Trong việc phòng ngừa sự rò rỉ thông tin, Dinh [51] đã đặt ra bài toán tối đa hóa sự chia sẻ thông tin trong khi hạn chế thông tin rò rỉ đến người dùng không mong muốn, tức là xác suất rò rỉ thông tin nhỏ hơn một ngưỡng cho trước. Trong nghiên cứu này họ đã xây dựng bài toán trên mô hình MXH SML có hai tính năng là chia sẻ (share) và đề cập (mention) trạng thái tương ứng với các chức năng chia sẻ và đề cập trạng thái đối với các MXH hiện nay, họ chỉ ra đây là
bài toán NP-đầy đủ và đưa ra thuật toán hiệu quả để giải quyết, họ chỉ ra rằng không nên chia sẻ thông tin với những người có số lượng bạn bè lớn vì khả năng để rò rỉ thông tin cao hơn so với người dùng khác. Nghiên cứu này còn được Shen [53] tiếp tục phân tích về lý thuyết độ phức tạp trong các trường hợp khác nhau của bài toán cũng như tính đảm bảo về mặt tối ưu của thuật toán.
2.3.2 Nguyên nhân khách quan
Đối với nhóm nguyên nhân này, kẻ tấn công chủ đích thực hiện các cuộc tấn công đến người dùng nhằm lấy thông tin người dùng, như: địa chỉ email, thông tin bạn bè, thông tin nơi làm việc, các tổ chức của họ tham gia vv.. hoặc có thể là những thông tin có giá trị như tài khoản người dùng.
Khi lấy cắp được những thông tin trên, kẻ tấn công có thể sử dụng chúng cho những mục đích xấu, như: chúng có thể thu thập e-mail của người dùng nhằm gửi spam, thư rác đề lừa đảo, phát tán virus phục vụ cho mục đích xấu. Trong nghiên cứu liên quan đến vấn đề này, Bosmanf [6] đã thiết kế một Socialbots (là những tài khoản giả trên MXH) bắt chước các hành động của người dùng thật rồi tấn công đến người dùng thật bằng cách gửi yêu cầu kết bạn đến họ. Nếu người dùng chấp nhận yêu cầu kết bạn, Socialbot sẽ ngay lập tức có được các thông tin cá nhân của người dùng qua đó thực hiện các chiến lược phát tán thư rác quy mô lớn.