Điều kiện đủ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng chính sách thu hút nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Trang 94 - 100)

3.2.2 .Mục tiêu của chính sách

3.3. Điều kiện cần và đủ để thực hiện chính sách thu hút nhân lực

3.3.2. Điều kiện đủ

Để chính sách thu hút nhân lực KH&CN chất lượng cao tại Viện Hàn lâm KH&CN vận hành có hiệu quả thì cần hội tụ đủ các yếu tố sau:

- Có đủ điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ phát huy tối đa năng lực và hưởng lợi ích xứng đáng với kết quả hoạt động khoa học và công nghệ.

- Bảo đảm đúng đối tượng, tạo điều kiện cho nhân lực KH&CN chất lượng cao không phân biệt biên chế hay lao động hợp đồng tại Viện Hàn lâm được thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng để phát huy được tài năng và được hưởng lợi ích xứng đáng với với nhiệm vụ được đảm nhận.

- Có đủ nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực và…) cần thiết để thực thi chính sách thu hút nhân lực KH&CN chất lượng cao.

* Kết luận Chương 3

Để trả lời câu hỏi: thu hút ai, thu hút để làm gì và thu hút như thế nào thì chỉ thông qua thực hiện các đề tài, dự án mới trả lời đầy đủ các câu hỏi trên. Chủ đề tài được quyền lựa chọn nhân lực phù hợp với yêu cầu của chuyên môn và trả thù lao trên cơ sở thỏa thuận. Mặt khác, các chuyên gia phải ngày càng nâng cao trình độ, uy tín của bản thân, mức đáp ứng công việc để có thể tham gia tiếp các dự án khác.

Để chính sách thu hút nhân lực KH&CN theo dự án đi vào cuộc sống cần phải tạo điều kiện cho các nhiệm vụ KH&CN hoạt động theo cơ chế thị trường. Đó là đổi mới cơ chế lựa chọn chủ trì nhiệm vụ khoa học theo cơ chế đấu thầu, công khai danh mục dự án và thực hiện cơ chế “đặt hàng” từ phía nhà nước. Đồng thời, thực hiện chính sách thu hút nhân lực KH&CN theo nhu cầu công việc, trả lương theo nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu đối với lao động hợp đồng có trình độ cao, thay đổi cơ chế tính lương và thực hiện cơ chế khoán kinh phí trong hoạt động nghiên cứu và triển khai.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

* Kết luận

Nhân lực KH&CN là tập hợp của những nhóm người tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ với các chức năng nghiên cứu sáng tạo, giảng dạy, quản lý, khai thác sử dụng và tác nghiệp, góp phần quyết định tạo ra sự tiến bộ của khoa học & công nghệ, của sự phát triển sản xuất và xã hội.

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hoá hiện đại hoá hiện nay. Trước đây, chính sách khoa học và công nghệ dựa trên quan điểm nhà nước độc quyền về KH&CN. Ngày nay quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta là: Phát triển KH&CN là sự nghiệp của toàn dân, trí tuệ của nhân dân là nguồn vô cùng quý giá của đất nước ta, cần khuyến khích phát huy và nâng cao khả năng sáng tạo của cả cộng đồng, của mỗi người dân và của mọi tổ chức chính trị xã hội. Mọi thành phần kinh tế đều đóng vai trò những tác nhân tham gia hoạt động KH&CN. Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước với vai trò người định hướng và hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ. Phát triển KH&CN gắn liền với quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Thu hút nhân lực KH&CN chất lượng cao nhằm mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội là vấn đề có ý nghĩa chiến lược hàng đầu đối với một quốc gia, một địa phương và việc thu hút nhân lực KH&CN chính là sự huy động trí tuệ của nhân lực KH &CN từ các nguồn cung cấp nhân lực KH&CN ở mọi nơi trong địa bàn, ngoài địa bàn, trong nước và ngoài nước để phục vụ phát triển kinh tế xã hội một vùng nào đó hoặc một ngành, một lĩnh vực nào đó.

Để thu hút được nhân lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội phải nắm bắt được thực trạng nhân lực KH& CN hiện tại, những yêu cầu đặt ra đối với nhân lực KH&CN để phát triển kinh tế xã hội, các nhu cầu của nhân lực KH&CN. Các nhu cầu đó cơ bản là phân ra hai loại nhu cầu vật chất và tinh thần. Trên cơ sở nắm bắt các nhu cầu để có chính sách thu hút phù hợp.

* Khuyến nghị

Khoa học công nghệ có những yếu tố đặc thù riêng cần có những chính sách đặc thù dưới sự quản lý tập trung của Nhà nước. Chính vì vậy, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ là yêu cầu trước tiên. Cần xác định rõ và nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ. Đổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí Nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng là tiêu chuẩn hàng đầu

Đối với các đơn vị sự nghiệp khoa học, khi chuyển các đơn vị này sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần phải hết sức chú ý đến vai trò quản lý Nhà nước trong định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ và thực sự phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức khoa học, công nghệ trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có nghĩa là buông lỏng quản lý Nhà nước đối với các đơn vị khoa học và công nghệ.

Để tăng tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị khoa học và công nghệ, cần tập trung quản lý vào hai khâu then chốt, đó là đầu vào và đầu ra, đồng thời tăng cường thực hiện cơ chế khoán đối với các nhiệm vụ được giao. Thực hiện được việc này, cần thiết có sự phối hợp tham gia tích cực và đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan mà Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối.

Để cụ thể hoá thành các chính sách và giải pháp thu hút nhân lực KH&CN chất lượng cao tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xin nêu ra một số khuyến nghị sau:

a) Xây dựng chính sách sử dụng nhân lực KH&CN chất lượng cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo hình thức chuyên gia hay ký hợp đồng công việc theo nhu cầu công việc và trả lương theo nhiệm vụ nhằm sử dụng tại chỗ nguồn „chất xám‟ có trình độ cao để tránh tình trạng “chảy máu chất xám” và hiện tượng “di động xã hội”.

b) Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và trọng dụng tài năng trẻ để hình thành đội ngũ nhân lực KH&CN trẻ có trình độ cao về khoa học, quản lý giỏi trong đơn vị đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.

c) Xây dựng môi trường làm việc công bằng, cạnh tranh lành mạnh và dân chủ, từng bước khắc phục, giải quyết những khó khăn vật chất cho cán bộ trẻ để giúp họ yên tâm công tác gắn bó lâu dài với sự nghiệp nghiên cứu khoa học tại Viện Hàn lâm.

d) Xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động KHCN cho các đối tượng là lao động hợp đồng dài hạn có trình độ cao nhằm thu hút nhân lực KH&CN chất lượng cao về công tác tại Viện.

e) Đổi mới cơ chế lựa chọn chủ trì nhiệm vụ khoa học theo cơ chế đấu thầu công khai, không phân biệt biên chế hay lao động hợp đồng để được giao và thực hiện nhiệm vụ KH&CN với vai trò là chủ nhiệm đề tài, dự án từ cấp Viện Hàn lâm KH&CN trở lên;

g) Rà soát và ban hành mới các chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, thu hút và tôn vinh đội ngũ chuyên gia và cán bộ KH&CN. Đặc biệt đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ khoa học và công nghệ dựa trên những cống hiến của cá nhân. Cần xem xét để có chính sách phù hợp nhằm sử dụng cán bộ KH&CN đã nghỉ hưu còn sức khỏe tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học tránh sự hụt hẫng nghiêm trọng như hiện nay.

h) Tăng cường nâng cao năng lực (đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất) cho các cơ sở đào tạo; trường đại học, các viện nghiên cứu đào tạo cán bộ KH&CN có trình độ trên đại học.

k) Chú trọng việc bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, các tổng công trình sư đối với từng lĩnh vực KH&CN.

Bên cạnh đó việc tăng cường các thiết chế quản lý nhân sự trong các tổ chức khoa học; tạo điều kiện nâng cao thu nhập; cải thiện chính sách chế độ đãi ngộ cho người làm khoa học được coi là những giải pháp có tác động cơ bản, đem lại lợi ích cho cán bộ khoa học và sự phát triển chung của các viện nghiên cứu, thông qua chính sách thu hút nhân lực để tạo nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu chung phát triển đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Nghị định số 115/2005/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

2. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2007), Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

4. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2010), Nghị định 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

5. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN.

6. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ

7. Phan Xuân Dũng, Hồ Thị Mỹ Duệ (2006), Đổi mới quản lý và hoạt động các tổ chức Khoa học và Công nghệ theo cơ chế doanh nghiệp, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

8. Vũ Cao Đàm, Trịnh Ngọc Thạch (2002), Giáo trình lý luận đại cương về Khoa học và công nghệ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

9. Vũ Cao Đàm (2009), Giáo trình Khoa học chính sách, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

10.Vũ Cao Đàm (2003), Tập bài giảng Lý thuyết hệ thống, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

11.Vũ Cao Đàm (2009), Tuyển tập các công trình đã công bố, tập III NXB Thế giới.

12. Nguyễn Trọng Điều (2002), Quản lý nguồn nhân lực, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội,

13. Martin Hilb (2003), Quản trị nhân lực tổng thể: Mục tiêu- Chiến lược- Công cụ, NXB Thống kê, Hà Nội

14. Hà Duy Ngọ (2014), Đánh giá nhu cầu và đề xuất giải pháp cho công tác đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ KH&CN, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia về đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

15. Hoàng Xuân Long, Phan Thu Hà (2005), Tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu và phát triển Nhà nước, Tổng luận Khoa học–Công nghệ - Kinh tế, số 1-2005 (203), Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

16. Luật Khoa học và Công nghệ (2013), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

17. Phạm Huy Tiến (2006): Bàn về thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP, Tạp chí Hoạt động Khoa học số tháng 12.2006, trang 28-29.

18. Nguyễn Thị Anh Thu (2000): Đổi mới chính sách nhân lực khoa học và công nghệ trong cơ quan nghiên cứu và phát triển, NXB Khoa học xã hội.

19. Đào Thanh Trường (2008), Di động xã hội của cộng đồng khoa học, Tạp chí Xã hội học.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng chính sách thu hút nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Trang 94 - 100)