1.2. Những nghiên cứu về đạo đức và giáo dục đạo đức trong gia đình
1.2.2. Các công trình nghiên cứu về giáo dục đạo đức trong gia đình
Ở Việt Nam, trong những năm qua đã có một số công trình, bài viết của nhiều nhà nghiên cứu liên quan đến vấn đề giáo dục đạo đức trong gia đình như: Công trình nghiên cứu Vai trò của gia đình trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam (1996) [111] của GS Lê Thi đã đề cập đến vấn đề con người và vấn đề xã hội hóa; vai trò của gia đình và sự hình thành nhân cách trẻ em; sự phát triển của gia đình Việt Nam và chức năng giáo dục con người qua các giai đoạn lịch sử, nhất là trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay.
Trong cuốn Văn hóa gia đình với việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em (2001)[48]tác giả Lê Như Hoacho rằng, gia đình Việt Nam đang có sự chuyển tiếp từ truyền thống sang hiện đại. Quá trình chuyển đổi này không thể tránh khỏi những đảo lộn, những đổ vỡ về thể chế gia đình. Vì thế việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, kết hợp với sự tiếp thu có chọn lọc những giá trị cách tân, hiện đại trở nên hết sức quan trọng và chiếm vị trí hàng đầu trong văn hóa gia đình hiện nay. Văn hóa gia đình là một dạng văn hóa cộng đồng đặc thù trong đó hệ giá trị và chuẩn mực xã hội chi phối mọi quan niệm, thái độ, hành vi của các thành viên trong gia đình. Thông qua văn hóa gia đình những đặc trưng của văn hóa
dân tộc được biểu hiện cụ thể và đậm nét. Vì vậy, để xây dựng thành công môi trường văn hóa lành mạnh, trước hết phải bắt đầu từ việc xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình. Trong bối cảnh đổi mới ở nước ta, mặt trái của cơ chế thị trường và KTTT đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có môi trường văn hóa. Sự lệch chuẩn của văn hóa gia đình là nguyên nhân quan trọng của tình trạng trẻ em có hành vi sai lệch dẫn đến suy thoái về đạo đức, lối sống - một vấn đề đang thu hút sự quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Xây dựng văn hóa gia đình và gia đình văn hóa là cơ sở cho việc hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay.
Ngoài những công trình nêu trên còn có một số luận án nghiên cứu về và giáo dục đạo đức và giáo dục đạo đức trong gia đình như:
Luận án Tiến sĩ Triết học Giáo dục đạo đức đối với sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (1999) [96] của Trần Sĩ Phán đã đi sâu phân tích đặc điểm nhân cách sinh viên, trong đó khẳng định “nhân cách sinh viên là nhân cách chưa hoàn chỉnh, đang trong giai đoạn định hình”, vì vậy, sự biến đổi đạo đức diễn ra ở tầng lớp xã hội đặc thù này là một tất yếu. Tác giả đã tập trung phân tích vai trò của giáo dục - nhất là giáo dục đạo đức đối với sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế. Trên cơ sở làm rõ vai trò và thực trạng giáo dục đạo đức cho sinh viên Việt Nam, tác giả đã đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức góp phần hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù tiếp cận dưới góc độ giáo dục đạo đức nhưng tác giả luận án chỉ tập trung vào giáo dục đạo đức cho sinh viên. Do đó, việc tập trung nghiên cứu vai trò của giáo dục đạo đức cho lứa tuổi nhỏ hơn vẫn cần có sự đầu tư hơn nữa. Đặc biệt là vấn đề giáo dục đạo đức cho trẻ em, bởi trẻ em là độ tuổi mà giáo dục gia đình sẽ quyết định đến sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức và nhân cách của trẻ trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Luận án Tiến sĩ Triết học Giáo dục đạo đức cho học sinh trường trung học cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện đổi mới hiện nay (2001) của Đỗ
Tuyết Bảo [12]. Tác giả tập trung làm rõ vai trò của nhà trường kết hợp với gia đình và xã hội trọng việc giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở. Trên cơ sở đánh giá thực trạng và phân tích những nhân tố tác động đến quá trình giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả đã đề xuất một số định hướng và giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở hiện nay.
Luận án Tiến sĩ Triết học Vai trò của đạo đức với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam trong điều kiện đổi mới hiện nay (2001) của Lê Thị Thuỷ [120]. Theo tác giả, đạo đức với chức năng điều chỉnh hành vi của con người, chức năng nhận thức, chức năng giáo dục vì vậy nó có vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam. Tác giả đã làm rõ vai trò của đạo đức đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam. Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của đạo đức đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của đạo đức đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam trong điều kiện đổi mới ở nước ta hiện nay.
Luận án Tiến sĩ Triết học Quan hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại trong giáo dục đạo đức cho thanh niên Việt Nam hiện nay (2003) của Lê Thị Hoài Thanh [109]. Tác giả tập trung làm rõ thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục đạo đức cho thanh niên theo hướng kết hợp truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, luận án đã phân tích mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại trong sự phát triển đạo đức và việc vận dụng mối quan hệ đó vào công tác giáo dục đạo đức cho thanh niên Việt Nam hiện nay.
Luận án Tiến sĩ Xã hội học Vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em lứa tuổi trung học cơ sở ở Hà Nội hiện nay (2010) của Nguyễn Thị Tố Quyên [105], tác giả tập trung làm rõ thực trạng và phân tích vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức cho trẻ thông qua nghiên cứu nhận thức, nội dung và phương pháp giáo dục của cha mẹ cũng như thái độ và hành vi tiếp nhận của trẻ em. Đồng thời, tác giả cũng phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của gia đình
trong giáo dục đạo đức cho trẻ em lứa tuổi trung học cơ sở ở Hà Nội hiện nay. Trên cơ sở đó, tác giả đã đưa ra những kiến nghị và giải pháp cụ thể để tăng cường vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em lứa tuổi trung học cơ sở ở Hà Nội hiện nay.
Luận án Tiến sĩ Triết học Xây dựng đạo đức của thanh niên Việt Nam trong nền KTTT định hướng XHCN (2011) [41] của tác giả Diệp Minh Giang đã luận giải khá sâu sắc mối quan hệ giữa KTTT và xây dựng đạo đức của thanh niên Việt Namhiện nay.Tác giả cho rằng, KTTT với những đặc trưng riêng của nó đã và đang tác động mạnh mẽ đến đạo đức xã hội cả tích cực và tiêu cực, trong đó tác động tích cực là chủ yếu. Tuy nhiên, mục đích của luận án là làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đạo đức, về KTTT định hướng XHCN và sự tác động qua lại giữa hai lĩnh vực này, trên cơ sở đó đề xuất phương hướng và những giải pháp xây dựng đạo đức của thanh niên Việt Nam trong phát triển KTTT định hướng XHCN. Do vậy, vấn đề giáo dục đạo đức trong gia đình ở Việt Nam hiện nay chưa được tác giả đề cập một cách hệ thống.
Những công trình nghiên cứu về giáo dục đạo đức nói chung và giáo dục đạo đức trong gia đình nói riêng dù được tiếp cận ở những khía cạnh khác nhau nhưng hầu hết các tác giả đều khẳng định vị trí, vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Sự hình thành nhân cách của trẻ em bắt đầu từ giáo dục gia đình, do đó gia đình là môi trường đầu tiên trong việc xã hội hóa trẻ em. Sự trưởng thành của trẻ cả về mặt thể chất và tinh thần sẽ là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội. Các công trình đã nêu trên là tư liệu quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để tác giả tiếp tục đi sâu nghiên cứu vấn đề giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay.