Nhận thức của người Việt về thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của phật giáo đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người việt (qua khảo sát ở tỉnh bắc giang) (Trang 45 - 50)

2.1. Ảnh hƣởng đến nhận thức của ngƣời Việt

2.1.1. Nhận thức của người Việt về thế giới

Không gian trong quan niệm của người Việt có ba vùng chính là Trời, Đất và Nước. Trời trong tâm linh người Việt là vị thần bản mệnh tối cao của cộng đồng dân tộc. Người Việt gán cho trời tính dương, còn đất mang tính âm, âm dương chuyển hóa, hòa hợp tạo ra mọi vật trong đó có con người. Đất trong tư duy người Việt bao giờ cũng dày và tối, được xem như một thế giới riêng. Đó là cõi âm, những người theo đạo Phật cho rằng nơi đó có ngã quỷ sinh sống, những người khi sống làm nhiều điều ác thì lúc chết đi sẽ bị đày ở đó. Cùng với quan niệm về Trời, Đất, trong tư duy người Việt, Nước cũng là một yếu tố quan trọng. Nước là nguồn gốc của mọi sự sinh sôi, nảy nở của các loại cây trồng.

Trước khi có sự ảnh hưởng của Phật giáo, hình ảnh về cõi trời của người Việt rất mờ nhạt, đó là nơi của những tinh linh không có đời sống rõ ràng. Phật giáo coi cõi trời là là Dục giới thiên, nơi trú ngụ của các linh hồn thanh sạch, tuy đã được giải thoát khỏi vòng sinh tử nhưng vẫn còn vướng vào thú vui thể xác, còn bị chi phối bởi tâm sinh lý như yêu, ghét, buồn vui…trong đạo Phật không có quan niệm về cõi âm, và cõi âm hay thế giới bên kia theo quan niệm của Phật giáo không phải là âm ty mà đó là những cảnh giới khác với cảnh giới loài người. Đạo Phật cho rằng thế giới là vật chất vô tận, không có sinh, có diệt. Các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ được Phật giáo gọi là vạn Pháp. Các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ không đứng yên mà luôn luôn chuyển động, biến đổi theo chu trình: Sinh, trụ, dị, diệt.

Để tồn tại và phát triển con người cần được đáp ứng những nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Nhu cầu tinh thần của con người rất phong phú, đa dạng và không ngừng vận động, biến đổi, phát triển theo sự vận động, phát triển của xã hội loài người. Dù những nhu cầu ấy rất đa dạng và phong phú nhưng căn cứ vào tính chất của chúng, chúng ta có thể chia thành hai loại là nhu cầu tinh thần trực tiếp và nhu cầu tinh thần gián tiếp. Nhu cầu tinh thần trực tiếp là những nhu cầu trực tiếp nảy sinh trong đời sống hàng ngày của con người như: Nhu cầu học tập, nhu cầu vui chơi giải trí…Nhu cầu tinh thần gián tiếp đó là những nhu cầu nảy sinh trong đời sống con người một cách gián tiếp, trong đó có các nhu cầu tâm linh và đời sống tâm linh.

Con người từ khi xuất hiện cho đến mãi sau này, dù thuộc dân tộc nào và dù sinh sống ở bất cứ nơi nào trên trái đất này đều phải vượt qua nhưng không bao giờ vượt qua được một nghịch lý đó là mối quan hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa cái trần tục và cái thánh thiện, đó là nghịch lý giữa Con và Người trong con người. Là Con nên con người chỉ là hữu hạn trên tất cả mọi mặt của đời sống, sự sống và cái chết là mối quan tâm nhất. Là Con nên trong con người chứa đầy tham vọng mang tính trần tục, lòng tham là không có giới hạn. Nhưng là Người nên con người lại muốn trở thành thánh thiện và cao thượng. Chính vì vậy mà con người luôn mong muốn đi tìm những giải pháp để cho cuộc sống của mình được cân bằng. Một trong số các giải pháp đó là “bên cạnh cuộc đời thực hữu hạn và trần tục, họ xây dựng cho mình một thế giới bên kia vĩnh hằng, thánh thiện, linh thiêng”[20; tr15].

Giải pháp xây dựng một thế giới bên kia vĩnh hằng và linh thiêng, xây dựng niềm tin rằng chết không phải là hết là một giải pháp mang nhiều yếu tố tích cực nhiều hơn những yếu tố tiêu cực. Giải pháp này nhằm giúp cho con người sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa, làm cho con người yêu cuộc sống hơn và cảm thấy không quá sợ hãi khi phải đối diện với cái chết. Quan niệm

của con người về linh hồn và thể xác đã tạo nên sự linh thiêng, bao trùm lên cả thế giới trần tục con người đang sống và bao trùm lên cả thế giới thứ hai - thế giới tâm linh. Điều này làm cho con người phải sống cân bằng giữa đạo và đời, nếu như mất đi sự cân bằng ấy, con người sẽ rơi vào trạng thái hụt hẫng, rối loạn.

Khi con người xây dựng niềm tin về sự tồn tại của thế giới thứ hai – thế giới bên kia, con người cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của cuộc sống bên này, vì vậy con người rèn luyện cho mình tinh thần nhân ái và thánh thiện hơn, con người biết kìm chế những tham vọng của trần tục và sống hướng thiện hơn.

Con người đã cư trú tại triền sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam của đất Bắc Giang từ lâu đời, di chỉ Gò Mụ (Bắc Lý) và di chỉ Đông Lâm (Hiệp Hòa) đã xác định ở Bắc Giang liên tục có sự định cư của người Việt cổ. Ở di chỉ Gò Mụ đã phát hiện ra một trống đồng, trống đồng Bắc Lý là biểu tượng tập trung của cộng đồng cư dân Đông Sơn ở Bắc Giang. Trống đồng Bắc Lý với mặt hình tròn có hình mặt trời và bốn con cóc ngồi bốn góc là tượng trưng cho tín ngưỡng nông nghiệp sơ khai, đây là tín ngưỡng đa thần, sùng bái tự nhiên như thờ thần núi, thần sông…cùng với đó là những nghi lễ cầu mong được mùa, cầu mong sự sinh sôi nảy nở thể hiện quan niệm dù còn thô sơ cảm quan về thế giới.

Việc thờ thần giữ của ở làng Thân (Lạng Giang), bắt nguồn từ quan

niệm Sống vì mồ mả, ai sống bằng cả bát cơm, nên người chết cũng được đối

xử chu tất, khi chôn người chết, họ chôn theo những đồ gia dụng với quan niệm để cho người chết có đồ dùng khi sang thế giới bên kia. Điều đó cho thấy quan niệm của người Việt về thế giới bên kia bên cạnh thế giới hiện thực và mối quan hệ giữa cõi sống và cõi chết. Nếu lấy cõi sống làm trung tâm thì vũ trụ có ba tầng: Cõi sống (cõi dương), cõi trời và cõi âm.

Đức tin của con người nói chung và niềm tin của người Việt ở tỉnh Bắc Giang nói riêng về thế giới thứ hai –thế giới bên kia luôn tồn tại, cho dù thế giới ấy có tồn tại thực hay không vẫn là câu hỏi luôn được đặt ra. Dù cho văn hóa của loài người rất đa dạng và phong phú thì con người vẫn tin rằng bên cạnh đời sống thực mà mình đang sống còn có một thế giới bên kia –thế giới tâm linh, với khát vọng được khám phá, con người luôn dung trí tuệ của mình để giải thích về thế giới ấy.

Từ việc thừa nhận sự tồn tại của linh hồn con người sau khi chết, trong nhận thức của người Việt ở tỉnh Bắc Giang đều tin rằng có tồn tại một thế giới thứ hai dành cho các linh hồn. Tuy nhiên trên cơ sở quan niệm “trần sao âm vậy” và với những suy luận theo cảm thức đối xứng: Thế giới bên này có gì thì thế giới bên kia cũng có như vây, trong quan niệm của người Việt ở Bắc Giang thế giới ấy không xa lạ với con người. Họ quan niệm rằng, linh hồn tổ tiên cư ngụ trong ngôi mộ, trên ban thờ gia tiên, và với niềm tin như vậy người dân tin rằng họ và linh hồn tổ tiên của mình có thể liên hệ, giao tiếp được với nhau, điều đó cũng có nghĩa là tồn tại mối quan hệ giữa thế giới hiện thực họ đang sống với thế giới bên kia.

Đối với người dân Việt Nam nói chung và người Việt ở tỉnh Bắc Giang nói riêng, thế giới bên kia nơi các linh hồn tổ tiên trú ngụ - vừa gần gũi vừa xa lạ với thế giới hiện thực, vừa như ở đâu đó xa xôi lại như ở ngay bên cạnh, thậm chí thâm nhập và chi phối vào thế giới hiện hữu của người đang sống.

Trong tâm tưởng của đa số người Việt ở tỉnh Bắc Giang đều coi linh hồn tổ tiên nghe được những lời cầu nguyện của con cháu và có tác động nhất định đến những lời cầu khấn đó. Họ tin vào khả năng phù hộ và giúp đỡ của tổ tiên đối với bản thân và những người thân trong gia đình. Khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, người dân Bắc Giang lại tìm đến linh hồn tổ tiên và cầu viện đến sự giúp đỡ của tổ tiên. Trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày,

họ thường thay những từ chỉ cái chết về thể xác bằng những từ khác như: Mất, khuất núi...

Niềm tin vào sự giúp đỡ của tổ tiên của người dân Bắc Giang được thể hiện trong mọi sinh hoạt của họ, và đặc biệt khi thực hiện hành vi thờ cúng tổ tiên niềm tin ấy được thể hiện rất rõ trong nội dung cầu khấn.

Nội dung cầu khấn tổ tiên phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, phụ thuộc vào từng tình huống mà con cháu gặp phải trong cuộc sống. Khi con người đối diện với linh hồn tổ tiên thông qua các biểu tượng như tranh, ảnh về tổ tiên trên ban thờ, con người cảm nhận được sự đối lập giữa cái thiêng và cái tục, cái phi thường với cái tầm thường. Khi tiến hành hành vi thờ cúng tổ tiên, đặc biệt là trong khi cầu khấn, con cháu rất thành tâm, với mong muốn tổ tiên sẽ thấu hiểu và sẽ giúp đỡ. Hành vi thờ cúng như một phương thức để giải tỏa tâm lý, khi thực hiện các hành vi cúng tế, con người cảm thấy thanh thản, nhẹ nhõm, mọi lo toan, phiền muộn dường như được dẹp bỏ, con người tìm lại được trạng thái tâm lý cân bằng trước cuộc sống có nhiều khó khăn.

Trong quá trình khảo sát thực tế ở huyện Tân Yên và huyện Việt Yên, với việc điều tra bằng bảng hỏi 250 người dân ở đây tôi thấy, nhìn chung, tùy từng tình huống cụ thể mà nội dung trong lời cầu khấn của người Việt ở đây có sự khác nhau (Bảng 2.2, Phần phụ lục), đa số những người được hỏi (72,4%) trong nội dung cầu khấn của họ đều cầu sức khỏe cho gia đình và người thân, chiếm một tỷ lệ lớn khác (62,5%) là cầu làm ăn phát đạt, nội dung cầu khấn có khác nhau, tuy nhiên nét chung ở đây là đều thể hiện khát vọng của con cháu có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là mục đích chung mà toàn nhân loại đang hướng tới cho cuộc sống loài người, để đạt được những mục đích đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân, con người còn dựa vào sự phù hộ của tổ tiên: “bàn thờ xuất hiện, khói nhang bắt đầu tỏa hương thơm của lòng mộ đạo, tín ngưỡng. Cho nên, tôn giáo là logic của

niềm tin từ kinh nghiệm và giải đáp cho nhu cầu cuộc sống có kinh nghiệm”[42; tr26].

Trước bàn thờ, con người khát vọng nối liền cái thân phận nhỏ nhoi là mình với đấng siêu nhiên kỳ vĩ. Con người mong được đồng dạng với siêu nhiên, thể nghiệm, sự gặp gỡ giữa người sống và người chết trong khi thờ cúng là những giây phút thiêng liêng nhất. Đó là cội nguồn của cái thiêng trong đời sống tâm linh của con người. Người Việt thường có câu “có thờ có thiêng”, nên cái linh thiêng ấy bao trùm lên cả sự sống và cái chết, nó nối cái tâm của người sống với tổ tiên ông bà.

Như vậy, quan niệm về sự tồn tại của linh hồn tổ tiên, quan niệm về sự tồn tại của thế giới thứ hai đã ảnh hưởng và chi phối mọi hoạt động trong cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây. Loài người đi tìm những giải pháp để cho cuộc sống được an sinh và cân bằng, một trong những giải pháp đó là con người xây dựng một thế giới thứ hai –thế giới bên kia vĩnh hằng và linh thiêng, Những quan niệm ấy giúp cho con người sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa, giúp con người yêu cuộc sống hơn và không cảm thấy quá sợ hãi khi phải đối diện với cái chết. Họ quan niệm “sống gửi thác về” và vì thế mà con người sống trên đời phải “tu nhân tích đức” để thấy thanh thản khi về thế giới linh thiêng, thế giới bên kia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của phật giáo đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người việt (qua khảo sát ở tỉnh bắc giang) (Trang 45 - 50)