Quá trình hình thành và phát triển của ngoại giao văn hóa Nhật Bản

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao văn hóa của nhật bản đối với đông nam á giai đoạn 1977 2016 (Trang 56 - 60)

Chƣơng 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

2.2. Chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản

2.2.1. Quá trình hình thành và phát triển của ngoại giao văn hóa Nhật Bản

Từ năm 1945 cho đến khi ký Hiệp ước hòa bình vào đầu thập niên 1950 là thời điểm bắt đầu nền ngoại giao mới nên tiếp thu văn hóa được coi là trọng tâm. 12 trung tâm văn hóa được thành lập trên toàn quốc nhằm giới thiệu văn hóa Mỹ và tổ

chức các sự kiện giao lưu. Năm 1949, Tổng tư lệnh chỉ huy quân đội cấp cao của Mỹ (GHQ) gửi 50 giáo sư đại học sang các trường đại học của Mỹ, vài năm sau tiếp tục gửi 281 sinh viên theo chế độ du học trong khuôn khổ hoạt động của quỹ Galileo. Năm 1951, sau khi ký Hiệp ước hòa bình San Francisco, “Kế hoạch Fulbright Nhật Mỹ” được phát động. Nếu như hoạt động của Quỹ Galileo chỉ thiên về một phía thì Fulbright là hai phía, năm 1952 chương trình gửi 324 lưu học sinh Nhật Bản sang Mỹ, ngược lại có 17 sinh viên Mỹ đến dự giờ tại các trường đại học Nhật Bản. Trong thời kỳ này vẫn còn ít các hoạt động giới thiệu văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài.

Từ đầu thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960 là thời kỳ bình minh của ngoại giao văn hóa Nhật Bản. Năm 1953, chính phủ Nhật Bản bắt đầu có những chính sách như ký kết hiệp định văn hóa với Pháp. Năm tiếp theo là Ý, Mexico, năm tiếp theo nữa là Thái Lan và cho đến năm 1961 đã ký kết hiệp định văn hóa với 11 nước, xây dựng cơ sở ổn định giữa Nhật Bản và các nước đối tác này. Ngoài ra, một số hoạt động với quy mô nhỏ cũng được tái khởi động như triển lãm giới thiệu Nhật Bản, Hội Học hữu (thành lập năm 1935) chuyên soạn thảo tư liệu giới thiệu văn hóa Nhật Bản bằng tiếng nước ngoài, hay Hội Phục hưng văn hóa quốc tế (thành lập năm 1934) dưới thể chế mới.

Giai đoạn đầu 1960 - đầu 1970 là thời kỳ ngoại giao văn hóa được triển khai thực sự. Nhật Bản bước vào giai đoạn kinh tế phát triển cao độ, nhờ vào sự thành lập của Hội đồng Kinh tế Thương mại Nhật - Mỹ (1961), tham gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD… đã giúp cho văn hóa Nhật Bản được các nước quan tâm đến hơn. Theo đề nghị của tổng thống Kennedy, năm 1962 Hội nghị Văn hóa Giáo dục Nhật Mỹ lần 1 được tổ chức, các vấn đề liên quan tới giao lưu văn hóa giáo dục được các thành viên chính phủ, giới học giả, các nhà văn hóa của hai nước Nhật - Mỹ đưa ra thảo luận. Bộ Ngoại giao cải tổ và củng cố Hội phục hưng văn hóa quốc tế (KBS) nhằm mở rộng hoạt động giao lưu văn hóa, năm 1962 nguyên thủ tướng Nobusuke Kishi làm hội trưởng, với số tiền hỗ trợ là 100 triệu yên, gấp 5 lần năm trước. Hội cũng tổ chức các hoạt động như giới thiệu nghệ thuật truyền thống (kịch Noh, Kabuki) và mỹ thuật Nhật Bản ra nước ngoài, hay sáng tác và

phân phát các tài liệu giới thiệu văn hóa Nhật Bản. Năm 1964, Bộ Ngoại giao thành lập Ban sự kiện văn hóa trực thuộc Cục Văn hóa Thông tin, hợp nhất hoạt động giao lưu văn hóa với KBS. Ngoài ra thành lập các cơ sở giao lưu văn hóa ở nước ngoài như Hội quán văn hóa Nhật Bản tại Rome năm 1962, Hội quán văn hóa Nhật bản tại Koln năm 1969.

Thời kỳ đầu thập niên 1970 - đầu thập niên 1980 đòi hỏi sự mềm dẻo trong quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế. Sự phủ sóng toàn cầu của các mặt hàng quốc nội Nhật Bản không chỉ làm gia tăng sự quan tâm tới văn hóa Nhật Bản của người dân nước ngoài mà còn làm nảy sinh tinh thần phản đối Nhật Bản. Nhằm nâng cao chất lượng cũng như mở rộng số lượng của các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, chính phủ đã nhận thức rằng giao lưu văn hóa quốc tế “là cơ sở của chính sách phát triển đối ngoại đứng trên lập trường quan điểm lâu dài” dưới thời Ngoại trưởng Takeo Fukuda [137, tr.6]. Vì vậy, Bộ Ngoại giao lên kế hoạch thành lập một cơ quan thực hiện việc giao lưu văn hóa dựa trên nền tảng tài chính chắc chắn, và đến năm 1972, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản trực thuộc Bộ Ngoại giao được thành lập, kế thừa lại KBS với mục đích “đào sâu hiểu biết của các nước về Nhật Bản, gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế một cách có hiệu quả, cống hiến cho sự phát triển của văn hóa thế giới và phúc lợi nhân loại, nhằm xúc tiến sự hòa bình hữu hảo giữa các nước” [155, 1972]. Số tiền đầu tư ban đầu là 5 tỷ yên, sau 10 năm đạt 48 tỷ 500 triệu yên, và với số tiền hoạt động và hỗ trợ từ chính phủ này, các hoạt động giao lưu con người, giới thiệu văn hóa Nhật Bản, hỗ trợ nghiên cứu Nhật Bản, phổ cập tiếng Nhật… đã được thực hiện cho tới ngày nay. Những thành tích cơ bản đã có như từ năm 1981 - 1982 có khoảng 500 ngàn khán giả đã tới tham dự “Triển lãm mỹ thuật Edo” tại London, hay tổ chức trình diễn kabuki với quy mô lớn tại New York, Washington năm 1982, giao lưu thể thao tại toàn khu vực Trung cận Đông từ năm 1981. Thủ tướng Tanaka cũng hứa trao học bổng hỗ trợ nghiên cứu Nhật Bản năm 1973 và 1974 cho các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Tây Đức. Năm 1975, Quỹ hữu nghị Nhật - Mỹ được thành lập, năm 1979, Hội đồng Giáo dục Nhật - Mỹ bắt đầu triển khai xúc tiến giao lưu giữa giới học giả và sinh viên. Thể chế giao lưu văn hóa giữa Nhật và Mỹ được hình

thành rõ từ việc thành lập của 2 tổ chức này và Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản. Đối với các nước đang phát triển, các hoạt động hợp tác văn hóa như bảo tồn tài sản - di tích văn hóa, phục hồi văn hóa - nghệ thuật - thể thao, phổ cập giáo dục… là chủ yếu, chính phủ cũng đầu tư tài chính vào Quỹ Văn hóa ASEAN (1977), Quỹ Giao lưu Văn hóa Nhật - Mexico (1980)…

Từ đầu thập niên 1980 - 1990 là giai đoạn kinh tế chín muồi, những cống hiến cho văn hóa quốc tế cũng được đẩy mạnh. GNP trên đầu người năm 1986 đạt mức cao nhất thế giới, số lượng khách du lịch ra nước ngoài của Nhật Bản năm 1990 đột phá ở mức 10 triệu người. Năm 1984, chính phủ thành lập Ban giao lưu văn hóa thuộc Văn phòng Ngoại trưởng, năm 1987 bắt đầu chương trình Mời thanh niên nước ngoài hỗ trợ giáo dục ngoại ngữ tại các vùng tự trị địa phương (JET programme). Năm 1988, thủ tướng Takeshita đề xuất giao lưu văn hóa quốc tế với tư cách “ Nhật Bản cống hiến cho thế giới” tại London. Năm 1989, ý kiến tăng cường ngân sách và các hoạt động cơ bản của Quỹ Giao lưu Quốc tế được đề xuất lên thủ tướng trong báo cáo cuối cùng của “ Hội đồng cố vấn liên quan đến các vấn đề giao lưu quốc tế”. Quỹ Ủy nhiệm bảo tồn di sản văn hóa UNESCO cho Nhật Bản và Trung tâm tiếng Nhật quốc tế của Quỹ Giao lưu Quốc tế được thành lập, kế hoạch “Thuyền thanh niên thế giới” của Tổng cục Quản trị và Điều phối lần thứ nhất được thực thi.

Từ đầu thập niên 1990 đến nay, do sự phát triển của toàn cầu hóa và kết thúc chiến tranh lạnh, giao lưu văn hóa quốc tế được thực hiện trên nhiều mô hình mới như ngoại giao công chúng (public diplomacy) hay duy trì sự đa dạng của văn hóa… Giao lưu văn hóa quốc tế còn chào đón nhân tài từ nước ngoài tới Nhật Bản làm cho Nhật Bản linh hoạt hơn, không chỉ thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển mà về lâu dài còn giúp nâng tầm hình ảnh Nhật Bản tại nước ngoài và gia tăng sự thân cận của nước ngoài với Nhật Bản. Các hoạt động giao lưu trí tuệ trong đó có giao lưu con người, giao lưu nghệ thuật, đối thoại giữa các nền văn minh, hay hợp tác văn hóa với các nước đang phát triển, truyền thông… cũng được mở rộng quy mô. Năm 2004, Bộ Ngoại giao ghép 2 ban truyền thông và giao lưu văn hóa thành Ban Giao lưu văn hóa - truyền thông. Bộ cũng nỗ lực xây dựng mạng lưới kết hợp với các khu tự trị địa phương và các đoàn thể cá nhân.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) ngoại giao văn hóa của nhật bản đối với đông nam á giai đoạn 1977 2016 (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)