Không gian và thời gian

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số đặc điểm của truyện trạng xứ Nghệ (Trang 50 - 52)

Chƣơng 3 : Truyện trạng xứ Nghệ nhìn từ góc độ nghệ thuật

3.5 Không gian và thời gian

3.5.1 Không gian

Có thể nói, nông thôn là không gian đặc trưng và bao trùm toàn bộ truyện trạng xứ Nghệ từ môi trường diễn xướng đến không gian nghệ thuật trong văn bản truyện trạng. Chính điều đó làm nên tính “cát cứ” và đặc sản của truyện trạng khiến cho truyện trạng khó có thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác.

Là một loại hình sinh hoạt văn hoá đặc sắc, truyện trạng có hai loại không gian gồm không gian diễn xướng và không gian trong các văn bản truyện trạng thì cả hai loại đó đều là không gian ở nông thôn. Trong văn bản truyện trạng, không gian ở nông thôn cũng được phản ánh một cách bao quát, đa dạng và toàn diện. gần như ở mọi chốn ở làng quê, từ không gian riêng tư (buồng cưới của vợ chồng) đến không gian công cộng (chợ búa, đình làng) đều đậm chất nông thôn, mang dáng dấp, hơi thở của nông thôn. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi truyện trạng lấy nông thôn làm đề tài, nguồn chất liệu, ngọn nguồn của cảm hứng sáng tạo. Không gian nông thôn bao trùm lên toàn bộ thế giới nghệ thuật truyện trạng khi thì xuất hiện trực tiếp trong văn bản truyện trạng với những nét đặc thù của không gian nông thôn như bến đò, con đường làng, đình, chợ quê, chùa chiền, cổng chuồng bò, đồng ruộng, lên rừng, quán sá, đền làng, bờ suối, bìa rừng…; khi thì xuất hiện gián tiếp qua những nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, loại không gian này không có tính xác định rõ rãng, nó là biểu tượng muôn đời của nông thôn truyền thống. Dù có đề cập những địa điểm cụ thể của nông thôn là đình, chùa, đền làng… song nó là ước lệ về một thứ không gian chung chung, vốn đã quen thuộc với người dân trong nhiều thể loại văn học dân gian khác như ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích...

Bên cạnh đó, loại không gian thứ hai cũng là không gian sinh động và giàu tính bản sắc của truyện trạng là không gian diễn xướng - “bầu sinh khí” của sinh hoạt truyện trạng. Khác hẳn với loại không gian ước lệ, bất biến trong phần văn bản truyện trạng, không gian nông thôn trong sinh hoạt truyện trạng hay nói cách khác là địa điểm sinh hoạt truyện trạng rất sống động và cụ thể, nó là muôn màu của cuộc sống nông thôn. Có thể nói đây là một “phần hồn” của truyện trạng, là điểm xuất phát làm nảy sinh truyện trạng và là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến không khí sinh hoạt truyện trạng. Loại không

gian này nó mang tính cụ thể và riêng biệt bởi nó được đóng khung trong bối cảnh đó với những con người hoạt động trong đó tại thời điểm nhất định. Thông thường, không gian này gắn liền với các địa điểm công cộng như ở luỹ tre làng, bên bếp lửa, bên ấm nước chè xanh, đầu cổng làng, đồng ruộng, bờ đê… những địa điểm này là môi trường thuận lợi để phát sinh, phát triển truyện trạng. Truyện trạng rất khó có thể diễn ra ở một không gian riêng tư, hạn hẹp, hạn chế có tính chất cá nhân bởi vì sinh hoạt truyện trạng là loại hình sinh hoạt tập thể, cần nhiều người, nhiều đối tượng tham gia thì chỉ có ở những địa điểm mang tính công cộng mới có thể đáp ứng được điều này.

3.5.2 Thời gian

Tương tự như không gian, thời gian trong truyện trạng cũng gồm thời gian trong văn bản và thời gian diễn xướng/thời điểm kể truyện trạng. Thời gian trong văn bản truyện trạng mang đầy đủ các đặc điểm của yếu tố thời gian trong tác phẩm văn học dân gian nói chung là không xác định, phiếm chỉ và có tính ước lệ ngàn đời. Vì vậy, không có mốc thời gian cụ thể trên sự vận động liên tục của trục thời gian khách quan ngoài những biểu tượng về thời khắc như sáng, trưa, chiều, tối. Thậm chí, trong nhiều văn bản truyện trạng, yếu tố thời gian bị làm mờ đi, bị lờ đi và không được nhắc đến. Các tình tiết, hành động, sự vận động của cốt truyện đặt trong một trục thời gian dường như là “chân không”. Điều đó có nghĩa là yếu tố thời gian ở đây không đóng bất kỳ một vai trò gì trong sự vận động của cốt truyện hoặc sự kiện, hành động, cốt truyện đó có thể đặt tại bất kỳ một thời điểm nào của thời gian khách quan. Sự không đóng khung về mặt thời gian này cũng là một yếu tố linh hoạt để người kể chuyện ứng biến trong hoàn cảnh, không gian diễn xướng cụ thể, người kể chuyện có thể thêm bớt, thay đổi, tạo ra các mốc thời gian trong quá trình kể truyện trạng.

Tiếp theo là thời gian diễn xướng truyện trạng. Đây là trục thời gian nằm ngoài những văn bản truyện trạng, được coi là thời điểm thuận lợi để truyện trạng bắt đầu “Những đêm ngồi hóng mát trước cổng xóm, những khi lợp nhà hay quanh bếp củi nồi bánh chưng của đám cưới nhà ai đó, truyện trạng thường nổ ra rôm rả” [86, tr.7]. Thời điểm kể truyện trạng theo đó, thường gắn với một sự kiện có tính tập thể bởi vì đó cũng là dịp để nhiều người quần tụ bên nhau và vui vẻ. Tuy nhiên, truyện trạng thường xảy ra bất ngờ, nằm ngoài mọi sự sắp xếp nên thời điểm xảy ra truyện trạng cũng mang tính chất tương đối và khá linh hoạt. Thời gian ở đây không quy theo các thời khắc trong ngày của thời gian khách quan như sáng, trưa, chiều, tối mà tạo thành những thời điểm của sự kiện, công việc trong cuộc sống người dân, rất khó để quy ra các mốc thời gian cụ thể. Trong một số trường hợp, truyện trạng lại xảy ra trong một không gian hạn hẹp, số lượng người tham gia rất ít, thậm chí chỉ có hai người, tại một thời điểm mà không có nhiều ý nghĩa

đối với sinh hoạt tập thể. Điều đó cũng cho thấy tính đa dạng của thời điểm sinh hoạt truyện trạng. Quá trình tìm hiểu sinh hoạt truyện trạng, người viết thấy nổi lên 3 thời điểm tiêu biểu, thường gặp và đây được coi là một yếu tố quan trọng trong sự hình thành và phát triển của truyện trạng.

Thứ nhất, truyện trạng thường nảy sinh trong thời điểm người dân tham gia các hoạt động lao động có tính tập thể như: lợp nhà, giúp đám cưới, tổ chức đám cưới… Ở nông thôn xứ Nghệ, đây là những lúc quan trọng đối với cá nhân, gia đình nào đó như làm nhà, dựng vợ gả chồng… và họ cần huy động sự giúp đỡ của tập thể và những người xung quanh lấy đó làm niềm phấn khởi và luôn sẵn sàng tham gia. Vì thế, dù đây không phải là việc làng, việc nước song vẫn được coi là những công việc có tính tập thể.

Thứ hai, truyện trạng thường diễn ra trong những giờ nghỉ giải lao, nghỉ ngơi sau những giờ lao động vất vả như cày bừa, be bờ, đắp đập… Đây là những công việc vất vả, tốn nhiều công sức nên khó có thể kéo dài một cách liên tục. Vì vậy, khi cảm thấy mệt mỏi, họ thường rủ nhau vào bóng mát, ngồi uống vài ba hớp chè xanh, nghe hoặc kể vài ba câu chuyện bông đùa thì bao nhiêu mệt nhọc gần như bị xua đi hết để rồi sau đó họ lại tiếp tục công việc của mình.

Thứ ba, truyện trạng cũng rất sôi nổi trong những lúc tụ họp khi có việc làng, việc nước như: họp làng, họp xóm, họp về dòng họ… Thường thì những hoạt động này gắn liền với những sự kiện có ý nghĩa đối với cộng đồng như chuẩn bị cho một lễ hội quan trọng của làng, xã; cùng nhau bàn bạc để đưa ra một quyết định hay một giải pháp nào đó cho công việc chung như xây hoặc sửa sang nhà thờ, đình làng, đê chắn lụt…

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số đặc điểm của truyện trạng xứ Nghệ (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)