NỘI DUNG QUAN ĐIỂM CỦA J .RAWLS VỀ CÔNG LÝ
2.1. Những tư tưởng nền tảng cho quan điểm về công lý
2.1.2. Tư tưởng về một xã hội công lý
Để triển khai các ý tưởng của mình về công lý, Rawls xây dựng quan điểm của ông về một xã hội công lý với những đặc trưng cơ bản như sau:
Thứ nhất, một xã hội công lý được xem như là một hệ thống công bằng cho sự hợp tác (a fair system of cooperation). Đặc trưng này được trình bày rõ nét trong tiết 2, phần I của cuốn Công lý như là công bằng – Sự tái trình bày.
Rawls bắt đầu triển khai ý tưởng này từ việc khẳng định rằng, một xã hội công lý như là một hệ thống công bằng cho sự hợp tác xuất hiện trong lịch sử của con người một cách tự nhiên, và modul xã hội đó được truyền từ đời này sang đời khác, chứ không phải là một hiện tượng bất thường trong sự vận động của lịch sử, hay là kết quả của sự ép buộc từ một cơ chế nào đó mang tính tập quyền [xem 48, 5]. Ông cho rằng, vì “một mục tiêu mang tính khả thi của “công lý như là công bằng” đó là cung cấp những nền tảng đạo đức và triết học mang tính khả dĩ cho những thể chế dân chủ và vì thế cũng chỉ dẫn vấn đề về việc làm thế nào những đòi hỏi về tự do và công bằng có thể hiểu được” [48, 5], cho nên “đối với giới hạn này chúng tôi hướng đến văn hóa chính trị công cộng của một xã hội dân chủ, và hướng tới khuynh hướng làm sáng tỏ hiến pháp cũng như những đạo luật cơ bản của xã hội ấy, bằng những khái niệm tương đồng có thể giúp chúng ta tiến gần đến khái niệm về công lý
chính trị” [48, 5]. Khi hướng đến phạm vi nghiên cứu như vậy, Rawls nhận thấy những công dân trong một xã hội dân chủ có ít nhất những hiểu biết mơ hồ về những ý tưởng về tự do, về công bằng, công lý khi mà những ý tưởng đó được thể hiện trong những tranh luận chính trị hàng ngày, trong những cuộc thảo luận về ý nghĩa và nền tảng của những quyền và tự do được nêu trong hiến pháp [xem 48, 5]. Những ý niệm đó có tính tiên nghiệm, là đặc trưng mang tính loài của con người – một loại động vật xã hội. Và do đó, nó không phải là những thứ đồ trang sức của những kẻ thượng lưu, hay là chủ đề chuyên biệt chỉ được bàn bởi các chính trị gia, mà nó thiết thực và gần gũi với những công dân như cơm áo gạo tiền của họ. Người ta nói về công lý, suy tưởng về công lý, chất vấn những gì không được xem là công lý, và người ta nhận ra đồng loại của mình khi dựa vào cái dấu hiệu có tính tiên nghiệm đó, cho nên, “tư tưởng căn bản nhất trong quan niệm về “công lý là công bằng” ở đây chính là tư tưởng về một xã hội được xem như là một hệ thống mang tính công bằng của thỏa thuận xã hội từ đời này sang đời khác. Chúng ta sử dụng tư tưởng đó như là tư tưởng trung tâm trong nỗ lực phát triển một quan niệm mang tính chính trị về công lý đối với một chế độ dân chủ” [48, 5-6].
Như vậy, hợp tác xã hội là mục tiêu tự nhiên của cộng đồng xã hội trong quá trình vận động của lịch sử. Và trong bối cảnh chính trị văn hóa và tinh thần nhất định, thì tư tưởng trụ cột của một hợp tác xã hội phải mang những đặc trưng bản chất sau: (a) hợp tác xã hội được hướng dẫn bởi những quy luật và thủ tục phổ biến (publicly recognized rules and procedures) – những cái đã được các thành viên trong cộng đồng thỏa thuận, chấp nhận là thích đáng để điều chỉnh hành vi của họ;
(b) hợp tác xã hội bao hàm những quy định có tính công bằng là bản thân những quy định đó phải được những người tham gia hợp tác xã hội chấp
nhận một cách hợp lý, dù đôi khi là phải chấp nhận là hợp lý, thì hợp tác xã hội đó cũng phải chứng minh được rằng bất kỳ ai cũng chấp nhận nó. Nghĩa là đạt được sự đồng thuận cao nhất;
(c) hợp tác xã hội mang bản chất tốt đẹp, do đó những người tham gia vào hợp tác xã hội là những người tự nguyện tham gia và đều tìm thấy những điểm tiến bộ trong hợp tác xã hội đó bắt nguồn từ chính quan điểm của họ về cái thiện.[xem 48, 6].
Trong một xã hội như là một hệ thống công bằng của hợp tác xã hội thì những nguyên tắc của công lý đóng vai trò gì? Rawls chỉ rõ: “Những nguyên tắc đó xác định những quyền và nghĩa vụ cơ bản được quy định bởi những thể chế chính trị và xã hội chính yếu, và nó cũng cai chế sự chia sẻ về quyền lợi khởi sinh từ hợp đồng xã hội và phân chia gánh nặng trách nhiệm nhằm duy trì cán cân công lý chung” [48, 7]. Chính vì thế, hợp tác xã hội chỉ được xem là chắc chắn, khi trong xã hội dân chủ, những người công dân với quyền tự do và bình đẳng, với lý trí và sự hiểu biết về cái thiện thống nhất được với nhau một quan niệm chính trị khả dĩ nhất về công lý. Quan niệm đó sẽ quy định những điều khoản có tính công bằng trong hợp tác xã hội.Và đó chính là một trong vấn đề nền tảng của triết học chính trị. Hay có thể nói, sự tồn tại của hợp tác xã hội chỉ có được và truyền từ đời này sang đời khác khi có một quan niệm chính trị thống nhất về công lý [xem 48, 8]. Ở điểm này, Rawls xem phạm trù công lý như là phạm trù trung tâm của triết học chính trị. Và nó trở thành tư tưởng xuất phát hết sức quan trọng trong lập luận đi đến quan điểm về công lý của ông.
Thứ hai, một xã hội công lý là một xã hội có trật tự tốt đẹp (a well- ordered society). Rawls cho rằng khái niệm về một xã hội có trật tự tốt đẹp là một trong những vấn đề quan trọng cần đề cập đến trước khi nói về công lý.
Là bởi, quan niệm này có thể phụng sự như là một quan niệm được thừa nhận rộng rãi trong xã hội dân chủ, nếu không có quan điểm về xã hội có trật tự tốt đẹp thì quan niệm về công lý sẽ không đầy đủ. Mặt khác, quan điểm này cũng sẽ làm sáng tỏ những tư tưởng chính hình thành nên hợp tác xã hội đã đề cập ở trên. Vậy, một xã hội có trật tự tốt đẹp là gì? Đó là một xã hội được cai quản một cách hiệu quả nhờ một quan niệm công cộng về công lý (public conception of justice). Và do đó nó trở thành một xã hội chính trị có trật tự tốt đẹp với ba đặc điểm: một là, mọi người đều chấp nhận và biết rằng người khác cũng chấp nhận một quan niệm chung về công lý; hai là, những thể chế chính trị và xã hội thỏa mãn được những nguyên tắc của công lý và ba là, mọi công dân đều có hiểu biết về công lý, thừa nhận hiệu năng của công lý và áp dụng sự hiểu biết ấy vào việc thực thi những quyền hạn và nghĩa vụ trong cộng đồng của mình [xem 48, 8-9]. Khi mà một xã hội có trật tự tốt đẹp như vậy được thiết lập thì ý nghĩa nhãn tiền nhất của nó đó là quan niệm về công lý đề được mọi công dân biết và đón nhận nó một cách tự nhiên, giống như những quan niệm về các quyền của con người.
Thứ ba, khi một xã hội công lý là một xã hội có trật tự tốt đẹp thì nó đồng thời là một xã hội có cấu trúc cơ bản (the basic structure) nhất định. Trong tiết 4, phần I cuốn Công lý như là công bằng – Sự tái trình bày, Rawls một lần nữa giải thích lại quan điểm của ông về cấu trúc cơ bản của xã hội, cái đã từng được trình bày trong tiết 2, chương 1 của cuốn Một lý thuyết về công lý vốn gây không ít những hiểu lầm đối với độc giả cũng như những người có quan điểm trái ngược với ông.
Cấu trúc cơ bản của xã hội là “cách mà các thiết chế chính trị và xã hội hòa hợp với nhau trong một hệ thống của hợp tác xã hội, và là cách mà chúng chỉ định những quyền cơ bản cũng như điều chỉnh quyền lợi sinh ra từ hợp tác
xã hội trong suốt thời gian” [48, 10]. “Cấu trúc cơ bản là khung xã hội bao quát trong đó hoạt động của những tổ chức và cá nhân” [48, 10], bao gồm trong đó hiến pháp chính trị, các loại hình tài sản được luật pháp thừa nhận, và cấu trúc hoàn chỉnh của một nền kinh tế... Cấu trúc cơ bản của xã hội là một bối cảnh mà trong đó cơ chế chung nhất của nó được cai trị bởi nguyên tắc về công lý. Và chính từ sự cai chế này xuất hiện quan điểm về công bằng trong chính trị và xã hội. Chính ở điểm này, ý tưởng “công lý như là công bằng” được hình thành. Ở đây, Rawls chỉ rõ, những nguyên tắc của công lý mang tính công bằng chỉ đưa ra một nền tảng của cái gọi là công bằng và hợp lý nhằm giới hạn biên độ tự chủ của các thiết chế riêng biệt trong một xã hội dân chủ và đa nguyên, chứ không có ý tưởng cai trị trực tiếp các vấn đề diễn ra trong từng thiết chế. Và chính vì sự đa dạng của các thiết chế trong xã hội nên tương ứng với chúng sẽ là những loại hình công lý khác nhau, gồm: công lý địa phương (local justice) – nguyên tắc áp dụng trực tiếp đối với thiết chế và tổ chức; công lý dân chủ (domestisc justice) – nguyên tác áp dụng đối với cấu trúc cơ bản của xã hội và cuối cùng công lý toàn cầu (global justice) – áp dụng đối với luật pháp quốc tế [xem 48, 10-11].