Vai trò của các cao tăng tác động đến vua quan triều đình

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của Phật giáo trong chính sách Quân chủ thân dândưới triều đại nhà Lý (Trang 58 - 71)

8. Kết cấu của luận văn

2.2. Vai trò của các cao tăng tác động đến vua quan triều đình

Phát triển đất nước, ổn định xã hội, giáo hóa dân chúng là yêu cầu hàng đầu của Đại Việt dưới vương triều Lý. Giải quyết vấn đề đó đòi hỏi phải có đường lối quản lý đất nước và một đội ngũ những nhà hoạch định có trình độ học vấn văn hóa cao. Như chương 1 đã trình bày, triều Lý ra đời là kết quả từ sự vận động, giúp đỡ của các nhà sư mà tiêu biểu là vai trò của Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc. Dưới thời Lý, giai đoạn đầu giáo dục khoa cử theo Nho giáo vẫn chưa phải là con đường chủ đạo để chọn nhân tài ra phò vua giúp nước, cho nên đội ngũ tăng quan với trình độ học vấn và uy tín chính trị của mình vẫn là lực lượng tham mưu các công việc trọng yếu của triều đình. Trong suốt hơn 100 năm đầu tồn tại của vương triều Lý đã ghi đậm dấu ấn của đội ngũ tăng quan trên nhiều phương diện chính trị, văn hóa, giáo dục mà những đóng góp đó là điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển xã hội Đại Việt trong một thời gian dài. Sau đây là một số đại biểu đóng vai trò đắc lực tác động đến đường lối chính trị Quân chủ thân dân thời Lý.

2.2.1 Vai trò của thiền sư Vạn Hạnh trong việc khởi lập và xây dựng Triều Lý

Thiền sư Vạn Hạnh người làng Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (nay là làng Đại đình, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Ngài sinh vào khoảng năm 932. Gia đình Ngài có truyền thống thờ Phật, từ thuở nhỏ ngài đã rất thông minh, học khắp tam giáo và khảo cứu nhiều kinh luận nhà Phật. Năm 21 tuổi, ngài xuất gia cùng với Định Huệ Thiền sư, theo học với ngài Thiền ông, tức là đời pháp truyền thừa thứ bảy của thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi. Sau Thiền ông viên tịch, ngài chuyên tu tập pháp “Tổng trì Tam-ma-địa”, mỗi khi nói câu gì cũng lạ thường, người đời đều cho ông nói là những câu sấm. Thời vua Lê Đại Hành còn tại thế, vua hết lòng tôn kính, thường mời ngài đến hỏi về việc quân.

Niên hiệu Thiên Phúc năm thứ nhất (980), nước Trung Hoa sai Hầu Nhân Bảo đem quân qua đánh nước ta, khi giặc đóng quân ở núi Cương Giáp Lãng, vua Lê Đại Hành mời Thiền sư đến hỏi: “Quân ta thắng bại thế nào?”

Vạn Hạnh tâu: “Chỉ trong bảy ngày thì giặc tất lui”. Sau quả nhiên y như lời ngài đã nói. Ngoài ra ngài còn rất giỏi về sấm ngữ và đoán số, vua Lê Đại Hành và quần thần rất tôn kính, thán phục. Đến sau Vạn Hạnh đã dùng sấm ngữ, tạo dư luận thuận lợi để tôn phò Lý Công Uẩn lên ngôi, đảm đương sứ mệnh xây dựng và bảo về đất nước.

Cuộc vận động quần chúng để làm cuộc chuyển giao quyền lực từ Lê sang nhà Lý

Dùng sấm ngữ truyền khẩu tuyên truyền.

Thấy vua Lê Ngọa Triều tha hóa, nhân dân oán ghét, thiền sư Vạn Hạnh dùng sấm ngôn tạo dư luận trong dân chúng. Để nhân dân biết rõ tình hình của triều đình và giới thiệu cho mọi người biết đến Lý Công Uẩn. Báo trước cho dân chúng nhà Lý lên ngôi thay nhà Lê. Ông truyền bài sấm như thế này:

“Gốc cây thăm thẳm Bẹ lá xanh xanh Hoa đào mộc rụng Thập bát tự thành Cung trấn trời hiện…”

Ngài đánh động dư luận rằng tương lai nhà Lý sẽ lên nắm chính quyền. Bài sấm ngài ra báo hiệu triều Lê sắp diệt vong

Chữ Hán: chữ thập ghép với chữ bát thành chữ Lý, ý nói họ Lý sẽ lên thay họ Lê.

Sự thành lập triều Lý là bước chuyển giao quyền lực từ dòng họ Lê sang dòng họ Lý, từ một ông vua bạo ngược sang một vị vua được nhận định là tài đức anh minh hơn. Tuy nhiên, đó không giản đơn chỉ là việc chuyển giao

quyền lực, chuyển giao ngôi vị thông thường mà còn có sự góp công trực tiếp và to lớn của các vị tăng quan, Vạn Hạnh và cả vai trò của Đào Cam Mộc. Chính họ là những vị tăng, quan đầu tiên góp phần khởi dựng và thúc đẩy sự tồn tại, phát triển của Đại Việt dưới triều Lý.

Với Vạn Hạnh, quan điểm chính trị được xác định rõ ràng là “phải đấu tranh để lúc nào đất nước củng có người làm chủ” [62, tr.418]. Nhưng người làm chủ đất nước phải biết chăm lo cho dân chúng, có ý thức về sự phát triển của quốc gia dân tộc, phải làm cho đất nước hưng thịnh bởi đất nước thịnh trị thì Phật giáo mới có điều kiện phát triển. Lợi ích của Phật giáo gắn chặt với lợi ích của dân tộc. Cho nên, việc thay thế triều Tiền Lê bằng triều Lý vừa đáp ứng đòi hỏi của dân tộc, nguyện vọng của nhân dân, vừa tạo điều kiện để Phật giáo phát triển sâu rộng. Vì thế, cuộc vận động chính trị thay thế triều Tiền Lê đã rỗng nát bằng việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi được Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc chuẩn bị trong một thời gian dài. Quá trình chuẩn bị đó khởi đầu từ khi Vạn Hạnh nuôi dưỡng, giáo dục Lý Công Uẩn cho đến khi Lý Công Uẩn chuẩn bị lên ngôi.

Sự dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và xây dựng đất nước

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, việc đầu tiên thiền sư Vạn Hạnh tham mưu cho nhà vua, cần phải dời đô về Thăng Long, vì vị trí này mới xứng đáng tầm cỡ của một quốc gia. Mục đích triều Lý dời đô về Thăng Long là tính kế sách lâu dài.

Trước đây khi dẹp yên loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã chọn Hoa Lư làm kinh đô. Đó là một sự lựa chọn rất tự nhiên, bởi lẽ Hoa Lư là quê hương (bên ngoại) cũng là đất dấy nghiệp của họ Đinh. Sang thời tiền Lê, Hoa Lư vẫn tiếp tục được chọn làm đất đóng đô. Xét về địa thế, Hoa Lư quả là một vị trí hiểm trở, rất thích hợp với việc xây dựng một hệ thống phòng ngự lợi hại. Nhưng một vị trí chỉ thuận lợi về mặt phòng ngự như thế, không thể thích hợp

với việc kiến thiết kinh đô của một quốc gia đang phát triển trên tất cả mọi phương diện. Bước vào giai đoạn cường thịnh của nhà nước độc lập, kinh đô phải là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Vị trí hội đủ những điều kiện quan trọng này chính là Đại La hay La Thành (tức Hà Nội ngày nay). Lý Công Uẩn đã thấy rằng đây là vùng đất đai rộng rãi và bằng phẳng, vị thế cao ráo mà sáng sủa, dân cư không phải khổ về nỗi thấp trũng tối tăm, muôn vật thật tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta thì đây chính là nơi thắng địa, đúng là chốn tụ họp quan trọng nhất của bốn phương, xứng đáng làm kinh đô của muôn đời.

Lý Công Uẩn chẳng những đã sớm phát hiện ra chỗ ưu việt của Đại La (Thăng Long sau này) mà còn nhanh chóng thực hiện dời đô. Tháng 7 năm 1010, việc dời đô được thực hiện. Trước khi dời đô về Thanh Long tức Đại La, Lý Công Uẩn được thiền sư Vạn Hạnh tham mưu viết chiếu dời đô. Nội dung nói rõ nguyên nhân của việc dời đô từ Hoa Lư đến Đại La là hợp với phong thuỷ, hợp “Ý trời”, là nơi dựng nghiệp đế dài lâu.

Nội dung chiếu như sau:

Ngày xưa nhà Thương đến Bàn Canh là năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương là ba lần dời đô há phải là các vua đời tam đại ấy theo ý riêng mà tự dời đô bậy đâu, là vì mưu chọn chổ ở chính giữa làm kế cho con cháu ức muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo lòng dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi. Bởi thế ngôi truyền dài lâu, phong tục giàu thịnh. Thế mà nhà Đinh, nhà Lê lại theo lòng riêng, lơ là mệnh trời, không noi theo việc cũ nhà Thương, nhà Chu, yên ở nơi quê quán, đến nổi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không nên. Trẫm rất xót thương, không thể không dời đi nơi khác. Huống chi, đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hô ngồi, ở giữa Nam-bắc- đông-tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chổ cao mà sáng sủa, dân

cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chổ ấy là nơi hơn cả. Thực là chổ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà đóng đô các khanh nghĩ thế nào?. Bầy tôi đều nói: “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế dài lâu, để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân được giàu của, nhiều người, việc lợi như thế ai dám không theo” [30, tr.240 - 241].

Vua nghe quần thần nói thế rất mừng rỡ, trên dưới vua tôi đòng lòng vui vẻ dời đô. Khi dời đô ra Đại La, lấy cớ nhà vua nằm mộng thấy rồng bay lên, nên khẳng định đây là Long mạch, và đổi tên thành Đại La là Thăng Long (Rồng bay lên) [27, tr.88].

Cố vấn cho triều đình nhà Lý dùng chính sách cai trị ổn định lòng dân

Thiền sư Vạn Hạnh được phong làm quốc sư. Ngài đã cố vấn nhà vua dùng chính sách an dân, thúc đẩy lao động sản xuất, an ninh lương thực.

Công việc đầu tiên của Lý Công Uẩn là xóa hết nợ thuế cũ cho những người mồ côi, góa bụa, già yếu hoặc tàn tật. Đồng thời miễn thuế cho nhân dân cả nước trong ba năm liền. Đây là việc làm nhân đạo và táo bạo, thể hiện niềm tin mãnh liệt của vị vua đầu triều Lý. Những chính sách đầy đạo đức này mang đậm ảnh hưởng nét Phật.

Năm Thuận Thiên thứ 9 (l018), vào ngày rằm tháng 5 năm Mậu ngọ (30- 06-1018), ngài không đau ốm gì mà tịch, thọ 80 tuổi. Vua Lý Thái Tổ và các đệ tử rước ngài lên đài hỏa táng rồi thâu hài cốt xây tháp để thờ.

Trước khi tịch ngài để lại bài kệ rằng :

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô, Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô, Nhậm vận thạnh suy vô bố úy, Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.

Thân như bóng chớp có rồi không,

Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng.

Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi,

Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.

Về sau vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) cũng có bài truy tán ngài rằng:

Vạn Hạnh dung tam tế Nhơn phù cổ sấm cơ (ky). Hương quan danh Cổ Pháp Trụ tích trấn vương kỳ .

Dịch :

Thiền sư học rộng bao la,

Giữ mình hợp phép sấm ra ngoài lời. Quê hương Cổ Pháp danh ngời,

Tháp bia đứng vững muôn đời Đế Đô.

Thiền Sư được Lý Thái Tổ phong làm Quốc sư, nhưng vẫn ở tại Chùa. Khi quốc gia hữu sự mới vào triều giúp ý kiến cho vua rồi trở về Chùa.

Tư tưởng tu tập của thiền sư Vạn Hạnh

Thiền sư Vạn Hạnh thông cả ba luồng tư tưởng: Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Ngài là một học giả của Nho và Đạo giáo, là hành giả của Phật giáo. Tư tưởng chính của thiền sư là tu theo pháp “Tổng trì tam muội”. Ngài chuyên nghiên cứu sâu về tư tưởng Bồ tát Long Thọ với tinh thần của “Trung Luận”. Thiền sư Vạn Hạnh tư duy và luôn đặt ra các mối hoài nghi các vấn đề, rồi tư duy tìm cách khả thi nhất để giải quyết vấn đề đó. Pháp môn “Tổng trì tam ma địa” đỉnh cao là đạt đến Tam muội (Chánh định), đi đến đắc đạo.

Với tinh thần đó nên sau khi đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, ngài đã bỏ tất cả về ở ẩn tu hành, không tham gia chính trị, tuy tinh thần yêu nước vẫn không phai nhạt.

2.2.2 Tầng lớp cao tăng góp phần định hình tư tưởng trị nước thân dân của các vị vua quan triều Lý

Lý Thái Tổ vốn là vị vua xuất thân từ cửa Phật nên hết sức sùng trọng và sớm thấm nhuần tư tưởng của Phật giáo. Vì thế, Phật giáo sớm có ảnh hưởng đến đường lối với tinh thần thân dân nhân trị của không chỉ Lý Công Uẩn mà còn ảnh hưởng lớn đến các vị vua triều Lý khác thông qua đội ngũ tăng quan trực tiếp tham gia đào tạo, tư vấn tham mưu các công việc triều chính.

Tư tưởng Phật giáo của các tăng quan trực tiếp tác động đến phương thức hành xử trong đạo trị nước của các vị vua triều Lý biểu hiện, cụ thể vào năm 1044, vua Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành bắt được rất nhiều tù binh, vua động lòng thương xót đã xuống chiếu kẻ nào giết người Chiêm Thành sẽ bị giết không tha. Hay thương xót tới những kẻ tù giam trong ngục, khổ sở gông cùm, chưa biết ngay gian, mà nhà vua đã hạ lệnh ban áo ấm và cơn ăn khi thời tiết giá lạnh.

Đường lối đó thực là trị nước bằng đạo đức, nhân từ theo tinh thần “thương người như thể thương thân” chẳng khác nào lòng từ bi của Đức Phật. Tư tưởng từ bi bác ái trong phương cách trị nước của các vị vua triều Lý khiến cho nhà Nho Ngô Sĩ Liên dù không ưa Phật giáo cũng phải tán dương cái tinh thần thân dân của Lý Thái Tông: “thương xót đến kẻ phạm tội, có lòng nhân ái với dân là bước đầu của nền vương chính” [64, tr.113].

Tư tưởng đó không phải được hình thành ngay trong một triều vua mà trải qua một quá trình lâu dài bằng nhiều phương thức khác nhau, từ việc các vị vua triều Lý trực tiếp được thụ học ở đội ngũ tăng quan hay tiếp thu những

kiến nghị, đề xuất của các tăng quan trong việc trị nước, thậm chí, một số vị vua nhà Lý đã học Phật và tu Phật theo sự hướng dẫn, giúp đỡ của một số vị tăng quan. Dù bằng phương thức nào chăng đi nữa thì trong khi ảnh hưởng về đường lối nhân chính của Nho giáo còn chưa sâu đậm thì vấn đề đức trị, nhân trị mà triều Lý thi hành còn là kết quả của sự ảnh hưởng tinh thần từ bi của Phật giáo.

2.2.3 Đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho chính quyền, và đất nước Tu chỉnh đạo làm vua

Với tư cách là những cố vấn chính trị tối cao của triều Lý, đội ngũ tăng quan bằng vốn tri thức bác học của mình đã góp ý, kiến nghị, can gián, khuyên can nhà vua tu chỉnh đạo đức của bậc cai trị. Đối với nhà vua, đội ngũ tăng quan luôn có những kiến giải thẳng thắn khi được dự bàn và hỏi về việc chính sự. Ví như Viên Thông Quốc sư khi được vua Lý Thần Tông hỏi về đạo “lý trị loạn thịnh suy” đã mạnh dạn khuyên can nhà vua phải nắm và thực thi quyền lực đúng lúc sao cho phù hợp: “Thiên hạ ví như một thứ đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì yên, đặt vào chỗ nguy thì nghiêng, chỉ vì nhà vua nhân chủ hoạt động như thế nào đó thôi” [64, tr.88]. Mỗi khi chính sự bất ổn, nhà vua không chăm lo triều chính, ăn chơi sa đọa, coi thường việc quốc gia đại sự đến nỗi lòng dân oán hận, nguy cơ của sự vong loạn tiềm ẩn thì đội ngũ tăng quan là lực lượng đứng ra can gián, khuyên can nhà vua chớ nên hưởng lạc, chơi bời quá độ, bỏ bê việc triều chính mà hãy tu tỉnh nhân tâm giữ vững đạo làm vua.

Để xây dựng nền chính trị vững chắc, Viên Thông Quốc sư cho rằng đạo của bậc quân vương là phải không ngừng trau dồi đạo đức, tu sửa nhân tâm, gắng sức lo lắng cho con đường chính trị bởi nhà vua là tấm gương phản chiếu của nhân dân: “Các thánh vương đời xưa biết như thế nên bắt chước trời thì chăm lo tu sửa đạo đức của mình không ngừng, phải theo định luật

của đất không ngừng tu cái đức để yên dân” [64, tr.89]. Mặt khác, phải đem lại lợi ích thiết thực cho dân, phải coi dân là gốc rễ trong việc thực thi các chính sách: “Đức hiếu sinh hợp với lòng dân, cho nên dân yêu vua như là cha

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của Phật giáo trong chính sách Quân chủ thân dândưới triều đại nhà Lý (Trang 58 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)