 – 45; 7, 37 – 38); đón nhận Chúa Kitô (Xin xem Ga. 1, 12; 5, 43; 13, 20); kiên trì trong lời dạy của Người (Xin xem Ga. 8, 31; 15, 7); (Xin xem 1Ga. 2, 24). Hơn nữa, đối tượng của đức tin còn là những sự thật về Chúa Kitô: Người kêu mời các môn đệ hãy tin Người là Đấng Mêsia, là Đấng Chúa Cha sai đến, là Con Thiên Chúa; Người với Chúa Cha là một.

Theo giáo lý của Hội thánh, đức tin được hiểu là sự chấp nhận vô điều kiện những điều được coi là Lời của Thiên Chúa (Thánh Kinh). Nội dung cốt lõi của đức tin Công giáo là tin vào Thiên Chúa duy nhất toàn năng. Tin vào

Thiên Chúa được tỏ ra trong Đức Giêsu Kitô. Niềm tin này được cụ thể hoá bằng việc tin Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến, tin mầu nhiệm Chúa Ba ngôi, tin mầu nhiệm Phục sinh, tin Hội thánh… Tin vào Thiên Chúa chính là phó thác hoàn toàn cho Chúa, bao gồm chấp nhận giáo lý trong Kinh Thánh, phục tùng trước Chúa và tin những gì Chúa hứa. Việc tin tưởng vào Chúa Giêsu và mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi là một bộ phận quan trọng trong các nghi thức phụng vụ của Hội thánh Công giáo. Đức tin chính là điều kiện để các Công giáo đón nhận các bí tích. Đức tin là đòi hỏi cần thiết để được cứu độ, “ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc. 16, 16).

Như vậy, đức tin trước hết là mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Nếu mặc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa. Đức tin là sự gắn bó toàn diện của con người với Thiên Chúa. Người có đức tin không làm điều gì theo ý muốn của bản thân mà luôn làm theo ý muốn của Thiên Chúa một cách vô điều kiện. Tuy nhiên, đức tin không chỉ dừng lại ở lời nói suông mà phải biến thành hành động, bởi nếu không nó chỉ là đức tin chết. Người tín hữu phải ghi nhớ lời Chúa “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt. 7, 21).

Tuy nhiên, trong cuộc sống, con người không thể tránh khỏi những cám dỗ tầm thường và trái với lời dạy của Thiên Chúa. Người ta không thể trông mong một đức tin trọn vẹn ngay từ khi bước vào đời sống đạo. Do vậy, để đạt được một đức tin hoàn hảo, con người phải không ngừng luyện tập, chăm sóc, củng cố niềm tin của mình. Mỗi ngày, tín hữu phải cầu xin “Tôi tin, nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi” (Mc. 9, 24). Đồng thời, mỗi tín đồ

phải có bổn phận với đức tin của mình. Họ cần hiểu biết các chân lý của đức tin được tập trung trong kinh Tin Kính của các tông đồ, kinh Lạy Cha, Mười điều răn, các điều răn chính của Hội thánh (xưng tội rước lễ hàng năm và tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật), các Bí tích cần thiết (Rửa tội, Xưng tội và Thánh thể). Các chân lý này thường được các tín đồ nhắc lại và thực hiện hàng ngày hoặc trong các dịp lễ chung tại nhà thờ.

Việc hiểu biết các chân lý đức tin là điều kiện để đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa. Nếu có niềm tin vào Chúa, con người có thể làm bất cứ điều gì họ muốn “Nếu anh em tin và không chút nghi nan…anh em có bảo núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!”, thì sự việc sẽ xảy ra như thế. Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được.” (Mt. 21, 21 – 22). Đó chính là sức mạnh của niềm tin. Bên cạnh đó, bổn phận tuyên xưng đức tin là hình thức quan trọng để khẳng định lòng trung thành với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nhắc nhở các môn đệ rằng “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. (Mt. 10, 32 – 33).

Niềm tin có sức mạnh như vậy, cho nên tín đồ cũng cần có bổn phận truyền bá đức tin như Lời Chúa đã dặn: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt. 28, 19). Muốn vậy, con người phải không ngừng học hỏi, phục tùng ý Thiên Chúa một cách vô điều kiện, gắn bó với mọi người và hy sinh cả cuộc đời vì đức tin của mình.

Nếu đức tin giúp người Công giáo vững vàng trước mọi khó khăn trong cuộc sống thì đức cậy mang lại cho họ hy vọng vào một hạnh phúc vĩnh cửu ở Thiên đường nhờ sự hỗ trợ của Thiên Chúa. Nguồn gốc của đức cậy là Thiên

Chúa, bởi Người nhân lành, toàn năng và luôn trung thành với lời Người đã hứa đến muôn đời. Từ thời Cựu Ước, các tổ phụ của dân Israel luôn hy vọng được trở thành dân riêng của Thiên Chúa với miền đất hứa làm gia nghiệp. Lịch sử của dân Israel là lịch sử của một khát vọng liên tục và bền bỉ để đạt được mục đích cuối cùng là Thiên Chúa. Nhờ những hy vọng đó mà họ có thể kiên trì chịu đựng bao khó khăn gian khổ và quyết tâm để những hy vọng của họ trở thành hiện thực.

Đến Tân Ước, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô, dân Chúa tưởng như những gì Chúa hứa đã thành hiện thực. Thực tế thì không như vậy, Triều đại Thiên Chúa, nước Trời mới đang tới gần (Xin xem Mc. 1, 15), (Xin xem Lc. 10, 9). Sự thiết lập cũng như sự bành trướng và kết thúc Nước Thiên Chúa là trung tâm lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa cũng dạy các ông giảng về Nước Thiên Chúa (Xin xem Mt. 10, 7). Trong Phúc Âm Nhất lãm, ta gặp danh từ Nước Chúa 104 lần, Phúc Âm Thánh Mathêu dùng danh từ Nước Trời.

Trong những lời giáo huấn của Chúa, ta không thấy nói đến đặc ân của một dân tộc hay của một hạng người nào khả dĩ cho họ được quyền tham dự vào Nước Chúa và được hưởng các ân huệ trong Nước Người. Không một dân tộc, một hạng người nào có thể tự cho mình có quyền vào Nước Chúa, điều đó không có nghĩa là không ai được vào Nước Chúa. Chúa không từ chối một ai, cả những người ngoại giáo, những người tội lỗi, những người nghèo khó: “Từ phương đông, phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời” (Mt. 8, 11). Những người thu thuế và những đàn bà tội lỗi sẽ vào Nước Chúa (Xin xem Mt. 2, 34), và những người nghèo khó, đói khát, u sầu, bị bách hại được coi là những người có phúc vì Nước Trời là của họ (Xin xem Lc. 6, 20 – 23). Tóm lại, Nước Trời là một ân huệ Chúa ban cho hết mọi người.

Nước Chúa là một ân huệ Chúa ban nhưng người ta có nhiệm vụ đón nhận và cộng tác với công trình của Thiên Chúa. Do đó, muốn vào Nước Chúa, một đức tin bề ngoài, hời hợt là không đủ, mà phải thực thi thánh ý Chúa. Nước Trời có một giá trị vô song, như kho báu giấu trong ruộng, như ngọc quí mà bác nông phu và người thương gia đã tìm thấy, sẵn sàng bán tất cả những cái mình có để mua cho được (Xin xem Mt. 13, 44 – 46). Điều đó cũng giải thích tại sao có những người tự khước từ hôn nhân vì Nước Trời (Xin xem Mt. 19, 12) và tại sao mọi người có bổn phận phải hy sinh những gì thuộc về mình nhưng lại là thứ làm cớ cho bản thân phạm tội: “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục” (Mc. 9, 47).

Những điều kiện phải có để vào Nước Chúa gồm tóm lại trong hai điều kiện (nhiều khi được nhắc tới làm một cùng với nhau): sự sám hối và lòng tin. Vì thế, Gioan Tẩy Giả đã rao giảng sự ăn năn hối cải: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt. 3, 2). Lời Chúa giảng đầu tiên mà Phúc Âm Máccô đã ghi lại cũng vậy: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc. 1, 15). Sự mời gọi ăn năn hối cải là đề tài duy nhất của cuộc rao giảng của các Tông đồ khi Chúa sai các ông đi giảng (Xin xem Mc. 6,12). Trước khi về trời, Chúa đã truyền cho các môn đệ nhân danh Ngài rao giảng sự sám hối cho mọi dân tộc (Xin xem Lc. 24, 47).

Như vậy, để thực hiện đức cậy, Chúa đặt ra nhiệm vụ cho con người là phải tin tưởng, kiên nhẫn chịu đựng, thực hiện sự sám hối trước khi triều đại Thiên Chúa đến. Việc hiện thực hoá đức cậy trong đời sống chính là sự kiên nhẫn chờ đợi và trung thành tuyệt đối với Chúa. Chính nhờ có đức cậy mà khi sống trong xã hội trần thế đầy rẫy những đau khổ, phiền muộn với bao vấn đề phải đương đầu để sống, người Công giáo vẫn lạc quan, sẵn sàng đón nhận

đau khổ, không thất vọng hay bỏ cuộc, bởi sau khi chết đi, họ sẽ được nước Trời làm phần thưởng. Hơn nữa, trong cuộc sống, không ai không mắc phải sai lầm, tội lỗi khiến cho họ phải day dứt, hối hận. Chính nhờ sự trông cậy vào lòng thương xót và lời hứa sẽ tha tội của Chúa khi họ biết chân thành hoán cải, đức cậy đã mang đến cho họ hy vọng được làm lại cuộc đời, giúp họ vượt qua được những cám dỗ về lợi ích mà vì lòng ích kỷ của mình họ đã gây thiệt hại cho người khác và đương nhiên cũng là cho Thiên Chúa, để có thể trở thành người tốt hơn.

Đức mến chính là lòng kính yêu Thiên Chúa và mọi loài thụ tạo vì Người. Trong đó, yêu mến Thiên Chúa là điều răn lớn nhất, lời răn đứng đầu và quan trọng nhất trong tất cả các điều răn. (Xin xem Mt. 22, 36 – 40), (Xin xem Mc. 12, 28 – 34), (Xin xem Lc. 10, 25 – 28). Đức mến là hệ quả của lòng tin, không có đức mến đích thực nếu không có đức tin và đức cậy. Cùng với lòng tin, đức mến là điều kiện cần thiết để được hiệp thông với Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga. 4, 16). Thiên Chúa chính là nguồn mạch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm đạo đức cơ bản trong tân ước (qua khảo cứu các sách phúc âm mathêu, máccô và lucca) luận văn ths triết học 60 22 90 (Trang 38 - 56)