sống tín hữu Công giáo Việt Nam hiện nay
Công giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVI. Trong lịch sử và hiện tại, cộng đồng Công giáo ở Việt Nam đã hình thành một nếp sống. Nếp sống đó do tín lý và niềm tin tôn giáo quy định.
Nếp sống đạo là vấn đề được bàn luận rất nhiều trong giới Công giáo, đặc biệt là từ sau Công đồng Vatican II, nếp sống đạo được hiểu trên bình diện sâu và rộng hơn khi việc thực hành sống đạo không còn đặt nặng vào vấn đề phải học thuộc lòng các kinh nguyện, tham dự đầy đủ các nghi lễ của đạo mà các tín đồ còn cần phải thực hiện sống tinh thần Công giáo – tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống hàng ngày, trong các mối quan hệ giao tiếp giữa
người với người để thể hiện một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc. 2, 17). Đời sống đạo cần vừa phải gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đến với tha nhân. Chính vậy, các giáo dân ngày nay được khuyến khích sống một cuộc đời thể hiện đức tin vào Thiên Chúa thông qua lối sống thiết thực của mình trong xã hội, hơn là chỉ chú tâm hoàn toàn vào việc đọc kinh và thực hiện các nghi lễ.
Sống đạo Công giáo ngày nay đã vượt qua lối sống đạo trong các Bí tích, các lề luật để chuyển sang một lối sống đạo mới là sống đạo giữa đời. Người Công giáo ngày nay sống đạo gắn liền hai trách nhiệm: trách nhiệm với Chúa và trách nhiệm với tha nhân mà rộng hơn là với vai trò của một công dân tốt. Mục đích cuối cùng của sống đạo là hướng đến “Mến Chúa và yêu Người”. Đạt được điều đó, người Công giáo tin rằng họ sẽ có được “phần thưởng” chính là Nước Trời.
Trong bối cảnh kinh tế – xã hội có nhiều biến chuyển, nhất là khi Việt Nam bắt đầu bước vào nền kinh tế thị trường, đồng thời với sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc là sự du nhập của các trào lưu văn hóa, các trào lưu lối sống thực dụng từ phương Tây. Những lối sống này đối nghịch với đời sống đạo của người Công giáo và có nguy cơ làm xói mòn đời sống đạo. Đứng trước tình cảnh đó, Thư Mục vụ năm 2006 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã lấy chủ đề “Sống đạo hôm nay” để nhắn nhủ và định hướng lối sống cho các tín đồ, đó là phải canh tân bản thân với sự tự ý thức và sống đúng phẩm giá của mình; đời sống đạo phải được đặt trên nền tảng bác ái, yêu thương, cụ thể nhất là giúp đỡ những người nghèo khổ và còn là việc mỗi tín đồ cùng nhau góp phần xây dựng một xã hội công bằng.
Như vậy, đời sống đạo ở đây được tóm gọn với ba ý chính là: rèn giũa bản thân trong các tín lý Công giáo, biết giàu lòng quảng đại để phục vụ những người nghèo khổ và sống gương mẫu bằng đời sống của mình để làm
chứng nhân cho mọi người xung quanh. Có như vậy thì lẽ sống “Mến Chúa, yêu Người” mới được thể hiện một cách triệt để và sâu sắc nhất.
Những quan niệm đạo đức Công giáo được đề cập trong Kinh Thánh có tác động mạnh mẽ đến nếp sống trong cộng đồng Công giáo và xã hội. Lẽ sống mến Chúa, yêu người của đạo đức Công giáo ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống Công giáo Việt Nam. Đời sống của họ là việc tuân giữ Lời Chúa và noi gương Chúa yêu thương con người, có những hành động thiết thực giúp đỡ mọi người. Trong đó, Tám mối phúc thật là một trong những nội dung Lời Chúa được người tín hữu học hỏi sâu rộng và áp dụng một cách rõ rệt trong đời sống gia đình và ngoài xã hội.
Trong gia đình, các bậc phụ huynh đảm nhận trách nhiệm nuôi dạy con cái, hướng dẫn con cái học tập Kinh Thánh, giáo lý, cầu nguyện… Những hướng dẫn này tập trung vào hai mục tiêu giáo huấn là giáo dục nhân cách và lối sống tuân theo tinh thần các mối phúc. Đó là các tính cách như: khiêm nhường, đoan trang, hiền lành, chừng mực, nhịn nhục với lối sống: thanh bần, nghèo khó, giản dị, trong sáng, vị tha, dĩ hoà vi quý, sợ tội, chăm làm việc từ thiện, bác ái…
Sống tinh thần Tám mối phúc thật, người Công giáo Việt Nam đã thực hiện việc tăng cường mối liên hệ với tha nhân bằng những hoạt động dấn thân xã hội, phục vụ sự sống toàn diện của tha nhân, xây dựng xã hội công lý và hoà bình. Số giáo dân Công giáo chiếm chưa đến 10% dân số cả nước, nhưng đóng góp của người Công giáo cho đất nước được coi là rất đáng kể, đặc biệt trên lĩnh vực từ thiện nhân đạo. Những cơ sở khám bệnh miễn phí, những lớp học tình thương, những trung tâm chăm sóc người bệnh phong, bệnh nhân HIV/AIDS do giới Công giáo quản lý và điều hành luôn được xã hội ủng hộ, kính trọng vì tinh thần nhân ái cao cả. Có những việc làm rất bình dị nhưng mang đậm tính nhân văn, rất đáng được biểu dương của người dân Công giáo.
Có người hai mắt bị mù nhưng luôn cần mẫn theo dõi thời tiết để thông báo cho bà con đi biển được an toàn. Người thì cưu mang những đứa trẻ mồ côi, hay giúp những cô gái lỡ mang thai được mẹ tròn con vuông. Và có lẽ, rất nhiều người biết đến hình ảnh những nữ tu chăm sóc trẻ mồ côi và những cụ già. Theo số liệu thống kê năm 2002 có bổ sung số liệu năm 2004 của Ban Tôn giáo Chính phủ, số cơ khở khám chữa bệnh, điều dưỡng của giới Công giáo là 130 và số cơ sở giáo dục, dạy nghề là 862. [83, tr. 580].
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực đó, những quan niệm đạo đức Công giáo cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng, xã hội. Quan niệm về hạnh phúc đích thực của con người không lệ thuộc vào của cải, người giàu có là người bất hạnh, Thiên Chúa yêu thương những người nghèo khổ đã triệt tiêu ý thức và nhu cầu vươn lên làm giàu chính đáng, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở đời sống hiện tại của giáo dân. Điều đó thể hiện ở sự chậm phát triển về các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội trong nhiều vùng đồng bào có đạo. Chính tư tưởng an phận, thiếu tinh thần đấu tranh khiến cho đời sống của đồng bào Công giáo ở một số nơi thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, nhìn chung giáo hội Công giáo Việt Nam có những chủ trương, đường hướng hoạt động hướng vào các vấn đề của xã hội, hoà nhập vào xã hội, cùng xây dựng xã hội giàu mạnh, văn minh. Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tỏ rõ tình cảm của người Công giáo đối với đất nước: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là đòi hỏi của Phúc Âm”. Đồng thời, Thư chung 1980 chủ trương xây dựng một Hội thánh của Chúa Giêsu Kitô tại Việt Nam, gắn bó với dân tộc và đất nước, “Sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc”, cùng đồng bào cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. [Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, dẫn theo 84, tr. 239 – 240].
Những quan niệm đạo đức trong Tân Ước đã in dấu trong nếp sống gia đình Công giáo cũng như lối sống của mỗi cá nhân tín đồ. Với người Công giáo, hôn nhân không phải chỉ là chuyện tình cảm giữa hai người, mà đó là sự xác lập bởi Thiên Chúa. Thiên Chúa xác quyết tính thiện hảo của hôn nhân, hôn nhân được thực hiện trong ý Chúa. Ý thức trách nhiệm trước yêu cầu về hôn nhân bất khả phân ly của Thiên Chúa, người Công giáo xem hôn nhân là việc đặc biệt hệ trọng, nó quyết định đến cuộc sống của cả phần đời còn lại sau khi họ kết hôn. Sự ràng buộc hôn nhân đòi hỏi người Công giáo trước khi thành hôn phải lựa chọn thật nghiêm túc, kỹ lưỡng, sáng suốt để sau này họ có thể chung sống hạnh phúc với nhau và giáo dục con cái nên người. Hôn nhân Công giáo mang tính chất tiến bộ và nhân văn sâu sắc. Họ đặc biệt đề cao hôn nhân một vợ một chồng, đề cao trách nhiệm nuôi dạy con cái của cha mẹ. Hôn nhân phải thực sự được xây dựng trên cơ sở của tình yêu nam nữ, không bị gượng ép bởi bất kỳ người nào, dưới bất kỳ hình thức nào. Việc chuẩn bị cho hôn nhân cũng là một quá trình dài với nhiều nghi lễ chặt chẽ, nhằm đảm bảo cho cuộc hôn nhân thực sự bền chặt và hạnh phúc.
Vì hôn nhân Công giáo là bất khả phân ly, nên số người Công giáo bỏ nhau ít hơn các nhóm người khác. Theo một báo cảo ở Hà Nội cho biết, năm 1985, cả nước có 27000 vụ ly hôn; năm 1986 29717 vụ. Trong khi đó, từ năm 1980 đến năm 2000 ở Hải Vân, Hải Hậu, Nam Định chỉ có 2 cặp/6000 dân bỏ nhau. Xứ Sở Hạ (Hà Nội) có 1500 giáo dân mà từ năm 1945 đến nay chỉ có 1 đôi ly thân [9, tr. 35].
Trong gia đình người Công giáo, người vợ phải phục tùng người chồng chứ không phải vợ chồng ngang hàng. Tuy nhiên, người chồng phải luôn yêu thương vợ như lời Chúa đã dạy. Con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Cho nên, rất ít những gia đìnhCông giáo sùng đạo mà cha mẹ, ông bà bị ngược đãi hay con cái hư hỏng, phạm phải trọng án.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trong quan niệm về hôn nhân thì giáo hội Công giáo lại vấp phải bài toán dân số kế hoạch hoá gia đình. Với quan niệm coi việc sinh con là điều cao quý của vợ chồng, là trách nhiệm trước Chúa, gắn hôn nhân với nghĩa vụ truyền sinh, đồng nhất hôn nhân với trách nhiệm “sinh những đứa con cho Chúa”, coi sinh đẻ là việc thánh thiêng, kỳ diệu, không ai được xâm phạm tới…, mức sinh sản ở những nơi có đồng bào Công giáo sinh sống thường cao hơn so với những vùng dân cư khác. Giáo lý Công giáo không cho phép con người có quyền can thiệp việc sinh sản và phản đối một số biện pháp kế hoạch hoá gia đình khá phổ biến trong xã hội. Việc coi trọng quyền sinh sản của con người là điều tất nhiên. Song, việc lý giải giáo lý như trên gây khó khăn cho các cấp chính quyền trong việc vận động thực hiện chính sách Dân số, kế hoạch hoá gia đình của Nhà nước ta.
Trong đời sống cá nhân, các Công giáo thường giao tiếp với Chúa thông qua việc cầu nguyện hàng ngày. Khi làm việc trái với lề luật và các giới răn của Chúa, họ sẽ xưng tội với Chúa để được tha tội. Mọi hành vi, hoạt động của tín đồ đều chiếu soi vào những điều Chúa dạy, hướng đến cái thiện. Khi làm sai, họ áy náy, cắn dứt lương tâm. Vì vậy, xưng tội là trách nhiệm của mỗi tín hữu, nhằm tuân giữ các điều luật và giới răn của Chúa. Xưng tội giúp họ có cuộc sống thanh thản, lương tâm khỏi băn khoăn, lo lắng. Qua hành vi xưng tội, mỗi cá nhân tự giáo dục và hoàn thiện bản thân để sống “mến Chúa, yêu người” hơn. [16, tr. 66]
Dưới tác động của các chuẩn mực đạo đức trong Phúc Âm, những người Công giáo đa phần là những người tốt bụng, có đạo đức, có lối sống giản dị, trung thực, khiêm nhường, ít mắc vào các tệ nạn rượu chè, cờ bạc, hút xách, có ý thức xây dựng hạnh phúc gia đình và giữ gìn sự bình an của xã hội. Tuy nhiên, do giáo lý Công giáo không trùng với các quan niệm đạo đức xã hội và luật pháp nên cũng gây ra những điều khó xử hoặc tạo ra bi kịch cho người có
đạo. Vấn đề thờ cúng tổ tiên trước kia và vấn đề kế hoạch hoá gia đình hiện nay chẳng hạn. Giáo lý câm bê tha, rượu chè, cờ bạc nhưng lại không cấm buôn lậu nên vẫn có những tên trùm buôn lậu thuốc phiện là người Công giáo, như Nguyễn Văn Tám ở Kiên Lao – Nam Định năm 2005 [9, tr. 37].
Như vậy, những quan niệm đạo đức mà Phúc Âm nói riêng và Tân Ước nói chung đã đưa ra giống như những ngọn đèn chỉ đường nhằm dẫn đưa cộng đồng Công giáo nói chung cũng như từng thành viên trong cộng đồng ấy đến hạnh phúc viên mãn – hạnh phúc tuyệt đối mà muốn có được còn tùy thuộc vào những bước đi nơi trần thế của mỗi người. Những quan niệm đó có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Với những đường hướng hành đạo tiến bộ của Giáo hội Công giáo, hy vọng các tín hữu Công giáo Việt Nam sẽ đưa ra được những lựa chọn và định hướng sống đúng đắn phù hợp với lợi ích chung của dân tộc, phát huy hơn nữa những mặt mạnh trong quan niệm đạo đức của họ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
TIỂU KẾT CHƢƠNG 2
Phúc Âm là những cuốn sách chứa đựng nhiều nội dung đạo đức học. Trong phạm vi luận văn, tác giả đã triển khai phân tích các quan niệm về lẽ sống, hạnh phúc, lương tâm, nghĩa vụ, tình yêu thương và trách nhiệm.
Điểm nổi bật của các quan niệm đạo đức trong Phúc Âm là chúng mang giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Xuyên suốt trong Phúc Âm là những lời dạy về lẽ sống “mến Chúa, yêu người”. Lẽ sống đó chi phối các quan niệm của Công giáo về hạnh phúc, lương tâm, nghĩa vụ, tình yêu thương, trách nhiệm. Người tuân giữ lẽ sống đó sẽ không vi phạm các điều luật, giới răn của Thiên Chúa. Vì vậy, họ nhận được món quá tuyệt vời của Thiên Chúa, đó là hạnh phúc. Họ hạnh phúc vì lương tâm họ thanh thản, vì họ đã làm tròn bổn phận trước Chúa, được đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Những quan niệm
đạo đức đó đã ảnh hưởng, chi phối đời sống người Kitô hữu, giúp họ sống yêu thương nhau, biết kiên trì, vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hiện tại để được phần thưởng Nước Thiên Chúa.
Tuy nhiên, các quan niệm đạo đức trong Phúc Âm khiến cho người Công giáo thường bằng lòng trước thực tại, ít ý chí vươn lên, biết yêu cái tốt, cái thiện, tránh xa cái xấu, cái ác, nhưng lại không đấu tranh để loại trừ chúng ra khỏi đời sống. Hơn nữa, do các quan niệm đạo đức trên gắn liền với niềm tin vào Thiên Chúa toàn năng khiến cho nó có sức mạnh ghê gớm, khi được tuyệt đối hoá, nó gây ra một vài mâu thuẫn với đạo đức xã hội, làm cho cộng đồng Công giáo thường khó hoà nhập với các cộng đồng khác trong xã hội.
Việc chỉ ra những ảnh hưởng của các quan niệm đạo đức trong Phúc Âm đến đời sống người Công giáo Việt Nam góp phần định hướng lựa chọn các giá trị đạo đức phù hợp với công cuộc xây dựng nền đạo đức xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
KẾT LUẬN
Phúc Âm là một phần quan trọng trong Kinh Thánh Tân Ước, kể về cuộc đời và sứ vụ cứu chuộc con người của của Giêsu Kitô. Các sách Phúc Âm là những cuốn sách có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người Kitô hữu. Trong cuộc đời mình, họ sống theo tinh thần Phúc Âm, tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm. Nói cách khác, các quan niệm đạo đức – những lời dạy của Chúa Giêsu Kitô trong Phúc Âm là nền tảng đời sống đạo đức của cộng đồng Công giáo.
Với mục đích làm rõ các quan niệm đạo đức cơ bản trong Tân Ước được thể hiện qua các sách Phúc Âm và ảnh hưởng của những quan niệm đó đến đời sống người Công giáo Việt Nam hiện nay, chúng tôi đã đạt được một số kết quả như sau:
Thứ nhất, trước khi đi phân tích các quan niệm đạo đức cơ bản trong