Những công trình nghiên cứu đề cập đến các giải pháp nâng cao vai trò

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của Nhà nước đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam hiện nay (Trang 29)

6. Kết cấu tổng quát của luận án:

1.3. Những công trình nghiên cứu đề cập đến các giải pháp nâng cao vai trò

trò của nhà nƣớc đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Trong nhiều công trình, các tác giả đã nghiên cứu tình hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng và bước đầu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của nhà nước trong lĩnh vực y tế, trong số đó, phải kể đến:

Bài “Dịch vụ y tế, đặc điểm và vai trò của Nhà nước” Tạp chí Công tác Khoa giáo, số 9/2003 của tác giả Lê Văn Sáng đã phân tích nhằm lí giải cũng như phân biệt sự khác nhau giữa dịch vụ y tế công và dịch vụ y tế tư nhân. Tác giả nhấn mạnh dịch vụ y tế công có ba đặc điểm cơ bản: mang tính xã hội, phục vụ nhu cầu và lợi ích của cộng đồng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng; được hỗ trợ chủ yếu từ ngân sách nhà nước; mọi người dân đều có quyền được hưởng dịch vụ công này. Từ việc phân chia dịch vụ y tế công và tư, tác giả chỉ rõ sự khác biệt giữa dịch vụ y tế và các dịch vụ thông thường khác nhằm khẳng định vai trò của Nhà nước đối với ngành y tế nói chung và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói riêng thông qua chức năng cơ bản sau: Thứ nhất, định hướng thông qua chính sách, các văn bản pháp luật, xây dựng chiến lược phát triển của ngành y tế; Thứ hai, kích thích thông qua các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp các dịch vụ y tế cho cộng đồng; Thứ ba, cung cấp ngân sách nhà nước, đầu tư tài chính cho các hoạt động y tế; Thứ tư, phối hợp với các cơ quan, các tổ chức trong bộ máy quản lý nhà nước về y tế, phối hợp giữa các cơ sở y tế công và tư để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; Thứ năm, kiểm tra giám sát thông qua thanh tra y tế, đảm bảo cho việc cung cấp các dịch vụ y tế một cách công bằng và hiệu quả.

Trong cuốn “Chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở Việt Nam”, Nxb Y học năm 2005, tác giả Trần Thị Trung Chiến khẳng định sức khỏe và chăm sóc sức khỏe là quyền của mỗi người phải được hưởng, giống như quyền được sống của mỗi con

người trên thế giới. Theo đó, tiếp tục đề cập đến quan điểm về công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tác giả cho rằng nhà nước phải có trách nhiệm chính trị đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi công dân của mình, không phân biệt nam- nữ, giàu- nghèo, dân tộc, lứa tuổi, vùng, miền. Do sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia khác nhau về nguồn tài chính nên mỗi quốc gia có những chính sách thích hợp. Xu hướng ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, khi mức sống tăng thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân cũng tăng lên về số lượng và chất lượng, trong khi ngân sách nhà nước thì có hạn cho nên sự tham gia của y tế tư nhân vào hệ thống y tế quốc gia là hết sức cần thiết. Thông qua việc khảo sát các mô hình chính sách về chăm sóc sức khỏe, kinh nghiệm của các nước đã phát triển, các nước đang có nền kinh tế chuyển đổi cũng như các nước đang phát triển và các nước nghèo, tác giả cho rằng, Việt Nam cần rút ra một số bài học liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Cuốn sách cũng nêu lên các chính sách và biện pháp cơ bản trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng với phương châm lấy phòng bệnh là chính. Bên cạnh việc xây dựng được mạng lưới phòng bệnh, ban hành các chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, cũng như tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ công, tác giả cũng nêu lên những thách thức trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung và người nghèo nói riêng. Bởi, ở nước ta, sự phát triển kinh tế-xã hội không đồng đều giữa các tầng lớp nhân dân, do đó, các chính sách tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Để thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe, từ việc phân tích những mặt tích cực của y tế tư nhân: người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, thuốc men dễ dàng hơn; hệ thống y tế tư nhân chia sẻ gánh nặng với nhà nước về chi phí ngân sách, giảm tải ở bệnh viện công…và chỉ ra mặt trái của việc thừa nhận y tế tư nhân: nhiều người nghèo không thể chi trả chi phí y tế tư nhân; y tế tư nhân không thể phát triển ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa…; những vấn đề tiêu cực như lạm dụng thuốc, xét nghiệm, lãng phí… tác giả đã chỉ ra những giải pháp mang tính định hướng chăm sóc sức khỏe cho người nghèo: xây dựng kế hoạch hành động toàn diện và đồng bộ về chăm sóc sức khỏe người nghèo; tăng cường tài chính cho y tế từ ngân sách nhà nước; hướng đầu tư ưu tiên cho y tế xã, cho y tế dự phòng; phát triển bảo hiểm y tế toàn dân.

Cuốn sách “Vai trò của Nhà nước đối với phát triển xã hội và quản lý phát

triển xã hội trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam hiện nay”, Nxb CTQG- Sự thật, Hà

Nội, năm 2011 của Nguyễn Văn Mạnh (chủ biên) đã khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng về công tác y tế, về vai trò của Nhà nước trong tổ chức, quản lý và phát triển y tế. Đặc biệt, được nhấn mạnh trong 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị với 5 quan điểm về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Xuất phát từ chức năng xã hội, tác giả cho rằng Nhà nước có vai trò quan trọng đối với quản lý phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được thể hiện thông qua những khía cạnh sau:

Ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về y tế- Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền tạo ra hệ thống cơ sở pháp lý để quản lý đối với các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong toàn quốc; Hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình bảo vệ sức khỏe; Đầu tư cho y tế; Quản lý các cơ sở y tế thuộc mọi thành phần kinh tế- Nhà nước tạo điều kiện cho các loại hình y tế tư nhân, tập thể hoạt động; Tổ chức bộ máy, cán bộ y tế; Thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra y tế và xử lý vi phạm; Cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân

dân; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế. Trên cơ sở thực tiễn, tác giả khẳng định

Nhà nước Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân: xây dựng, ban hành văn bản, xác định cụ thể mục tiêu phấn đấu của ngành y tế; triển khai đồng bộ các nội dung quản lý phát triển y tế; đạt được những kết quả tích cực trong phát triển và quản lý y tế. Đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế bất cập về vai trò của Nhà nước trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; vấn đề hành nghề dược tư nhân chưa chặt chẽ, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tốt; đào tạo và bồi dưỡng giáo dục y đức còn hạn chế, chưa đảm bảo cân đối giữa đào tạo và sử dụng, cán bộ y tế vùng sâu, vùng xa còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, một bộ phận cán bộ y tế còn suy thoái về đạo đức; Đầu tư cho y tế cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, dẫn đến hiện tượng vượt tuyến…Cùng với việc chỉ ra xu hướng phát triển của lĩnh vực y tế, tác giả nêu ra một số quan điểm phát huy vai trò của Nhà nước trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Hệ thống y tế công lập phải giữ

vai trò chủ đạo; tăng tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho y tế; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính; tăng cường vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với các hoạt động y tế… Để nâng cao vai trò của Nhà nước đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tác giả đã đề xuất các giải pháp chung từ 2011-2020: Quy hoạch mạng lưới y tế từ Trung ương đến địa phương đáp ứng nhu cầu cơ bản về khám, chữa bệnh của nhân dân; phát triển y tế dự phòng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm; giảm tải tác hại do môi trường đối với sức khỏe cộng đồng; quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế Việt Nam đến năm 2020, định hướng cho lộ trình phát triển ngành y tế Việt Nam; định hướng phát triển y tế địa phương và một số vùng khó khăn- đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực.

Cuốn sách “Phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta đến 2020- Một số vấn đề lý

luận và thực tiễn”, NXB CTQG, Hà Nội, năm 2012 của Trần Hậu, Đoàn Minh

Tuấn cho rằng, nhu cầu khách quan quy định trách nhiệm của nhà nước cần phải bảo đảm các dịch vụ xã hội thuần công, trong đó có y tế. Bởi, đây là lĩnh vực liên quan đến toàn xã hội: Tư nhân không đủ vốn liếng để cung cấp cũng như huy động các nguồn lực cần thiết để đáp ứng; nếu tư nhân cung cấp sẽ giảm phúc lợi, dẫn tới bất bình đẳng trong thụ hưởng dịch vụ y tế; xuất phát trừ thất bại của thị trường khi tư nhân chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Các tác giả đã nêu các mô hình và cách thức can thiệp của nhà nước đối với hoạt động cung ứng dịch vụ y tế: mô hình độc quyền nhà nước; mô hình nhà nước can thiệp vào hoạt động y tế dựa vào quy luật của thị trường; mô hình nhà nước can dự vào hoạt động cung ứng dịch vụ xã hội bằng cách chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước với thị trường dân sự[51, tr.66]. Trong cuốn sách này, tác giả còn phân tích bốn mô hình phát triển dịch vụ xã hội nói chung và dịch vụ y tế nói riêng của các nước phát triển: mô hình dân chủ xã hội của các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch trong đó y tế được tài trợ thông qua hệ thống thuế[51, tr.123]; mô hình nghiệp đoàn đại lục ở các nước Pháp, Áo, Đức, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ trong đó, dịch vụ y tế được hoạt động từ nguồn vốn của nhà nước, công ty tư nhân và các tổ chức tự nguyện, sự trợ cấp của nhà nước tập trung cho đối tượng thất nghiệp, hưu trí và trẻ em; mô hình tự do Anglo- Saxon ở

Anh, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhà nước đóng vai trò chủ đạo thông qua Ủy ban Dịch vụ sức khỏe quốc gia, được đánh giá là cơ quan chăm sóc và cung cấp hệ thống dịch vụ sức khỏe lớn nhất trên thế giới; mô hình Địa Trung Hải gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp còn có tên gọi khác là mô hình định hướng gia đình do các gia đình vẫn giữ vai trò thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến mô hình chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc, kế hoạch cải tổ y tế theo hướng nâng cao vai trò của nhà nước đối với y tế (quản lý bệnh viện nhà nước, chính sách y tế, trách nhiệm của chính quyền trung ương và địa phương…), huy động các lực lượng xã hội tham gia bằng nhiều hình thức (điển hình là hợp tác xã) đã đem lại sự tiến bộ vượt bậc trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong một quốc gia đông dân… So sánh với các nước trên thế giới, tác giả cho rằng, Việt Nam nằm trong nhóm có chi tiêu công cho y tế thấp, chi tiêu của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe còn cao, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế còn thấp. Mặc dù nguồn đầu tư của Nhà nước cho y tế có xu hướng tăng, nhưng mức tăng còn chậm, nguồn tài chính từ bảo hiểm dần được mở rộng, nhưng chưa phát huy được vai trò trong khám chữa bệnh cho người nghèo đã gây bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của các hộ nghèo. Y tế Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề cấp bách: tình trạng bệnh viện quá tải, bảo hiểm y tế vừa rườm rà về thủ tục lại vừa kém hiệu quả, tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng… Từ thực trạng đó, tác giả kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của Nhà nước đối với quản lý và phát triển các dịch vụ xã hội nói chung và dịch vụ y tế nói riêng: phải tăng cường mạng lưới y tế cơ sở (đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, ưu tiên sử dụng, đãi ngộ cán bộ y tế cơ sở, tăng cường hỗ trợ ngân sách nhà nước cho y tế cấp xã và huyện); Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân, khuyến khích tư nhân đầu tư vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tăng đầu tư ngân sách nhà nước, có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải; đổi mới cơ chế chính sách dịch vụ y tế; cần thường xuyên tổng kết kinh nghiệm ở mỗi giai đoạn, mỗi địa phương để tìm ra những điển hình trong chăm sóc sức khỏe

Cuốn sách “Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế ở Việt Nam”,Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2012 của tác giả Nguyễn Minh Phương góp phần cung cấp lý luận và thực tiễn, cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, đẩy mạnh xã hội hóa y tế trong giai đoạn hiện nay. Theo tác giả, cần phải hiểu đúng khái niệm xã hội hóa y tế là quá trình huy động sự tham gia dưới các hình thức khác nhau của các chủ thể và cộng đồng xã hội, đồng thời tăng cường vai trò của Nhà nước đối với y tế nhằm, nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ và mở rộng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo

công băng xã hội trong đóng góp và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tác giả khẳng định

quan điểm xã hội hóa y tế được Đảng ta đề xuất trong Nghị quyết số 04-NQ/HNTW (khóa VII) ngày 14-01-1993, và liên tục được khẳng định trong tất cả các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI: “Nhà nước tiếp tục tăng nguồn lực, đầu tư tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, y tế…; đồng thời phát huy mọi tiềm năng trí tuệ và các nguồn lực vật chất trong nhân dân, của toàn xã hội để cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội và chăm lo phát triển các dịch vụ công cộng”[39, tr.104]. Tác giả luận giải vai trò, chức năng, của Nhà nước trong việc xã hội hóa y tế: vai trò của y tế là chăm sóc sức khỏe, tạo nền tảng để phát triển con người toàn diện và nguồn nhân lực khỏe mạnh để lao động sản xuất, nên chi phí cho chăm sóc sức khỏe không phải là khoản chi tiêu công cộng mà là đầu tư cho phát triển; y tế là lĩnh vực đặc biệt, là “thị trường của niềm tin”, người bệnh không thể “mặc cả” nên cần phải có sự quản lý của Nhà nước và Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ các nhóm dễ tổn thương đang gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; xuất phát từ chức năng xã hội, Nhà nước phải có nghĩa vụ và trách nhiệm tổ chức cung ứng các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho người dân, Nhà nước không thể “ôm’hết mọi việc mà là “trụ cột” của hệ thống chính trị để tổ chức, quản lý và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội. Từ lý luận tác giả đi vào khảo sát thực trạng xã hội hóa y tế của một số

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của Nhà nước đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam hiện nay (Trang 29)