Ngôn ngữ gần gũi với đời sống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng người lính sau chiến tranh qua các tiểu thuyết của chu lai, lê lựu, bảo ninh (Trang 78 - 81)

3. Ngôn ngữ, giọng điệu trần thuật

3.1. Ngôn ngữ gần gũi với đời sống

Trong các tiểu thuyết Thời xa vắng, Nỗi buồn chiến tranh, Ăn mày dĩ

vãng, các tác giả đã sử dụng ngôn ngữ trần thuật giàu tính khẩu ngữ. Để tạo nên bức tranh hiện thực về cuộc sống hôm nay và hiện thực chiến trường hôm qua, ngoài việc xây dựng chân dung con người bằng các hình tượng nghệ thuật chân thực, sinh động, các tác giả còn đặc biệt chú ý đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu thích hợp để tạo nên sắc thái riêng cho từng tác phẩm. Tất cả suy nghĩ, thái độ, tình cảm của nhận vật đều được thể hiện qua các phương thức biểu đạt rất sinh động: khẩu ngữ, từ địa phương, tiếng lóng, câu rút gọn...

bật lên nét độc đáo của từng chân dung nhân vật. Những con người ấy chỉ thật sự “sống như đời sống” khi được đặt trong những mối quan hệ phức tạp, đan xen với người khác. Đó có thể là những quan hệ “đồng thuận” hoặc “nghịch chiều”. Nhưng dù “thuận” hay “nghịch”, đối tượng quan hệ cũng sẽ cho một “góc chiếu” nhất định về nhân vật. Tuy nhiên, theo Bakhtin: Ở con người bao giờ cũng có một cái gì đó mà chỉ bản thân nó mới có thể khám phá bằng hành động tự do của sự tự ý thức và của lời nói, điều này không thể xác định được từ bên ngoài, từ “sau lưng” con người”. Vì vậy, các nhà văn đã để cho nhân vật tự chiếu sáng từ bên trong. Nhờ nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ độc đáo, tài tình, những bí ẩn trong tâm hồn nhân vật người lính thời hậu chiến được thấu tỏ và nhân vật hiện lên trọn vẹn hơn, “người” hơn. Trong Ăn mày dĩ vãng, để giúp người đọc hiểu được những ẩn khuất trong cuộc đời nhân vật Ba Sương và sự đổi thay “tâm tính” của bà, ngoài việc chiếu sáng nhân vật qua suy nghĩ, cảm nhận của Hai Hùng và ông Tường, nhà văn Chu Lai đã dành cho nhân vật khoảng yên tĩnh cuối cùng để nhân vật tự hoàn chỉnh chân dung của mình. Thông thường, để nhân vật “tự chiếu sáng” những bí ẩn trong tâm hồn, tiểu thuyết hiện đại thường sử dụng thủ pháp độc thoại, độc thoại nội tâm hay dòng ý thức. Nhưng ở đây, nhân vật Ba Sương lại “chiếu sáng” nội tâm bằng “đối thoại”. Vì trước khi gặp Hai Hùng, Ba Sương cố vùi lấp quá khứ để yên tâm sống với hiện tại nên không dám đối diện với chính mình, không một lần độc thoại nội tâm. Khi bị Hai Hùng đột ngột xé toang bức màn bí ẩn ngay trong phòng làm việc của mình, Ba Sương muốn quay đầu thì cô lại không còn thời gian nữa. Ba Sương chỉ có thể đối thoại “một lần cho mãi mãi” với những người mình tin cậy nhất (Hai Hùng hoặc ông Tường). Cuộc đối thoại ngắn giữa Ba Sương và ông Tường cuối tác phẩm đã diễn ra rất vội vàng. Vì nhân vật có cảm giác thời gian không chờ mình nữa. Hơn một lần, nhân vật thốt ra lời: “Chậm mất rồi!” (trang 350), “Muộn rồi!” (trang 351).

Quả thật, đó là cơ hội duy nhất để Ba Sương trở về với con người thật của mình, “khác hẳn với một Sương giám đốc, Sương tỉnh ủy, Sương phó chủ tịch ngày hôm qua” (trang 348). Nhưng lịch sử của cả một số phận, một cuộc đời không thể tái hiện đầy đủ chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi của hiện tại. Vì vậy, tác giả đã “dồn nén”, đã “cô đặc” thời gian một cách nghệ thuật. Và “đối thoại” chỉ còn là hình thức để nhân vật truyền trao thông tin. Theo dõi cuộc thoại, chúng ta sẽ thấy nhân vật vi phạm hầu hết các nguyên tắc đối thoại:

nguyên tắc luân phiên lựơt lời, nguyên tắc liên kết, nguyên tắc cộng tác… Vì Ba Sương có hướng vào người nhận cụ thể (ông Tường) nhưng không chờ sự “hồi đáp tức khắc” ở nhân vật ấy. Thậm chí, nhiều lần cô “giành” quyền phát ngôn và gần như độc thoại: “Xin đừng ngắt lời tôi. Đây có thể là lần cuối cùng, cứ để cho tôi nói hết, nói một lần…” (trang 353). Vì vậy, lời thoại của Ba Sương thường rất dài, có khi chiếm đến ba trang (trang 357 - 359). Trong khi đó, lời thoại của ông Tường rất ngắn, có khi chỉ một câu nhưng dang dở: “Ý chị muốn nói là…” (trang 349), “Nhưng mọi người và cả tôi…” (trang 352), “Nhưng chị lại là…” (trang 355). Và nội dung lời thoại của ông thường không liên kết với câu chuyện của Ba Sương...

Chính sự xử lý linh hoạt tình huống giao tiếp của tác giả đã giúp nhân vật có cơ hội bộc lộ thế giới bên trong đầy bí ẩn, cũng như có dịp “sám hối” tội lỗi của mình: “Tôi có lỗi với anh, với chị Hai, với tất cả bạn bè trong rừng. Chính vì điều đó, vì hương hồn chị ám ảnh mà tôi phải bỏ xứ ra đi, phải ráng quên đi hết thảy…”[59;352]. “Tôi không thể xúc phạm các anh, càng không thể động chạm đến vong linh chị Hai, người chị đã chết thay cho tôi. Tôi không thể… Chính vì lẽ đó mà tôi phải chạy trốn, phải chối bỏ tất cả, chối bỏ bạn bè, chối bỏ quê hương, chối bỏ cả người đàn ông mà cho đến nay, sau bao nhiêu vui buồn, ngang ngửa, tôi vẫn không sao nguôi được những kỷ niệm đã có…”[59;353 - 354). Lời lẽ tuy chân thành nhưng vẫn còn là ngôn ngữ của lý

trí. Về cuối, nhân vật mới thực sự “sám hối’ bằng ngôn ngữ của “con tim” để có bản lĩnh “lột mặt” chính mình: “Tôi đã hèn nhát chọn nhẽ thứ hai (tiếp tục ỉm đi để có tất cả, cả cuộc sống và cả niềm vinh quang của người chết) bằng cách giạt hẳn về quê cũ, về cái nơi không một người nào biết tôi là ai để đầu thai làm một người khác”[59;354]. Tội lỗi trong quá khứ sẽ dẫn đến những sai lầm trong hiện tại. Ba Sương đã dần dần soi sáng cái phần lâu nay còn ẩn khuất trong mình để đi đến quyết định sáng suốt cuối cùng cho hiện tại: “… tôi đã khóc và thấy mình không thể sống như cũ được nữa. Tôi quyết định trở về con người thật của mình vào ngay buổi trưa mai, dù cho có phải trả giá thế nào” [59;360]. Quả thực, thông qua việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, đối thoại gần gũi đặc biệt với đời sống, các nhà văn Chu Lai, Lê Lựu, Bảo Ninh đã xây dựng được những nhân vật người lính hậu chiến có tính cách phức tạp, đầy bí ẩn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng người lính sau chiến tranh qua các tiểu thuyết của chu lai, lê lựu, bảo ninh (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)