CHƯƠNG 3 KHÔNG GIAN VĂN HÓA
3.2. Phân loại không gian trong tác phẩm văn học
Không gian nghệ thuật không chỉ cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ đặc trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới và chiều sâu tư tưởng của tác giả. Không gian đó chính là kết quả của sự kiến tạo tư duy nghệ thuật của người viết nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống. Do đó, không gian trong tác phẩm văn học không chỉ là sự bó hẹp trong không gian địa lý, không gian vật thể… mà còn có cả không gian tâm tưởng dung chứa những cảm nhận sâu sắc của cá nhân con người trong những bối cảnh cụ thể.
Không gian trong tác phẩm văn học mang đầy tính biểu trưng và tính quan niệm. Nói về không gian, Chatman đặc biệt chú ý phân biệt không gian truyện và không gian diễn ngôn. Theo đó, không gian truyện là môi trường hoặc bối cảnh không gian của mỗi tình tiết, hành động của truyện. Không gian diễn ngôn là môi trường không gian hiện hành của người kể chuyện, dung chứa những tình huống trần thuật. Tùy vào góc độ nhìn nhận của các học giả mà không gian văn học được chia thành: không gian thần thoại, không gian sử thi, không gian cổ tích, không gian sự kiện, không gian thực, không gian ảo…
Không gian trong tiểu thuyết là sáng tạo riêng, là lãnh địa riêng của các nhà tiểu thuyết. Không gian tiểu thuyết đòi hỏi phải có “tính ngữ nghĩa”, những nét đặc sắc về không gian, có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến nhân vật và sự kiện trong tác phẩm, dẫn đến việc “nạp nghĩa” cho không gian. Nghiên cứu không gian trong tác phẩm văn học không chỉ giúp chúng ta thấy được bối cảnh xã hội, kết nối các sự kiện mà còn giúp chúng ta đi sâu vào khám phá thế giới bên trong của nhân vật. Nghiên cứu không gian nghệ thuật là nghiên cứu mối quan hệ giữa không gian và nhân vật, giữa bên ngoài và bên trong tác phẩm văn học.
3.3. Không gian trong tiểu thuyết Sững sờ và run rẩy
Trong Sững sờ và run rẩy, không gian có tác động lớn đến các yếu tố
nghệ thuật của tác phẩm, đặc biệt là hệ thống nhân vật nhất là nhân vật trung tâm. Không gian tạo ra môi trường cho nhân vật hoạt động, đồng thời, với không gian đó đời sống tâm lí của nhân vật đã hiện ra một cách rõ nét. Không gian tồn tại trong tác phẩm bao gồm cả không gian bối cảnh, không gian sự kiện và không gian tâm lí.
Có thể nói rằng, không gian trong Sững sờ và run rẩy có một vai trò quan
trọng trong việc thể hiện tư tưởng nghệ thuật của nhà văn Amélie Nothomb; qua không gian đó Amélie cho thấy sự hà khắc trong môi trường làm việc hiện đại của một nước Nhật công nghiệp, đồng thời cũng cho thấy sự xung đột giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây qua cách ứng xử của những nhân vật trong tác phẩm trong cùng một không gian. Văn phòng công ty Yumimoto trở thành một xã hội Nhật Bản thu nhỏ với mọi điều phức tạp, rắc rối và những nghi thức riêng của nó đủ khiến cho người đọc thuộc một nền văn hóa khác phải “sững sờ và run rẩy”. Ở vấn đề này, chúng tôi tập trung nghiên cứu không gian trong truyện kể và không gian diễn ngôn của tác phẩm. Chính không gian này làm nền cho nhân vật trung tâm xuất hiện và thể
hiện những quan điểm, suy nghĩ của mình về công ty Yumimoto nơi cô làm việc và sự khác biệt giữa người phương Đông và người phương Tây.