Giải thuật thực hiện của hệ thống

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu giải pháp mạng ngang hàng cho hệ thống truyền hình theo yêu cầu Luận văn ThS. Công nghệ thông tin 60 48 15 (Trang 50 - 52)

2.2. Cơ chế quản lý chỉ mục

2.2.1. Tổ chức chỉ mục

Trong hệ thống PPVoD, mỗi chỉ mục (index) chứa thông tin về các peer đang lưu giữ các phân mảnh của cùng một videoID. Thông tin chỉ mục có ý nghĩa phục vụ cho giai đoạn streaming kế tiếp của client. Cấu trúc chỉ mục bao gồm một cặp <videoID, PeerList>, trong đó PeerList là một danh sách mà mỗi phần tử trong đó chứa các thông tin cho một peer tương ứng bao gồm chỉ IP, tiền tố mạng (network prefix), các số hiệu cổng UDP và TCP.

Như đã đề cập trong phần 2.1.2, hệ thống PPVoD sử dụng một (hoặc một nhóm) tracker để duy trì và quản lý thông tin chỉ mục cho tất cả các peer tham gia. Cách tổ chức chỉ mục như vậy là theo phương thức tập trung (tương tự như hệ thống của Napster). Mặc dù ngoài ra còn có phương thức tổ chức chỉ mục phân tán tuy nhiên tác giả lựa chọn phương thức tập trung bởi nó có ưu điểm hơn so với phương thức phân tán ở khả năng tìm kiếm nhanh chóng và tính đơn giản trong quản lý. Nếu như không có tổ chức chỉ mục tập trung thì lưu lượng tải của các thông báo tìm kiếm trên toàn hệ thống sẽ tăng lên đáng kể. Cách tiếp cận này thực sự đơn giản và dễ triển khai, đặc biệt thích hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, vì họ cần sử dụng server để tính phí sử dụng cho các khách hàng.

Cách thức để một client nhận được chỉ mục từ tracker là ban đầu nó phải truy cập vào website của Web server. Thông qua website truy cập thì client sẽ nhận được một danh sách các video đang tồn tại trong hệ thống. Mỗi mục trong danh sách có chứa các thông tin mô tả video được yêu cầu bao gồm: tên phim, thể loại, ảnh bìa, mô tả nội dung, từ khóa tìm kiếm …. Các thông tin này đều được nhà cung cấp dịch vụ đưa vào cùng với file video khi phát hành. Ở góc độ người dùng, các video được phân biệt với nhau theo tên phim và có thể thực hiện tìm kiếm theo từ khóa. Ở góc độ ứng dụng, mỗi video đều có một videoID riêng biệt; như vậy trong giai đoạn streaming khi peer gửi yêu cầu tìm kiếm phân mảnh thì nó có thể sử dụng videoID để đảm bảo rằng các phân mảnh tìm thấy là thuộc cùng video. Và khi có một danh mục ứng với một video cụ thể được chọn thì Web server sẽ gửi về cho ứng dụng VoD chạy trên máy tính của người dùng một thông báo có chứa các thông tin mô tả liên quan đến file video yêu cầu, những thông tin này bao gồm: videoID, địa chỉ của video server, địa chỉ tracker, metadata (chứa các thông tin mô tả file video bao gồm: tên file, kích thước, …). Dựa trên các thông tin nhận được, bước tiếp theo client có thể tự kết nối với Tracker để tải về peerlist chứa danh sách các người dùng đang cùng truy cập video và chuẩn bị cho bước streaming kế tiếp.

Để cho hiệu quả tìm kiếm phân mảnh của client được tối ưu thì trong mô hình cũng sử dụng kỹ thuật phân cụm (clustering) để tổ chức lại danh sách peerlist của client. Kỹ thuật này dựa theo ý tưởng đề xuất trong bài báo [18]. Khái niệm cụm (cluster) được định nghĩa là một nhóm logic các client có cấu trúc liên kết (tô-pô) gần nhau, giống như trong cùng một network domain. Với dữ liệu thu thập được từ các

bảng định tuyến của những router lõi BGP (Border Gateway Protocol) thì các địa chỉ IP có cùng tiền tố lớn nhất (longest prefix) trùng với một trong các entry của bảng định tuyến sẽ được gán cho cùng một cluster ID. Để minh họa cho ý tưởng này, xét trường hợp có 5 peer P1, P2, P3, P4, P5 có địa chỉ lần lượt là 128.10.3.60, 128.10.3.100, 128.10.7.22, 128.2.10.11 và 128.2.11.43. Giả sử rằng trong các entry của bảng định tuyến, có hai entry sau: 128.10.0.0/16 và 128.2.0.0/16. Ba peer đầu tiên có cùng tiền tố độ dài 16 với entry 128.2.0.0/16. Do đó các peer P1, P2, P3 được nhóm vào cùng một cluster với ID là 128.10.0.0/16. Tương tự như vậy, P4 và P5 được nhóm vào cùng một cluster khác có ID là 128.2.0.0/16. Lưu ý là theo ý tưởng này thì cũng có thể tạo ra một cluster tốt hơn trong cùng domain. Ví dụ, P1 và P2 có thể được nhóm lại trong một domain nhỏ hơn với ID là 128.10.3.0/24. Kỹ thuật phân cụm này không bị vấn đề quá tải bởi vì nó chỉ thực hiện một lần khi peer mới tham gia vào hệ thống.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu giải pháp mạng ngang hàng cho hệ thống truyền hình theo yêu cầu Luận văn ThS. Công nghệ thông tin 60 48 15 (Trang 50 - 52)