Chương 1 : TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC THANH NIÊN
1.2. Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên
1.2.2. Giáo dục lý tưởng cộng sản, tinh thần quốc tế vô sản cho
Theo Từ điển tiếng Việt, lý tưởng là “mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta mong muốn đạt tới” [4, tr. 873]; Từ điển xã hội học, lý tưởng là “những khát khao, nguyện vọng, tư tưởng về tương lai tốt đẹp mà con người hằng mong tới, là trạng thái hoàn hảo nhất mà người ta mong muốn đạt tới” [75, tr. 182].
Lý tưởng phản ánh xu thế phát triển của xã hội, những khát vọng của con người, phản ánh cái cần phải có, cái có thể có. Do là sự phản ánh những khát vọng, những hoài bão của con người mà lý tưởng, một mặt, vừa mang tính thời đại, vừa mang tính vượt trước.
Theo C. Mác, lý tưởng cách mạng là lợi ích chân chính của con người trong quan niệm của thời đại đó. Quá trình thực hiện lý tưởng cách mạng chính là quá trình đấu tranh để thỏa mãn nhu cầu, lợi ích đó. Nói cách khác, lý tưởng cách mạng là những khát vọng về lợi ích đã trở thành tình cảm và lý trí, lương tâm và danh dự của con người, của một thế hệ, một cộng đồng.
Bởi vậy, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, cho thanh niên nói riêng là một trong những vấn đề được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lần gặp gỡ với thanh niên, đã nói: “…chúng ta không được một phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta” [37, tr. 20]. Theo Hồ Chí Minh, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, trước hết là giáo dục nhận thức để giác ngộ lý tưởng “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Hồ Chí Minh đã dạy rằng: thanh niên sinh viên có giác ngộ lý tưởng mới giúp họ hiểu lý tưởng đó cao đẹp như thế nào, mới xây dựng cho họ niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cách mạng. Giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên sinh viên còn nhằm làm cho họ thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện lý tưởng, đồng thời có quan điểm và hành động đúng đắn để biến lý tưởng thành
hiện thực. Nói cách khác, giác ngộ lý tưởng cách mạng chính là giáo dục cho thanh niên lý tưởng sống và niềm tin vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục tình cảm cách mạng là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Đó là giáo dục lòng tin yêu đối với Đảng, với giai cấp công nhân, với nhân dân lao động, tình cảm với bạn bè quốc tế, là niềm say mê với công việc của mình.
Hồ Chí Minh chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên thông qua hoạt động thực tiễn. Theo Hồ Chí Minh, muốn làm cho thanh niên quan tâm đến vận mệnh đất nước thì phải rất chú trọng “giúp” họ hiểu rõ thời đại mà họ đang sống và vai trò của họ đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc và nhân loại. Trong các cuộc nói chuyện, trong các bức thư gửi thanh niên, trước hết Hồ Chí Minh làm cho họ hiểu rõ tình hình chính trị, nắm vững được sự chuyển biến căn bản của đời sống dân tộc và thế giới. Hiểu rõ thời đại, xác định được vị trí chiến đấu của chúng ta – những người đang xây dựng chủ nghĩa xã hội – sẽ đem lại nguồn cổ vũ to lớn và lòng tự hào cao cả vào sự nghiệp của dân tộc. Do vậy, phải lấy lý tưởng cộng sản mà giáo dục cho họ. Phải lấy lý tưởng cao cả đó mà giải thích ý nghĩa của sự kiện, của việc làm hàng ngày để kích thích lòng tự hào của tuổi trẻ. Và chính họ sẽ là những người biến khát vọng giành độc lập dân tộc của các thế hệ trước thành hành động của chính mình, bằng dũng khí, sự quyết tâm, lòng say mê sáng tạo của mình để đưa đất nước trở thành một quốc gia giàu mạnh, văn minh và hòa nhập thế giới.