CHƯƠNG 1 : BIỂN ĐẢO VÀ THƠ VIẾT VỀ ĐỀ TÀI BIỂN ĐẢO
2.1. Cảm hứng nghệ thuật
Phương diện chủ quan của nội dung tư tưởng tác phẩm là lý giải chủ đề, cảm hứng tư tưởng, tình điệu thẩm mỹ. Tư tưởng của tác phẩm bao gồm khuynh hướng triết học, chính trị, đạo đức, khuynh hướng nhận thức, khuynh hướng tình cảm thẩm mỹ thể hiện trong tác phẩm. Tư tưởng của tác phẩm có quan hệ chặt chẽ với quan niệm về thế giới, với quan niệm về nhân sinh, với tình cảm và thái độ của nhà văn. Tư tưởng của nhà văn sẽ chi phối sự đánh giá các hiện tượng của đời sống trong tác phẩm. Xuất phát từ điều này, nghiên cứu văn học đã hình thành khái niệm cảm hứng chủ đạo với tư cách là nhân tố tư tưởng trong sáng tạo nghệ thuật.
Cảm hứng thường được hiểu là trạng thái tâm lý đặc biệt khi sức chú ý được tập trung cao độ, kết hợp với cảm xúc mãnh liệt, tạo điều kiện để óc tưởng tượng, sáng tạo hoạt động có hiệu quả. Cảm hứng là hứng thú sáng tạo nói chung và sáng tạo văn học nói riêng. Hê Ghen và Bêlinxki đều dùng từ “cảm hứng” để chỉ: “trạng thái hưng phấn cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh được bản chất của cuộc sống mà họ miêu tả. Sự chiếm lĩnh ấy bao giờ cũng bắt nguồn từ lý tưởng xã hội của nhà văn nhằm phát triển và cải tạo thực tại [17, 141]. Theo Pôxpêlốp thì cảm hứng là: “sự lý giải, đánh giá sâu sắc và chân thực - lịch sử đối với tính cách được miêu tả vốn nảy sinh từ ý nghĩa dân tộc khách quan của các tính cách ấy là cảm hứng tư tưởng sáng tạo của nhà văn và của tác phẩm của nhà văn” [17, 141]. Cảm hứng là một phương diện chủ quan thuộc về nội dung tư tưởng tác phẩm. Lênin từng viết trong bút ký triết học: “Tư tưởng - đó là nhận thức và khát vọng (mong muốn) của con người” [dẫn theo 50, 265].
Cùng quan điểm với Lênin, Pôxpêlốp khẳng định: “Tư tưởng của tác phẩm văn học là sự thống nhất tất cả các mặt nội dung của nó như một hệ đề
tài, hệ vấn đề và sự đánh giá tư tưởng - cảm xúc đối với cuộc sống, đó là tư tưởng khái quát, tư tưởng bằng hình tượng, bằng cảm xúc của nhà văn. Tư tưởng đó thể hiện cả ở sự lựa chọn, cả ở sự lý giải và sự đánh giá các tính cách” [17, 124].
Nội dung tư tưởng tác phẩm văn học luôn gắn liền với cảm xúc mãnh liệt. Nhà phê bình Bêlinxki nói: “Tư tưởng thơ, đó không phải là phép tam đoạn thức, không phải là giáo điều, không phải là quy tắc, mà là một ham mê sống động, đó là cảm hứng” [dẫn theo 50, 268]. Bêlinxki giải thích rõ hơn: “Trong cảm hứng nhà thơ là người yêu tư tưởng như yêu cái đẹp, yêu một sinh thể sống, thấm nhuần tư tưởng một cách nhiệt tình” [dẫn theo 50, 268].
Cụ thể các quan điểm của Bêlinxki, Trần Đình Sử đã đưa ra quan điểm về cảm hứng đó là: “Cảm hứng đó là một tình cảm mạnh mẽ, mang tư tưởng, là một ham muốn tích cực đưa đến hành động. Điều quan trọng là cần nhận ra cảm hứng như một lớp nội dung đặc thù của tác phẩm văn học. Cảm hứng trong tác phẩm trước hết là niềm say mê khẳng định chân lý, lý tưởng, phủ định sự giả dối mà mọi hiện tượng xấu xa, tiêu cực là thái độ ngợi ca, đồng tình với nhân vật chính diện, là sự phê phán tố cáo các thế lực đen tối, các hiện tượng tầm thường” [50, 268].
Với tính chất là một trong những yếu tố hợp thành tư tưởng tác phẩm, Hêghen xem cảm hứng chủ đạo như là “trung tâm điểm”, “vương quốc sự thật” của nghệ thuật. Ông cho rằng: “Cảm hứng chủ đạo là biểu hiện của tâm hồn người nghệ sĩ say mê thâm nhập vào bản chất của đối tượng, trở thành tương ứng với nó, gần như là xuyên suốt vào nó. Theo ông, cảm hứng chủ đạo cần được xem như là một sản phẩm của “một tinh thần phong phú và hoàn thiện, một cá tính mà trong đó tất cả những lực lượng bản thể phổ quát đều được thực hiện” [Dẫn theo 21, 208].
Về khái niệm cảm hứng chủ đạo, Bêlinxki quan niệm cụ thể hơn: “Trong những tác phẩm thi ca (hiểu theo nghĩa rộng: tác phẩm nghệ thuật - người soạn) đích thực, tư tưởng không phải là một khái niệm trừu tượng,
được diễn tả một cách giáo điều, mà nó tạo thành linh hồn tỏa vào trong tác phẩm, giống như ánh sáng chiếu vào pha lê. Tư tưởng trong sáng tạo thi ca - đó chính là cảm hứng… Cảm hứng là sự thiết tha và nhiệt tình nồng cháy gợi nên bởi một tư tưởng nào đó” [Dẫn theo 21, 208].
Cũng với quan niệm trên, Bêlinxki viết: “Nghệ thuật không cho phép thâm nhập vào nó những tư tưởng triết học trừu tượng, những tư tưởng lý tính; tư tưởng thi ca - đó không phải là một thứ tam đoạn luận, không phải là giáo điều, không phải là quy luật; đó là nhiệt tình sinh động. Cảm hứng biến sự nhận thức của trí tuệ về một tư tưởng nào đó trở thành niềm say mê đối với tư tưởng đó, trở thành năng lượng và thành khát vọng nồng nhiệt” [Dẫn theo 21, 209].
Từ những quan điểm trên, Bêlinxki đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu cảm hứng chủ đạo của nhà văn trong tác phẩm để tìm hiểu đặc điểm sáng tác của nhà văn ấy: “Công việc đầu tiên, nhiệm vụ đầu tiên của người phê bình là giải đoán cảm hứng chủ đạo của tác phẩm” [Dẫn theo 21, 209].
Về khái niệm cảm hứng chủ đạo, Huỳnh Như Phương đưa ra quan điểm: “Cảm hứng chủ đạo thấm nhuần vào toàn bộ cấu trúc của tác phẩm, vào thế giới hình tượng, bao gồm không gian, thời gian, tính cách nhân vật, vào xung đột và cốt truyện, vào ngôn từ và giọng điệu của một bài thơ, một truyện ngắn, một thiên tùy bút hay một cuốn tiểu thuyết”. [Dẫn theo 21, 210].
Từ quan điểm này, tác giả khẳng định: “Việc tìm hiểu cảm hứng chủ đạo không phải chỉ căn cứ trên một bộ phận, một thành tố nào, mà phải căn cứ trên toàn bộ lôgic nghệ thuật của tác phẩm” [21, 210].
Cảm hứng chủ đạo được xem là “trung tâm điểm”, là “vương quốc sự thật” của nghệ thuật. Cảm hứng chủ đạo không chỉ toát ra từ tác phẩm mà còn xuyên suốt toàn bộ sáng tác của một tác giả.
Còn cảm hứng trong thơ là cảm hứng sáng tạo nghệ thuật ở giây phút hứng khởi mãnh liệt nhất đúng như phát biểu của một nhà thơ nào đó rằng: Cảm hứng thơ là: “Sức sống bên trong đã tích tụ, ấp ủ lên men sáng tạo, thời
điểm mà ngọn lửa thơ ca bùng cháy”. Nghĩa là tác phẩm thường ra đời một cách tức thì, bất ngờ, không định trước khi cảm hứng xuất hiện. Tuy vậy, vẫn có những bài thơ được viết bằng ý chí, bằng suy tư trí tuệ thuần túy mà không có hay không cần cảm hứng nhưng ít khi thành công và càng không thể trở thành kiệt tác. Sự xuất hiện của cảm hứng thơ tưởng như là ngẫu nhiên, nhưng thực ra, sự ngẫu nhiên đó lại hàm ẩn một lý do tất yếu bên trong. Nicôlai Ôxtơrôpxki, người viết Thép đã tôi thế đấy nói đại ý rằng ông chỉ tin một điều là cảm hứng được sản sinh từ trong lao động. Nhà văn cần thành thực công tác cho dù điều kiện ra sao đi nữa vì lao động đó là thầy thuốc tốt nhất cho mọi cảm hứng.
Từ đây, có thể khẳng định rằng cảm hứng là trạng thái then chốt và bao trùm trong sáng tác. Nó bắt nguồn từ độ nhạy cảm của con tim và kho tích lũy các ấn tượng và kinh nghiệm đời sống, để một phút bất ngờ nào đó, toàn bộ năng lực tinh thần của người sáng tạo được tập trung và thăng hoa cao độ nhất. Và một điều dễ thấy là cảm hứng trong thơ rất đa dạng có thể là cảm hứng khẳng định ngợi ca, tự hào trước cái đẹp, cái thiện hay cảm hứng phê phán, lên án cái xấu, cái ác …
Thơ Việt Nam hiện đại viết về biển đảo nổi bật với các cảm hứng: khẳng định chủ quyền lãnh thổ, ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam và thể hiện tình yêu lứa đôi.