- phương thức thể hiện khát vọng giải phóng tính dục
3.1.1 Đất như làm ẫu tính
Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Đất (Terre) đối lập với Trời một cách tượng trưng như là bản nguyên thụ động đối lập với bản nguyên chủ động, tính nữ đối với tính nam, bóng tối đối với ánh sáng, yin (âm) đối với dương (yang)… Trong Kinh Dịch, đất là quẻ “khôn” là tính thụ động hoàn hảo, tiếp thụ tác động của nguyên lý chủ động “càn”. Mọi con người đều sinh ta từ đất, vì đất là đàn bà và bà mẹ. Những đức tính của đất là dịu dàng và chịu phục tùng, tính kiên định yên tĩnh và bền bỉ, tính khiêm nhường. Đất là bản thể vũ trụ, là cái hỗn mang nguyên thủy tách ra khỏi nước, đất được coi là một tử cung thai nghén những nguồn nước, khoáng sản và kim loại. Đất tượng trưng cho chức năng người Mẹ: Tellus Mater (Đất mẹ), đất cho và lấy lại sự sống. Được đồng nhất với người mẹ, mẹ Đất Gaia. Đất là một biểu tượng của sức sản sinh và tái sinh, được đặt tên là Bà, Tổ thân mẫu. Mẫu gốc Đất chứa trong nó các biểu tượng phổ quát là Mẹ, núi đồi, hang động, cây cối, muông thú trên mặt
đất, gò, đống, rừng, vườn… Biểu tượng Mẹ lại gần gũi, bao chứa các biểu tượng như
sữa, ngực, bàn tay, bình, lọ, trứng, bầu, … Đất có liên hệ với biểu tượng bàn chân, giày… Cổ mẫu Đất xuất hiện sớm trong thần thoại, truyền thuyết, sử thi dân gian như
Thần trụ trời, Bánh trưng bánh dày, Đẻ đất đẻ nước, Con rồng cháu tiên, ChửĐồng Tử, Sơn Tinh Thủy Tinh, rồi đến thơ Hồ Xuân Hương, Tản Đà…
Trong thơ Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, sự sống động cựa hiện hình trong thế giới cỏ dại, côn trùng: hoa dại, con dế, thạch sùng, muỗi, nhện, ve,
cỏ, ngựa non, bọ gậy, cánh phù du, con thiêu thân, dơi, chuột chù, chuồn chuồn, ếch, nòng nọc, con trâu, mọt, con mèo, con kiến, ong vò vẽ, chim non, sẻ già, chích bông, châu chấu, ngọn cỏ lau, mầm cây lá nhọn, rừng lá thấp, chiếc lá, ngài, mạng nhện, sâu,
đom đóm, cánh hoa, hạt cỏ… Ở phần 2.2.1, chúng ta đã thấy các nhà thơ nữ hay sử
dụng hình ảnh “trứng” như biểu tượng của sự sinh sôi.
Không gian mặt đất là thảo nguyên, cánh đồng, đồng cỏ, hốc đá, hốc rêu, rãnh, hang, vườn, rừng sâu, núi, lục địa, những cánh rừng nguyên sinh… Không gian mặt
đất ấy có sức gợi đến sự phong nhiêu của người nữ. Chính Nhã Ca trước đây cũng như
Lê Thị Thấm Vân, Trân Sa… sau này cũng hay dựa theo lối biểu cảm ấy để viết về
tính dục, đặc biệt là hình tượng vườn. Vườn là một biểu tượng thiên đường trên mặt
đất. Vườn còn có thể mang ý nghĩa siêu hình và thần bí, như trong các truyện cổ Ba Tư. Thực tại tối hậu và niềm cực lạc được diễn đạt bằng ngôn ngữ của vườn. “Vườn thường hiện lên trong các giấc mơ như là biểu hiện tốt lành của một ham muốn không gợn chút lo âu. Nó là địa điểm của sự sinh trưởng, của sự vun trồng các hiện tượng cốt tử và nội tâm… Đối với người đàn ông, vườn thường là hình ảnh bộ phận sinh dục của cơ thể đàn bà. Nhưng qua phúng dụ về thiên đường nhỏ, các bài hát tôn giáo của những người thần hiệp… mang nhiều ý nghĩa hơn là một tình yêu bình thường và hiện thân của nó, các bài hát ấy kiếm tìm và say sưa ngợi ca cái điểm trung tâm sâu kín nhất của linh hồn” [38,tr.1007]. Trong thơ Vi Thùy Linh, vườn không phải là biểu tượng chung chung biểu thị sự sinh trưởng, tươi tốt mà nó được tôn vinh như là một khu vườn tình ái, miền linh thánh. Đỉnh cao của sự sống, tình yêu là sự hòa hợp của hai con người, Anh và Em, cả về thể xác và tâm hồn. Biểu tượng sự giao hoan được mô tả theo lối tượng trưng: “Hãy ghì lấy hòa vào em cuộc phục sinh dịu dàng và khốc liệt …Mây võng đất lún suối dâng tóc thác đổ thân trăng nhún - Muốn thêm một đêm Anh trồng em” (Bờ của chích bông), “Anh hạ trời xuống Anh nâng đất lên - Anh bùng vỡ thanh xuân cuồng điên …Duỗi chân dài, em nối những ranh giới, những núi đồi, sông biển, nhịp nhịp qua cầu đùi mướt” (Nơi ánh sáng).
Biểu tượng Đất gắn liền với biểu tượng Mẹ. Trong thơ Linh, Con cũng trở
thành một biểu tượng, đấy là những mặt trời đang phôi thai hay Đồng Tử. Cặp biểu tượng này đã phá đi mẫu gốc khi tạo dựng hình ảnh người mẹ thụ tạo giấc mơ con trong ý nghĩ. Sự phá dỡ mẫu gốc Mẹ trong tập Đồng tử đã có từ tập Linh: “Con
đường đê mang tên Âu Cơ, đổ xuống đường Lạc Long Quân giấc mơ trăm trứng - Em Âu Cơ một mình” (Tín hiệu). Biểu tượng Mẹ gợi liên tưởng đến bàn tay. Bàn tay ngoài ý nghĩa biểu tượng cho sự che chở, nâng đỡ của người mẹ còn khoác thêm nét nghĩa mới: thể hiện khát khao tính dục [xem Luận văn, 2.1], hoặc nơi ghi dấu thời gian, nỗi đau: “Dẫu thời gian đang chai vào em… Bàn tay đỏ lên những vết chai khi em khóc” (Còn lại). Bàn tay gắn với định mệnh, duyên mệnh: “thiếu phụđưa bàn tay phải ra trước mặt, nhìn vào đường tình duyên đầy nhánh ngang chồng chéo và đứt
đoạn: “Anh có đi hết con đường này không ?” (Thiếu phụ và con đường).
Biểu tượng bàn chân cũng có mối liên hệ với mẫu gốc Đất. “Là cơ quan thực hiện chức năng đi lại, chân là một biểu tượng của quan hệ xã hội…Bàn chân là chủ và chìa khóa của các mối quan hệđó… Chân cũng như dương vật, là một biểu tượng của sự sống: để chân trần có nghĩa là chứng tỏ sức mạnh và tính đàn ông của mình” [38,tr.155]. Nhưng trong thơ Linh, chân trần hay được nhắc đến và nó trở thành biểu tượng tính dục đầy quyền uy: Chúng mình chân trần trên cát cháy tìm nhau, Những cặp chân khóa chặt nhau khước từ chân lý, Cái lưỡi mềm của anh nơi gan bàn chân em - Làm thế giới hóa lỏng.Đấy chính là sự phá vỡ nguyên nghĩa biểu tượng bàn chân trong nền văn hóa nhân loại và thổi vào đó màu sắc tính dục đậm đặc. Đấy là sự táo bạo của Linh cũng như của nhiều nhà thơ trẻ khác.
Cùng là biểu tượng mang tính thiên âm, mẫu gốc Đất gợi suy tưởng đến mẫu gốc Nước. Trong thơ các nhà thơ nữ, nước bao giờ cũng là hình tượng mang chở
nhiều ý nghĩa.
3.1.2 Nước như là nữ tính
Những ý nghĩa tượng trưng của nước (eau) thường được quy về ba chủ đề
chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh. Nước là vật chất khởi thủy. Nước thuộc âm (yin), đối lập với lửa. Nước tương ứng với cái lạnh, màu
đen. Nhưng nước cũng có một mối liên hệ khác với sét, tức là với lửa, Việc quy thủy như vậy có thể coi là sự quay về với trạng thái phôi thai. Tuy nhiên, có thể xem ý nghĩa của nước trên hai bình diện hoàn toàn đối lập: nước là nguồn sống và là nguồn chết, có chức năng tạo dựng và tiêu hủy. Mẫu gốc Nước chứa trong nó các biểu tượng: biển, sông, ngòi, kênh, đầm, hồ, ao, suối, mưa, sương, giếng, thuyền, bến bờ, nguồn mạch, màu trắng… Nước có liên hệ với biểu tượng sữa, nước mắt, mặt trăng…
Mưa là một dạng thức của nước. Cơn mưa đem lại nguồn sống trong thơ Phan Huyền Thư: “Mưa rào phi đầy tên nhọn - xuống đầm lầy - những chiếc kim hoan lạc” (Thực dụng hư vô). Cơn mưa trong thơ Ly Hoàng Ly đã loại đi ý nghĩa biểu tượng ấy, mưa biểu tượng cho nỗi buồn của cô gái, cho ảo ảnh trong cuộc sống: “Nỗi buồn là sản phẩm trí tưởng tượng của ông ta và cô gái - Ông ta là sản phẩm của mưa - Mưa là sản phẩm của đêm và cô gái” (Lô lô).
Nước gợi đến Sông. Một dòng sông thanh tẩy trong thơ Linh: Anh miền sông Hằng - Âm âm sương đổ (Linh), Anh bế em vừa tắm sông Hằng, trở về ngôi báu - Đôi bàn tay quẫy lòng hồ trinh tĩnh - Neo em vào Anh (Teressa). Tuy nhiên, ở đây, sự phá bỏ mẫu gốc ở chỗ chính tình yêu mới là dòng sông thanh tẩy. Sông Hằng được kéo trở
về cuộc sống trần tục.
Thơ nữ hay nói đến trăng. Trăng có mối liên hệ với nước bởi hiện tượng thủy triều. Trăng xuất hiện nhiều trong thơ Linh, ở nhiều hình dạng, nhưng không gợi tình như trong thơ các nhà thơ nam giới, nó như “đồng tình”, tương ứng với người nữ
trong thơ. Có lẽ vì người nữ và trăng cùng mang thuộc tính âm, do đó, người đàn bà trong đêm là “người đêm khuyết”, “em khuyết nửa”. Thuộc tính của trăng là lạnh, cũng như thuộc tính của nước là lạnh. Thừa nhận thuộc tính “lạnh” của người đàn bà nhưng thơ Linh lại tạo dựng biểu tượng người đàn bà truyền lửa: Em nhìn xém lửa cả ảo ảnh (Khi em tựa cửa), Em dang tay đón anh - như thập tự lửa (Tiếng đêm), Chỉ có chữ luôn ở trong em, chữ va nhau đánh lửa (Một lá thư chưa gửi), Ngày ướm đêm giục em tận hiến - Chảy sâu vào em nguồn nóng thiêng liêng (Solo), Như người mang lửa từđỉnh núi vời vợi, chạy ngày ngày đến với tình yêu, giữ lửa cháy để sống tình yêu (Mùa đông cuối cùng). Người ta vẫn nói ‘đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim’, Vi Thùy Linh lại mô tả mình như người đến từ sao Hỏa. Điều ấy thể hiện nỗ lực của người nữ trong việc hội nhập nam tính.
Nước là một biểu tượng của tính nữ. Đấy là khi nói lên sự mềm mỏng, yếu
đuối. Thơ Linh hay nói đến nước mắt, “giọt cường toan”. Nước mắt biểu trưng cho nỗi đau khổ, bản tính nhạy cảm của người con gái. Các nhà thơ nữ như Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Thúy Hằng còn từ biểu tượng nước liên tưởng đến “chất đặc thù” của người nữ: kinh nguyệt, sữa, nước cửa mình, nước ối…
Màu trắng là thuộc tính của nước nên biểu tượng nước liên quan đến biểu tượng màu trắng. Màu trắng là một màu nguyên, có những sắc thái đi từ mờ đục tới bóng láng, nó không có màu gì hoặc là tổng hòa của các màu. Như vậy, màu trắng có khi là ở điểm xuất phát, có khi là ởđiểm chung cục của cuộc sống ban ngày và của thế
giới hiển lộ, do đó nó có giá trị lý tưởng và tiệm cận. Tuy nhiên, ở điểm chung cục này thì nó lại là điểm xuất phát để chuyển từ cái hữu hình sang cái vô hình. Vì thế, màu trắng là màu của bước chuyển. Màu trắng của phương Tây là màu trắng mờ của cái chết, làm tiêu tan con người và đưa về thế giới thuộc mặt trăng, lạnh lẽo và âm tính, đưa tới sự trống vắng của ban đêm. Màu trắng của phương Đông là màu của sự
quay về, màu trắng lúc rạng đông, khi bầu trời chưa sắc màu nhưng đầy tiềm năng biểu hiện [38,tr.942]. Trong thơ Ly Hoàng Ly, màu trắng biểu thị sự tinh nguyên, sự
thanh tẩy (Người đàn bà và căn nhà cổ), hơn thế, màu trắng là một biểu tượng thị giác chứa trong nó nhiều tiềm năng biểu hiện. Do đó, nó là một chất liệu để tìm nghĩa.
Phòng trắng là một kiểu sắp đặt bằng thơ. Màu trắng biểu tượng cho sự bất khả tri trong nhận thức của con người, đồng thời cũng biểu tượng cho sự tiềm ẩn về nhận thức. Giống như khi bước vào một phòng trắng, không có gì cả, chỉ một màu trắng, con người không nhận thấy gì hết, nhưng trong tâm thức con người sẽ dậy lên nhiều ý nghĩ. Ly đem đến cho người thưởng ngoạn màu trắng đúng như nó tồn tại. Họa sĩ
W.Kandinsky đã nói: “Màu trắng mà người ta thường coi là vô sắc… giống như một biểu tượng về một thế giới, trong đó mọi màu sắc là thuộc tính của những thực thể vật chất đều tan biến cả… Màu trắng, nó động đến tâm hồn chúng ta như là trạng thái yên lặng tuyệt đối… Trạng thái yên lặng này không phải là trạng thái chết mà chứa chan những khả năng sống động… Đó là dạng hư vô chứa đầy niềm vui trẻ trung, hoặc… một dạng hư vô đi trước mọi sựđời, trước mọi cuộc khởi thủy” [38,tr.943].
3.1.3 Đêm như là bản tính
Đêm như là bản tính của người nữ bởi sự huyền bí, sâu sa.
Đối với người Hy Lạp, đêm (nuit/ nyx) là con gái của Hỗn mang và là mẹ của Trời (Ouranos) và Đất (Gaia). Đêm sinh ra giấc ngủ và sự chết, những giấc mơ và những mối lo âu, tình âu yếm và sự lừa dối. Đêm tượng trưng cho thời gian của sự thai nghén, nảy mầm, của những mưu đồ bí mật sẽ lộ ra giữa ban ngày thành những biểu
hiện của sự sống. Đêm chứa đầy tất cả các khả năng tiềm tàng của cuộc đời. Đi vào
đêm tức là trở về với cái chưa xác định trong đó đầy rẫy những ác mộng và quái vật, những ý nghĩ đen tối. Đêm là hình ảnh của cái vô thức, trong giấc ngủ đêm, vô thức
được giải phóng. Đêm cũng biểu thị tính hai mặt, mặt tăm tối, nơi đang lên men mọi chuyển biến và mặt trù bị cho ban ngày, ở đó sẽ lóe ra ánh sáng của sự sống [38,tr.298]. Mẫu gốc Đêm gắn với các biểu tượng: bóng tối, màu đen, giấc ngủ, giấc mơ, sự chết, thần số mệnh… Đêm gợi đến biểu tượng chiếc giường, chăn chiếu…
Đêm trong thơ Phan Huyền Thư là cái chết: Một ngày qua đời …mặt trời biến thế gian thành một cõi - nhàm chán - đơn điệu đến nỗi - mỗi ngày tự tìm - một cách quyên sinh (Thực dụng hư vô).Đêm là Giấc mơ: “Tôi nằm mơ một đám ma người chết là tôi. Tôi người đã chết. Những người tình xếp hàng lần lượt những người không hề
biết nhau và những người từng định giết nhau họđến xếp hàng rồi gật đầu chào mời nhau hút thuốc đồng loạt thở dài rồi lần lượt đi vòng quanh. Từng người vòng quanh cam đoan không bao giờ quên rồi nghe chừng hơi sốt ruột trong khi xếp hàng họ hỏi nhau xem hoa hậu năm nay mới đăng quang là ai… mua phim sex lậu ở đâu rẻ
nhất…”. Đúng ra, giấc mơ này chỉ là một phương cách hay một trò chơi của ý nghĩ để
phản ánh viễn cảnh dựa trên hiện thực.
Cũng như màu trắng, đêm trong thơ Ly Hoàng Ly là một biểu tượng thị giác.
Đêm như những ẩn ức trong tâm thức con người không thoát ra được. Đêm như là thuộc tính của cơ thể, hay là một phần cơ thể, nên “đêm chảy - chảy lên trời - buốt óc tôi” (Đêm chảy lên trời), Bóng đêm nghẹn lại ở khúc thon - Bình minh không lên được (Discotheque), đêm cũng như em, là “những dấu ngoặc đơn - Gói những dòng giải thích - Không thoát ra được” (Ngoặc đơn trong đêm). Đêm với Ly là bản tính của người nữ.
Biểu tượng đêm lại gắn liền với tóc, theo logic của phái tính. Tóc trong thơ Ly Hoàng Ly là biểu tượng của nỗi buồn: “Sao nỗi buồn cứ thích bám vào tóc mỗi đêm hai mươi chín sợi” (Lô lô), màu lô lô là màu tóc, viên buồn là một cuộn tóc. Tóc kết nối con người với đêm:
Cắt đêm ra từng mảnh nhỏ
Tóc thưa dần thưa dần
Những đường rãnh trắng hếu đưa ta đi hết đêm này đến đêm khác (Cắt)
Tóc trong thơ Linh vừa là biểu tượng của nỗi bất an, dấu hiệu tàn phai tuổi trẻ, thanh xuân: “Em không nhớ đã thả đi bao nỗi buồn buộc bằng tóc rụng - Tóc mỗi năm một mỏng” (Từ phía ngày nắng tắt), vừa là biểu tượng của sự quấn quýt trong tình yêu: “Mái tóc em nằm trên ngực anh - Mỗi sợi tóc là một lời yêu anh” (Bầy chim lửa).
Đêm gọi về những biểu tượng chăn, giường, dậy lên khát khao hoan lạc. Thơ
Phan Huyền Thư 7 lần nhắc tới chiếc giường: “Tay em - lúc quấn quýt thành giường - lúc mỏi mòn ngậm miệng” (Van nài), “Chiếc giường dậy anh cách yêu em bằng - tưởng tượng” (Khoảng trống). Giường, chăn xuất hiện rất nhiều trong thơ Linh: Khỏa thân trong chăn - Thèm chồng… (Chân dung). Với Vi Thùy Linh, chiếc giường là biểu tượng phức hợp: Chiếc giường là nơi những người yêu nhau nằm bên nhau, có