Nhiệt độ
Nhiệt độ được đo bằng máy đo nhiệt độ (Hach, Mỹ). Thả trực tiếp đầu kiểm tra xuống giữa bể thí nghiệm và chờ máy ổn định kết quả rồi ghi chép.
pH
pH được đo bằng test kit pH (Sera, Đức). Rửa lọ thủy tinh nhiều lần bằng mẫu nước cần kiểm tra, sau đó đổ đầy 5ml mẫu nước vào lọ. Lau khô bên ngoài lọ. Lắc đều chai thuốc thử trước khi sử dụng. Cho 4 giọt thuốc thử vào lọ thủy tinh chứa mẫu nước cần kiểm tra, đóng nắp lọ, lắc nhẹ rồi mở nắp ra. So sánh kết quả thử nghiệm với bảng so màu: Đặt lọ thủy tinh vào vùng trắng của bảng so màu, đối chiếu giữa kết quả thử nghiệm với bảng so màu rồi xem giá trị pH tương ứng. Làm sạch trong và ngoài lọ thủy tinh bằng nước máy trước và sau mỗi lần kiểm tra.
Hàm lượng Oxy hòa tan trong nước
Xác định bằng máy Hach đo chỉ số DO trong nước, thả trực tiếp đầu kiểm tra xuống nằm trong nước bể tôm, đợi số dừng nhảy, lấy số đó làm kết quả đo.
Độ mặn
Sử dụng tỉ trọng kế là dụng cụ để kiểm tra độ mặn trong bể nuôi tôm và môi trường trước khi thả tôm. Thao tác: Lấy dụng cụ ra khỏi hộp đựng theo chiều thắng đứng, lau sạch dụng cụ bằng nước cần đo độ mặn. Lấy miếng lót ra khỏi hộp đựng, tráng rửa vài lần hộp đựng bằng nước cần kiểm tra độ mặn, rồi đổ đầy nước cần kiểm tra vào hộp. Cầm thẳng đứng dụng cụ đo, nhìn ngang mặt nước trùng với vạch nào trên cần có khắc vạch, ghi kết quả phần ngàn theo vạch trùng với mực nước.
Các chỉ tiêu NH3/NH4+, NO2-, kH
Các chỉ tiêu NH3/NH4+ và NO2- KH sử dụng loại test nhanh của hãng Sera để kiểm tra và theo dõi trong suốt quá trình nuôi.
NH3/NH4+
Làm sạch trong và ngoài lọ thủy tinh bằng nước máy trước và sau mỗi lần kiểm tra. Lắc đều các chai thuốc thử trước khi sử dụng. Rửa lọ thủy tinh nhiều lần bằng mẫu nước cần kiểm tra, sau đó đổ đầy 5ml mẫu nước vào lọ. Lau khô bên ngoài lọ. Cho 6 giọt thuốc thử của chai thuốc thử 1 vào lọ thủy tinh chứa mẫu nước cần kiểm tra, đóng nắp và lắc đều. Mở nắp, cho 6 giọt thuốc thử của chai thuốc thử 2 vào lọ, đóng nắp và lắc đều rồi mở nắp ra. Cho tiếp 6 giọt thuốc thử của chai thuốc thử 3 vào lọ, đóng nắp lọ, lắc đều. So sánh kết quả thử nghiệm
với bảng so màu: Đặt lọ thủy tinh vào vùng trắng của bảng so màu, đối chiếu giữa kết quả thử nghiệm với bảng so màu rồi xem giá trị tương ứng. Đối chiếu với giá trị pH để xác định nồng độ ammonia tự do.
NO2-
Làm sạch trong và ngoài lọ thủy tinh bằng nước máy trước và sau mỗi lần kiểm tra. Lắc đều chai thuốc thử trước khi sử dụng. Rửa lọ thủy tinh nhiều lần bằng mẫu nước cần kiểm tra, sau đó đổ 5ml mẫu nước vào lọ. Lau khô bên ngoài lọ. Nhỏ 5 giọt thuốc thử số 1 và 5 giọt thuốc thử số 2 vào lọ chứa mẫu nước cần kiểm tra. Đóng nắp lọ và lắc nhẹ. Mở nắp ra. Chờ 3-5 phút, sau đó đem đối chiếu với bảng so màu. Thực hiện việc so màu dưới ánh sáng tự nhiên, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào.
kH
Rửa lọ thủy tinh nhiều lần bằng mẫu nước cần kiểm tra, sau đó đổ 5 ml mẫu nước vào lọ, lau khô bên ngoài lọ. Nhỏ từng giọt thuốc thử vào lọ thủy tinh chứa mẫu nước cần kiểm tra, lắc đều (sau mỗi giọt), cho tới khi nước trong lọ chuyển từ xanh sang vàng thì dừng lại. Lấy số giọt thuốc thử vừa nhỏ nhân với 17.8 sẽ tính được hàm lượng CaCO3 (mg/l). Lấy số giọt thuốc thử vừa nhỏ nhân với 21,8 sẽ tính được hàm lượng HCO3(mg/l).
Xác định mật độ khuẩn Vibrio trong nước
Mẫu nước được thu vào lúc trước khi thay nước ở các bể đối chứng và bể nano bạc. Mật độ vi khuẩn được xác định bằng phương pháp trang cấy mẫu nước lên môi trường thạch TCBS. Sau 24h ủ ở nhiệt độ 28°C, số lượng khuẩn lạc trên đĩa thạch được đếm.
Xác định hàm lượng sắt trong tôm
Hàm lượng sắt trong thịt tôm được xác định bằng phương pháp ICP-MS. Mười con tôm mỗi bể được bóc thịt, xay nhuyễn với nhau để làm mẫu. Mẫu được gửi sang Viện Khoa học Vật liệu để phân tích.
3.3.4. Chỉ tiêu tăng trưởng và tỉ lệ sống
Khối lượng và chiều dài tôm được xác định định kỳ 10 ngày 1 lần. Mỗi bể bắt ngẫu nhiên 10 con trong 150 con để đo và cân. Những con tôm này sau đó được thả lại nuôi tiếp. Những con bị chết trong quá trình cân đo được ghi lại. Thao tác đo: Sử dụng thước chuyên dụng dành riêng cho tôm thẻ chân trắng để đo (Hình 3.10). Đặt tôm cần đo sao cho đốt cuối cùng của tôm (telson) ở vạch số
0 của thước, đưa mắt nhìn vuông góc với thước từ trên xuống, ghi kết quả ở điểm cuối cùng của chủy tôm.
Thao tác cân tôm: Sử dụng cân điện tử sai số 0.001g (Hình 3.11) đặt cân ở trong phòng kín. Sau khi tôm không nhảy nữa thì đặt tôm lên cân, đóng lồng kính lại và ghi kết quả.