KIỂM SOÁT NÂNG CAO
Kết quả đánh giá nguy cơ có thể yêu cầu các trang bị bảo hộ cá nhân bổ sung như một phần của việc kiểm soát nguy cơ, bổ sung cho những yêu cầu cốt lõi. Những yêu cầu bổ sung này là các biện pháp kiểm soát nâng cao và biện pháp ngăn chặn tối đa được đề xuất để giải quyết các nguy cơ ban đầu cao hơn liên quan đến việc thực hiện các công việc chuyên biệt hơn và/hoặc làm việc với các tác nhân sinh học nguy hiểm hơn.
Ở những nơi có quy định quốc gia có thể sẽ có danh sách các biện pháp kiểm soát nguy cơ bắt buộc áp dụng. Ngoài những yêu cầu như vậy, phải sử dụng kết quả đánh giá nguy cơ tại cơ sở để định hướng lựa chọn các biện pháp kiểm soát nguy cơ có cân nhắc đến nguồn lực sẵn có, năng lực của nhân sự và tính thực tiễn của việc triển khai. Các biện pháp kiểm soát nâng cao có thể bao gồm trang bị bảo hộ cá nhân chuyên biệt và/hoặc quy trình chuyên biệt cùng với trang bị bảo hộ cá nhân theo yêu cầu cốt lõi giúp giảm thiểu hơn nữa các nguy cơ đã xác định.
4.1 Áo choàng phòng xét nghiệm và biện pháp bảo vệ bổ sung
Các biện pháp kiểm soát nâng cao có thể yêu cầu bổ sung hoặc lựa chọn thay thế áo choàng phòng xét nghiệm thông thường:
áo choàng phòng xét nghiệm loại có vạt áo phía trước chồng lên nhau để tăng cường bảo vệ khỏi văng bắn và tràn đổ;
quần áo bảo hộ thay thế như áo bảo hộ hoặc bộ quần áo bảo hộ liền có khóa bảo vệ khỏi vật liệu văng bắn;
bổ sung thêm tạp dề, áo choàng phòng xét nghiệm chống thấm và/hoặc ống tay áo chống thấm dùng một lần, ví dụ khi thực hiện các quy trình xảy ra văng bắn nhiều.
làm sạch hoặc sử dụng bộ quần áo bảo hộ chuyên dụng khác, ví dụ: để phòng tránh nhiễm bẩn cho quần áo thông thường của người sử dụng, và
khử nhiễm áo choàng phòng xét nghiệm, các dụng cụ tái sử dụng khác bằng biện pháp phù hợp (ví dụ: hấp tiệt trùng) trước khi giặt.
Tham khảo thêm thông tin về áo choàng phòng xét nghiệm và các biện pháp bảo vệ bổ sung ở phần 6: áo choàng phòng xét nghiệm, áo bảo hộ, tạp dề và bộ quần áo bảo hộ toàn thân.
4
4.1.1 Tạp dề
Tạp dề là trang bị bảo hộ bổ sung tránh văng bắn những tác nhân nguy hiểm, được sử dụng đối với các quy trình như: lấy mẫu bệnh phẩm từ dung dịch ni tơ lỏng, khi xử lý dung dịch hóa chất, khám nghiệm tử thi hoặc nơi làm việc với một lượng lớn dung dịch.
4.1.2 Áo bảo hộ
Áo bảo hộ có phạm vi bảo vệ tương tự như áo choàng phòng xét nghiệm, mặc dù áo bảo hộ là loại kín phía trước, mở ở phía sau, có cổ tay áo co giãn có thể mặc bên ngoài quần áo thông thường hoặc quần áo phẫu thuật thông thường. Áo bảo hộ dùng một lần tương tự với các trang bị bảo hộ cá nhân dùng 1 lần khác, tuy nhiên đôi khi áo bảo hộ này có thể được tái sử dụng vài lần khi kết quả đánh giá nguy cơ cho thấy khả năng lây nhiễm thấp. Ngoài ra cũng có những loại áo bảo hộ tái sử dụng được nhưng cần phải khử nhiễm và giặt sạch thường xuyên.
4.1.3 Quần áo bảo hộ
Quần áo bảo hộ là loại che kín toàn bộ cơ thể và thường được mặc bên ngoài quần áo thông thường hoặc quần áo phẫu thuật. Tuỳ thuộc vào chất lượng, có thể có những loại quần áo bảo hộ dùng 1 lần hoặc tái sử dụng khi khử nhiễm đúng cách. Khi cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ toàn thân phải cẩn thận để tránh lây nhiễm cho người sử dụng. Nên sử dụng quần áo bảo hộ mà khoá kéo của nó có nắp đậy để giúp bảo vệ chống lại việc văng bắn vật liệu.
4.2 Giày bảo hộ
Phải thay giày bảo hộ trước khi vào phòng xét nghiệm nếu: có yêu cầu về việc chống nhiễm chéo (có thể sử dụng bao giày dùng 1 lần), không sử dụng giày cá nhân khi làm việc trong phòng xét nghiệm (ví dụ: giày hở mũi chân hoặc giày cao gót), hoặc trang bị bảo hộ chống văng bắn đặc thù cần thiết. Tham khảo thêm thông tin ở phần 7 giày bảo hộ.
4.3 Găng tay
Trong một số hoạt động phải sử dụng thêm găng tay (ví dụ: đeo 2 lớp găng, găng tay chống cắt). Những hoạt động này bao gồm: làm việc với động vật, làm việc với chất thải lỏng đậm đặc, khi sử dụng quy trình khử nhiễm 2 bước hoặc khi tháo bỏ trang bị bảo hộ cá nhân bị nhiễm.
Găng tay phải có đủ các kích cỡ nhằm đảm bảo vừa vặn khi sử dụng nhiều lớp. Điều quan trọng cần lưu ý là đeo nhiều lớp găng tay có thể làm giảm sự khéo léo và khả năng xử lý mẫu chính xác, do đó có thể là tăng khả năng phơi nhiễm. Điều này cần phải được xem xét trong quá trình đánh giá nguy cơ và trong đào tạo. Thông tin cần thiết có thể tham khảo trong phần 8 găng tay.