III. Quá trình vận dụng của Đảng.
1. Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Kiên trì và giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối chiến lược, sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, là ngọn cờ bách chiến bách thắng của cách mạng Việt Nam. Đó là bài học được Đại hội lần thứ IV của Đảng rút ra từ thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta, được các Đại hội lần thứ V, VI của Đảng tiếp tục khẳng định và đặc biệt được Đại hội lần thứ VII và VIII của Đảng phát triển với nội dung mới qua tổng kết kinh nghiệm gần hai thập kỷ tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước.
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, vấn đề kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có tính nguyên tắc sống còn của cách mạng nước ta. Đổi mới nhận thức về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong xu thế hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay không có nghĩa là xa rời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà chính là vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng đó vào hoàn cảnh cụ thể của lịch sử dân tộc và thời đại, làm cho nó phát triển một cách sống động hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quan niệm về độc lập dân tộc của Đảng ta trong bối cảnh quốc tế đầy mâu thuẫn và phức tạp hiện nay là quan niệm mở và động, luôn kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần độc lập tự chủ kết hợp với tiếp thu sức mạnh của thời đại để xây dựng và phát triển đất nước. Thực chất, hai mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không thể tách rời trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Đây là sự thống nhất biện chứng thể hiện tính nguyên tắc và tính nhất quán trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta. Đúng như Đảng ta đã nhận định: “Xét trên tổng thể, việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới trong những năm qua về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải nắm vững và kiên trì đường lối đó. Trong quá trình đổi mới, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược cách mạng với linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, nhạy cảm nắm bắt cái mới”.
Tại hội nghị trung ương 6 khoá VI (3-1989), tuy có nhiều ý kiến đòi xem xét lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nhưng Đảng ta vẫn giữ vững lập trường tư tưởng, giữ vững mục tiêu cao quý, đã đề ra sáu nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới. Những nguyên tắc đó có giá trị chỉ đạo đúng đắn cho toàn bộ sự nghiệp đổi mới từ đó đến nay. Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu, là mục tiêu lý tưởng của Đảng và nhân dân ta. Vì vậy, đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng
những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Đó là nguyên tắc hàng đầu của sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam.
Kiên đinh mục tiêu có tính nguyên tắc đó, sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào, chủ nghĩa Mác - Lênin đứng trước thử thách nghiêm trọng chưa từng có, Đảng ta đã tỉnh táo một lần nữa khẳng định trong cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước: Kiên trì con đưòng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn. Đến Đại hội VIII Đảng lại khẳng định: Giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa là một bài học kinh nghiệm của đổi mới thắng lợi. Đại hội IX ghi vào cương lĩnh: bài học kinh nghiệm thành công của công cuộc đổi mới là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đại hội X của Đảng tổng kết 20 năm đổi mới đã khẳng định xã hội chủ nghĩa mà nhân dân xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động của Đảng. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Đại hội cũng chỉ rõ hơn về nội dung và khả năng bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội, về cách thức, giải pháp để thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Nối tiếp những quan điểm trên, hội nghị Trung ương 12 khoá IX đã quyết định triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động “học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Yêu cầu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thấm nhuần đạo đức của Bác trong đời sống tinh thần xã hội, góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, phê phán những quan điểm, những tư tưởng đòi phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, thêm tin yêu chế độ, yêu lí tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.
Với niềm tự hào và niềm tin sâu sắc vào Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam ngày càng hùng cường và giàu đẹp, chúng ta đã mở cửa, hội nhập, đi tắt, đón đầu, tranh thủ mọi thời cơ, vận hội mới, con thuyền của ta đã ra biển lớn, tên tuổi đất nước rạng rỡ trên trường quốc tế. Tuy nhiên làm thế nào để không hoà nhập mà không hoà tan, vẫn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, làm sao để tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với công bằng xã hội, với sự lành mạnh về đạo đức, tinh thần? Câu trả lời không có sẵn trong tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng Người đã chỉ cho ta phương hướng và phương pháp suy nghĩ để tìm ra giải pháp hữu hiệu cho bài toán mà Người đã vạch ra.