Bản đồ hành chính huyện Tam Đảo

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) lễ cưới hỏi của người sán dìu ở huyện tam đảo tỉnh vĩnh phúc truyền thống và biến đổi (Trang 28)

1.1.2. Lịch sử

Là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, địa danh Tam Đảo gắn liền với truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước. Căn cứ vào hiện vật khảo cổ là các trống đồng Hê - gơ loại I đã phát hiện ở xã Đạo Trù và xã Minh Quang, cùng với những truyền thuyết dân gian địa phương, có giả thuyết cho rằng Tam Đảo là một trong những địa bàn cư trú của người Việt cổ. Trong các thời kì lịch sử khác nhau, địa giới hành chính của huyện Tam Đảo đã có nhiều lần thay đổi, chia tách, hợp nhất.

Trong thời kì Bắc thuộc, dưới sự cai trị của các chính quyền phong kiến phương Bắc, Tam Đảo là địa giới hành chính thuộc huyện Mê Linh. Đến thế kỉ XII - XIII, Tam Đảo được xếp vào địa giới hành chính của quận Phong Châu. Nhưng đến cuối thời Trần, Tam Đảo lại thuộc huyện Dương, trấn Tuyên Quang và huyện Bình Lệ Nguyên, trấn Thái Nguyên. Sang đến thời Hậu Lê, Tam Đảo thuộc huyện Tam Dương, phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây và huyện Bình Tuyền, trấn Thái Nguyên. Dưới thời Nguyễn, Tam Đảo thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây và huyện Bình Tuyền, phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Dưới thời Pháp thuộc, Tam Đảo là đơn vị hành chính thuộc Tam Dương và Bình Xuyên và đạo Vĩnh Yên. Đến năm 1899, Tam Đảo trở thành đơn vị hành chính trực thuộc đạo Vĩnh Yên và cũng từ đây, Tam Đảo trở thành vùng đất kiên cường chống thực dân Pháp xâm lược. Nơi đây đã trở thành căn cứ của nhiều nghĩa quân như: Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn… Phong trào cách mạng của nhân dân Tam Đảo phát triển mạnh ở nhiều địa phương.

Trong phong trào giải phóng dân tộc từ 1939 - 1945, tuy bị thực dân Pháp đàn áp dã man nhưng ở nhiều làng xã của huyện Tam Đảo đã thành lập được các tổ chức Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ… Tam Đảo còn là căn cứ kháng chiến của huyện, tỉnh, Trung ương của nhiều thời kì sau. Nhân dân và các dân tộc ở Tam Đảo đã tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào cách mạng.

Trong cao trào kháng Nhật cứu nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương, nhân dân Tam Đảo đã tham gia phá kho thóc của Nhật để cứu đói, như các phong trào ở kho thóc Cầu Tre (Hồ Sơn); Miêu Duệ, Ấp Đồn (Đại Đình); Đồng Bùa, Đồng Hội (Tam Quan) … Nhân dân Tam Đảo còn tổ chức đấu tranh vũ trang; nhiều trận đánh làm địch khiếp sợ.

Cuối tháng 8/1945, chính quyền cách mạng ở địa phương đã hoàn toàn làm chủ mảnh đất của mình, chế độ áp bức bất công đã bị đập tan. Sau cách mạng tháng 8/1945, Tam Đảo đã bắt đầu xây dựng và củng cố chính quyền địa phương. Đến cuối năm 1946, về cơ bản, an ninh trật tự ở Tam Đảo đã được ổn định.

Từ năm 1947 - 1949, cũng như nhiều huyện khác trong tỉnh, Tam Đảo với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc đạo Vĩnh Yên đã đóng góp một phần không nhỏ nghĩa vụ hậu phương cho cuộc kháng chiến. Nhân dân các xã đã làm tốt công tác đón tiếp và giúp đỡ bằng những việc làm thiết thực như nhường nhà cửa ruộng vườn để các cơ quan nhanh chóng ổn định nơi ở, nơi làm việc, có địa điểm cất giấu tài liệu kho tàng vũ khí. Tiêu biểu là các xã: Hồ Sơn, Tam Quan, Đại Đình… đã xây dựng được nhiều trại tản cư, nhiều nhà cửa giúp đồng bào làm ăn sinh sống.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân và các dân tộc ở Tam Đảo đã kiên cường chống trả lại các đợt vây quét đánh chiếm của địch. Tuy nhiên, với ưu thế về quân sự, địch đã nhanh chóng chiếm được một số địa bàn then chốt trên địa bàn tỉnh. Kể từ đây, một số xã của huyện Tam Đảo chuyển thành vùng bị chiếm đóng và kìm kẹp của địch. Do vậy, địa bàn huyện Tam Đảo chia thành hai vùng rõ rệt: vùng tự do (gồm các xã: Đại Đình, Tam Quan, Tam Đảo, Hồ Sơn và Hợp Châu) và vùng tạm chiếm. Từ thực tế đó, huyện ủy đã đề nhiệm vụ cụ thể của từng vùng. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhân dân Tam Đảo đã tích cực đóng góp sức người, sức của cho thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Sau năm 1954, nhất là sau cải cách ruộng đất năm 1955, địa giới hành chính của Tam Đảo có sự thay đổi liên quan đến các xã: Bồ Lý, Đạo Trù, Yên Dương, Đại Đình, Hồ Sơn, Hợp Châu, Tam Quan, Minh Quang với sự tách nhập vào các huyện lị khác nhau nhưng cơ bản địa giới hành chính của huyện vẫn được duy trì.

Bước sang thời kì chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), trên đà thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám, nhân dân huyện Tam Đảo đã tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.

Từ năm 1964 - 1968, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhiều nơi nằm trong kế hoạch đánh phá của địch như: Yên Dương, Đạo Trù, Tam Đảo, Tam Quan. Nhân dân và các tộc người ở Tam Đảo đã tích cực chủ động, bám trụ và đào được hàng trăm hầm trú ẩn để tránh sự truy quét của địch.

Huyện Tam Đảo còn là nơi tản cư an toàn và là nơi đón tiếp nhiều bộ, ngành của Trung ương và các gia đình về tản cư. Tiếp nối truyền thống anh dũng, quân dân Tam Đảo dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại, quân và dân Tam Đảo đã bắn rơi nhiều máy bay của địch, tiêu biểu là trận địa 12.7 ly trên núi San Chấy Thòi của trung đội dân quân dân tộc xã Đạo Trù bắn rơi máy bay phản lực F4D của địch. Đồng bào dân tộc Sán Dìu đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc.

Từ sau năm 1975, cùng với đồng bào cả nước, nhân dân huyện Tam Đảo chuyển sang giai đoạn thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cũng kể từ đây việc phân tách các đơn vị hành chính của huyện được tính đến. Từ sau quyết định số 178 - CP ngày 5/7/1977 của Hội đồng Chính phủ, địa danh huyện Tam Đảo (cũ) được thành lập trên cơ sở hợp nhất huyện Lập Thạch với huyện Tam Dương.

Đến ngày 26/2/1979, huyện Tam Đảo (cũ) lại được chia thành 2 huyện là Tam Đảo và Lập Thạch. Lúc này, huyện Tam Đảo gồm: thị trấn nông

trường Tam Đảo (vốn thuộc huyện Mê Linh) và các xã: Đại Đình, Tam Quan, Hồ Sơn, Hợp Châu, Hoàng Hoa, Kim Long, Hợp Hòa, An Hòa, Duy Phiên, Hoàng Đan, Hoàng Lâu, Vân Hội, Hợp Thịnh, Thanh Vân, Đạo Tú, Hướng Đạo, Đồng Tĩnh, cộng thêm các xã của huyện Mê Linh cắt sang: Minh Quang, Gia Khánh, Trung Mỹ, Thiện Kế, Sơn Lôi, Tam Hợp, Bá Hiến, Tam Canh, Quất Lưu, Thanh Lãng, Tân Phong, Phú Xuân, Đạo Đức, Hương Sơn.

Vào 9/6/1998, huyện Tam Đảo lại được tách thành hai huyện là Tam Dương và Bình Xuyên. Như vậy, từ thời điểm này địa danh huyện Tam Đảo không còn tồn tại [56, tr.969].

Sau Nghị định 153/2003/ NĐ - CP ngày 9/12/2003 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, huyện Tam Đảo được tái lập trở lại trên cơ sở các xã: Yên Dương, Đạo Trù, Bồ Lý của huyện Lập Thạch; các xã Đại Đình, Tam Quan, Hồ Sơn, Hợp Châu của huyện Tam Dương; xã Minh Quang của huyện Bình Xuyên; và thị trấn Tam Đảo của thị xã Vĩnh Yên (nay là thành phố Vĩnh Yên). Từ đó đến nay, huyện Tam Đảo gồm có thị trấn Tam Đảo và các xã: Yên Dương, Đạo Trù, Bồ Lý, Đại Đình, Tam Quan, Hồ Sơn, Hợp Châu, Minh Quang. Huyện lị đặt tại xã Hợp Châu [56, tr. 967- 969]

Như vậy, huyện Tam Đảo hiện nay mới được thành lập khoảng 15 năm với 8 xã và 1 thị trấn với diện tích tự nhiên là 234,70 km2. Tam Đảo là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc nhưng tổng dân số trung bình lại thấp nhất tỉnh. Vì thế mà mật độ dân cư của huyện Tam Đảo cũng vào mức thấp nhất (khoảng 312 người/ km2

Bảng 1.1. Đơn vị hành chính, diện tích, dân số ở các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2010 Đơn vị hành chính Diện tích (km²) Dân số trung bình (người) Mật độ dân số (người/km²) 1. TP Vĩnh Yên 50,39 103.617 2.056 2. Thị xã Phúc Yên 119,49 98.543 825 3. Huyện Lập Thạch 172, 23 124. 725 724

4. Huyện Tam Dương 108,25 100.526 929

5. Huyện Tam Đảo 234,70 72.289 312

6. Huyện Bình Xuyên 148,48 116.815 787

7. Huyện Yên Lạc 107,65 153. 107 1.422

8. HuyệnVĩnh Tường 144,00 201.904 1.402

9. Huyện Sông Lô 149,96 93.495 623

Tổng số 1.235.15 1.066.021 863

(Nguồn: http://thongkevinhphuc.gov.vn/)

Điều đó cho thấy, Tam Đảo là huyện vùng núi với diện tích tự nhiên lớn và mật độ dân cư thấp, đây là nơi có tỉ lệ dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đông nhất trong toàn tỉnh, gồm 8 tộc người: Sán Dìu, Tày, Nùng, Dao, Sán Chay (nhóm Cao Lan), Mường, Hoa, Lào, trong đó nhiều nhất là người Sán Dìu. Do đó có thể nói, Tam Đảo chính là địa bàn cư trú chủ yếu của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc. Trong đó có tới 5/8 xã đa số có tộc người Sán Dìu sinh sống chủ yếu và chiếm số lượng lớn về cư dân. Trong đó, ba xã Yên Dương, Bồ Lý, Đạo Trù là ba xã trọng điểm, có số lượng người dân tộc Sán Dìu tập trung sinh sống đông nhất huyện. Đây cũng là 3 địa bàn nghiên cứu chủ yếu mà tác giả tập trung khai thác và tìm hiểu.

1.2. Ngƣời Sán Dìu ở Tam Đảo

1.2.1. Tên gọi và nguồn gốc

*Tên gọi

Người Sán Dìu cư trú ven triền núi thấp, trên các gò đồi ven dãy núi Tam Đảo, sống xen ghép với người Việt, Tày, Nùng…nhưng vẫn sống trong các chòm xóm riêng. Từ lâu, người Sán Dìu thống nhất với tên tự nhận là “Shan Deo nhín”, tùy từng vùng miền mà ngữ điệu có sự phát âm nặng nhẹ khác nhau. Theo âm Hán Việt, có thể hiểu là: “Shan” có nghĩa là sơn, “nhín” có nghĩa là nhân, còn chữ Deo là chữ cốt lõi, căn nguyên để hiểu về tên của tộc người Sán Dìu. Như vậy có thể hiểu theo âm Hán - Việt là “Shan Deo nhín”, có nghĩa là Sơn Dao Nhân, tức là người Dao ở trên núi. Tuy nhiên, các tộc người xung quanh lại gọi người Sán Dìu với nhiều tên gọi khác nhau, chủ yếu dựa vào đặc điểm canh tác, sinh sống hay đặc điểm y phục của tộc người này như Trại Đất (người Trại ở nhà đất), để phân biệt với Trại Cao, tức là người Cao Lan ở nhà sàn; Trại Ruộng, Mán Quần Cộc, Mán Váy Xẻ…

Những năm cuối thập niên 50 của thế kỉ XX, bản danh mục tương đối đầy đủ và khá chi tiết về thành phần các dân tộc ở Việt Nam được công bố trong cuốn Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam của tác giả Lã Văn Lô và cộng sự, đã thống nhất tên gọi Sán Dìu dưới góc độ chuyên môn để phân định các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Tháng 3/1960, Tổng cục Thống kê Trung ương đã chính thức khẳng định tên Sán Dìu được ghi nhận vào các văn bản Nhà nước như tên gọi chính thống của tộc người này.

*Nguồn gốc

Về nguồn gốc tộc người Sán Dìu, từ trước tới nay vẫn chưa có nhiều giải đáp thỏa mãn. Trong cuốn Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn nhắc tới các giống người ở xứ Tuyên Quang (rộng hơn địa bàn hiện nay) có các chủng người Man, trong ấy có 3 chủng Sơn Trang, Sơn Tử và Cao Lan, mặc áo chàm xanh, tay áo rộng hoặc màu trắng, để tóc dài, búi tóc nhọn; 3

chủng Sơn Man, Sơn Bán và Sơn Miêu cũng thế; 2 chủng tộc Hán Văn và Bảo Toàn cắt tóc, chít khăn vải hoa, áo xanh, quần vắn [12, tr.335].

Các sử gia phong kiến đã gộp nhiều tộc người vào làm một và chỉ dựa theo đặc trưng văn hóa vật chất như ăn, mặc, ở, đi lại… mà chưa tìm hiểu sâu về đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng, tri thức bản địa nên ta khó có thể hiểu rõ những chủng tộc được nhắc tới ở trên thuộc tộc người nào. Tuy nhiên, trong bảy tên “Man” được Lê Quý Đôn nhắc tới, thì tên Man đáng cho chúng ta suy nghĩ và phán đoán, vì trong xã hội phong kiến, không riêng gì người Dao mới gọi là Man mà nhiều tộc người khác cũng mang tên Man, như người Mông, Cao Lan… Có điều khẳng định là tất cả các nhóm Dao ở nước ta đều có tên là Man hay Mán, từ đó có thể nghĩ rằng Man chính là Dao, Sơn Man chính là Sơn Dao, hay cũng chính là Sán Dìu vì theo các nhà dân tộc học thì người Sán Dìu đã định cư ở Việt Nam khoảng 300 năm nay. Riêng người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc, tác giả Nguyễn Xuân Lân cho rằng: “Người Sán Dìu (Slan dèo nhìn) còn gọi là Trại Quần Cộc, nhập cư Vĩnh Phúc cách ngày nay cũng khoảng 300 năm”. [29, tr. 231]

Xuất phát từ phán đoán trên, trước đây có một số học giả Pháp xếp người Sán Dìu vào nhóm Dao nhưng sau này căn cứ tiếng nói, các nhà dân tộc học Liên Xô xếp người Sán Dìu vào nhóm ngôn ngữ Hán, nằm trong hệ ngữ Hán- Tạng gồm người Hoa, Ngái và người dân tộc Sán Dìu. [19, tr.13]

Do khi so sánh về ngôn ngữ, giữa tiếng Sán Dìu hiện đại với tiếng Hoa và tiếng Sán Dìu hiện đại với tiếng Dao thì nhận thấy rằng: trong số các từ so sánh thì tiếng Sán Dìu có khoảng 18 trong số 23 từ có âm đọc giống hoặc gần giống với tiếng Hoa. Ví dụ: màu trắng trong tiếng Sán Dìu đọc là “phạc” thì tiếng Hoa cũng có âm đọc là “phạc”. Động từ ngồi, tiếng Sán Dìu đọc là “sộ”, tiếng Hoa đọc là “só’. Hay danh từ chồng, tiếng Sán Dìu đọc là “lão công”, tiếng hoa đọc là “lão cung”, danh từ nhà, tiếng Sán Dìu phát âm là “ốc” thậm chí nhiều nơi phát âm nặng là “ộc” thì tiếng Hoa từ nhà cũng phát âm là

“ộc”… Do đó, có thể nhận thấy, tiếng Hoa là ngôn ngữ có lượng tương đồng cao nhất trong số các ngôn ngữ khi đem ra so sánh liệt kê với tiếng Sán Dìu. Trong khi đó tiếng Sán Dìu hiện đại chỉ tương đương với tiếng Dao nhiều nhất là 5 trong số 23 từ so sánh. [19, tr.12]

Từ nhận định của Lê Quý Đôn và cùng với việc so sánh ngôn ngữ của người Sán Dìu với các tộc người lân cận thì có thể thấy rằng tiếng Sán Dìu đã ra đời từ rất lâu, xa dần với gốc xưa và các nhóm đồng tộc của mình. Họ đã tiếp thu tiếng Hán trước khi di cư vào Vĩnh Phúc. Năm tháng đã mờ đi kí ức xưa, người Sán Dìu không nhận ra cái gốc của mình nữa nhưng cũng không nhận mình là người Hán mà vẫn nhận mình là một tộc người riêng biệt.

Trong cuốn Người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc, tác giả Lâm Quang Hùng suy đoán rằng: “Từ rất xa xưa, người Dao bị người phong kiến phương Bắc thống trị và “bóp vụn” thành nhiều nhóm nhỏ, khiến cho mỗi nhóm phiêu bạt một nơi, người Sán Dìu có thể là một trong số những nhóm đó, nhưng đã sống lâu đời bên cạnh người Hán (Phương Nam) nên dần quên tiếng mẹ đẻ (Tiếng Dao) để tiếp thu một thổ ngữ Hán Quảng Đông” [19, tr.11].

Trong một cuốn sách của mình Bùi Đình cũng viết: “Quần cộc từ Quảng Đông di cư sang đất nước ta mới được ba bốn trăm năm nay, còn có tên là Sơn Dao, họ rải rác khắp chu vi đồng bằng các vùng Đầm Hà, Hà Cối, Quảng Yên, Phủ Lạng Thương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, lác đác ngoài các hải đảo… Nhóm ở Duyên hải như Đầm Hà, Hà Cối, Quảng Yên thời phong tục theo người Kinh. Nhưng trong các vùng Phủ Lạng Thương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Yên còn giữ được một tính cách Mán” [26, tr.54]. Căn cứ

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) lễ cưới hỏi của người sán dìu ở huyện tam đảo tỉnh vĩnh phúc truyền thống và biến đổi (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)