Chƣơng 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.4. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án
Một là, những vấn đề lý luận chung về khoa học và công nghệ hiện đại
Qua khảo cứu có thể thấy có nhiều tác giả cùng nhiều công trình nghiên cứu về khoa học và công nghệ hiện đại cũng như những tác động của nó đến con người và xã hội hiện đại. Những tác động này được các tác giả phản ánh từ nhiều góc độ khác nhau, ở phương Tây và ở cả Việt Nam. Tuy nhiên, chủ yếu vấn đề này dành được sự quan tâm của các tác giả nước ngoài nhiều hơn, sớm hơn các tác giả trong nước. Sở dĩ như vậy bởi vì các nước phương Tây là những nước đi trước về khoa học và công nghệ nên những nhận thức về lý luận cũng như những tác động tích cực và tiêu cực của nó đến con người và xã hội được bộc lộ sớm hơn, và rõ ràng hơn các nước đi sau. Song điều này cũng phản ánh một sự thiếu hụt trong lý luận về khoa học và công nghệ hiện đại ở nước ta hiện nay và đặt ra yêu cầu cần được bổ sung nhiều hơn các công trình nghiên cứu về vấn đề này.
Tùy vào cách tiếp cận khác nhau mà vấn đề khoa học và công nghệ hiện đại được các tác giả trong và ngoài nước đề cập ở nhiều góc độ khác nhau, song hầu hết các công trình nghiên cứu đều có những điểm tương đồng khi coi khoa học và công nghệ hiện đại là một thành tựu vĩ đại của nhân loại trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng của con người, vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã làm cho khoa học và công nghệ không chỉ đem lại sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực mà nó còn gây ra hàng loạt những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí cả những nguy cơ, thách thức đang tiềm ẩn đối với loài người trong tương lai. Vì vậy, việc lý giải vấn đề này để đi đến những giải pháp nhằm phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của khoa học và công nghệ hiện đại, hướng đến sự phát triển đồng hành giữa tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại với tiến bộ xã hội là vấn đề cần sự quan tâm nghiên cứu nhiều hơn nữa của các nhà lý luận.
Hai là, những nghiên cứu về các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc
Vấn đề này được rất nhiều nhà lý luận quan tâm, đặc biệt là các nhà lý luận trong nước. Giá trị đạo đức truyền thống được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau, song hầu hết các tác giả đều nhấn mạnh các giá trị đạo đức truyền thống cốt lõi của dân tộc ta đó là tinh thần yêu nước; tinh thần nhân ái; tinh thần đoàn kết; truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, truyền thống hiếu học,... Đây là những giá trị đạo đức đã được hình thành trong lịch sử lâu dài của dân tộc và trong điều kiện xã hội hiện đại ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, để phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong điều kiện mới thì con người không thể giữ nguyên cách nghĩ, cách hành động cũ vốn là sản phẩm của điều kiện xã hội cũ mà cần phải có sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước và xu thế của thời đại. Sự thay đổi này không phải là phủ nhận hay khẳng định các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, mà là ở chỗ cần phải thay đổi nhận thức về nội dung, phạm vi tác động và phải có cách thức hành động mới để thể hiện các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc phù hợp và hiệu quả hơn trong điều kiện lịch sử mới.
Ba là, về thực trạng vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại đối với
việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam trong giai
đoạn hiện nay
Thực trạng của vấn đề này cũng được các nhà nghiên cứu chỉ ra ở nhiều góc độ khác nhau. Hầu hết các tác giả đều chỉ ra những tác động hai chiều của khoa học và công nghệ hiện đại đến các giá trị đạo đức truyền thống ở nước ta hiện nay, từ góc độ đạo đức xã hội đến đạo đức cá nhân, từ đối tượng là thế hệ trẻ, đến cán bộ, đảng viên và đặc biệt là biểu hiện ở từng giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, tiêu biểu như ở tinh thần yêu nước, tinh thân nhân ái, tinh thần hiếu học, tinh thần cần cù, tiết kiệm trong lao động v.v... Nguyên nhân của hiện tượng này cũng được các nhà nghiên cứu chỉ ra không phải là do bản thân khoa học và công nghệ hiện đại mang lại mà do quá trình sử dụng của con người. Quá trình này bị chi phối bởi các yếu tố cơ bản như bản chất chế độ xã hội, lợi ích giai cấp, trình độ nhận thức, văn hóa của con người. Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra các phương hướng và giải pháp để nhằm phát huy tác động tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực của khoa học và công nghệ hiện đại đến đạo đức nói chung và giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc nói riêng, trong đó hầu hết các giải pháp đều nhấn mạnh đến định hướng xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Bên cạnh đó, các giải pháp như tăng cường vai trò của giáo dục - đào tạo, hệ thống pháp luật và đẩy mạnh hợp tác quốc tế,... là những giải pháp được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao.
Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng, chưa có công trình triết học chuyên sâu nào đề cập tới tác động của khoa học và công nghệ hiện đại đến các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam, cũng như đối với việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống đó trong giai đoạn hiện nay. Hầu hết các tác giả muốn đem đến một cái nhìn tổng thể về sự tác động của khoa học và công nghệ hiện đại tới các mặt khác nhau của đời sống xã hội như trong phát triển nền kinh tế thị trường hay trong đời sống văn hóa, tinh thần nói chung, trong đó có đề cập tới đạo đức. Ngay cả khi bàn về sự biến đổi của các giá trị đạo đức truyền thống
dân tộc Việt Nam hiện nay, các nhà nghiên cứu cũng không có nhiều công trình chuyên sâu tìm hiểu nguyên nhân từ sự tác động của khoa học và công nghệ hiện đại, mà đều lồng ghép vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vào xu thế toàn cầu hóa, phát triển kinh tế thị trường như một nhân tố cơ bản trong các quá trình đó. Do đó, để đi sâu nghiên cứu, làm rõ hơn bản chất của vấn đề này cần thiết có thêm nhiều công trình hơn nữa nghiên cứu chuyên sâu hơn để việc nhận thức được rõ ràng, sâu sắc và mang tính hệ thống hơn.
Vì vậy, để thực hiện một đề tài nghiên cứu về vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại đối với việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc hiện nay dưới góc độ triết học, theo tác giả cần phải làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn sau:
- Làm rõ một số vấn đề lý luận về khoa học và công nghệ hiện đại, về vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại đối với việc phát huy giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.
- Phân tích thực trạng vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại đối với việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Từ đó, nhận diện một số vấn đề đặt ra từ thực trạng.
- Đề xuất phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại đối với việc phát huy giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
TIỂU KẾT CHƢƠNG 1
Trong chương này, tác giả đã hệ thống các công trình tiêu biểu ở trong và ngoài nước về khoa học và công nghệ hiện đại; về các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, về những tác động của khoa học và công nghệ hiện đại đến việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Đây là những công trình có nội dung quan trọng, liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài Luận án, giúp tác giả có cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu trên cơ sở đó có sự tham khảo, kế thừa, bổ sung và xây dựng một hướng nghiên cứu mới, góp phần làm phong phú thêm hệ thống lý luận về vấn đề này.
Trong quá trình khảo sát các công trình nghiên cứu trên, tác giả cố gắng khái quát những đóng góp cơ bản có liên quan đến hướng nghiên cứu của tác giả Luận án, đồng thời chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ mà các công trình không đề cập đến hoặc đề cập một cách khiêm tốn do tính quy định của đối tượng và mục đích nghiên cứu ở các công trình, đề tài khác nhau.
Nhìn chung, có nhiều công trình quan tâm nghiên cứu về vấn đề tác động của khoa học và công nghệ hiện đại đến các giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, dưới góc độ triết học chưa có công trình khoa học độc lập nào nghiên cứu trực tiếp và có hệ thống về vấn đề này. Do đó, việc lựa chọn đề tài này để nghiên cứu là cần thiết không trùng lặp với các công trình trước. Với những kết quả đạt được, các công trình nêu trên là tư liệu quan trọng để luận án có thể kế thừa một cách sáng tạo nhằm hoàn thành mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của mình.
Chƣơng 2
LÝ LUẬN CHUNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI, VAI TRÕ CỦA NÓ ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ
ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG