Khả năng hình thành một ngân hàng trung ương (NHTW) độc lập với một chính sách tiền tệ và một đồng tiền thống nhất

Một phần của tài liệu Tiểu luận: Khả năng thống nhất tiền tệ khu vực Đông Nam Á từ việc nghiên cứu quá trình thống nhất tiền tệ của Cộng đồng Châu Âu ppt (Trang 65 - 69)

KHẢ NĂNG THỐNG NHẤT TIỀN TỆ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á

3.5.Khả năng hình thành một ngân hàng trung ương (NHTW) độc lập với một chính sách tiền tệ và một đồng tiền thống nhất

một chính sách tiền tệ và một đồng tiền thống nhất .

Khi hợp nhất tiền tệ, các nước sẽ cùng nhau thành lập NHTW chung, Ngân hàng này chịu trách nhiệm đưa ra các biện pháp ổn định tiền tệ chung cũng như chính sách tiền tệ cho các nước thành viên (như NHTW Châu Âu ECB). Tuy nhiên trên thực tế, khả năng hình thành một NHTW độc lập và một đồng tiền thống nhất ở ASEAN chưa có dấu hiệu trở thành hiện thực trong tương lai gần. Tuy nhiên về khả năng hình thành một ngân hàng trung ương độc lập, ở châu á cũng đã xuất hiện đề xuất thiết lập một Viện tiền tệ châu Á (các năm 1997, 2000, rồi đến Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 12 (AFMM12) 3 - 4/4/2008 cũng họp về vấn đề này), tương tự như Viện tiền tệ châu Âu của EU trước đây. Viện này sẽ chịu trách nhiệm phối hợp các chương trình cải cách và phát triển lĩnh vực tài chính tiền tệ giữa các nước thành viên. Đây sẽ là nơi cung cấp sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các nước thành viên, tổ chức các chương trình đào tạo, là nơi để các nước thành viên đàm phán các hiệp định chung, đề ra các tiêu chuẩn trong lĩnh vực tài chính. Viện này cũng có thể sẽ tham gia vào việc thanh toán giữa các ngân hàng trung ương các nước thành viên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một đề xuất của

các nhà nghiên cứu mà chưa hề có một biện pháp cụ thể để đưa đề xuất đó thành hiện thực.

Về đồng tiền chung, hiện các nước ASEAN đang cân nhắc hai khả năng: sử dụng một đồng tiền bản tệ hoặc hình thành một đồng tiền mới.

• Về khả năng lấy một đồng bản tệ trong khu vực làm đồng tiền chung thì đồng đôla Singapore được xem là ứng cử viên sáng giá nhất, với lý do nền kinh tế Singapore có khả năng cạnh tranh cao, dịch vụ và công nghệ cao chiếm tỷ trọng lớn, chính sách kinh tế vĩ mô thông thoáng và hiệu quả, cơ chế quản lý ngoại hối linh hoạt, dự trữ ngoại tệ và thặng dư thương mại lớn. Nhưng một số ý kiến khác cho rằng quy mô kinh tế và thị trường tài chính tiền tệ của Singapore quá nhỏ, đồng đôla Singapore chưa hoàn toàn chuyển đổi tự do nên khó có thể đảm nhận vai trò đồng tiền chung khu vực. Mặt khác, việc khu vực hoá đồng đôla Singapore sẽ làm cho quy mô lưu thông của đồng tiền này lớn hơn, gây khó khăn cho chính phủ nước này trong việc điều hành chính sách tài chính tiền tệ nên chính phủ Singapore ngần ngại trong việc chấp thuận đồng tiền nước mình trở thành đồng tiền chung khu vực.

• Khả năng thứ hai là hình thành một đồng tiền mới cho ASEAN như kiểu đồng Euro. Tuy nhiên, hiện nay chưa xuất hiện hình thái chuẩn bị nào cho một đồng tiền như vậy và các nước ASEAN mới chỉ tích cực nghiên cứu tìm ra giải pháp cho việc triển khai ý tưởng này dựa trên kinh nghiệm phát hành đồng Euro.

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đang dần khẳng định được vị thế của mình và đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua năm 2008, đồng USD đã mất đi niềm tin và đồng Nhân Dân Tệ (NDT) được mọi người nhắc đến nhiều và sử dụng rộng rãi. Xét trên phương diện toàn cầu thì đồng NDT đã có được vị

thế rất đáng tin cậy. Cùng với đó Trung Quốc đang có những động thái tích cực nhằm quốc tế hóa đồng NDT, biến đồng nội tệ thành đồng tiền mạnh trên thế giới, trong tương lai có thể cùng với USD và EURO tạo nên thế chân vạc. Vì vậy, sẽ rất khó khăn khi muốn Trung Quốc từ bỏ ý định biến đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền mạnh ở châu Á để tiếp nhận đồng tiền chung châu Á. Hơn nữa, Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN chính thức có hiệu lực từ 1-2010, đã giúp NDT mở rộng được phạm vi lưu thông của nó, NDT ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong thanh toán quốc tế. Tuy vậy NDT chưa thể tự do quy đổi nhưng ở một số nước như Lào, Campuchia, người dân đã bắt đầu dùng đồng NDT làm công cụ trao đổi và xu thế tích trữ đồng NDT cũng bắt đầu xuất hiện. Mậu dịch tự do mở cửa sẽ là yếu tố tất nhiên đưa NDT đi lên và củng cố vị thế của nó trên thế giới. Dù chưa phải là dòng chủ lưu, nhưng với những lợi ích mà các nước châu Á có được khi đồng NDT tăng giá, vô hình trung nó đã “đi vào lòng” người dân ở các nước trong khu vực.Những phân tích thông thường đều cho rằng không có khả năng xây dựng đồng tiền chung châu Á. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, khi các nước Âu, Mỹ chịu tác động nghiêm trọng, thì Trung Quốc lại tương đối “thoát khỏi đại nạn.”.Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng mạnh lên, đồng Nhân dân tệ được dự đoán tăng giá và xu thế tích trữ rộng rãi đồng tiền này sẽ là xu thế tất yếu. Đối diện với các vấn đề như vậy, thái độ của các nước châu Á về tính thực tế một đồng tiền chung châu Á cần có chuyển biến. Bên cạnh đó cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp vừa qua lại khiến cho quyết định thành lập đồng tiền chung châu Á cần thận trọng và xem xét kỹ hơn. Sự thất bại về hàng loạt nguy cơ khủng hoảng nợ ở châu Âu cũng minh chứng cho những mặt yếu kém và bất cập của nó. Do đó nếu muốn đồng tiền chung châu Á ra đời thì không nên vội vã mà hãy thu góp kinh nghiệm từ châu Âu. Bởi vì một đồng tiền chung lớn như vậy ra đời là một quyết định rất quan

trọng và ảnh hưởng rất sâu rộng đến nền kinh tế không chỉ một quốc gia mà là của rất nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam).

Tóm lại, ASEAN đã có những tiền đề đầu tiên để hình thành một liên minh tiền tệ. Nếu đứng trên phương diện lý thuyết, nghiên cứu của các nhà kinh tế sử dụng các chỉ số tổng hợp của một khu vực tiền tệ tối ưu về mức độ tự do di chuyển các yếu tố sản xuất, mức độ linh hoạt của giá cả và tiền lương, mức độ trùng hợp của chu kỳ kinh tế và khủng hoảng, và mức độ thương mại nội bộ đã cho thấy rằng các chỉ số trên của ASEAN hiện nay tương đương với EU trước khi ký Hiệp ước Masstricht. ASEAN thậm chí còn có mức độ linh hoạt về giá cả và tiền lương cao hơn EU, và do đó khả năng điều chỉnh khi xảy ra khủng hoảng cũng nhanh hơn. Cụ thể là các nước ASEAN thường chỉ mất khoảng 2 năm để điều chỉnh và phục hồi trong khi chỉ một nửa số các cú sốc xảy ra với các nước EU được điều chỉnh trong vòng 2 năm, còn lại phải mất nhiều thời gian hơn. Các nước ASEAN cũng cho thấy có mức độ trùng hợp về chu kỳ kinh tế cao hơn các nước EU. Còn đứng trên phương diện thực tế, một sự so sánh giữa các giai đoạn phát triển của EU và ASEAN, như trên đã phân tích, cũng cho thấy rằng các nước ASEAN hoàn toàn có những điều kiện cần thiết để tạo dựng một liên minh tiền tệ. Tuy nhiên, con đường để đi đến một liên minh tiền tệ sẽ rất nhiều khó khăn, trở ngại, đòi hỏi các nước trong khu vực phải có những chính sách, biện pháp phù hợp và những bước đi cụ thể.

KẾT LUẬN

Trong vài thập kỉ trở lại đây, xu hướng khu vực hóa toàn cầu hóa đang nổi lên như là một yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Cùng với đó, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo ra những cơ hội thuận lợi lớn nếu các quốc gia biết tranh thủ tận dụng và phát huy. Xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá ngày càng gia tăng mạnh mẽ cũng đã và đang khuyến khích sự ra đời của các liên minh tiền tệ. Sau sự ra đời của Liên minh tiền tệ châu Âu, lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy rằng ở ASEAN có thể và có đủ khả năng hình thành một liên minh tiền tệ của khu vực.

Nhận thức được điều đó, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã và đang từng bước thực hiện những bước đi vững chắc tạo tiền đề cho sự hình thành một liên minh tiền tệ của khu vực mà ban đầu là các hiệp định về lộ trình cắt giảm tiến tới xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan (hiệp định CEPT), hiệp định khung về khu vực đầu tư AIA, tiếp đến là hội nghị cấp cao ASEAN 14 cam kết thúc đẩy hợp tác và tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, sự ra đời của “ sáng kiến Chieng mai” đã tạo nền tảng vững chắc cho việc thiết lập một cơ chế liên kết tỷ giá, một trong những điều kiện tiên quyết cho việc hình thành một liên minh tiền tệ.

Mặc dù còn tồn tại những khó khăn, đặc biệt là sự biến động của nền kinh tế thế giới mà đặc biệt là khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 tuy nhiên sự nỗ lực trong việc thực hiện lộ trình được đề ra của các nước khu vực Đông Nam Á là không thể phủ nhận. chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai không xa, Đông Nam Á sẽ thành lập được liên minh tiền tệ của khu vực, phát triển kinh tế xã hội ngang hàng với các khu vực phát triển khác trên thế giới.

Một phần của tài liệu Tiểu luận: Khả năng thống nhất tiền tệ khu vực Đông Nam Á từ việc nghiên cứu quá trình thống nhất tiền tệ của Cộng đồng Châu Âu ppt (Trang 65 - 69)