Một dạng khác thường thấy nữa của ảnh giả mạo loại hai là việc sao chép/dịch chuyển các phần của ảnh gốc. Đối với ảnh giả mạo được tạo lập trên cơ sở cắt/dán trên cùng một ảnh gốc, các vùng trên ảnh được thu nhận bởi cùng một camera, cùng một góc độ nên tương đồng về ánh sáng và bóng là như nhau. Do đó, mắt thường hầu như không thể phân biệt được. Các dạng thường thấy của ảnh giả mạo loại này là việc bớt đi hoặc thêm vào các đối tượng trong ảnh, việc bớt đi các đối tượng trong ảnh có thể xem như là che phủ đối tượng hoặc xóa đi đối tượng. Hình 1.6(a) là ảnh gốc với 2 chiếc ô tô, một xe con và 1 xe tải. Hình 1.6(b) là hình 1.6 (a) giả tạo với việc che phủ chiếc xe tải bằng một cành cây cũng lấy từ trong chính ảnh đó.
1.1.2.3 Chỉnh sửa ảnh
(a) (b) (c) (d)
Hình 1.7. Minh họa cho loại ảnh giả mạo chỉnh sửa ảnh: (a) ảnh gốc, (b) ảnh được thay đổi màu sắc, (c) ảnh tăng độ tương phản, (d) ảnh được làm mờ nền [40].
Hình 1.7 gồm một ảnh gốc (hình 1.7(a)), và 3 ví dụ cho loại giả mạo tăng cường ảnh. (1) Xe mô tô màu xanh được chuyển thành màu lục lam và xe tải màu đỏ trong nền được chuyển thành màu vàng (hình 1.7(b)), (2) Tăng độ tương phản của toàn cảnh làm cho ảnh này giống như được chụp vào một ngày trời nắng (hình 1.7(c)); (3) Các xe ô tô đỗ trong ảnh này bị làm mờ khiến cho chiều sâu của khung cảnh trở nên hẹp hơn (hình 1.7(d)) v.v...
Mặc dù loại giả mạo này không thể thay đổi cơ bản hình dạng hay ý nghĩa của ảnh gốc như loại ghép ảnh, nhưng nó vẫn có tác động khéo léo lên cách hiểu ảnh. Ví dụ, có thể sửa đổi thời tiết và thời gian trong ngày hay có thể làm mờ đi vài chi tiết để thổi phồng các chi tiết khác trong ảnh, v.v...
1.2 KỸ THUẬT PHÒNG CHỐNG VÀ PHÁT HIỆN ẢNH GIẢ MẠO
Các kỹ thuật được chia làm hai hướng là kỹ thuật chủ động được dùng để xác thực/phòng chống giả mạo ảnh và kỹ thuật thụ động được dùng để phát hiện ảnh giả mạo. Hai hướng này được mô tả qua sơ đồ được tổng hợp từ các tài liệu sau [34,40,39,127]: