1.3.1 Kinh nghiệm về phát triển CNHT ngành thép
1.3.1.1 CNHT sản xuất thép tại Trung Quốc
Trung Quốc – quốc gia đông dân nhất thế giới – ngày nay là không chỉ là một cường quốc về nhập khẩu thép mà còn là một cường quốc về sản xuất thép. Ngay từ những năm 40, Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến ngành sản xuất thép và đặc biệt là CNHT ngành thép, nỗ lực xây dựng ngành thép làm nền tảng cho công cuộc kiến thiết đất nước. Nhờ vậy mà ngành thép Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển ngày một vững chắc.
Một lợi thế trong việc phát triển CNHT ngành thép của Trung Quốc là rất giàu tài nguyên thiên nhiên như quặng sắt, than mỡ (dùng để luyện than cốc) là nguyên liệu chính của ngành công nghiệp luyện thép. Than cốc của Trung Quốc có sản lượng lớn nhất trên thế giới và nguồn nguyên liệu than mỡ chính được khai thác để sản xuất than cốc tập trung ở các tỉnh Sơn Tây, Quý Châu, Vân Nam (Nguồn: Hiệp hội gang thép Trung Quốc – CISA).
Từ 20/8/2008, Ủy ban thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu than cốc từ mức 25% lên 40%. Mục đích của quyết định này là làm giảm căng thẳng nguồn cung than cốc trên thị trường nội địa, kiềm chế xuất khẩu sản phẩm có độ ô nhiễm môi trường lớn và tiêu hao năng lượng.
Trung Quốc là nước xuất khẩu than cốc lớn nhất thế giới, chiếm tới 60% khối lượng trao đổi nhiên liệu này. Mặc dù một số nước phương Tây đã cắt giảm sản xuất than cốc vì những lý do liên quan tới môi trường, nhưng hoạt động xuất khẩu than cốc của Trung Quốc vẫn không ngừng tăng trong những năm gần đây. Năm 2006, Trung Quốc xuất khẩu 14,5 triệu tấn than cốc, tăng 14 lần so với năm 1991. Đặc biệt, riêng trong tháng 5/2008, Trung Quốc đã xuất khẩu ở mức kỷ lục 1,66 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng than cốc xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7/08 chỉ ở mức 830.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2007 khi Chính phủ nước này quyết định điều chỉnh lại chính sách xuất khẩu.
Trước đó, vào đầu năm 2008, Trung Quốc cũng đã nâng thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép từ 15% lên 25% và thép thành phẩm từ 10% lên 15%. Quyết định này đã làm cho giá phôi thép, thép trên thị trường khu vực tăng mạnh. Trong khi thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép của Trung Quốc tăng thêm 10% thì thép thành phẩm chỉ tăng thêm 5% điều này làm cho thép thành phẩm của Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nước này cũng tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ, tiếp thu trình độ quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới và đến nay đã được xếp vào hàng các quốc gia có trình độ công nghệ và kỹ thuật trung bình khá.
Trong thời gian qua Trung Quốc đã tiến hành nhiều bước đi đáng kể như đầu tư xây dựng nhiều nhà máy thép hiện đại chuyên sản xuấtcác loại thép đặc chủng và các nhà máy sản xuất than cốc với sản lượng lớn và thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất thép và than cốc thủ công với sản phẩm kém chất lượng ...
1.3.3.2 CNHT sản xuất thép tại Malaysia
Cũng như các nước đang phát triển tại Đông Nam Á, Malaysia những năm gần đây đều cố gắng kết hợp cả hai chiến lược “sản xuất thay thế nhập
khẩu” với “sản xuất hướng vào xuất khẩu” trong phát triển kinh tế. Để thực hiện được hai chiến lược trên, nước này đã đầu tư phát triển CNHT. Để phát triển CNHT, nước này đã xây dựng các chính sách ưu đãi tài chính thiết thực và phù hợp với các chương trình hỗ trợ kết nối kinh doanh, xây dựng năng lực và đề cao hợp tác quốc tế [1,17].
- Ưu đãi tài chính đối với các nhà sản xuất chế tạo: Được khởi xướng từ năm 1958, “Doanh nghiệp có tư cách tiên phong (PS)” là chương trình ưu đãi lâu đời nhất của Malaysia. Doanh nghiệp được công nhận tư cách tiên phong sẽ hưởng 5 năm miễn 70% (đến tối đa là 100%) thuế thu nhập doanh nghiệp. - Hỗ trợ kết nối kinh doanh: Chương trình phát triển nhà cung cấp (VDP) ban đầu được triển khai trong ngành công nghiệp ôtô, sau đó mở rộng sang công nghiệp điện – điện tử, đồ gỗ, nguyên vật liệu xây dựng, đóng tàu, … nhằm khuyến khích các DNVVN cung cấp linh phụ kiện trong nước và cung ứng cho các MNCs.
- Hỗ trợ xây dựng năng lực doanh nghiệp: Tổng công ty SME Malaysia (SME Corp) điều phối 41 trung tâm đào tạo kỹ năng trực thuộc và nhiều cơ sở đào tạo của các bộ, ngành và nhà tài trợ khác. SME Corp điều chỉnh thường xuyên danh sách nhà cung cấp đào tạo, thảo luận và phê duyệt nội dung đào tạo. Các SME tham gia các khóa đào tạo sẽ được trợ cấp 80% học phí. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, để tăng hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án, hình thức hỗ trợ sẽ dần chuyển thành các giải thưởng dựa trên thành tích đạt được thay vì các khoản trợ cấp không giám sát được.
- Hợp tác với Nhật Bản: Tiếp sau Hiệp định Đối tác kinh tế Nhật Bản – Malaysia (JMEPA), “Dự án hợp tác công nghiệp ô tô Malaysia – Nhật Bản” là một gói hỗ trợ tổng hợp trong vòng 5 năm bắt đầu từ cuối năm 2006 gồm có 10 hợp phần. Trong mỗi hợp phần, mỗi giai đoạn, dự án cử 15 chuyên gia
tinh gọn trong 6 tháng. Cùng với đó là “Dự án Phát triển nguồn nhân lực cho Công nghiệp vừa và nhỏ” từ năm 2006 đến 2009 đã đào tạo được 68 “cố vấn SME” thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật của JICA.
Các chính sách nói trên, được áp dụng cho tất cả các ngành CNHT của Malaysia trong đó có cả CNHT ngành thép. Tuy nhiên, để phát triển CNHT ngành thép, Chính phủ Malaysia còn đưa ra các biện pháp cụ thể, phù hợp với CNHT ngành thép như sau:
- Chính phủ Malaysia áp thuế xuất khẩu 30% đối với quặng sắt xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ quặng ở thị trường nội địa. Trước đó, các nhà sản xuất thép Malaysia đã yêu cầu Chính phủ áp thuế 30% hay 140 ringgit/tấn (tương đương 45 USD/tấn), tùy thuộc loại nào cao hơn, vào quặng xuất khẩu để khuyến khích hơn nữa hoạt động chế biến quặng thành các sản phẩm hoàn chỉnh (Nguồn: Hải quan Malaysia).
- Chính phủ khuyến khích các bang có trữ lượng quặng sắt và than đá, “giao đất nhiều hơn cho các nhà máy thép để thực hiện khai thác thương mại nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất thép” (Nguồn: Hiệp hội Thép Malaysia.)
Các nhà máy thép Malaysia sẽ đầu tư 5 tỷ ringgit trong 3 năm tới nhằm tăng công suất lên 3,2 triệu tấn. Các thành viên của Hiệp hội Thép Malaysia hiện có tổng công suất hơn 9 triệu tấn, chiếm hơn 85% tổng sản lượng của đất nước.
1.3.2 Bài học cho Việt Nam
Từ những kinh nghiệm trên, Việt Nam có thể rút ra một số bài học sau đây để phát triển ngành CNHT ngành thép
Thứ nhất, cần coi trọng phát triển ngành CNHT thép. Hầu hết trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, ngành Thép của các nước đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, các sản phẩm hỗ trợ. Tuy nhiên, không thể kéo dài tình trạng này, vì các doanh nghiệp Thép rất bị động trong việc sản xuất kinh doanh, giá trị gia tăng thấp do các sản phẩm được sản xuất ra dưới hình thức gia công.
Theo đó cần nhanh chóng tiến hành sản xuất trong nước để thay thế nhập khẩu và từng bước hướng ra thị trường xuất khẩu.
Thứ hai, yêu cầu về tỷ lệ nội địa bắt buộc trong các sản phẩm thép không còn phù hợp, nhưng Chính phủ vẫn có thể áp dụng các biện pháp thúc đẩy CNHT phát triển như các chính sách ưu đãi về tín dụng thương mại, thuế sản xuất, thuê đất đai, dịch vụ khác.
Thứ ba, thúc đẩy thu hút FDI vào phát triển ngành CNHT thép. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất cũng như việc chuyển giao công nghệ tiên tiến vào nội địa. Để làm được điều đó, Việt Nam cần tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.
Thứ tư, sự phát triển của CNHT gắn liền với sự phát triển của các DNVVN và khu vực tư nhân. Vì vậy Chính phủ cần có sự quan tâm phát triển các loại hình doanh nghiệp này, cần có các chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, có những hỗ trợ đặc biệt về vốn và những ưu đãi về thuế (miễn thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ, và thuế doanh thu…) và nên áp dụng có thời hạn.
Thứ năm, có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Sự liên kết này diễn ra các DNVVN với các doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy thành công trong việc thúc đẩy liên kết công nghiệp là nhờ sự phản ứng kịp thời của Chính phủ đối với những thay đổi trong môi trường kinh doanh, có những doanh nghiệp đủ mạnh dẫn đầu…
Chương 2
THỰC TRẠNG CNHT NGÀNH THÉP VIỆT NAM