3. Ngôn ngữ, giọng điệu trần thuật
3.2. Giọng điệu trần thuật.
Giọng điệu được hiểu là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm... Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và có tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp xong hệ thống nhân vật. Khi xem xét giọng điệu trần thuật ở tác phẩm phải đồng thời tìm ra sự tổ chức những tiếng nói bên trong khác nhau. Giọng điệu trần thuật sẽ là tổng hợp giọng của nhiều nhân vật, của người kể chuyện, của tác giả, cả giọng đối thoại và độc thoại... PGS.TS Lý Hoài Thu nhận xét rằng: “Tiểu thuyết lấy nghệ thuật kể chuyện làm giọng điệu chính cho tác phẩm. Thông thường ở tác phẩm xuất
hiện người kể chuyện như một nhân vật trung gian có nhiệm vụ miêu tả và kể lại đầu đuôi diễn biến của câu chuyện. Trong tiểu thuyết, người kể chuyện giữ một vai trò hết sức quan trọng: là cầu nối để tạo nên mối quan hệ khăng khít: nhân vật – người kể chuyện - độc giả” .
Như vậy, cùng với ngôn từ thì giọng điệu là một trong những yếu tố rất quan trọng tạo nên phong cách một nhà văn. Khi viết, điều quan trọng là nhà văn phải tạo được chất giọng riêng của mình.
Giọng văn của Lê Lựu vừa chân chất, mộc mạc theo kiểu người nhà quê vừa nhọc nhằn, khổ sở, nằn nì vừa pha cả trào lộng, giễu nhại. Đọc Thời xa vắng, ta cảm nhận được cả hồn quê, nét quê kiểng thấm đẫm qua từng câu,
từng chữ: “Có thể nói hàng chục năm nay chưa bao giờ làng Hạ Vị có được hạnh phúc vững chắc như ngày này... Người ta sống rảnh rang, sung sướng khi mỗi buổi sáng còn mù mịt sương muối nhà nào cũng đổ ào ra đầu bếp, góc sân nồi dong riềng luộc lẫn với khoai lang. Khi những rổ, những sàng khoai và củ rong còn bôc khói nghi ngút lũ trẻ đã xô đến lật vạt áo lên vừa thổi phù phù vừa nhót lấy những củ to, đặt vào vạt áo, hai tay túm giữ đầu vạt khom khom chạy như thể sợ cái nóng làm vạt áo tuột khỏi tay rơi xuống. mỗi đứa chạy đi một xó xỉnh, ngóc ngách nào đấy giấu làm của riêng để dành đến buổi trưa. Chúng hí hửng với những thắng lợi ấy, đi học, đi chăn trâu hoặc chơi bời lêu lổng đâu đó cho đến khoảng xế chiều. Lúc ấy bố mẹ mới đào mương, đắp đường, vạc bờ, cuốc góc, làm cỏ trở về tất bật với bữa cơm trưa. Ai cũng vội vàng, hối hả chạy lên chạy xuống, hò hét con cái, tưởng là phải mổ trâu mổ bò, hoá ra bữa cơm nhà nào cũng chỉ có nồi bánh đúc bằng bột ngô xay...với khoai lang cạo vỏ, xắt từng khúc như miếng dồi, khi chín đánh tơi lẫn với bột. Một bát rau muống hoặc rau cải xào hoặc luộc chấm tương. Chỉ có thế nhưng nhà nào cũng sôi nổi đầy khí thế...”. Cảnh làng quê hiện lên thật đến từng chi tiết qua lời văn mộc mạc của Lê Lựu. Đó là cái nền, là
nguồn gốc, là nguyên cớ để Lê Lựu nhào nặn nên gã nhà quê Giang Minh Sài. Ở một chỗ khác, ta lai cười ra nước mắt khi Lê Lựu miêu tả thái độ của Sài với cô vợ mà anh bị lấy: “Nó rất sợ tiếng xì xào bàn tán ở bất cứ chỗ nào của người lạ cũng như người quen. Thành ra nó chỉ yêu vợ ở chỗ đông và bằng sự im lặng”. Hay khi Sài nghe tin Tuyết lên đơn vị thăm mình: “Đang chộn rộn rối bời bỗng Sài giật thót nghe Hiểu reo: “Sài đâu rồi ra chiêu đãi sở, vợ đến”. Thật hay hư? Ai mách bảo địa chỉ để cô ta tìm đến đây. Mồ hôi vã ra như tắm, mặt tái đi, Sài đứng chết lặng giữa nhà”. Và bút pháp trào lộng của Lê Lựu đạt đến đỉnh cao khi miêu tả việc Sài yêu vợ là một trong hai lý do cơ bản để chi bộ xét kết nạp anh vào Đảng: “Chi bộ nhất trí kết nạp nếu hai điều kiên được sáng tỏ: Đã yêu vợ thực sự chưa và kiểm tra lại vài điểm ở gia đình vợ”. Thật buồn cười và cũng thật chua xót cho Sài và cho một thời mà ngay cả việc yêu vợ cũng do sự chỉ đạo và phân công của tổ chức. Nhà văn lại tiếp tục thay đổi giọng điệu sang nhọc nhằn khổ sở, nằn nì khi miêu tả Sài trong cuộc sống gia đình với Châu: “Sáng, khi vợ dậy nấu cơm, anh cũng dậy, lúc đầu thì ngồi bên em nghe sai vặt...Về sau thì anh làm luôn mọi việc...”. Khi Tính và Hiểu đến chơi, Châu bắt Sài lên nhà tiếp khách nhưng “quen thói của người đầu bếp anh không thể yên. Lên nhà pha ấm nước chưa kịp rót anh lại chạy xuống bếp lấy đũa sơ nồi cơm...Chạy lên nhà lấy bao thuốc và rót nước mời, hai anh chưa kịp uống Sài lại chạy xuống chờ cơm cạn và bắc nước luộc rau...”. Châu phải cay đắng kể tội Sài: “Ấy là chưa kể những khi có khách ngồi kéo quần lên tận đùi và thượng cả hai bàn chân vừa đi xa về chưa rửa lên ghế. Ăn uống thì húp háp xì xoạt, mồ hôi mồ kê đầm đìa, nhễ nhại. Ăn xong ngồi xỉa răng nhanh nhách, đôi khi há mồm, vẹo cả mặt để thò ngón tay vào cậy các thứ mắc kẹt ở kẽ răng. Nhắc xong lại quên. Chả lẽ việc gì cũng nhắc nhở. Có lúc xấu hổ đỏ nhừ cả mặt, cô giận đến nỗi coi những cái đó như những mối hận đành nuốt vào lòng”. Giọng văn khổ sở gợi lên trước mắt
người đọc cả cuộc sống nhọc nhằn đến đáng thưong của Sài. Việc sử dụng linh hoạt nhiều giọng điệu của Lê Lựu đã tạo hiệu quả cao trong việc xây dựng nhân vật Sài - một gã nhà quê chính hiệu, thật thà, chất phác đến tội nghiệp, như chính cái tên Sài của anh ta vậy.
Khác với Thời xa vắng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh mang giọng văn của trầm lắng, chua chát, đầy triết lý và suy ngẫm. Trong tác phẩm, lời thoại của nhân vật hầu như rất ít, chủ yếu là những trang văn miêu tả cảm xúc nhân vật hoặc độc thoại nội tâm. Cả câu chuyện diễn biến theo dòng hồi ức đứt nối của nhân vật: “Bắt đầu vào tiểu thuyết, ánh đuốc hồi ức đã đưa Kiên lạc sâu trong mê cung, vòng vo trong muôn ngóc ngách rồi lại dẫn anh về với những rừng rậm hoang vu của thì quá khứ. Lại sông Sa Thầy, đèo Thăng Thiên, truông Gọi Hồn, hồ Cá Sấu... những địa danh tù mù như tên tuổi sông núi của cõi âm. Rồi lại cuộc đời chiến đấu của trung đội trinh sát với những khúc buồn vui tình đồng đội, những thống khổ thời trận mạc hòa cùng bao lạc thú tuổi trẻ. Và theo dòng tiềm thức con đường của tiểu thuyết lại nhập vào với chặng đường hành hương sau chiến tranh của đội thu nhặt hài cốt tử sĩ, chặng đường xa nối những nấm mồ bộ đội tản mát vương rắc trên hầu hết khắp liền non cao Cánh Bắc Tây Nguyên. Quá trình tập hợp lại những nhân vật đã chết làm nên cuộc sống của từng trang bản thảo. Có thể nói không khí truyện của Kiên là bầu không khí của những khu rừng tăm tối, ngùn ngụt tử khí và lam chướng, mờ mịt bóng yêu tà. Những di vật và những bộ xương mủn nát được vớt lên từ đáy những rừng cây ấy”. Còn đây, chúng ta cùng đọc lại một lần nữa đoạn văn mang đày tính triết lý của Bảo Ninh: “Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người!”. Bằng cách đó có thể xem tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh là một tác phẩm tạo sự khiêu khích và có khả
năng đối thoại với bạn đọc. Tính chất đa âm, đa tầng trong giọng điệu kể của nó đã tạo ra vô số thông điệp về con người và cuộc sống. Đặc biệt, Nỗi buồn
chiến tranh đã xoáy sâu vào người đọc nỗi day dứt về thân phận con người
trong và sau chiến tranh. Lớn hơn thế, đó là bức thông điệp đối với toàn nhân loại: Chiến tranh dù chính nghĩa hay phi nghĩa cũng gây nên mất mát, đau thương.
Khác với Bảo Ninh, với Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai đã cho thấy một
giọng văn mang chất ngang tàng, kiêu bạc, xốc óc kiểu dung tục, đời thường. Chúng ta hãy xem cách Hai Hùng tự giới thiệu về mình: “Tôi bốn chín tuổi và đang thất nghiệp, đúng hơn là vừa mới thất nghiệp. Tôi, một kẻ dư thừa vừa bị bắn ra khỏi lề đường. Cao một thước bảy mươi nhưng chỉ nặng có bốn mươi nhăm cân, hốc hác, bắt đầu có dấu hiệu thần kinh, tóc bạc nham nhở, ngực lép, bụng lép, mắt cá chày, da xám ngoét, môi thâm, răng rụng gần một phần ba, ít cười, ít nói, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ đô thị, sợ nơi đông người, dấu vết mặc cảm tự ti in hằn vào từng bước chân đi, từ trong cái nhếch mép rụt rè, nửa cười nửa khổ… Tóm lại, tôi là một con nộm rơm khốn khổ giữa cánh đồng đời đầy giông bão. Ấy vậy mà cái đống da thịt xương xẩu lằng nhằng là tôi đó lại đã có một thời ngang dọc, tráng kiện chẳng kém chi ai. Cái thời gắn liền với những cánh rừng bom đạn bên dòng sông Sài Gòn, cái thời mà giá như trái mìn Clâymơ màu xanh là cây cong vênh ấy đừng có nhằm giữa đỉnh đầu tôi lạnh lẽo giáng xuống thì có lẽ cho đến hôm nay, thể xác tôi, tâm hồn tôi chưa tới nỗi tồi tệ dường này. Tôi đã thành một lão già, lão già ốm o và sầu muộn”. Và đây là cách hai Hùng nói về đồng đội: “ Đội hình đánh giặc ngang tàng năm xưa giờ đây, trừ vài thằng may mắn khôn ngoan, chẳng rõ nguyên cớ nào lại đều bị cuộc đời dồn chung vào một cục hẩm hui, méo mó. Chẳng may nhận ra nhau chỉ nhúc nhích chút xíu con ngươi đờ đẫn màu chì. Dĩ vãng… Kỷ niệm… Nhớ thương… Hết thảy đều
chìm trong bụi thời gian mốc thếch. Càng buồn!”. Giọng văn đầy lạnh lùng, cay nghiệt đến mức tàn nhẫn của Chu Lai cho người đọc một hình dung vô cùng rõ nét về số phận của ngườii lính. Đố còn là những ám ảnh lớn về những mất mát đau thương của người lính. Hình hài nhếch nhác, tâm hồn cũng mang đầy thương tật chẳng lẽ lại chinh là những cái họ có được sau ngày chiến thắng? Ngôn ngữ trần thuật do vậy là nơi bộc lộ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn, thể hiện quan điểm của tác giả hay quan điểm của người kể chuyện đối với cuộc sống được miêu tả.
KẾT LUẬN
Kể từ sau 1975, văn học Việt Nam bước sang một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển. Từ những tác phẩm còn mang đậm dấu ấn của văn học thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở những năm đầu sau chiến tranh đến đầu những năm 90 của thế kỉ XX, văn học đã có những bước chuyển mình và thể hiện sự đổi mới trên nhiều phương diện. Văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng đã gặt hái được những thành công đáng kể, đưa văn học nước nhà tiến thêm một bước trên hành trình hoà nhập với văn học thế giới, trong
đó tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh và người lính đóng vai trò quan trọng. Đặt các tiểu thuyết viết về chiến tranh và người lính của Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh trong xu hướng vận động đổi mới của văn xuôi để tìm hiểu những đặc trưng nổi bật trong việc khai thác hiện thực chiến tranh và hình tượng người lính, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:
Trên phương diện nội dung, tiểu thuyết của các tác giả này đã mở rộng phạm vi phản ánh theo hướng đa dạng hoá đề tài. Đặc điểm này có cơ sở từ bối cảnh xã hội, đời sống văn hoá mới hiện thực hoá thành nhu cầu đổi mới từ phía chủ thể sáng tạo. Sự đổi mới về nội dung phản ánh thể hiện rõ ở những biến đổi trong cảm hứng: từ cảm hứng mang đậm chất sử thi của văn học 1945 - 1975, các tiểu thuyết như Nỗi buồn chiến tranh, Thời xa vắng, Ăn mày dĩ vãng, Vòng tròn bội bạcđã quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề của cuộc sống đời thường. Với xu hướng này, các tiểu thuyết của Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh đã khai thác đề tài chiến tranh, người lính trong sự hoà trộn đan xen với những đề tài thuộc phạm vi thế sự, đời tư. Sự biến đổi trong mối quan hệ giữa người lính với lịch sử, giữa cá nhân với cộng đồng thể hiện rõ quá trình hình thành con người cá nhân trong quan niệm cầm bút của các tác giả này và chứng tỏ sự xâm nhập, dân chủ hoá theo hướng đa dạng hoá đề tài.
Quãng thời gian mấy mươi năm đầu sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ đủ để các cây bút tiểu thuyết trong đó tiêu biểu là Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh dự cảm về một hướng đi mới cho nghệ thuật tiểu thuyết về đề tài chiến tranh và người lính. Hiện thực chiến tranh trong các tác phẩm là kết quả của những tích luỹ tư liệu chân thực ngồn ngộn những chi tiết, sự kiện của cuộc chiến. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn hồi ức chiến tranh nóng hổi, đã có những tìm tòi khai thác những vấn đề của chiến tranh, hậu chiến tranh gắn với nhu cầu thẩm mĩ của cuộc sống thời bình.
Nhìn chung, có thể nhận định về tiểu thuyết viết về đề tài người lính sau chiến tranh chiến của Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh là: đã giảm dần đi chất sử thi, thay thế vào đó là nhu cầu phản ánh thế sự, đời tư, nhìn nhận về chiến tranh, hậu chiến tranh “gần” hơn, “đời” hơn trong thời kì đổi mới. Trong các tác phẩm tiểu thuyết đó, những biến động to lớn của đời sống xã hội, cuộc sống riêng tư của con người trong chiến tranh cũng như những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại trong đời sống xã hội và trong sự sống của từng cá thể là rộng lớn, phức tạp, đa dạng hơn nhiều những gì thể hiện qua bề mặt những biến cố, sự kiện lịch sử.
Đúng như nhà văn Lê Lựu từng bộc bạch: “Một thời chúng ta không quan tâm hoặc có mà rất hời hợt với sự mất còn của thân phận của số kiếp con người mà toàn viết về nhiệm vụ, công việc của một phong trào, một chính sách nào đó mà quên đi có những chuyện riêng tư của bản thân nhân vật và bạn đầy niềm vui và nỗi buồn. Cả sự đau đớn mất mát nữa...”. Khắc phục những cái nhìn có phần giản đơn, một chiều thường thấy trong tiểu thuyết viết về chiến tranh theo khuynh hướng “lí tưởng hoá”, các tác phẩm tiểu thuyết nói riêng và văn xuôi nói chung ở giai đoạn này đã bước đầu thực hiện một bước tiến mới trong việc đi sâu phân tích hiện thực chiến tranh, hậu chiến tranh với những màu sắc đa dạng, thậm chí cả những “góc khuất” mà trước đây văn học dè dặt hoặc ngần ngại không dám nhắc tới.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi theo hướng tích cực của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh và người lính. Trước hết đó là hệ quả của nhận thức mới về lịch sử, về hiện thực và con người đã khiến tiểu thuyết hậu chiến dần hướng vào việc khám phá người lính dưới góc độ cá nhân, đời tư chứ