2.1. Quan niệm của I Kant về lý tính và về lý tính thực hành nói chung
2.1.1. Cách đặt vấn đề của I Kant trong nghiên cứu lý tính và thực chất của
chất của sự phê phán lý tính thuần túy
Kant được xem là đã thực hiện một cuộc đảo lộn Côpécních trong lĩnh vực triết học khi ông đưa nhận thức triết học trở về với chính con người. Với Kant, đối tượng của triết học chính là con người, là lý tính con người. Tuy nhiên, nếu chỉ nêu ra được vấn đề như vậy thì có lẽ Kant cũng chưa thể ghi tên mình vào lịch sử triết học như một triết gia vĩ đại được. Thành tựu to lớn mà Kant có được chính là việc ông đã đi sâu tìm hiểu lý tính thuần túy của con người để từ đó phát hiện ra thực chất của cái siêu việt của lý tính, từ đó Kant phát hiện ra các năng lực vốn có của lý tính. Kant cho rằng, đối tượng của siêu hình học là lý tính và lý tính này phải được mổ xẻ, xem xét với một tinh thần phê phán. Lý tính mà Kant đề cập tới không phải là lý tính nói chung mà là lý tính siêu nghiệm, lý tính của nhận thức triết học. Như vậy, cách đặt vấn đề của Kant về lý tính là rất khác so với siêu hình học trước đây.
Công việc của Kant bắt đầu từ việc phân tích lại nền siêu hình học cũ với các đại biểu xuất sắc như Platôn, Arixtốt, Bêcơn, Đềcáctơ, Vônphơ, Lépnít, Hium… Việc xem xét và đánh giá bằng tinh thần phê phán đã giúp Kant phát hiện ra những điểm tích cực và hạn chế của nền siêu hình học cũ. Đây cũng chính là điểm xuất phát, là nền móng cho những tư tưởng sâu sắc của Kant về siêu hình học và lý tính thuần túy sau này.
Theo Kant nền triết học trước đây vốn chỉ chú ý đến vẻ bề ngoài của nhận thức và từ đó nảy sinh những tranh cãi hỗn loạn không có hồi kết. Kant nhận thấy đã có một tòa án sẵn có của bản thân lý tính để giải quyết các vấn
đề của riêng lý tính và trước khi đi vào tranh cãi những khái niệm của lý tính thì phải tìm hiểu và làm rõ bản thân lý tính trước đã. Các triết gia trước Kant đã đi sâu vào nhận thức với những khái niệm suông mà trước đó chưa nắm rõ được lý tính với đầy đủ các quan năng của nó. Thực ra nền siêu hình học trước Kant (nếu ta hiểu siêu hình học với đối tượng là nhận thức cái toàn thể tuyệt đối với các định đề cụ thể là thượng đế, tự do, sự bất tử của linh hồn) chưa có một sự phát triển nhất định của nó. Chỉ đến Kant, siêu hình học với việc bắt nguồn từ nghiên cứu bản thân lý tính mới thực sự được nâng lên một vị trí xứng đáng. Từ khi khoa học tự nhiên phát triển mạnh mẽ và có sự phân tách ranh giới rõ ràng ra khỏi cái nôi triết học để hình thành nên các môn khoa học nhất định thì vị trí khoa học của các khoa học của triết học bị đặt một dấu hỏi lớn. Hầu hết các triết gia trước Kant chìm đắm trong một vấn đề nan giải là liệu triết học có phải là khoa học hay không và làm cách nào để chứng minh tính khoa học của triết học?
Kant cho rằng cái siêu việt của một nền siêu hình học siêu việt là phương pháp tổng hợp siêu nghiệm chưa được nhận thức trong nền siêu hình học trước đây. Các triết gia trước Kant như Lépnít, Hium chỉ đơn thuần dùng phương pháp phân tích với những thao tác tháo rời đơn giản những khái niệm vốn có sẵn trong lý tính, và như thế chúng ta chỉ có thể thấy được lý tính có những gì hay thấy được những bộ phận của lý tính còn bản thân lý tính là gì thì chưa được nhận thức. Từ sai lầm về phương pháp như thế siêu hình học cũ đã không thể đưa nhận thức tiến xa hơn tức là không thể giúp ta nhận thức được các khái niệm mà chỉ cho thấy những gì được chứa đựng trong khái niệm mà thôi. Khi Kant phê phán rằng, nền siêu hình học cũ dùng phương pháp phân tích không có nghĩa là siêu hình học cũ không dùng phương pháp tổng hợp. Kant phê phán Lépnít và Hium ở chỗ cả hai “đã giới hạn lãnh vực của phán đoán tiên nghiệm vào những phán đoán phân tích và giới hạn lãnh vực của phán đoán tổng hợp vào những phán đoán thường nghiệm” [21, tr.
119]. Trong khi lẽ ra vấn đề phải là ngược lại, nghĩa là phán đoán tiên nghiệm phải sử dụng phương pháp tổng hợp. Thực ra với việc phê phán phương pháp mà siêu hình học cũ sử dụng là giáo điều và sai lầm Kant cũng đã đồng thời khẳng định kết quả từ những phương pháp sai lầm ấy là đáng nghi ngờ bởi vì một khoa học dùng phương pháp sai lầm thì cũng sẽ dẫn tới những kết quả sai lầm. Nếu Arixtốt cố gắng xây dựng 10 phạm trù bằng cách quy nạp các hành vi ngôn ngữ hiện thực thì Kant lại muốn đi tìm và nghiên cứu các khái niệm cơ bản của giác tính. Về việc tìm hiểu các khái niệm gốc của giác tính với hai trường phái duy nghiệm và duy lý cũng bị Kant bác bỏ. Phái duy nghiệm với hai đại biểu nổi tiếng là Lốccơ và Hium cho rằng các phạm trù có nguồn gốc từ giác tính và hoàn toàn không dựa vào kinh nghiệm. Phái duy lý với Lépnít và Đềcáctơ thì cho rằng các phạm trù phải nhắm đến các dữ kiện cảm tính nếu không muốn trở thành những phạm trù trống rỗng. Kant đứng ngoài hai trường phái triết học trên khi ông đem quy những khái niệm cơ bản cho giác tính thuần túy.
Với nhiều đại biểu nổi tiếng như Bêcơn, Lốccơ, Bécơly, Hium, Đềcáctơ, Spinôza, Lépnít…, triết học phương Tây đã có những bước phát triển đa dạng và có nhiều đóng góp cho nhận thức chung của nhận loại. Tuy vậy, khi bàn về vấn đề nhận thức thì hầu hết các triết gia trên đều tự phân chia thành hai trường phái triết học đối nghịch nhau là triết học duy nghiệm hoài nghi và triết học duy lý giáo điều. Phái duy nghiệm Anh với các đại biểu nổi tiếng là Bêcơn, Lốcơ, Bécơly, Hium đã đem các khái niệm, các ý niệm của con người quy vào cho nhận thức cảm tính. Không dừng lại ở đó các đại biểu của phái duy nghiệm còn đề cao vai trò của nhận thức kinh nghiệm và tách biệt mối quan hệ giữa nhận thức con người với những đối tượng cụ thể của giác quan con người có trong thực tại khách quan. Từ sự tách biệt mối quan hệ giữa nhận thức cảm tính của con người với sự vật có trong thế giới khách quan đã dẫn tới hệ quả là nảy sinh thuyết hoài nghi đối với nhận thức của con
người, sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan quy phục giác quan con người. Phái duy nghiệm còn cho rằng các tri thức cảm giác của con người cấu thành nên sự vật. Ở đây sự vật được cấu thành do các giác quan của con người chỉ cho nhận thức của con người nên bản chất thực sự của sự vật trong thế giới khách quan thì con người lại không nhận thức được, do vậy, trường phái duy nghiệm hoài nghi về khả năng nhận thức thế giới của con người. Đối ngược lại với thuyết duy nghiệm hoài nghi kiểu Anh là trường phái duy lý giáo điều ở châu Âu với các đại biểu nổi tiếng như Đềcáctơ, Spinôza, Lépnít… Phái duy lý tin vào nhận thức hiển nhiên của lý tính con người. Từ một hệ thống những nguyên tắc hiển nhiên của lý tính thuần túy phái duy lý giáo điều châu Âu tin rằng họ sẽ xây dựng được một nền siêu hình học khoa học. Mặc dù có những tranh cãi khác nhau giữa các đại biểu trong trường phái triết học duy lý về cái bản thể tuyệt đối (với Đềcáctơ là cái tôi tuyệt đối, với Spinôza là thượng đế theo nghĩa là thế giới tự nhiên,…) nhưng tựu chung lại phái duy lý giáo điều châu Âu đề cao lý tính con người, họ chủ trương xem nhiệm vụ của siêu hình học là đi tìm cái toàn thể tuyệt đối của thế giới. Nhiệm vụ và đối tượng mà phái duy lý đề ra cho nền siêu hình học là tương đối đúng đắn. Tuy vậy, do quá đề cao lý tính con người nên phái duy lý đã hạ thấp nhận thức cảm tính của con người. Sai lầm quan trọng nhất của phái duy lý giáo điều châu Âu mà Kant nhận thấy được đó chính là việc phái duy lý đã đi vào nghiên cứu cái toàn thể tuyệt đối của thế giới một cách quá vội vàng. Theo Kant trước khi đi sâu vào cái toàn thể tuyệt đối thì trước hết phải phê phán và tự phê phán lý tính thuần túy của con người trước đã, có như vậy mới nắm được thực sự bản chất của nhận thức con người với những quan năng đầy đủ của nó. Phải thực sự nghiêm túc trong công việc phê phán mới có thể giúp ta đi đến chỗ tiếp cận được với cái toàn thể tuyệt đối (và có được sự tiếp cận ấy không gì khác hơn là nhờ quan năng thực hành của lý tính thuần túy thực hành, tức là trong lĩnh vực đạo đức học thực hành). Mọi sự cố gắng đi tìm cái
toàn thể tuyệt đối trong khái niệm thuần túy của lý tính khi chưa thông qua sự phê phán và tự phê phán của chính nó để phát hiện ra các quan năng đầy đủ của nó đều là giáo điều, và mọi khái niệm ở đây chỉ là các khái niệm trống rỗng mà thôi. Mệnh đề “tôi tư duy vậy tôi tồn tại” của Đềcáctơ thể hiện tính chất duy tâm chủ quan của ông khi ông xem kinh nghiệm bên trong (lý tính), tức là cái tôi mới là cái chắc chắn duy nhất đúng và không thể nghi ngờ còn các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan là đáng nghi ngờ và không thể chứng minh được. Bécơly đã đi xa hơn Đềcáctơ trong thuyết duy tâm bất khả tri khi ông cho rằng sự vật hiện tượng trong thế giới là những sản phẩm tưởng tượng của đầu óc con người. Kant không đồng tình với quan niệm của hai triết gia trên, ông cho rằng kinh nghiệm, tức những nhận thức của con người có được là nhờ thế giới các hiện tượng bên ngoài. Mặc dù Kant cho rằng mình đã đi con đường riêng của mình trong vấn đề nhận thức mối quan hệ giữa giác quan con người với thế giới hiện tượng khách quan nhưng cuối cùng ông lại vòng trở lại chính con đường của thuyết bất khả tri của Đềcáctơ và Bécơly. Việc quay lại con đường bất khả tri của Kant thể hiện trong quan niệm của ông về “vật tự thân”. Ông cho rằng, con người chỉ có thể nhận thức được sự vật như là những hiện tượng. Nhận thức của con người chỉ có thể nắm bắt được những gì mà sự vật biểu hiện ra cho chúng ta còn bản thân sự vật là gì thì chúng ta không thể nhận biết được. Sự vật đồng thời nằm ở hai thế giới, thế giới hiện tượng với những gì là biểu hiện bề ngoài và chịu sự quy định của tính nhân quả tự nhiên, đây là tất cả những gì con người có thể nhận biết được, nhưng đồng thời sự vật cũng nằm trong thế giới của vật tự nó, tức là những gì là bản chất thực sự của nó, nơi mà nó là tự do và chỉ chịu sự quy định từ tính nhân quả của tự do. Thực ra quan niệm của Kant vừa gần với phái duy nghiệm hoài nghi vừa có những tư tưởng tương đồng với phái duy lý giáo điều. Nhưng chính việc phê phán phái duy lý đã đưa Kant tới công việc phê phán lý tính thuần túy. Kant nhận thấy phái duy lý xem lý tính con người là
chân lý đích thực mà nhận thức kinh nghiệm cảm tính không thể có được. Tuy vậy, nhận thức lý tính mà phái duy lý đề cao và xem là những chân lý lại vô cùng thiếu cơ sở khi bản thân lý tính với các quan năng của nó trước đó đã không được phê phán. Từ đây, Kant nhận thức được rằng công việc cấp bách hiện tại là phải tiến hành phê phán lý tính trước khi đi vào những khái niệm của nó. Chính công việc này cũng đã đưa Kant tới việc đào sâu và phát hiện ra những năng lực của lý tính để từ đó nắm bắt được thực chất của lý tính thuần túy. Cụ thể, Kant đã vạch ra, chứng minh thực chất cái siêu việt của lý tính thuần túy chính là năng lực hay phương pháp tổng hợp siêu nghiệm.
Như vậy là, dù phải đứng trước hai con đường trong nhận thức về siêu hình học đối ngược nhau nhưng Kant đã không đi theo con đường nào trong số đó mà tự chọn cho mình một lối đi riêng. Đó chính là con đường phê phán lý tính thuần túy. Điều đặc sắc ở đây là Kant đã không xem phê phán là mục đích, trái lại như một điều kiện, một phương cách, trong khi mục đích chính là khám phá các quan năng thực sự của lý tính. Ông viết trong phê phán lý tính thuần túy: “Nhưng tôi hiểu phê phán ở đây không phải là phê phán các tác phẩm và các hệ thống triết học mà là phê phán các quan năng lý tính nói chung đối với tất cả mọi nhận thức mà lý tính muốn vươn tới một cách độc lập với mọi kinh nghiệm” [21, tr. 8]. Chính với cách đặt vấn đề này, Kant đã không bằng lòng, không dừng lại ở việc khám phá quan năng của lý tính thuần túy, trái lại ông muốn đi sâu hơn để khám phá quan năng của lý tính, để hiểu đúng, toàn diện hơn bản chất, vai trò của lý tính. Và ngay trong phê phán lý tính thuần túy ông đã nhìn thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu lý tính thực hành.