8. Kết cấu của luận văn
2.3. Khái niệm “hình thức chuyển hóa” trong Tư bản
Phép biện chứng duy tâm về hình thức và nội dung của Hêghen phải đến Mác mới có được một “cơ thể” phát triển đầy đủ dựa trên việc sử dụng nó một
cách duy vật để phân tích những hiện tượng kinh tế trong xã hội tư bản. Nhờ đó những khái niệm quan trọng của chủ nghĩa tư bản đã được vạch mở một cách cụ thể. Tuy nhiên, trong “Tư bản” C. Mác không chỉ hiện thực hóa phép biện chứng nội dung và hình thức mà còn vạch ra những khía cạnh tư tưởng mới trong mối quan hệ giữa các khái niệm phạm trù, đó chính là sự chuyển hóa giữa các khái niệm, phạm trù. Thông qua việc phân tích làm rõ bản chất của các hiện tượng kinh tế, Mác đã làm rõ được mối quan hệ, sự chuyển hóa giữa các khái niệm, phạm trù kinh tế cơ bản phản ánh trục xuyên suốt toàn bộ sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Làm rõ được khía cạnh này cũng chính là đi đến hiểu khái niệm “hình thức chuyển hóa” được Mác thể hiện trong Tư bản.
Cũng giống như Hêghen và các nhà kinh tế chính trị học cổ điển, Mác cũng bắt đầu những công việc nghiên cứu tư bản từ việc đi tìm khởi điểm của nghiên cứu. Tiếp thu những quan điểm của Hêghen về xác định điểm khởi đầu của nghiên cứu, C. Mác đã tiến hành công việc này từ trong “Lời nói đầu” của “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị”. Mác nhận thấy rằng ở xuất phát điểm của nghiên cứu về hệ thống hữu cơ đang phát triển cần phải vạch ra định nghĩa trừu tượng hay “cái trừu tượng nói chung”. “Cái trừu tượng nói chung” đó phải chứa đựng cái phổ biến, hay là cái chung được tách ra từ những cái riêng thông qua sự so sánh hình thức. Mác đã viết “Sản xuất nói chung là một sự trừu tượng, nhưng là một sự trừu tượng hợp lý trong chừng mực nó thực sự nêu lên được cái chung, cố định nó lại và do đó tránh cho ta khỏi lắp lại. Tuy nhiên, cái phổ biến đó, hay là cái được tách riêng ra thông qua sự so sánh đó, bản thân cũng là một cái gì bị phân chia ra rất nhiều lần và được biểu hiện ra trong những tính quy định khác nhau” [26, I, 38]. Như vậy, nhiệm vụ của nhận thức khoa học là phải nhận biết được cái phổ biến rồi ghi nó vào trong khái niệm. Cái phổ biến khi được phân tách ra nhờ so sánh là những cái đơn nhất, là cái chung cho tất cả cái phổ biến khác đó là cái phổ biến trừu tượng. Sau đó đặt cái phổ biến trừu
tượng đó vào trong tiến trình lịch sử của nó để tìm ra yếu tố cốt lõi, sợi dây cơ bản xuyên suốt toàn bộ quá trình phát triển của nó. Bởi lẽ trong quá trình phát triển cái phổ biến trừu tượng ghi lại cái như nhau của các đối tượng ở các giai đoạn phát triển khác nhau của nó. Cái chung đó chính là “cơ cấu cơ bản” tạo thành quan hệ đầu tiên của đối tượng, nó thường xuyên được tái tạo lại ở các thời kỳ phát triển tiếp theo của đối tượng. Điều đó có nghĩa, cái phổ biến trừu tượng luôn là sự thống nhất của hai mặt. Một mặt, nó là cái đơn giản nhất chỉ đặc trưng cho hình thức khởi điểm - cái đặc thù, cái đơn nhất. Mặt khác, nó là cái kết cấu cơ bản thường xuyên được lặp lại ở các hình thức phát triển cao hơn - cái phổ biến. Sau đó, cái chỉnh thể của đối tượng thường xuyên được tái tạo xoay quanh kết cấu cơ bản đó, đồng thời trong quá trình phát triển cái trừu tượng nói chung lại được bồi đắp thêm bởi rất nhiều cái trừu tượng khác và nhiều lịch sử vào trong lòng nó. Khi đó cái lôgic lại hiện ra như là sự dồn nén từ trong bản thân nó. Như vậy, việc tìm khởi điểm của nghiên cứu không thể tách rời sự phân tích về mặt lịch sử và hơn hết đó là sự tái hiện cái lôgic từ lịch sử của đối tượng. Mác đã triệt để sử dụng phương pháp lôgic - lịch sử và phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể trong toàn bộ nghiên cứu “Tư bản” của mình. “Giải phẫu học về con người là chìa khóa để hiểu giải phẫu con khỉ” đã trở thành nguyên tắc phương pháp luận cho toàn bộ phân tích của Mác trong “Tư bản”.
Dựa trên những nguyên tắc phương pháp luận của việc tìm khởi điểm nghiên cứu Mác đã chọn hàng hóa là khởi điểm cho toàn bộ nghiên cứu của mình. “Trong những xã hội do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chi phối thì của cải biểu hiện ra là một “đống hàng hóa khổng lồ”, còn từng hàng hóa một thì biểu hiện ra là hình thái nguyên tố của của cải ấy. Vì vậy, công cuộc nghiên cứu của chúng ta bắt đầu từ việc phân tích hàng hóa” [21, 61]. Trên thực tế không phải đến xã hội tư bản thì hàng hóa mới xuất hiện. Hàng hóa và trao đổi hàng hóa đã xuất hiện từ trong các hình thái xã hội trước đó dưới “hình thức
hàng hóa giản đơn”. Đến xã hội tư bản chủ nghĩa thì hàng hóa đã trở thành hình thức phổ biến, sản xuất, trao đổi hàng hóa trở thành nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Xét về mặt lịch sử hàng hóa tồn tại trước các hình thức tiền tệ và tư bản. Nhưng hàng hóa cũng là yếu tố cấu thành nên hệ thống tất cả các mối quan hệ trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và cũng chính là yếu tố để cho ta thấy những đặc trưng riêng có của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, đồng thời thấy được đặc trưng của những phương thức sản xuất trước đó. Mác đã xuất phát từ khái niệm đơn giản nhất, phổ biến nhất nhưng cũng là cái chứa đựng vô vàn điều bí ẩn mà từ đó nó có thể triển khai hàng loạt các mối quan hệ khác. Trong bản thân hàng hóa chứa đựng khả năng chuyển hóa thành những khái niệm phạm trù khác, những bước chuyển đó được Mác phân tích cụ thể trong “Tư bản”.
Hàng hóa là một khái niệm phổ biến trong xã hội tư bản chủ nghĩa nhưng lại không phải là một khái niệm đơn giản, ẩn giấu bên trong nó là những bí ẩn làm nên vô số những mối quan hệ trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Nhận ra điều này, Mác đã sử dụng phương pháp phân tích chất, lượng, độ để tìm ra hai yếu tố cấu thành của hàng hóa là giá trị sử dụng và giá trị trao đổi. Giá trị sử dụng là do các thuộc tính tự nhiên của hàng hóa mang lại, và do đó chúng khác nhau về chất. Còn giá trị trao đổi lại là thuộc tính nội tại vốn có của hàng hóa, và do đó các giá trị trao đổi khác nhau thuần túy về mặt lượng. Nhưng Mác đã tìm ra một yếu tố đặc biệt của hàng hóa - cái mà làm nên toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa đó là giá trị. Khi gạt sang một bên giá trị sử dụng thì bản thân hàng hóa chỉ còn lại một thuộc tính đó là sản phẩm của lao động. Tuy nhiên, lao động ở đây không đơn thuần là một loại lao động cụ thể cảm tính, hay một sự tiêu hao sinh lực thuần túy mà là loại lao động giống nhau của con người – lao động trừu tượng.
Chính lao động trừu tượng là yếu tố tạo nên giá trị. “Trong các sản phẩm đó không còn lại gì cả trừ cái thực thể hư ảo như nhau, một sự kết tinh đơn thuần, không phân biệt của lao động con người, tức là một sự chi phí về lao động của
con người không kể đến hình thức của sự chi phí đó… Là những tinh thể của cái thực thể xã hội chung cho các vật ấy, cho nên các vật ấy đều là những giá trị - những giá trị hàng hóa” [21, 66]. Giá trị là cái chung biểu hiện trong các trao đổi của hàng hóa. Giá trị là một phẩm chất quan trọng thuộc về hàng hóa vừa không thuộc về nó, nó là phẩm chất cơ bản của hàng hóa nhưng đồng thời lại không nằm trong hàng hóa một cách cụ thể. “Giá trị của hàng hóa khác với mụ góa Quic-ly ở chỗ là người ta không biết nắm lấy nó vào chỗ nào. Hoàn toàn trái ngược với tính vật chất thô kệch của các vật thể hàng hóa đối với giác quan, trong giá trị không có lấy nguyên tử vật chất nào của tự nhiên cả. Người ta có thể lấy từng hàng hóa ra để sờ nắn, lật đi lật lại đến tùy thích nhưng với tư cách là một giá trị người ta vẫn không thể nắm được nó” [21, 80]. Mác đã thấy rằng “với tư cách là giá trị, tất cả hàng hóa đều chỉ là lao động kết tinh lại” [21, 84]. Tại điểm này Mác đã chỉ ra tính chất hai mặt của lao động biểu hiện trong hàng hóa. Tính chất hai mặt này của lao động đã tạo nên giá trị sử dụng và giá trị của hàng hóa - “bất kỳ lao động nào, một mặt cũng đều là sự chi phí sức lao động của con người hiểu theo ý nghĩa sinh lý và chính với tính chất lao động giống nhau của con người, hay lao động trừu tượng của con người, mà lao động đó sáng tạo ra giá trị của hàng hóa. Mặt khác, bất kỳ lao động nào cũng là một sự chi phí sức lao động của con người dưới một hình thái đặc biệt, có mục đích, và chính với tính chất lao động cụ thể, có ích của nó mà lao động tạo nên giá trị sử dụng” [21, 78-79]. Đây chính là điểm khác biệt giữa Mác với các nhà kinh tế chính trị học cổ điển thuộc phái trọng nông và A. Xmit. Lao động tạo nên giá trị không phải là lao động cụ thể mà là lao động trừu tượng. Đây mới là mấu chốt của toàn bộ sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Có thể thấy Mác đã phát hiện ra “chất xã hội” của hàng hóa, nó không có hình thức vật chất cụ thể nhưng lại là cái quyết định sự tồn tại xã hội của hàng hóa. Giá trị chính là chất xã hội cao nhất của hàng hóa.
Trong một “đống hàng hóa khổng lồ” của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa Mác đã tìm thấy một loại hàng hóa đặc biệt mà “bản thân giá trị sử dụng của nó có cái đặc tính độc đáo là một nguồn sinh ra giá trị - một thứ hàng hóa mà khi tiêu dùng nó thật sự thì vật hóa được lao động và do đó sẽ tạo ra được giá trị” [21, 251] - loại hàng hóa đó chính là năng lực lao động hay sức lao động. Cũng như mọi hàng hóa khác, hàng hóa sức lao động cũng có giá trị, giá trị của nó được quyết định bởi số thời gian lao động cần thiết để sản xuất và tái sản xuất ra chính nó. Thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra sức lao động được quy thành thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì cuộc sống của con người có sức lao động ấy. Nhà tư bản hay người chủ tiền đã mua sức lao động để đưa nó vào quá trình sản xuất cùng với những tư liệu lao động khác với mục đích tạo ra những hàng hóa mà giá trị của nó cao hơn tất cả những gì mà ông ta đã bỏ ra để mua tư liệu sản xuất và sức lao động. Tuy nhiên, vấn đề không phải đơn giản như vậy, “nhà tư bản của chúng ta đã thấy trước trường hợp làm cho hắn nở một nụ cười” [21, 290]. Mác đã chỉ ra điều làm các nhà tư bản mỉm cười đó chính là sự chênh lệch giữa giá trị của sức lao động và giá trị được tạo ra trong quá trình sử dụng sức lao động. “Điều có ý nghĩa quyết định ở đây chính là giá trị sử dụng đặc biệt của hàng hóa đó (hàng hóa sức lao động – học viên) là cái đặc tính của nó làm một nguồn sinh ra giá trị, hơn nữa lại sinh ra một giá trị lớn hơn giá trị của chính bản thân nó” [21, 289]. Việc hàng hóa sức lao động tạo ra một giá trị lớn hơn bản thân nó được tạo ra trong quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị. Mà thực chất của quá trình làm tăng giá trị chẳng qua cũng chỉ là quá trình tạo ra giá trị được kéo dài quá một điểm nào đó. Đây chính là điểm mà nhà tư bản lợi dụng để tạo ra giá trị thặng dư. “Trước cũng như sau, giá trị thặng dư xuất hiện chỉ là nhờ có một số lao động thừa ra, nhờ một độ dài lớn hơn của cùng một quá trình lao động” [21, 295]. Như vậy, giá trị thặng dư biểu hiện ra trước hết như là số dư trong sản phẩm so với
tổng số giá trị của những yếu tố sản xuất ra sản phẩm đó. Giá trị thặng dư cũng được tạo ra trong quá trình lao động, quá trình lao động ấy thể hiện ra thành hai thời kỳ rõ rệt. Trước tiên là thời kỳ mà người công nhân chỉ sản xuất ra giá trị của sức lao động của mình, tức là sản xuất ra giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để sản xuất ra sức lao động của mình. Thời kỳ thứ hai mới là lúc sản xuất giá trị thặng dư. Đó chính là thời kỳ mà người công nhân lao động quá những giới hạn của lao động cần thiết để tạo ra những tư liệu sinh hoạt của mình. Người công nhân vẫn phải hao phí sức lao động nhưng anh ta hoàn toàn chẳng được gì từ thời gian lao động này cả. Giá trị thăng dư được tạo ra từ khoảng thời gian lao động này là miếng “mồi ngon” của nhà tư bản, và nó được tạo ra từ thời gian lao động thặng dư. Việc “coi giá trị thăng dư chỉ là thời gian lao động thặng dư đã cô đọng lại, chỉ là lao động thặng dư đã được vật hóa là rất quan trọng để nhận thức được giá trị thặng dư. Chỉ có hình thức trong đó người ta bóp nặn lao động thặng dư ấy của người sản xuất trực tiếp, tức là của người công nhân mới phân biệt được những hình thái kinh tế xã hội” [21, 321-322].
Như vậy, từ việc tìm thấy bí ẩn của giá trị Mác đã tìm ra bí quyết bí ẩn của nhà tư bản để tạo ra giá trị thặng dư. Trong bí quyết ấy có sự “góp mặt” của lao động mà thực chất là sức lao động của người công nhân. Sức lao động đã trở thành một loại hàng hóa đặc biệt mà trong đó nhà tư bản tìm thấy những ưu thế mang lại cho ông ta những khoản thu khổng lồ làm ông ta hài lòng. Thực chất của quá trình tạo ra giá trị thặng dư là quá trình lao động bị kéo dài qua giới hạn để sản xuất ra giá trị sức lao động. Như vậy, giá trị thặng dư chính là cái hình thức của giá trị đã bị nhào nặn mà ở đó thời gian lao động cần thiết để tạo ra giá trị đã bị kéo dài ra.
Tiếp theo Mác nghiên cứu sự vận động và biến đổi của giá trị thặng dư để mô tả được những hình thái cụ thể đẻ ra từ chính nó với tư cách là một chỉnh thể.
Thông qua những hình thái này chúng ta sẽ dần dần nắm được nội dung cơ bản cũng như yếu tố cốt lõi làm nên sự phát triển của toàn bộ hệ thống.
Sau khi nghiên cứu toàn bộ những chi phí, những tính toán của nhà tư bản cho quá trình sản xuất để làm sao tạo ra được giá trị thặng dư cao nhất, Mác đã tìm thấy một hình thái cụ thể của giá trị thặng dư là lợi nhuận - “giá trị thặng dư, được quan niệm là con đẻ của toàn bộ tư bản ứng trước, mang hình thái chuyển hóa là lợi nhuận” [23, I, 65]. Nếu như trước đó giá trị hàng hóa được tính bằng