Không gian diễn ngôn – không gian tâm lý, tự do của nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trần thuật trong sững sờ và run rẩy của amélie nothomb (Trang 84 - 88)

CHƯƠNG 3 KHÔNG GIAN VĂN HÓA

3.3.2. Không gian diễn ngôn – không gian tâm lý, tự do của nhân vật

Không gian diễn ngôn vừa là không gian hiện tại, vừa là không gian quá khứ, lại vừa là không gian tâm lý của nhân vật. Không gian tâm lý chính là không gian bên trong của nhân vật. Khác với không gian bối cảnh – sự kiện được tái hiện một cách cụ thể, là nơi nhân vật “thể nghiệm” vai trò và khả năng của bản thân, không gian tâm lý là “nơi chốn” để nhân vật bộc lộ tâm tư,

tình cảm ẩn giấu bên trong con người. Không gian tâm lý trong Sững sờ và

run rẩy chính là không gian để Amélie được thả hồn mình trong tự do, không

còn bị trói buộc bởi công việc hay áp lực từ phía mọi người. Mỗi lần Amélie cảm thấy bức bối, suy sụp là mỗi lần cánh cửa sổ, nhìn ra không gian rộng lớn bên ngoài, lại mở ra trước mắt cô, đem lại cho cô bao nhiêu hy vọng và niềm hứng khởi. Có tới bảy lần không gian ô cửa sổ được Amélie nhắc tới và miêu tả cụ thể. Cửa sổ tâm hồn của mỗi người chính là đôi mắt, với đôi mắt ấy, Amélie đã phóng tầm mắt ra xa và trút bỏ mọi lo toan, phiền muộn: “Tôi gí sát mũi vào tấm kính và tưởng tượng để cho mình rơi xuống. Rất xa phía dưới kia thành phố: Tôi được thỏa thích ngắm nhìn bao nhiêu thứ trước khi bị nát bét ra dưới đất” [1, tr. 17]. Thả hồn mình vào không gian ấy, Amélie cũng tìm được cho mình động lực để làm việc: “Cái cửa sổ toàn bằng kính này chiếm một vị trí to lớn trong thế giới của tôi: tôi đứng hàng giờ ở đó, trán gí sát vào cửa kính, để chơi trò thả mình bằng mắt vào khoảng không. Tôi thấy cơ thể mình rơi xuống; bị cuốn vào cảm giác rơi xuống tới mức cảm thấy váng vất. Vì lẽ đó, tôi mới khẳng định rằng tôi không hề mảy may buồn khi làm công việc này” [1, tr. 35]. Khung cửa sổ cũng chính là không gian giúp Amélie cảm thấy có tự do thực sự: “Tôi bỗng như được buông thả. Tôi đứng lên. Tôi tự

do, chưa bao giờ tôi cảm thấy được tự do như thế. Tôi bước ra tận cán cửa kính khổng lồ. Thành phố lấp lánh ánh đèn ở rất xa phía dưới kia. Tôi đang ngự trị thế giới. Tôi là thượng đế. Tôi ném thân mình qua cửa sổ để thoát ra” [1, tr. 72]. Hơn bao giờ hết, khoảng không gian riêng tư ấy còn được xem là ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối; giữa hạnh phúc và đau khổ: “Cánh cửa ranh giới giữa ánh sáng khủng khiếp và bóng tối đáng yêu, giữa những ngăn phòng vệ sinh và cái vô tận giữa vệ sinh và cái không thể lau chùi, giữa cái giật nước và bầu trời. Chừng nào còn có những cánh cửa sổ thì người nhỏ bé nhất trên trái đất sẽ còn phần tự do” [1, tr. 167]. Tới đây, chúng tôi chợt liên

tưởng đến ô cửa sổ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Cái

ô cửa sổ ấy cũng chính là ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối mà Mị hướng ra với mong mỏi tìm cho mình một khoảng trời tự do của một con người. Amélie hướng tới cánh cửa sổ ấy, hòa mình vào không gian rộng lớn bên ngoài, mong mỏi tìm cho bản thân một chỗ đứng, một niềm hứng khởi làm nguồn động lực để cô tiếp tục làm việc. Không gian ấy trở thành không gian giải thoát, giải tỏa mọi nỗi bức bách, khổ đau của Amélie. Tất cả những dồn nén, bức xúc trong lòng Amélie bỗng chốc như được “bung” ra, “ném” vào khoảng không gian ấy, giúp cô tìm lại ý nghĩa cuộc sống. Bất lực trước sự đối xử bất công, nghiệt ngã của những người xung quanh nhưng không bao giờ bỏ cuộc và tuyệt vọng một cách thực sự bởi Amélie tưởng rằng bên ngoài công ty Yumimoto vẫn còn những khoảng không gian tuyệt vời mà ở đó cô được thực sự tự do, được sống trong sự yêu thương, được thể hiện và được thừa nhận khả năng và vai trò của bản thân.

Chúng tôi đã phân tích không gian truyện kể của tác phẩm và chỉ ra rằng đó là không gian thử thách nhân vật, chúng tôi nhận thấy đó là không gian tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào nhân vật, không chịu sự tác động của nhân vật. Đó chính là không gian để nhân vật hoạt động và thể nghiệm bản thân.

Khác với không gian thử thách nhân vật, không gian tâm lý (không gian tự do của nhân vật) lại thuộc về thế giới riêng của nhân vật. Trong văn phòng (khi Amélia làm công việc kiểm tra chứng từ) có mấy ngày cô ở lại làm đêm, tại đây Amélie được làm chủ không gian ấy, cô được tự do làm những việc cô muốn, thả sức tung hoành mà không sợ sự soi mói của người khác. Đêm thứ ba thức trắng làm việc trong một văn phòng rộng lớn, một điều kì diệu xảy ra với Amélie: “tâm trí tôi rời bỏ thân xác” [1, tr. 72]. Cô cảm thấy mình chưa bao giờ được tự do như thế: “Tôi bỗng như được buông thả. Tôi đứng lên. Tôi tự do. Chưa bao giờ tôi cảm thấy được tự do đến thế. Tôi bước ra tận cánh cửa kính khổng lồ. Thành phố lấp lánh ánh đèn ở rất xa phía dưới kia. Tôi đang ngự trị thế giới. Tôi là Thượng đế. Tôi ném thân mình qua cửa sổ để thoát ra” [1, tr. 72]. Suốt từ đầu tới cuối tác phẩm này, không ít lần nhân vật Amélie tự nhận mình là kẻ ngu ngốc, ngờ nghệch và cảm thấy nhục nhã, đau khổ. Dường như, trong những văn phòng nơi cô đã làm việc, cô không có quyền được nói và cũng không có một ai để cô giãi bày. Vì vậy vào thời điểm này, khi cô cảm thấy được rời bỏ thân xác, làm những việc cô muốn trong chính căn phòng đó, được một mình tung hoành trong chính không gian mà cô luôn bị mọi người nhìn với ánh mắt vừa thờ ơ vừa soi mói đó chính là lúc cô thăng hoa. “Lúc quay lại phòng kế toán, tôi cởi giày và quẳng phăng chúng đi. Tôi nhảy lên một chiếc bàn làm việc, rồi chuyển hết từ bàn này sang bàn khác, vừa nhảy vừa hét lên sung sướng.” [1, tr. 73]. “Này Fubuki, ta làm Thượng đế. Cho dù mi không tin ta, nhưng ta là Thượng đế. Mi ra lệnh ư, một điều chẳng có gì ghê gớm. Còn ta, ta trị vì. Quyền lực chẳng khiến ta bận tâm. Trị vì mới cao siêu hơn nhiều” [1, tr. 73]. “Buổi sáng đám đồ tể của tôi sẽ đến và tôi sẽ nói với bọn chúng rằng: “Ta lỡ hẹn! Hãy giết ta đi. Hãy thực hiện ước nguyện cuối cùng của ta: cầu cho Fubuki mang cái chết đến cho ta” [1, tr. 75]. Nhân vật có vẻ buông xuôi và lâm vào tình trạng bi quan, hoang tưởng và

điên loạn. Chúng ta như khám phá ra được một góc khuất bí hiểm trong thế giới nội tâm của nhân vật này. Chạy trốn khỏi cái không gian đã kìm hãm mọi tự do và suy nghĩ, nhân vật này tìm tới một không gian khác bình lặng, tìm về cuộc sống đích thực của mình. Nhưng chính từ cái cảm giác suy sụp ấy lại tạo nên điều kiện cho nhân vật tự đối thoại với chính mình: chối bỏ hay chính xác là không còn tin tưởng vào những cái gfi là cuộc sống bình lặng ấy: “Không. Mi đã bịa ra ngôi nhà và những con người ấy. Nếu mi có cảm giác họ tồn tại từ trước khi mi nhận công việc này thì đó chỉ là ảo ảnh” [1, tr. 144]. Như vậy, cảm xúc nhân vật bộc lộ thuộc hẳn về thế giới thầm kín riêng tư. Nó là không gian tâm lý giúp Amélie giải tỏa mọi bức xúc, mọi nỗi thống khổ những khi phải chịu sự coi thường của những kẻ khác. Không gian tâm lý trở thành không gian để nhân vật tự bộc lộ cảm xúc, là không gian riêng tư giúp người đọc đi sâu khám phá thế giới nội tâm thầm kín của nhân vật. Đặt nhân vật vào khoảng không gian ấy, nhà văn đã thể hiện được vai trò của mình với tư cách là một nhà tâm lý học am hiểu cuộc đời con người.

Như vậy, không gian trong tiểu thuyết Sững sờ và run rẩy đã có sự dịch

chuyển “điêu luyện” từ không gian chung sang không gian riêng, từ không gian văn phòng sang không gian rộng lớn bên ngoài (thậm chí cái thang máy cũng trở thành không gian để nhân vật bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ chủ quan của bản thân). Việc dịch chuyển điểm nhìn không gian như vậy giúp người đọc đi sâu khám phá thế giới nội tâm của nhân vật, như được tận mắt chứng kiến nhân vật hoạt động và hòa mình, đồng hành cùng nhân vật trải qua mọi biến cố, sự kiện. Đồng thời, cũng với những không gian như thế, các nhân vật khác trong tác phẩm cũng được hiện lên với những tính cách hết sức chân thực và sinh động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trần thuật trong sững sờ và run rẩy của amélie nothomb (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)