CHƯƠNG 1 : BIỂN ĐẢO VÀ THƠ VIẾT VỀ ĐỀ TÀI BIỂN ĐẢO
3.2. Những biểu tượng nghệ thuật
3.2.1. Biểu tượng nghệ thuật
Theo George thì biểu tượng (Symbol) là cái “tiết lộ mà che dấu, và che dấu mà tiết lộ” nên khó có thể đưa ra một khái niệm thống nhất về nó. Dựa trên nhiều ý kiến chúng ta có thể đưa ra một cái nhìn thống nhất về biểu tượng như sau: Biểu tượng là một loại tín hiệu mà mối quan hệ giữa mặt hình thức cảm tính và mặt ý nghĩa mang tính tất yếu, có lí do. Mặt hình thức cảm tính: Cái biểu trưng, tồn tại trong hiện thực khách quan hoặc trong sức tưởng tượng của con người. Mặt ý nghĩa: Cái được biểu trưng. Mà cái được biểu trưng bao giờ cũng rộng hơn, “dồi dào” hơn. Cụ thể, biểu tượng theo một cách khái quát trước hết là hình ảnh của thế giới khách quan bên ngoài con người (màu sắc, vật thể, cơ thể,…). Với phương pháp biểu trưng hóa của hoạt động ý thức, con người đã phản ánh sự vật khách quan vào trí óc của mình, cấp cho nó một ý nghĩa, một thông tin. Từ đó, tạo nên một thế giới bên trong thế giới ý niệm, đó là thế giới vô hình, vô hạn và vô khả tri. Nó vừa phản ánh thực tại, vừa từ thực tại mà tưởng tượng, suy luận đem lại cho con người một khả năng vô tận: Khả năng trí tuệ, khả năng tâm linh để con người có thể tư duy, thông báo với nhau. Như vậy, bằng cách mô phỏng tự nhiên, con người đã tự sáng tạo một thế giới biểu tượng đa dạng, phong phú và vô cùng sống động. Biểu tượng không chỉ tồn tại trong một ngành khoa học riêng mà còn là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học: triết học, phân tâm học, mỹ học, thần học, ngôn ngữ học,…
Biểu tượng văn học là một biến thể loại hình của biểu tượng văn hóa. Nói đến biểu tượng người ta chú ý đến hai dấu hiệu nhận biết. Thứ nhất, biểu tượng là hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan. Thứ hai, biểu tượng không chỉ mang ý nghĩa biểu vật mà nói đến nó còn là nói đến hiện tượng
chuyển nghĩa, nghĩa bóng, nghĩa biểu cảm. Nó là “một phương thức chuyển nghĩa của lời nói” [19, 24]. Tuy nhiên, biểu tượng có những đặc điểm ý nghĩa khác với những hình ảnh khác có nội hàm gần gũi là ẩn dụ và hình tượng.
Việc xác định ranh giới giữa biểu tượng và ẩn dụ chỉ có thể là tương đối. Dựa trên hai dấu hiệu nhận biết của biểu tượng như trên thì biểu tượng có vẻ không khác gì ẩn dụ. Nên để phân biệt rõ biểu tượng và ẩn dụ thì trước tiên phải xác định đối tượng. Theo nhà văn Nga V.I.Eremina thì: “Ẩn dụ thơ ca được sinh ta nhất thời và mất đi khá nhanh. Biểu tượng được hình thành trong quá trình dài và sau đó sống hàng trăm năm, ẩn dụ là yếu tố biến đổi còn biểu tượng thì không đổi, bền vững. Ẩn dụ là phạm trù thẩm mỹ và phần lớn tự do tách khỏi phong cách ước lệ. Biểu tượng thì ngược lại, được giới hạn nghiêm túc bởi hệ thống thi ca xác định” [Dẫn theo 104, 85]. Như vậy, tính biến đổi và bền vững, tự do và ước lệ là những cơ sở để nhà văn Nga V.I. Eremina đã phân biệt ranh giới ẩn dụ và biểu tượng. Tác giả Phạm Thu Yến khi nghiên cứu biểu tượng trong văn học dân gian cũng khẳng định: “Biểu tượng mang tính kí hiệu quy ước, nghĩa là chỉ cần nêu hình ảnh biểu tượng là người đọc đã hiểu được cái mà nó biểu trưng, không cần yếu tố giải mã vì nó đã in sâu vào tư tưởng thẩm mỹ dân gian. Còn ẩn dụ tự do hơn, không chỉ được tạo bằng một hai hình ảnh mà bằng vài ba hình ảnh. Vì thế các yếu tố cần dựa vào nhau để giải mã ẩn dụ, ẩn dụ linh hoạt, trường liên tưởng rộng rãi hơn biểu tượng, số lượng nhiều hơn nhưng không bền vững bằng … Biểu tượng là hình ảnh ẩn dụ được sử dụng ở mật độ cao mang tính quy ước”[104, 87].
Biểu tượng và hình tượng cùng có giá trị nhận thức cảm tính và chủ quan trong việc phản ánh thực tại, có phương tiện biểu đạt là ngôn ngữ. Nhưng giữa biểu tượng và hình tượng lại có những điểm khác nhau rõ rệt. Sự tồn tại của hình tượng nghệ thuật không bao giờ vượt quá giới hạn của hình thức biểu đạt cụ thể (luôn có phương tiện biểu hiện trọn vẹn nghĩa của hình tượng), còn sự tồn tại của biểu tượng thì lại vượt quá giới hạn của một sự biểu đạt, biểu nghĩa (nghĩa là không một phương tiện nào có thể biểu đạt trọn vẹn
ý nghĩa của biểu tượng). Hình tượng bao giờ cũng tách riêng hoặc có xu hướng tách riêng ra khỏi một hệ thống nào đó để phù hợp với yêu cầu: tự do, hoàn thiện, độc đáo và khác biệt. Trong khi đó biểu tượng bao giờ cũng nằm trong một hệ thống nhất định, không thể tách ra đứng độc lập trong nhận thức của con người. Điểm khác nhau rõ nét nhất là biểu tượng có phạm vi lớn hơn hình tượng rất nhiều. Với tư cách là khách thể tính thể chứ không phải khách thể thực tại, hình tượng có một số đặc tính của biểu tượng. Chính yếu tố này khiến cho biểu tượng trong văn học có khi chỉ là một nhưng lại có thể được diễn tả được nhiều hình tượng. Từ một biểu tượng là biển chúng ta có thể thấy được một số hình tượng gửi gắm vào đó (người con gái trong tình yêu, cảm thức về vũ trụ,…). Những hình tượng ấy đều có một số nét liên hệ và phụ thuộc vào biểu tượng. Chính mối liên hệ khiến cho những hình tượng đưa ra có sức sống lâu bền và cũng góp phần làm biểu tượng hấp dẫn và có sức sống lâu bền trong lòng người đọc.
Mặc dù giữa ẩn dụ, hình tượng và biểu tượng có những nét phân biệt song những thuật ngữ này lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chúng ta không thể tách rời biểu tượng ra một cách độc lập. Vì vậy, khi nhắc đến ẩn dụ nghệ thuật người ta cũng nhắc đến ẩn dụ và hình tượng, hình ảnh.
Các biểu tượng ngôn từ nghệ thuật được cấu tạo lại thông qua tín hiệu ngôn ngữ trong văn học. Trong phạm vi ngôn từ nghệ thuật, các biểu tượng triết học, phân tâm, văn hóa, văn học đều được chuyển thành các từ - biểu tượng. Các hình thức vật chất cụ thể (sự vật, trạng thái, hành động, …) và các ý niệm trừu tượng trong đời sống tinh thần con người tín hiệu hóa thông qua hệ thống ngôn từ. Và hệ thống ngôn từ đó còn mở ra cho các biểu tượng những mối liên hệ mới, hiện thực hóa và phát triển ý nghĩa biểu tượng trong một năng lực biểu hiện to lớn. Từ đó nảy sinh nhiều biến thể khác nhau. Mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và hoàn cảnh đã tạo nên sự tương tác trong một môi trường văn hóa - ngôn ngữ, từ đó nhận diện được sự biến đổi ý nghĩa biểu tượng. Ý nghĩa - cái thực thể tinh thần của thế giới trong nhận thức con người
được phản ánh trong ngôn ngữ là vô hạn. Do đó, việc sử dụng ngôn từ như những biểu tượng trong hoạt động sáng tác văn học nói chung và thơ ca nói riêng có thể gọi là một cách định danh mơ hồ, đòi hỏi một tư duy tưởng tượng, một cái nhìn khám phá bản thể bị che khuất. Trong văn học cấu trúc ngôn từ của thơ ca được xem như một tổng thể các tín hiệu thẩm mỹ, trong đó vai trò quan trọng thuộc về các từ - biểu tượng với tư cách là những điểm nhấn trong tổng thể đó.
Thơ ca viết về biển đảo đã xây dựng được nhiều biểu tượng hấp dẫn là những tín hiệu thẩm mỹ biểu đạt những ý nghĩa phong phú: biểu tượng thuyền và biển, biểu tượng cánh buồm, biểu tượng cánh chim hải âu.