Các mục dưới đây mô tả chi tiết cơ chế hoạt động của các thiết bị ngăn chặn thứ nhất khác nhau như các quy trình xét nghiệm và quy trình công nhận cần thiết để thực hiện và giám sát đặc tính kỹ thuật đúng.
4.1 Tủ an toàn sinh học Cấp I
Tủ an toàn sinh học Cấp I được thiết kế để bảo vệ người sử dụng và môi trường khỏi các khí dung có chứa chất lây nhiễm được tạo ra bên trong tủ an toàn sinh học. Thiết bị này không cung cấp khả năng bảo vệ vật liệu trên bề mặt làm việc khỏi bị nhiễm khuẩn.
Tủ an toàn sinh học Cấp I có thiết kế dòng khí rất đơn giản, cho phép chúng duy trì đặc tính kỹ thuật trong các công việc ở phòng xét nghiệm. Không khí trong phòng được hút vào qua cửa trước với vận tốc tối thiểu đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành. Không khí đi qua bề mặt làm việc và được thải ra khỏi tủ thông qua một ống xả. Phần mở phía trước cho phép cánh tay của người sử dụng tiếp cận với bề mặt làm việc bên trong tủ trong khi họ có thể quan sát bề mặt làm việc qua cửa sổ kính ở phía trước. Sau khi hoàn thành các việc, cửa sổ có thể được nâng lên hoàn toàn để có thể tiếp cận bề mặt làm việc để làm sạch hoặc cho các mục đích khác.
Hình 4.1 mô tả sơ đồ của tủ an toàn sinh học Cấp I. Sơ đồ này mô tả phương án đơn giản của tủ Cấp I với cơ chế tuần hoàn trực tiếp; tuy nhiên các cơ chế thải khí khác cũng vẫn có thể sử dụng. Không khí từ tủ có thể được thoát ra ngoài qua bộ lọc HEPA và sau đó được tuần hoàn trở lại phòng xét nghiệm hoặc thải ra bên ngoài qua ống thoát khí. Tủ Cấp 1 cũng có thể được kết nối thông qua một ống dẫn nhỏ đến HVAC của phòng xét nghiệm sử dụng hệ thống thoát khí 100% (xả toàn bộ không khí ra bên ngoài).
Sau khi đi qua bộ lọc HEPA, không khí sạch sẽ được đưa ra ngoài tủ.
Quạt ở bên trong hút không khí bị nhiễm khuẩn từ khu vực làm việc lên bộ lọc HEPA.
Không khí trong phòng được hút vào thông qua cửa trước.
Bộ lọc HEPA
Khu vực làm việc
Hình 4.1 Tủ an toàn sinh học Cấp I
Thông số kỹ thuật của tủ an toàn sinh học Cấp I có thể kiểm tra dễ dàng bằng cách sử dụng máy đo dòng khí để đo vận tốc của luồng không khí đi vào tủ an toàn sinh học qua cửa mở. Việc này được thực hiện bằng cách lấy chuỗi kết quả đo trên mặt phẳng của cửa mở phía trước như các giá trị được mô tả trong hình 4.2. Từ các thông số này, vận tốc dòng vào trung bình có thể được tính toán và so sánh với vận tốc do nhà sản xuất quy định hoặc trong tiêu chuẩn áp dụng. Tốc độ dòng khí phải không đổi qua cửa trước; nếu sai lệch lớn được ghi nhận ở một điểm, điều này cho thấy có thể có vấn đề với tủ hoặc việc lắp đặt tủ. Theo EN 12469: 2000 (16), tốc độ dòng khí phải nằm trong phạm vi 0,25 - 0,50 m/s. Ngoài ra, không lần đo riêng biệt nào được chênh lệch quá 20% giá trị do nhà sản xuất chỉ định.