Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự đồng bộ và

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng Nhà nước pháp quyền trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay (Trang 87 - 91)

2.3. Một số giải pháp góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp

2.3.1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự đồng bộ và

và tính hiệu lực của luật pháp

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với sự đa dạng và phức tạp vốn có của nó luôn đòi hỏi phải có sự quản lý vĩ mô của nhà nước. Nhà nước quản lý hoạt động của kinh tế thị trường thông qua việc xây dựng,

hoàn thiện và sử dụng các thể chế kinh tế - xã hội. Các thể chế này chính là hệ thống pháp luật và các tổ chức, cơ quan điều hành, giám sát, định hướng và tạo điều kiện để kinh tế thị trường vận hành theo đúng quy luật của nó. Bởi vậy, xuất phát từ thực tiễn nước ta hiện nay, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN đòi hỏi trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới – giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thực chất, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam gắn liền với quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN và quá trình biến đổi toàn diện đời sống xã hội. Cho nên, để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền XHCN cần phải xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, mang tính bao quát cao nhằm điều chỉnh tất cả các mối quan hệ trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, nhất là các quan hệ kinh tế. Nội dung của pháp luật phải phù hợp với quy luật khách quan của đời sống xã hội, phản ánh đúng đắn các mối quan hệ kinh tế - xã hội và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; khắc phục được tính chủ quan, duy ý chí trong nội dung của các văn bản luật. Muốn làm được như vậy, pháp luật trước hết phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và thực sự coi quyền lực là của nhân dân. Thông qua việc hoàn thiện nội dung của hệ thống pháp luật, nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để điều chỉnh có hiệu quả hệ thống các quan hệ đa dạng, phong phú đó, đảm bảo sự phát triển của chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa một cách ổn định, giải quyết tốt những xung đột xã hội có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Để có một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh và đồng bộ, cần phải có chiến lược xây dựng pháp luật đúng đắn, toàn diện; phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự tham gia tích cực của nhân dân, của toàn bộ hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của quốc tế. Ngoài ra, để sớm có một hệ

thống pháp luật hoàn chỉnh, phù hợp thì công tác xây dựng, ban hành pháp luật trong thời kỳ mới phải được tổ chức một cách khoa học, thu hút và sử dụng được những người có kiến thức pháp luật cao, có hiểu biết sâu sắc các lĩnh vực mà pháp luật điều chỉnh, đồng thời có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, nhiệt tình, sáng tạo…

Thực tiễn cho thấy, có được chương trình, chiến lược xây dựng pháp luật đúng đắn, khoa học là khâu tiên quyết đảm bảo cho sự thành công của quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chương trình được lập theo từng cấp thẩm quyền (Quốc hội, Chính phủ, các chủ thể sáng kiến pháp luật khác). Chương trình pháp luật phản ánh định hướng xây dựng pháp luật, vì thế, trong điều kiện hiện nay của nước ta, cần có chương trình xây dựng pháp luật cho cả quá trình và cho từng giai đoạn, từng thời gian. Từ các chương trình luật đã được xác định mà tiến hành xây dựng các văn bản lập pháp và lập quy cho từng lĩnh vực cũng như ngành cụ thể. Khi đề xuất, phải chú ý đến tính khả thi, dự báo đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và dự báo tác động của các chế định khi được ban hành. Các dự báo đánh giá trước và sau khi ban hành các văn bản luật là yêu cầu bắt buộc và rất quan trọng ở một nước có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay, có bảy hạng mục công việc phải làm khi ban hành luật, gồm: 1) Tổng kết tình hình thi hành pháp luật, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. 2) Tổ chức nghiên cứu thông tin – tư liệu liên quan đến dự án. 3) Chuẩn bị đề cương, biên soạn và chỉnh lý dự án. 4) Tổ chức lấy ý kiến bằng hình thức thích hợp về dự thảo. 5) Chuẩn bị tờ trình và tài liệu có liên quan. 6) Phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị dự thảo các văn bản quy định chi tiết. 7) Phải tính đến các điều ước quốc tế mà nước ta ký kết hoặc tham gia. Như vậy, về hình thức chúng ta đã đảm bảo khá tốt từ khâu chuẩn bị đến khi luật ra đời và có hiệu lực. Song thực tế cho thấy, trong quá trình xây dựng luật ở nước ta, người làm luật, xây dựng dự thảo văn bản luật lại

đứng trên góc độ của người quản lý chứ chưa phải là người thực hiện pháp luật - ở đây là công dân. Kết quả là, nhiều văn bản luật và dưới luật được ban hành nhưng khi thi hành lại có rất nhiều bất cập, thậm chí thiếu khả thi nghiêm trọng và bị cuộc sống bác bỏ.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả xây dựng và ban hành các đạo luật, một mặt cần kiện toàn tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật ở bộ, ngành và Chính phủ; sắp xếp và tổ chức lại các cơ quan nghiên cứu khoa học pháp lý, hình thành các trung tâm nghiên cứu đầu ngành làm nòng cốt nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật, đồng thời tư vấn cho Đảng và nhà nước trong hoạch định chính sách, chương trình xây dựng pháp luật một cách khoa học. Mặt khác, cần có chiến lược và kế hoạch đào tạo cán bộ khoa học pháp lý phù hợp để vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trước mắt, vừa tính đến yêu cầu lâu dài của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Phương hướng đào tạo phải nhằm hình thành một đội ngũ chuyên gia pháp lý chuyên làm công tác xây dựng pháp luật với trình độ chuyên môn cao.

Cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế thu hút nhân dân vào quá trình tổ chức xây dựng hiến pháp, pháp luật, góp phần tăng cường tính phản biện xã hội trong việc xây dựng pháp luật, làm cho luật pháp phản ánh đúng đắn nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân hơn. Đặc biệt, phải chú trọng lấy ý kiến nhân dân và các đối tượng chịu sự tác động điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật nhằm công khai, minh bạch hóa chính sách, đồng thời tiếp nhận các phản hồi (cả tích cực và tiêu cực) đối với dự án, dự thảo luật pháp. Áp dụng những phương tiện công nghệ hiện đại như lấy ý kiến nhân dân về các chính sách, đạo luật thông qua cuộc khảo sát trên Internet: mạng xã hội, trang tin tức…, sau đó tiến hành chỉnh sửa trước khi Quốc hội thông qua. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Cũng có thể áp dụng hình thức “khoán” hoặc “đấu thầu” việc soạn thảo các dự án luật theo nghĩa có sự tham gia của các thành phần là viện khoa học, trường đại học hoặc các cơ quan, tổ chức chuyên môn và các công ty luật có đủ khả năng nghiên cứu và soạn thảo luật. Đây cũng là kinh nghiệm của một số quốc gia có tổ chức khoa học tự thân, có điều kiện nghiên cứu, phân tích chính sách đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật (Hoa Kỳ, Malaysia…).

Như vậy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ tạo tiền đề pháp lý cho chính bản thân nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hoàn thành tốt vai trò của mình trong quá trình quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đã được xây dựng và không ngừng phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng Nhà nước pháp quyền trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay (Trang 87 - 91)