Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ sản nhi hoặc hộ sinh

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của Nhà nước đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam hiện nay (Trang 84 - 102)

Nguồn: Niên giám thống kê năm 2013

Phát triển nguồn nhân lực cho vùng kinh tế khó khăn

Để tăng cường nhân lực cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, đặc biệt là y tế vùng núi, vùng kinh tế khó khăn, Nhà nước đã chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới và những vùng khó khăn. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BYT về việc phê duyệt Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" với mục tiêu tiến tới cung cấp nguồn nhân lực y tế là bác sĩ đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cung ứng dịch vụ y tế ngay tại tuyến cơ sở. Tiếp đó, Nhà nước giao cho Bộ Y tế thực hiện Đề án Đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh thuộc miền Bắc và miền Trung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên theo chế độ cử tuyển triển khai từ 2007 đến 2018. Trong 3 năm từ 2007 đến 2009, đã tuyển được 1488 sinh viên y khoa và 306 sinh viên dược đại học, đa số trong đó là người dân tộc ít người [13, tr.40].

Tác động tích cực của các chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với y tế cơ sở, số lượng cán bộ y tế ở tuyến cơ sở tăng lên là một kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2010, số lượng nhân lực y tế tuyến xã năm 2011 tăng thêm 3549 cán bộ (trong đó có 346 bác sĩ) và tuyến huyện tăng thêm 6878 cán bộ (trong đó có 585 bác sĩ). Tỷ lệ xã có bác sỹ làm việc là 65% của 2008, 67,7% năm 2011[13, tr.39], năm 2012 đạt 76,0%[14, tr.39]. Năm 2011, số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã là 65,4%, tỷ lệ trạm y tế xã có y sỹ sản nhi hoặc hộ sinh làm việc đạt chỉ tiêu đề ra là trên 95% (95,7%), tỷ lệ thôn, bản, ấp của xã, thị trấn có nhân viên y tế hoạt động đạt gần 97% [13, tr.39], đến năm 2012, tỷ lệ trạm y tế xã có y sĩ sản nhi, hộ sinh đạt 93,4% (giảm xuống nên không đạt kế hoạch đề ra). Số thôn, bản, ấp thuộc xã, thị trấn có nhân viên y tế hoạt động được duy trì ở mức trên 96% từ năm 2009 đến 2012[16, tr.16].

3.1.1.5. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lí vi phạm các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát được coi là một trong những chức năng, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Mục đích của hoạt động này chính là nhằm phòng, chống, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động y tế, góp phần bảo vệ cho các luật bảo vệ và chăm sóc sức khỏe đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Lực lượng cán bộ thanh tra y tế ở các cấp (Bộ, cục, sở); đối tượng thanh tra là tất cả các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện Luật chăm sóc sức khỏe. Tất cả các cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm sau khi thanh tra đều bị xử lí kiên quyết mà không có sự phân biệt nào. Với ý nghĩa như trên, Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động y tế:

Kiện toàn bộ máy thanh tra, giám sát trong lĩnh vực y tế:

Ngày 5/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực thanh tra y tế đến năm 2020 nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về thanh tra y tế, tăng cường số lượng, chất lượng cán bộ thanh tra y tế. Cơ sở vật chất và tài chính cho lực lượng thanh tra cũng sẽ được bảo đảm để mọi lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước về y tế đều được thanh tra, kiểm tra và giám sát đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, từ nay đến hết năm 2017, đề án sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra y tế; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành về y tế đảm bảo 100% có trình độ đại học trở lên phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm thực hiện nhiệm vụ thanh tra y tế; xây dựng mạng lưới thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra y tế bảo đảm hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát liên tục từ Trung ương đến địa phương.

Nhà nước chỉ đạo Bộ y tế trong việc thực hiện các quy định về xử phạt vi phạm

trong lĩnh vực y tế:Nhà nước cũng đã chỉ đạo Bộ Y trong việc tổ chức hướng dẫn thực

hiện các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong 5 lĩnh vực ngành y tế nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân: Thuốc, mỹ phẩm, trang

thiết bị y tế; y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS; bảo hiểm y tế; khám bệnh, chữa bệnh; an toàn thực phẩm. Tập huấn nghiệp vụ thanh tra y tế cho Thanh tra của các Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức hướng dẫn và triển khai Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của thanh tra chuyên ngành. Theo đó, tất cả các vi phạm pháp luật trên lĩnh vực y tế đều bị xử lí.

Triển khai thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm của các cơ sở y tế trên toàn quốc

Công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương được Bộ Y tế quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc các cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền tư nhân sử dụng sản phẩm "thuốc cam" gây ngộ độc chì ở trẻ em; xử lý các cơ sở sản xuất thuốc đông dược có chứa tân dược; thanh tra tại một số tỉnh, thành phố về các lĩnh vực an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán, Trung Thu, trong Tháng Hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; thanh tra trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng; thanh tra về y tế trường học; cấp chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt nhà thuốc (GPP); thanh tra việc thực hiện quy chế chuyên môn; quy định về quản lý giá thuốc… Nhà nước chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện công tác thanh tra của ngành y tế, tập trung vào lĩnh vực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, hóa chất chế phẩm diệt côn trùng và đồ gia dụng, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, thanh tra chất lượng nước sinh hoạt tại một số khu vực... Bên cạnh đó, thực hiện thanh tra toàn diện một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các cơ sở hành nghề y ngoài công lập, việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, xã hội hóa, quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, đấu thầu thuốc, giá thuốc và sử dụng thuốc, việc thực hiện chế độ thu, chi tài chính và phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Qua thanh, kiểm tra từ năm 2010 đến năm 2012, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thu hồi gần chục tỉ đồng từ khoản lạm dụng xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật thanh toán bảo hiểm y tế. Một số bệnh viện còn vi phạm quy chế quản lý thuốc, lạm dụng thuốc kháng sinh, vitamin, thuốc mới đắt tiền gây tốn kém cho người bệnh[91, tr.249].

Trong năm 2014, Thanh tra Bộ Y tế đã tổ chức 57 đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất , trong đó 19 đoàn thanh tra về y tế dự phòng tại 28 tỉnh, thành phố; 9 đoàn thanh tra khám, chữa bệnh tại 9 tỉnh, thành phố và 2 bệnh viện; 9 đoàn thanh tra về dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế tại 7 tỉnh, thành phố, 3 công ty và 2 viện; 10 đoàn thanh tra hành chính và phòng, chống tham nhũng tại 10 đơn vị thuộc Bộ Y tế. Đặc biệt, đã phát hiện những sai phạm rất nghiêm trọng tại: Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng phim cắt ghép, làm thất thoát 3 tỷ đồng; Bệnh viện Bình Dân liên doanh, liên kết làm thất thoát trên 700 triệu đồng, tự ý cho thuê mặt bằng không xin ý kiến của Ủy ban nhân dân Thành phố; Bệnh viện Nguyễn Tri Phương kí hợp đồng lao động chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện tuyển dụng, vượt chi quỹ tiền lương hơn 15,6 tỷ đồng, không có lợi nhuận nhưng vẫn tiến hành trích quỹ khen thưởng, phúc lợi với số tiền hơn 9,7 tỷ đồng; ngoài ra còn nhiều tỉnh như Lai Châu, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nam Định, Kon Tum, Trà Vinh cũng phát hiện nhiều sai phạm trong vấn đề này.

Các cục, tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đã triển khai thanh, kiểm tra gần 515 ngàn cơ sở về các lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, khám, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, môi trường y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình. Theo báo cáo chưa đầy đủ, các địa phương trong cả nước đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 286.894 cơ sở, thu phạt vi phạm hành chính khoảng 37 tỷ đồng.

Năm 2015, ngành y tế tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cơ sở hành nghề y ngoài công lập, thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, xã hội hóa công tác y tế, lĩnh vực dược, đấu thầu thuốc, giá thuốc và sử dụng thuốc, việc thực hiện chế độ thu, chi tài chính và phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ Y tế yêu cầu từng đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra về những vi phạm, sai phạm nếu có.

3.1.1.6. Tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng

So với thời kì trước đổi mới, những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã có những chuyển biến trong việc nhận thức về vai trò của mình trong việc tuyên

truyền, giáo dục ý thức của người dân cũng như vận động toàn xã hội tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong chương trình giáo dục phổ thông, đã lồng ghép nhiều nhiều chương trình sức khỏe học đường nhằm trang bị kiến thức và kĩ năng chăm sóc sức khỏe cá nhân cũng như chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho học sinh. Nhà nước cũng xây dựng nhiều chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, Nhà nước cùng với Bộ Y tế và các trường đại học Y Dược trên cả nước đã đào tạo lực lượng nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu và các tình nguyện viên chăm sóc và hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe theo nhu cầu, đặc biệt là chăm sóc tại nhà cho người dân. Trong nhiều hoạt động của mình, Nhà nước đã nỗ lực kêu gọi gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội phối hợp với ngành y tế tham gia giáo dục, hỗ trợ trẻ em, tăng cường đào tạo kĩ năng sống cho học sinh, sinh viên để giảm bớt bạo lực học đường. Nhà nước cũng đã phổ biến thường xuyên những tác hại to lớn của rượu, bia, thuốc lá, thuốc phiện và các tệ nạn xã hội khác.

Trong những năm gần đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Nhà nước đã coi trọng việc phổ biến về giữ gìn an toàn giao thông để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa các loại bệnh xã hội đi liền với việc triệt phá các ổ mại dâm, các ổ nghiện hút, tiêm chích ma túy …xây dựng cuộc sống trong sạch, lành mạnh. Các hoạt động thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân luôn được phát động và khuyến khích trong toàn quốc. Mặc dù nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn nhưng đến nay nước ta đã tham gia đầy đủ các hoạt động thể thao cấp khu vực và đạt thứ hạng cao, từng bước vươn ra tầm châu lục và quốc tế. Đại hội thể thao Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 3/11 quốc gia tham dự. Góp phần cho các thành công này, có vai trò quan trọng của công tác cổ vũ tuyên truyền. Việc phổ biến phân biệt hàng thật và hàng giả, phân biệt thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn … kết hợp với việc kiểm tra, xử lý các hiện tượng vi phạm đến sức khỏe cộng đồng đã nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe cho mọi người dân, góp phần tích cực vào việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

3.1.1.7. Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Trong thời kỳ đổi mới, Nhà nước Việt Nam đã sớm nhận thức được sự thiếu hụt của mình trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt từ thời kỳ đổi mới, trong điều kiện phát triển KTTT, dân chủ hóa xã hội, Nhà nước đã huy động được nhiều tổ chức xã hội và cá nhân cùng tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tổng Hội Y học Việt Nam, Hội Đông Y Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội kế hoạch hóa gia đình Việt nam, Hội Y tế Công cộng Việt nam, Hội điều dưỡngViệt Nam … là những tổ chức xã hội đã góp phần khắc phục được nhiều khó khăn của nhà nước trong lĩnh vực y tế. Nhà nước đã thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để các tổ chức và cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hoạt động không vì mục đích lợi nhuận… Nhà nước, Bộ y tế đã có nhiều chính sách khuyến khích và huy động các nguồn lực trong nước, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân phát triển và cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân. Tính đến năm 2010, cả nước đã có 118 bệnh viện tư[13, tr.66], tập trung nhiều nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh (30 bệnh viện) và ở Thành phố Hà Nội (12 bệnh viện). Đến năm 2011, cả nước có tới 133 bệnh viện tư nhân đi vào hoạt động và hơn 35.000 phòng khám đa khoa chuyên sâu. Năm 2012, cả nước có 150 bệnh viện tư nhân được cấp phép hành nghề [16, tr.17]. Với chủ trương huy động và phát triển y tế tư nhân của Nhà nước, số lượng bệnh viện tư như trên đã góp phần giảm tải đáng kể cho các bệnh viện công lập ở các vùng trung tâm, tác động tích cực tới việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở nước ta.

Đối với các nguồn ngoại lực, Nhà nước đã huy động nhiều dự án trực tiếp vào lĩnh vực y tế: Dự án hợp tác y tế của Ngân hàng thế giới (WB); dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân tập trung vào bà mẹ, trẻ em của Ausaid…. Về đầu tư nước ngoài: “cả nước có 70 dự án đầu tư trực tiếp vào ngành y tế với số vốn gần 1 tỷ USD”[95, tr.242] “huy động vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, hỗ trợ trang thiết bị y tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phục hồi chức năng…Thành phố Đà Nẵng đã có 4 dự án đầu tư với tổng kinh phí đầu tư gần 30 triệu

USD; huy động được hơn 10 triệu USD từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài”[95, tr.243]. Những thành tựu này đã góp phần đáng kể về việc đáp ứng nhiều nhu cầu bức

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Vai trò của Nhà nước đối với việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam hiện nay (Trang 84 - 102)