7. Kết cấu của luận văn
1.3 Giới thiệu tổng quan về tác phẩm Bản thảo kinh tế triết học năm
1844
Từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1844, C. Mác viết Bản thảo kinh tế - triết
học năm 1844, thực chất là phôi thai của những tư tưởng hết sức quan trọng
mà sau này ông phát triển một cách đầy đủ trong bộ Tư bản. Việc Ph. Ăngghen xuất bản tập Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 của C. Mác đã
mở ra một con đường nhận thức mới về chủ nghĩa Mác. Mặc dù những tư tưởng trong tác phẩm này mới chỉ là những ý tưởng, nghĩa là còn đang được phác thảo, chưa hoàn thành nhưng có ý nghĩa lớn trong quá trình hình thành quan niệm duy vật lịch sử của C. Mác về xã hội, con người... Do đó, nói đến vấn đề con người trong triết học C. Mác, người ta không có quyền bỏ qua tác phẩm này, dù đây là tác phẩm của thời Mác trẻ - thời mà những quan niệm về con người, giai cấp, về cách mạng xã hội, về chủ nghĩa xã hội, về
chủ nghĩa duy vật lịch sử, về giá trị thặng dư… còn chưa xuất hiện hoặc chưa chín muồi.
Có thể khẳng định Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 có vai trò hết
sức quan trọng: Là cơ sở lí luận, là điểm xuất phát cho toàn bộ quá trình nghiên cứu lí luận sau này của C. Mác nói riêng, cho sự hình thành chủ nghĩa Mác với tư cách là hệ thống lí luận độc lập nói chung. Tác phẩm chứa đựng nhiều tư tưởng nhân văn vô cùng quan trọng và sâu sắc. Tác phẩm thể hiện tính quá độ đó là sự kế thừa có chọn lọc tư tưởng trước Mác mà tiêu biểu là Hêghen và Phoiơbắc.
Ngoài phần lời tựa, tác phẩm gồm 3 bản thảo: Bản thảo thứ nhất (I. Tiền công; II. Lợi nhuận của tư bản; III. Địa tô; và lao động bị tha hóa); Bản thảo thứ hai (Quan hệ sở hữu tư nhân); Bản thảo thứ ba (Bản chất của chế độ tư hữu trong sự phản ánh của kinh tế chính trị học; chủ nghĩa cộng sản và nhu cầu, sản xuất và phân công lao động).
Khi viết tác phẩm này, C. Mác có mục đích phê phán lý luận đương thời về kinh tế, chính trị, pháp quyền và một phần phê phán quan niệm của Phoiơbắc và Hêghen. Điều đó có nghĩa là bàn về vấn đề con người không phải là ý định chính của C. Mác. Chính vì vậy, những tư tưởng của C. Mác về con người trong tác phẩm này chưa được trình bày thành một cách hệ thống nên ít nhiều gây khó khăn cho việc nghiên cứu. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề con người trong triết học Mác, chúng ta không thể bỏ qua tác phẩm này bởi tầm vóc và ý nghĩa của nó. Chẳng hạn, về khái niệm con người - một thực thể tự nhiên có tính người; về tính loài của con người - con người cá nhân và con người xã hội; về tha hóa - lao động bị tha hóa và sự tha hóa của con người. Cho dù trong tác phẩm này, những quan niệm về con người giai cấp, về cách mạng xã hội, về giá trị thặng dư… còn chưa xuất hiện hoặc chưa chín muồi, nhưng những tư tưởng về con người lại rất phong phú - có thể nói là một kho tàng những tri thức cơ bản (phương pháp luận về con người) đủ cho chúng ta nghiên cứu khai thác, đặc biệt là những nội dung mà sau đó C. Mác không có dịp đề cập đến.
Qua phân tích nội dung tác phẩm cho thấy, C. Mác tập trung vào những vấn đề sau: Phê phán những quan niệm duy tâm trong triết học Hêghen, đồng thời chỉ ra mặt tích cực của nó là phép biện chứng; Trên cơ sở tiếp thu và phê phán quan niệm triết học của Hêghen và Phoiơbắc, C. Mác đưa ra quan niệm sâu sắc về con người; Trên cơ sở phân tích bản chất của tiền công, của lợi nhuận và địa tô tư bản. C. Mác vạch rõ bản chất bóc lột và tình trạng tha hóa lao động trong chủ nghĩa tư bản. Thông qua phân tích sự tha hóa của lao động, C. Mác đã chỉ ra hậu quả và nguyên nhân của tha hóa lao động trong chủ nghĩa tư bản là dẫn đến sự tha hóa bản chất con người. Qua sự phân tích của ông về tha hóa lao động đã lột tả bản chất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với những mặt hạn chế của nó. Mặc dù trong tác phẩm vẫn chưa có sự phân tích về các hình thức lịch sử của chế độ tư bản, song khái niệm “chủ nghĩa cộng sản” đã được ông gắn liền không phải với sự phủ định chế độ tư hữu tự nó, mà với sự phủ định hình thức cao nhất của nó (chế độ tư hữu tư sản).
Với nhận thức sâu sắc về bản chất và vai trò của lao động, C. Mác đã có được cơ sở chắc chắn cho những tư tưởng mà ông rút ra trước đây. Đó là những tư tưởng cho rằng, "xã hội công dân" và gia đình là cơ sở của nhà nước và pháp quyền, quần chúng nhân dân là lực lượng cơ bản của "xã hội công dân". Đặc biệt, quan niệm về lao động ấy còn là cơ sở vững chắc cho quan niệm về sự phát triển lịch sử nói chung. Từ những tư tưởng này, một hệ thống lý luận khoa học về lịch sử đã được vạch ra trong
Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 dưới hình thức mầm mống, "bào thai"
của nó.
* Quan niệm về tha hóa lao động là một trong những nội dung cơ
bản của tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844
Khái niệm và nội dung tha hóa lao động được C. Mác phân tích khá
rõ trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844. Đây là tác phẩm có
ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của chủ nghĩa duy vật lịch sử và phép biện chứng duy vật. Tác phẩm đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về chất trong
quan niệm tha hóa từ Hêghen, Phoiơbắc đến Mác. C. Mác không dừng lại ở sự phê phán tha hóa tôn giáo, tha hóa chính trị - xã hội, mà cùng với sự hình thành quan niệm duy vật lịch sử, ông đi đến cơ sở của mọi dạng tha hóa - tha hóa kinh tế. Ngay từ đầu, nội dung kinh tế của phạm trù tha hóa đã mang tính giai cấp rõ ràng, đó là: sự tha hóa của sản phẩm lao động khỏi sản xuất, sự tha hóa của chính hoạt động sản xuất, các quan hệ xã hội bị tha hóa nô dịch con người. Qua những phân tích đó ông chỉ ra bản chất, hậu quả của tha hóa lao động là dẫn đến tha hóa bản chất loài của con người và sự xa lạ
của con người đối với con người. C. Mác coi sự tha hóa lao động là phạm
trù cơ bản để khảo sát mối quan hệ nội tại giữa tích lũy tư bản và sự bần cùng hóa công nhân.
Từ những phân tích trên đây, C. Mác đã luận chứng cho tính tất yếu của chủ nghĩa cộng sản trong sự phát triển của xã hội. Mặc dù luận chứng này chưa chín muồi về mặt lý luận, song đã cho phép phân biệt quan niệm của C. Mác về chủ nghĩa cộng sản với những quan niệm của chủ nghĩa bình quân vốn có của các môn phái chủ nghĩa cộng sản không tưởng. Theo C. Mác, chủ nghĩa cộng sản dựa trên sự phát triển cao của nền sản xuất xã hội, là nấc thang lịch sử cao hơn chủ nghĩa tư bản.
Kết luận Chương 1:
Tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 có ý nghĩa to lớn đối
với sự phát triển quan niệm duy vật lịch sử của triết học Mác. Một trong những nội dung cơ bản mà C. Mác đề cập đến trong tác phẩm là quan niệm về tha hóa lao động - nền tảng của mọi dạng tha hóa trên các lĩnh vực tinh thần, tôn giáo, chính trị - xã hội. Quan niệm về tha hóa của C. Mác là sự kế thừa tư tưởng của các nhà triết học trước ông về vấn đề đó, mà trực tiếp là quan niệm tha hóa của Hêghen và Phoiơbắc. Mặc dù Hêghen là người đã sử dụng một cách thuần thục khái niệm này trong hệ thống triết học của mình, nhưng ông lại xuất phát từ lập trường duy tâm khách quan, từ ý niệm tuyệt đối để lí giải sự tha hóa. Còn ở Phoiơbắc, xuất phát trong việc lí giải về sự tha hóa là con người với tình yêu thương của nó và điểm kết thúc là tôn giáo tình yêu và sự tha hóa mà ông đề cập đến là tha hóa tôn giáo. Trên cơ sở kế thừa quan niệm của các nhà triết học đi trước, từ thực tiễn của xã hội tư bản chủ nghĩa, C. Mác đưa ra quan niệm về nền tảng của mọi dạng tha hóa trên lĩnh vực tinh thần, ý thức là tha hóa lao động.
Quan niệm tha hóa lao động của C. Mác là kết quả của sự phản ánh hiện thực của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tính chất hai mặt của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đối với sự phát triển con người chính là cơ sở thực tiễn cho những nghiên cứu của C. Mác về tha hóa lao động.
Những nghiên cứu của C. Mác về biểu hiện, bản chất và phương thức xóa bỏ tha hóa lao động trong xã hội tư bản, chúng ta sẽ tìm hiểu ở chương 2 của luận văn.
CHƯƠNG 2: SỰ PHÂN TÍCH CỦA C. MÁC VỀ BIỂU HIỆN CỦA THA HÓA LAO ĐỘNG VÀ CON ĐƯỜNG KHẮC PHỤC
THA HÓA LAO ĐỘNG TRONG TÁC PHẨM BẢN THẢO
KINH TẾ - TRIẾT HỌC NĂM 1844