2.1 Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX
2.1.2 Bối cảnh về kinh tế xã hội
Nhà Nguyễn ra sức xây dựng quyền lực của mình theo kiểu Nhà nước trung ương tập quyền chuyên chế nên bên cạnh các chính sách về chính trị, xã hội, quân sự thì nhà Nguyễn còn chú trọng đến các chính sách về kinh tế.
Về nông nghiệp
Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo “dĩ nông vi bản” nên nền kinh tế nước ta chủ yếu là nông nghiệp lúa nước. Chính
sách kinh tế thời kỳ này là “trọng nông” song tình hình ruộng đất thời kỳ này gặp phải những khó khăn: nông dân thì phân tán, nội chiến diễn ra làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, ruộng đất bị bỏ hoang nhiều và chia làm 2 loại: đất công và đất tư. Đứng trước tình hình này, nhà Nguyễn thực hiện hàng loạt chính sách nhằm khôi phục chế độ sở hữu Nhà nước “lập địa bạ để kiểm kê tài nguyên ruộng đất, lập định bạ để nắm nguồn nhân lực ở làng.” [6; 32]. Năm 1802, Gia Long cho ban hành phép quân điền để tất cả mọi người đều được chia ruộng đất song thực chất là bảo vệ quyền lợi của triều đình vì triều đình thu thuế rất cao đối với ngành thương thực, những chính sách này đã làm cho nền kinh tế của nước ta có những thay đổi đáng kể, góp phần nâng cao đời sống vật và tinh thần cho nhân dân.
Minh Mạng là người tích cực nhất cho nỗ lực thay đổi diện mạo kinh tế của đất nước. Ông đã thực hiện mở mang diện tích đất công “Minh Mạng ra lệnh quốc hữu hóa một phần ruộng đất của địa chủ ở Gia Định” [86; 90 – 91]. Về nông nghiệp chính sách khai hoang với các biện pháp “doanh điền”, “đồn điền” thu được những kết quả cao “hễ ai khai hoang thì người đó được làm chủ” [39; 32]. Chính sách quản lý ruộng đất của triều Nguyễn đã phần nào tạo ra nhiều nông sản đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, kỹ thuật canh tác trong sản xuất cũng có tiến bộ, người dân đã biết thâm canh tăng vụ. Tuy đã rất cố gắng trong sản xuất nhưng do trình độ sản xuất còn thấp kém nên năng xuất lao động cũng như số lượng sản phẩm còn hạn chế.
Nhìn chung, tình hình nông nghiệp dưới triều Nguyễn đã có những thay đổi nhưng do xuất phát điểm là nền nông nghiệp lúa nước, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm canh tác, lại chịu chính sách thuế khóa quá nặng nề. Bên cạnh đó chế độ tư hữu thời kỳ này đã bắt đầu nở rộ cộng với những chính sách đãi ngộ của triều đình chưa đủ thuyết phục nên cho dù đã có cố gắng song nền nông nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Về thương nghiệp
Giai đoạn đầu của thế kỷ XIX, thương nghiệp không phát triển là do chính sách ức thương của triều đình. Chính sách này đặc trưng cho lối tư duy phong kiến khép kín và lối tư duy “nông vi bản, thương vi mạt” của Nho giáo, coi nông nghiệp là nghề căn bản còn thương nghiệp thấp hèn sẽ làm đảo lộn xã hội nên triều đình đã thực hiện chính sách ngăn sông cấm chợ “Nhà cầm quyền cấm bán lúa gạo từ tỉnh này sang tỉnh khác” [39; 39]. Để cấm hoạt động buôn bán, nhà Nguyễn đã đề ra chính sách “cấm dân đóng thuyền to có thể vượt biển đi buôn bán với nước ngoài” [39; 39] đồng thời xây dựng chính sách thuế khóa ngặt nghèo, cấm xây dựng các trung tâm thương mại, các chợ lớn.... vì cho rằng nghề buôn bán là nghề mạt hạng nên thương nghiệp bị xếp sau tất cả các ngành nghề khác (Sĩ – Nông – Công – Thương).
Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển tự nhiên nên dưới triều Nguyễn vẫn có các hoạt động thương mại song mới chỉ là giữa các địa phương mà chưa mang tầm quốc gia. Giai đoạn này đã xuất hiện các làng buôn bán nhưng thương mại vẫn kém phát triển vì bị triều đình cấm đoán và do kinh tế hàng hóa còn kém phong phú. Hơn nữa nền thương mại nước ta giai đoạn này bị các thương nhân Hoa kiều chi phối do chính sách ưu đãi của triều đình còn việc buôn bán với phương Tây thì “phải xin phép buôn bán từng chuyến một” [39; 40] vì nhà Nguyễn cho rằng giao thương với người phương Tây sẽ đi trái với tư tưởng của Nho học.
Với chính sách ngoại thương ở nước ta giai đoạn này là khép kín, thiên về đối nội, không đối ngoại. Chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn đã kìm hãm sự phát triển của thương mại. Khi triều đình nhận ra vai trò của thương nghiệp thì cũng chính là thời điểm Việt Nam chịu sự xâm lược của thực dân Pháp. Mặc dù đã có những cải biến và chiêu thương song chính sách
thương nghiệp của triều Nguyễn vẫn chưa thực sự khởi sắc và bị hạn chế rất nhiều, đặc biệt là khi thực dân Pháp đặt ách thống trị lên lãnh thổ nước ta.
Về công nghiệp và thủ công nghiệp
Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX, việc tách rời giữa công nghiệp với thủ công nghiệp chưa rõ ràng, do các hoạt động đều là thủ công chưa có sự tham gia của khoa học kỹ thuật và mục đích của sản xuất là nhằm phục vụ cho nhu cầu của triều đình và bản thân người lao động. Thời kỳ này thì một bộ phận thủ công nghiệp đã tách khỏi nông nghiệp là do tính chất của công việc nên đã hình thành những người lao động chuyên môn hóa.
Xét về thủ công nghiệp giai đoạn này, thủ công nghiệp Nhà nước được mở mang, phát triển, lập nhiều xưởng thủ công lớn như: đúc tiền, in sách, đóng tàu… nhằm phục vụ cho nhu cầu quốc phòng, sinh hoạt của vua chúa
còn thủ công nghiệp dân gian là sự đa dạng của rất nhiều các ngành nghề:
nghề gốm, nghề dệt, nghề làm bún... Có thể thấy do tính chất của việc sản xuất còn manh mún nên thủ công nghiệp mới chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế, sản phẩm còn thô sơ lại không được khuyến khích nên thủ công nghiệp dưới triều Nguyễn vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Công nghiệp khai thác mỏ giai đoạn này cũng được dành sự quan tâm nhưng do cách thức khai thác nên chất lượng và hiệu quả công việc không được tốt. Tuy nhiên, do chế tài của Nhà nước ưu tiên cho khai thác mỏ nên nghề này giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX rất phát triển nhưng càng về sau việc khai thác mỏ trở lên khó khăn hơn do phương pháp lao động thủ công và do chế độ công tượng không khuyến khích được công nhân nên nhiều mỏ do Nhà nước quản lý phải đóng cửa còn mỏ do tư nhân làm thì lại thu được hiệu quả cao do họ có cách quản lý, vận dụng kỹ thuật, chế độ lương thưởng tốt đã khuyến khích người lao động nên khai thác mỏ của tư nhân đã góp phần nâng
cao nguồn thuế nộp cho Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu khoáng sản trong nước và xuất khẩu.
Nhìn chung, cả công nghiệp và thủ công nghiệp giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX vẫn là sản xuất hàng hóa nhỏ, chưa thoát khỏi mối liên hệ với nông nghiệp và chưa có nhiều đóng góp vào ngân khố Nhà nước.
Về mặt xã hội, những biến đổi về kinh tế khiến cho sự phân hóa giai cấp ngày càng sâu sắc. Giai cấp thống trị nắm trong tay toàn bộ quyền và lợi ích về kinh tế, trong khi đó giai cấp bị trị thì bần hàn, đói khát. Trước sự bất bình đẳng trong phân chia giai cấp nên dưới triều Nguyễn đã có rất nhiều cuộc nổi dậy của dân chúng, xã hội ngày càng rối ren do triều đình thi hành những chính sách nhằm chặn đứng các cuộc nổi dậy, càng làm cho mâu thuẫn giữa nông dân với triều đình thêm gay gắt. Trong dân chúng giai đoạn này lại tiếp tục có sự phân chia ra thành 4 hạng “sĩ – nông – công - thương”. Sự phân chia này theo thứ bậc nghề nghiệp, vô hình chung đã đặt nghề này cao hơn nghề kia làm cho tư tưởng “trọng nông khinh thương” ngày càng được củng cố. Việc phân chia này là một nguyên nhân quan trọng làm cho nền kinh tế dưới triều Nguyễn trì trệ lâu dài.